Cefotaxim

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

CEFOTAXIM 

Tên chung quốc tế: Cefotaxime. 

Mã ATC: J01DD01. 

Loại thuốc: Kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Lọ bột vô khuẩn pha tiêm chứa cefotaxim natri, tương đương với 0,5 g, 0,75 g, 1 g, 1,5 g, 2 g cefotaxim. 

1,05 g cefotaxim natri tương đương với khoảng 1 g cefotaxim. 

2 Dược lực học 

2.1 Cơ chế tác dụng 

Tương tự như các kháng sinh khác trong nhóm cephalosporin, cefotaxim gắn với protein liên kết penicilin, từ đó, ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, gây ly giải và chết tế bào. 

2.2 Phổ tác dụng 

Cefotaxim có phổ tác dụng rộng trên vi khuẩn hiếu khí Gram dương và Gram âm. 

Phổ tác dụng của cefotaxim tương đồng với ceftriaxon. Cefotaxim tác dụng trên tụ cầu kém hơn so với các cephalosporin thế hệ 1 nhưng có phổ trên các vi khuẩn Gram âm rộng hơn so với các cephalosporin thế hệ 1 và 2. 

Cefotaxim không có hoạt tính chống lại Chlamydia, nấm và virus. Chất chuyển hóa chính của cefotaxim là desacetylcefotaxim, có hoạt tính kháng khuẩn khoảng 10% so với cefotaxim. 

Vi khuẩn hiếu khí Gram dương: Cefotaxim có hoạt tính trên các chủng Gram dương, bao gồm Streptococcus pneumoniae, S. pyogenes (liên cầu beta tan huyết nhóm A), Staphylococcus aureus, Enterococci, S. epidermidis. Cefotaxim không có hoạt tính trên các chủng Enterococci và Staphylococcus aureus kháng methicilin (MRSA). 

Vi khuẩn hiếu khí Gram âm: Cefotaxim có hoạt tính trên hầu hết các vi khuẩn họ Enterobacteriaceae, bao gồm: Citrobacter freundii, C. diversus, Enterobacter aerogenes, E. cloacae, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, K. oxytoca, Morganella morganii (trước đây là Proteus morganii), Proteus mirabilis, P. vulgaris, Providencia stuartii (trước đây là Proteus inconstans nhóm B), P. rettgeri, (trước đây là Proteus rettgeri), Salmonella, Serratia marcescens, Shigella và Yersinia enterocolitica. Cefotaxim cũng có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm khác, bao gồm Haemophilus influenzae, Neisseria gonorrhoeae, N. meningitidis, Moraxella catarrhalis. Cefotaxim có hoạt tính yếu và không có ý nghĩa lâm sàng trên Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter spp., Burkholderia cepacia.

Vi khuẩn kỵ khí: Cefotaxim có hoạt tính trên một số vi khuẩn kỵ khí Gram âm như Peillonella và Fusobacterium. Tuy nhiên, Bacteroides fragilis đề kháng với cefotaxim. 

Cefotaxim cũng không có tác dụng trên C. difficile. 

2.3 Cơ chế đề kháng 

Tương tự như các cephalosporin phổ rộng khác, tác dụng của cefotaxim trên các vi khuẩn họ Enterobacteriaceae bị bất hoạt bởi các beta-lactamase. 

Beta-lactamase thường gặp nhất là các beta- lactamse phổ rộng – ESBL (thường gặp nhất ở các chủng Klebisella spp. và E.coli) và beta-lactamase lớp C có thể cảm ứng được trên nhiễm sắc thể (AmpC) (gặp ở các chủng Enterobacter spp., Citrobacter freundii, Serratia marcescens, Morganella morganii và một số trực khuẩn Gram âm khác). 

Với sự bùng phát các chủng vi khuẩn sinh beta-lactamase, hoạt tính của cefotaxim trên họ trực khuẩn đường ruột hiện đang có xu hướng giảm. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Cefotaxim được sử dụng theo đường tiêm bắp sâu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, sau khi tiêm tĩnh mạch liều 1 g, nồng độ đỉnh của cefotaxim trong huyết thanh trong khoảng 81 – 102 microgam/ml. Tương tự, sau khi tiêm bắp liều 1 g, nồng độ đỉnh của cefotaxim trong huyết thanh dao động từ 20,5 – 25,3 microgam/ml đạt được trong vòng 30 phút sau khi tiêm. 

