Zolpidem

.Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

ZOLPIDEM 

Tên chung quốc tế: Zolpidem. 

Mã ATC: N05CF02. 

Loại thuốc: An thần gây ngủ. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén bao phim: 5 mg và 10 mg. 

Viên nén giải phóng chậm: 6,25 mg và 12,5 mg. 

Viên nén đặt dưới lưỡi: 1,75 mg; 3,5 mg; 5 mg; 10 mg. Dung dịch xịt miệng: 5 mg/7,7 ml. 

Một số sản phẩm chứa hoạt chất Zolpidem
Một số sản phẩm chứa hoạt chất Zolpidem

2 Dược lực học 

Zolpidem tartrat là một dẫn chất của imidazopyridin có tác dụng an thần, gây ngủ. Thuốc có tác dụng tăng cường hoạt tính chất trung gian thần kinh loại ức chế GABA (acid gamma-aminobutyric) thông qua tác dụng chủ vận chọn lọc lên thụ thể benzodiazepin 1 (BZ1), tăng mở kênh Cl-, gây ưu cực màng tế bào, ức chế hiệu điện thế hoạt động, giảm dẫn truyền các xung động thần kinh loại kích thích do vậy có tác dụng an thần, gây ngủ. Do tính chọn lọc trên thụ thể BZ1 hơn thụ thể BZ2, zolpidem ít có tác dụng giải lo, giãn cơ và chống co giật (các tác dụng này chủ yếu liên quan đến thụ thể BZ2). Zolpidem tác dụng nhanh và ngắn. Với liều gây ngủ thông thường, zolpidem rút ngắn thời gian khởi phát giấc ngủ, kéo dài thời gian ngủ, duy trì giấc ngủ sâu (giai đoạn 3 và 4). Tính gắn chọn lọc của zolpidem vào thụ thể BZ1 có thể làm giảm tiềm năng lạm dụng thuốc và làm giảm nguy cơ quen thuốc. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Zolpidem hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn qua Đường tiêu hóa. Thức ăn làm chậm và giảm hấp thu thuốc. Sau khi uống từ 30 phút đến 2 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa trong huyết tương. Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 70%. Thời gian khởi phát tác dụng 30 phút, thời gian duy trì tác dụng trung bình 6 – 8 giờ. 

3.2 Phân bố

Thể tích phân bố của thuốc khoảng 0,54 lít/kg. Zolpidem qua được sữa mẹ. Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 92%. Chưa biết zolpidem có qua nhau thai không. 

3.3 Chuyển hóa

Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan thông qua phản ứng methyl hóa và thủy phân nhờ CYP3A4 (~60%), CYP2C9 (~22%), CYP1A2 (~14%), CYP2D6 (~3%), CYP2C19 (~3%) tạo thành các chất chuyển hóa không còn hoạt tính. 

3.4 Thải trừ

Các chất chuyển hóa được thải trừ chủ yếu qua thận (48 – 67%) và phân (29 – 42%). Zolpidem có nửa đời thải trừ trung bình 2,5 giờ (từ 1,4 – 4,5 giờ); nửa đời thải trừ của thuốc kéo dài ở người cao tuổi, kéo dài hơn ở bệnh nhân suy gan (9,9 giờ) và suy thận. 

4 Chỉ định 

Điều trị chứng mất ngủ. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với thuốc. 

Chứng ngừng thở khi ngủ.

Suy hô hấp cấp. 

Chứng nhược cơ. 

Suy gan nặng. 

Loạn thần. 

6 Thận trọng 

Mất ngủ có thể là một biểu hiện của một bệnh thực thể và/hoặc một bệnh tâm thần, nên trước khi điều trị triệu chứng mất ngủ, phải thăm khám cẩn thận người bệnh. Nếu sau 7 – 14 ngày điều trị bằng zolpidem mà không đỡ, cần phải đánh giá lại, xác định nguyên nhân và điều trị căn nguyên. Không nên dùng thuốc quá 2 – 3 tuần. Thuốc có thể gây nguy cơ giảm hoạt động tâm thần vận động vào ngày hôm sau. Nên tránh dùng thuốc trong vòng 8 giờ trước khi lái xe hoặc các hoạt động cần tỉnh táo, tránh dùng thuốc cao hơn liều khuyến cáo, tránh phối hợp thuốc với rượu và các thuốc ức chế TKTW khác hoặc các thuốc làm tăng nồng độ zolpidem trong máu. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân suy hô hấp do thuốc gây ức chế hô hấp. 

Thận trọng khi sử dụng thuốc cho các bệnh nhân suy gan, người cao tuổi, bệnh nhân rối loạn tâm thần. 

Thận trọng khi sử dụng thuốc cho các bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc hoặc nghiện rượu do thuốc có thể làm tăng nguy cơ phụ thuộc thuốc cả về thể chất và tinh thần. Nguy cơ này tăng lên phụ thuộc liều và thời gian điều trị. Cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân trong quá trình điều trị với zolpidem. 