3.2 Phân bố

Sau khi tiêm bắp và tĩnh mạch cefotaxim ở liều điều trị, cefotaxim và chất chuyển hóa còn hoạt tính được phân bố rộng rãi vào các mô và dịch trong cơ thể, bao gồm cả thủy dịch, dịch tiết phế quản, đờm, dịch rỉ tai giữa, xương, mật, dịch cổ trướng, dịch màng phổi và dịch tiền liệt tuyến. Thể tích phân bố biểu kiến của cefotaxim ở người lớn khoảng 0,22 – 0,29 lít/kg. Tỷ lệ liên kết của cefotaxim với protein huyết tương khoảng 13 – 38%. Nồng độ cefotaxim trong dịch não tủy thấp khi màng não không bị viêm nhưng ở trẻ viêm màng não, nồng độ cefotaxim được phát hiện trong dịch não tủy trong khoảng 3 – 30 microgam/ml. Thuốc thấm tốt qua nhau thai, nồng độ thuốc trong dịch ối cao hơn hoặc bằng nồng độ thuốc trong máu của người mẹ sau khi sử dụng liều lặp lại. Cefotaxim được bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. 

3.3 Chuyển hóa

Một phần cefotaxim được chuyển hóa nhanh chóng tại gan tạo chất chuyển hóa chính vẫn có hoạt tính là desacetylcefotaxim. 

3.4 Thải trừ

Cefotaxim được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (60%) dưới dạng không đổi và khoảng 24% dưới dạng chất chuyển hóa (desacetylcefotaxim). Sau khi sử dụng cefotaxim theo đường tĩnh mạch ở người khỏe mạnh, nửa đời thải trừ của cefotaxim khoảng 0,9 – 1,14 giờ và của desacetylcefotaxim khoảng 1,3 giờ. Ở bệnh nhân suy thận nặng, nửa đời thải trừ của cefotaxim kéo dài ít (khoảng 2,5 giờ) nhưng của desacetylcefotaxim tăng đáng kể (khoảng 10 giờ). Cefotaxim và chất chuyển hóa bị thải qua lọc máu, với lượng thuốc bị thải phụ thuộc vào một số yếu tố như loại vòng xoắn, tốc độ chảy. Cefotaxim rất ít bị loại bỏ bởi thẩm phân phúc mạc.

4 Chỉ định 

Cefotaxim được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm bao gồm: 

  • Nhiễm khuẩn hô hấp dưới: viêm phổi mắc phải ở cộng đồng. 

  • Nhiễm khuẩn da – mô mềm: viêm mô tế bào, áp xe hoặc loét hoại tử da hoặc mô dưới da. 

  • Nhiễm khuẩn xương khớp: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm tủy xương nhiễm khuẩn, viêm bao hoạt dịch. 

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu phức tạp và không phức tạp. 

  • Nhiễm khuẩn sinh dục: viêm nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu, viêm dây chằng rộng). 

  • Bệnh lậu cầu không biến chứng ở bệnh nhân thất bại hoặc có chồng chỉ định với penicilin. 

  • Nhiễm khuẩn ổ bụng: viêm màng bụng và các nhiễm khuẩn mật, gan hoặc tụy. 

  • Nhiễm khuẩn TKTW: viêm màng não do vi khuẩn, áp xe não, viêm não thất (kết hợp với các kháng sinh khác). 

  • Nhiễm khuẩn huyết (kết hợp với các kháng sinh khác). 

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (kết hợp với các kháng sinh khác). 

Lựa chọn thay thế trong dự phỏng nhiễm khuẩn vết mổ trong các phẫu thuật đại trực tràng, tiêu hóa, tuyến tiền liệt, niệu – sinh dục hoặc phụ khoa ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ. 

5 Chống chỉ định 

Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với cefotaxim, các kháng sinh khác trong nhóm cephalosporin hoặc dị ứng nặng (phản vệ hoặc phản ứng trên da nặng như hội chứng Stevens-Johnson/Lyell) với kháng sinh nhóm penicilin. 