Người bệnh trầm cảm thường có nguy cơ tự sát cao, tránh kê đơn với một lượng lớn zolpidem cho bệnh nhân. Ngoài ra, mất ngủ có thể là một triệu chứng của trầm cảm, bệnh nhân cần được đánh giá lại nếu mất ngủ kéo dài, dai dẳng. 

Thận trọng khi sử dụng thuốc kéo dài do nguy cơ dung nạp thuốc. Cần giảm liều từ từ trước khi ngừng thuốc để tránh hiện tượng cai thuốc. Các triệu chứng cai thuốc thường gặp: đau đầu, đau cơ, lo âu căng thẳng, mệt mỏi, lú lẫn, kích động, mất ngủ trầm trọng trở lại. Một số trường hợp nặng có thể có: mất nhân cách, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, tê bì chân tay, hoang tưởng hoặc co giật. Thuốc có thể gây suy giảm trí nhớ. Hiện tượng này thường xảy ra vài giờ sau uống thuốc. Để giảm nguy cơ bệnh nhân nên đảm bảo sẽ ngủ đủ liên tục 8 giờ. 

Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân cao tuổi. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ cho các triệu chứng trên tâm thần và phản ứng nghịch thường như mệt mỏi, mất ngủ, kích động, tức giận, ác mộng, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, hành vi bất thường và các ảnh hưởng bất lợi khác có thể xảy ra khi dùng thuốc. Ngừng thuốc nếu các triệu chứng trên xảy ra. 

Thuốc có thể gây mộng du với các triệu chứng như đi lại, lái xe, ăn, gọi điện thoại trong khi ngủ. Tình trạng này tăng lên khi phối hợp với các thuốc ức chế TKTW hoặc rượu, hoặc sử dụng quá liều khuyến cáo. Ngừng thuốc nếu các triệu chứng trên xảy ra. 

Thuốc có thể gây ngủ lơ mơ, giảm tỉnh táo, điều này có thể dẫn đến ngã hoặc các tổn thương nghiêm trọng. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng zolpidem ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không gây độc tính trên sinh sản. Tuy nhiên chưa rõ nguy cơ cho người. Không khuyến cáo dùng zolpidem cho người mang thai, trừ khi lợi ích cho mẹ vượt trội nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi. 

Các trẻ sơ sinh phải được theo dõi cẩn thận trong trường hợp dùng zolpidem cho mẹ ở giai đoạn cuối thai kỳ. Thuốc có thể gây hạ thân nhiệt, giảm trương lực, suy hô hấp, lệ thuộc thuốc, hội chứng cai thuốc cho trẻ sơ sinh. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Zolpidem phân bố vào sữa mẹ một lượng nhỏ, ảnh hưởng của thuốc trên trẻ bú mẹ chưa rõ. Tuy nhiên, để tránh ADR đối với trẻ, trong thời kỳ cho con bú người mẹ không nên dùng thuốc hoặc ngừng cho con bú khi dùng thuốc. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Zolpidem nói chung dung nạp tốt ở liều điều trị. ADR có xu hướng tăng theo liều dùng, thời gian dùng thuốc, đặc biệt với người cao tuổi. ADR chủ yếu liên quan đến TKTW và tiêu hóa như buồn ngủ, chóng mặt, tiêu chảy. 

9.1 Thường gặp 

ADR thường gặp của Zolpidem
ADR thường gặp của Zolpidem

TKTW: ảo giác, kích động, ác mộng, buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, suy giảm trí nhớ. 

Tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng. 

Cơ – xương – khớp: đau lưng. 

Nhiễm trùng: nhiễm trùng hô hấp trên, hô hấp dưới. 

Toàn thân: mệt mỏi. 

9.2 Ít gặp 

TKTW: lú lẫn, dễ bị kích thích, dị cảm, run. 

Mắt: song thị, nhìn mờ. 

Chuyển hóa: rối loạn ăn uống. 

Cơ – xương – khớp: đau cơ, co thắt cơ. 

9.3 Hiếm gặp 

Mắt: Suy giảm thị lực. 

9.4 Chưa xác định được tần suất 

Hệ miễn dịch: phù mạch thần kinh. 

TKTW: bồn chồn, kích động, cáu giận, rối loạn tâm thần, hành vi bất thường, mộng du, phụ thuộc thuốc, rối loạn ham muốn tình dục, trầm cảm, cảm giác phấn chấn, giảm tỉnh táo, rối loạn chú ý, rối loạn ngôn ngữ. 

Hô hấp: suy hô hấp. 

Gan, mật: tăng enzym gan, tổn thương gan, ứ mật. 

Da: phát ban, mẩn ngứa, nổi mày đay, tăng tiết mồ hôi. 

Cơ – xương – khớp: yếu cơ. 

Toàn thân: rối loạn dáng đi, dung nạp thuốc, ngã (đặc biệt ở người già và khi dùng thuốc không theo khuyến cáo). 