6 Thận trọng 

Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefotaxim, cần khai thác cẩn thận tiền sử dị ứng của bệnh nhân với kháng sinh nhóm penicilin hoặc các kháng sinh beta-lactam khác do có khả năng dị ứng chéo giữa nhóm penicilin và cephalosporin (tần suất khoảng 0,5 – 6,5%). Đặc biệt thận trọng khi sử dụng cefotaxim trên các bệnh nhân có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm penicilin và chống chỉ định trên bệnh nhân có tiền sử dị ứng nặng. 

Tiêu chảy nặng và hoặc kéo dài xảy ra trong thời gian điều trị hoặc cho đến 2 tháng kể từ khi ngừng cefotaxim có thể là dấu hiệu của tiêu chảy do C.difficile. Tiêu chảy do C.difficile có mức độ thay đổi từ nhẹ đến nặng, đe dọa tính mạng trong đó, với dạng nặng nhất là viêm đại tràng giả mạc. Trong trường hợp nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc, cần ngừng cefotaxim, bù nước và điện giải, bổ sung protein và điều trị kháng sinh phù hợp ngay lập tức. Thận trọng khi dùng cefotaxim trên đối tượng bệnh nhân có tiền sử bệnh lý Đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng. 

Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính hoặc thậm chí, mất bạch cầu hạt có thể xảy ra khi điều trị bằng cefotaxim, đặc biệt khi dùng thuốc kéo dài. Vì vậy, nếu thời gian điều trị bằng cefotaxim kéo dài trên 7 – 10 ngày, cần theo dõi công thức máu và ngừng thuốc nếu xuất hiện giảm tiểu cầu. 

Sử dụng liều cao kháng sinh beta-lactam, trong đó có cefotaxim, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận có thể dẫn đến các bệnh lý não (có triệu chứng như giảm tỉnh táo, cử động bất thường, thậm chí co giật). Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng này, cần ngừng thuốc ngay. 

Cần đảm bảo thời gian đưa thuốc khi truyền cefotaxim qua cathete tĩnh mạch trung tâm, do có thể xuất hiện phản ứng loạn nhịp tim nguy hiểm tính mạng nếu đưa thuốc quá nhanh. 

Cefotaxim có thể gây dương tính giả với xét nghiệm Coombs và xét nghiệm đường niệu. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa có bằng chứng lâm sàng về ảnh hưởng của việc sử dụng cefotaxim trên phụ nữ mang thai. Cefotaxim thấm qua nhau thai, do đó, chỉ nên sử dụng cefotaxim trong thai kỳ khi thực sự cần thiết. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Cefotaxim được bài tiết vào sữa mẹ ở nồng độ thấp, có thể gây tiêu chảy, nấm miệng và phát ban ở trẻ bú mẹ. Cân nhắc giữa lợi ích của thuốc cho mẹ và lợi ích của việc cho trẻ bú để quyết định ngừng cho con bú khi dùng thuốc hoặc ngừng điều trị bằng cefotaxim để trẻ bú mẹ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Thường gặp 

Tại chỗ: đau, viêm thành mạch ở vị trí tiêm truyền. 

Tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn. 

Thần kinh: đau đầu, chóng mặt. 

Huyết học: giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa acid, giảm tiểu cầu. 

Da và mô dưới da: phát ban, ngứa, mày đay. 

9.2 Ít gặp 

Miễn dịch: phản ứng Jarisch-Herxheimer khi điều trị bệnh lyme (triệu chứng ngứa, đỏ da, sốt, giảm bạch cầu, tăng enzym gan, khó thở, đau khớp). 

TKTW: co giật. 

Gan mật: tăng enzym gan (AST, ALT, LDH, GGT, ALP) và/hoặc tăng bilirubin. 

Thận: tăng nồng độ creatinin huyết thanh, suy thận. 

Toàn thân: sốt. 

9.3 Chưa xác định được tần suất 

Huyết học: giảm bạch cầu trung tính, mất hạt bạch cầu hạt, thiếu máu tan huyết, rối loạn bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, tăng bạch cầu ưa acid. 

Miễn dịch: phù mạch, co thắt phế quản, phản vệ. 

Thần kinh: bệnh não (giảm ý thức, động tác bất thường). 