9.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Do thuốc gây buồn ngủ, chóng mặt và giảm trí nhớ nên uống thuốc vào buổi tối khi đi ngủ; không nên uống trong khi làm việc, nhất là người lái tàu xe hoặc vận hành máy móc. 

Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng đối với zolpidem không thấy rõ khả năng gây phụ thuộc thuốc nhưng có một số báo cáo về hội chứng cai thuốc của zolpidem. Vì vậy, sau khi dùng thuốc kéo dài hoặc liều cao cần giảm liều dần dần trước khi ngừng hẳn. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Uống thuốc ngay trước khi đi ngủ. Viên giải phóng chậm phải nuốt toàn viên, không được nhai hoặc chia nhỏ. 

Khi sử dụng viên nén đặt dưới lưỡi, cần hướng dẫn bệnh nhân chỉ lấy viên thuốc ra khỏi bao bì ngay trước khi dùng thuốc, sau đó đặt nhẹ nhàng dưới lưỡi để hòa tan, không nuốt thuốc hoặc uống cùng nước. 

Khi sử dụng dạng dung dịch xịt, cần hướng dẫn bệnh nhân xịt trực tiếp vào miệng phía trên lưỡi. 

11 Liều dùng 

Liều dùng thay đổi tùy từng người, phải dùng liều nhỏ nhất có hiệu quả (đặc biệt đối với người cao tuổi, người suy nhược, người cỏ bệnh gan). Tránh điều trị kéo dài. 

Người lớn: Liều thường dùng: 10 mg (viên nén thông thường, viên nén đặt dưới lưỡi, dạng xịt) hoặc 12,5 mg (viên giải phóng kéo dài) trước khi đi ngủ. 

Người cao tuổi, người suy nhược: Liều khởi đầu 5 mg (viên nén thông thường, viên nén đặt dưới lưỡi, dạng xịt) hoặc 6,25 mg (viên giải phóng kéo dài) trước khi đi ngủ; hiệu chỉnh liều nếu cần. Người suy gan: Liều khởi đầu 5 mg (viên nén thông thường, viên nén đặt dưới lưỡi, dạng xịt) hoặc 6,25 mg (viên giải phóng kéo dài) trước khi đi ngủ; hiệu chỉnh liều nếu cần. 

Người suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều. 

Trẻ em: Hiệu quả và tính an toàn của thuốc với trẻ dưới 18 tuổi chưa được nghiên cứu; không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ em. Thời gian điều trị: càng ngắn càng tốt, nếu có thể, từ vài ngày đến 4 tuần, kể cả thời gian giảm liều. 

12 Tương tác thuốc 

12.1 Các thuốc tránh phối hợp 

Rượu: Tăng tác dụng an thần, có thể ảnh hưởng đến tác dụng lái xe và vận hành máy móc. 

Fluvoxamin, ciprofloxacin: Phối hợp làm tăng nồng độ zolpidem trong máu, tăng tác dụng và độc tính của thuốc. 

Các chế phẩm có chứa cỏ St. John: Phối hợp làm giảm nồng độ zolpidem, giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. 

12.2 Các thuốc cần thận trọng khi phối hợp 

Các thuốc ức chế TKTW: Các thuốc chống loạn thần, thuốc an thần, gây ngủ, các thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau gây ngủ, thuốc chống động kinh, thuốc gây mê, các kháng histamin loại an thần. Phối hợp với zolpidem làm tăng tác dụng ức chế TKTW, tăng nguy cơ lờ đờ, giảm tâm thần vận động vào ngày hôm sau, giảm khả năng lái xe và vận hành máy móc, thậm chí ảo giác. 

Các thuốc gây ức chế enzym gan: Tăng tác dụng của zolpidem. Tuy nhiên khi phối hợp zolpidem với các thuốc ức chế enzym gan mạnh như itraconazol, ketoconazol không làm thay đổi có ý nghĩa các thông số dược động học, dược lực học của zolpidem do vậy không cần hiệu chỉnh liều. 

Các thuốc gây cảm ứng enzym gan như Rifampicin làm giảm tác dụng của zolpidem. 

13 Quá liều và xử trí 

13.1 Triệu chứng

Triệu chứng quá liều thường gặp: Suy giảm ý thức từ mức độ an thần cho đến hôn mê, đôi khi xuất hiện giảm trương lực, hạ huyết áp, suy hô hấp, tử vong. 

13.2 Xử trí

Biện pháp giải độc chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc hỗ trợ, theo dõi chức năng tim mạch và các dấu hiệu sinh tồn. Rửa dạ dày cùng với uống than hoạt để loại bỏ và ngăn cản hấp thu phần thuốc còn lưu lại trong đường tiêu hóa. Zolpidem ít thải trừ qua thẩm phân phúc mạc. Có thể sử dụng thuốc đối kháng đặc hiệu Flumazenil cho các bệnh nhân nhập viện để điều trị quá liều zolpidem. 

Cập nhật lần cuối: 2017

Để lại một bình luận