Tim: loạn nhịp sau khi dùng nhanh liều tải qua cathete tĩnh mạch trung tâm. 

Tiêu hóa: viêm đại tràng giả mạc. 

Gan mật: viêm gan. 

Da và mô dưới da: hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson/ Lyell. 

Thận: viêm thận kẽ. 

9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Nếu xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần ngừng thuốc ngay và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp để cấp cứu phản vệ (tiêm adrenalin, corticosteroid, duy trì thông khí, thở oxy). Cefotaxim không có thuốc giải độc đặc hiệu. Trong trường hợp phản ứng nặng, bệnh nhân co giật, có thể tiến hành thẩm tách máu để loại bỏ thuốc khỏi cơ thể. 

Trong trường hợp viêm đại tràng và/hoặc tiêu chảy nặng (lưu ý phản ứng có thể xuất hiện muộn sau 2 tháng kể từ khi ngừng thuốc) không tự khỏi, cần thực hiện xét nghiệm vi sinh, bù nước, điện giải, bổ sung protein.

Với viêm đại tràng màng giả, chỉ định điều trị ngay kháng sinh chống C.difficile (metronidazol hoặc Vancomycin đường uống). 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Cefotaxim natri được sử dụng theo đường tiêm bắp sâu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Ưu tiên đường tiêm truyền tĩnh mạch so với tiêm bắp trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn TKTW, viêm phúc mạc và các nhiễm trùng đe dọa tính mạng khác hoặc trên các bệnh nhân có khả năng suy giảm miễn dịch do các tình trạng khác (như suy dinh dưỡng/suy kiệt, chấn thương, phẫu thuật, đái tháo đường, suy tim, ung thư), đặc biệt là khi kèm theo sốc nhiễm khuẩn. Hoàn nguyên 1 g bột pha tiêm cefotaxim với 4 ml nước cất pha tiêm, lắc kỹ. 

Tiêm bắp cần tiêm sâu vào một khối cơ lớn. Nếu tiêm liều 2 g cần chia ra để tiêm vào 2 vị trí khác nhau và đảo vị trí tiêm cho các lần tiêm sau. Nếu bệnh nhân đau khi tiêm bắp, có thể sử dụng Dung dịch lidocain 1% để hoàn nguyên. Với liều lớn, nên ưu tiên đường tĩnh mạch để tránh đau cho bệnh nhân. 

Với tiêm tĩnh mạch, thời gian tiêm tĩnh mạch khoảng 3 – 5 phút. Thời gian tiêm tĩnh mạch không nên dưới 3 phút do tiêm nhanh dưới 1 phút có thể gây rối loạn nhịp tim nguy hiểm tính mạng. 

Để truyền tĩnh mạch, pha loãng dung dịch thuốc sau khi hoàn nguyên với dung môi tương hợp (thường sử dụng 100 ml dung dịch Natri clorid 0,9%). Thời gian truyền tĩnh mạch trong khoảng 20 – 60 phút. 

10.2 Liều dùng 

10.2.1 Người lớn và trẻ em trên 50 kg

Liều thường dùng với nhiễm khuẩn không nghiêm trọng: 1 g mỗi 12 giờ; với nhiễm khuẩn trung bình đến nặng: 1 – 2 g mỗi 8 giờ; với nhiễm khuẩn nặng: 2 – 3 g mỗi 6 – 8 giờ, tối đa 12 g/ngày. 

10.2.2 Trẻ sơ sinh < 1 tuần tuổi

50 mg/kg mỗi 12 giờ. 

10.2.3 Trẻ 1 – 4 tuần tuổi

50 mg/kg mỗi 8 giờ. 

10.2.4 Trẻ 1 tháng – 12 tuổi hoặc trẻ dưới 50 kg

Liều thường dùng với nhiễm khuẩn không nghiêm trọng: 50 – 100 mg/kg/ngày, có thể tăng lên đến 200 mg/kg/ngày trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc nghiêm trọng. Tổng liều hàng ngày được chia thành các liều nhỏ, cách nhau mỗi 8 – 12 giờ (tối đa mỗi 6 giờ). 

Thời gian dùng cefotaxim tùy thuộc vào loại nhiễm khuẩn nhưng nhìn chung nên kéo dài 48 – 72 giờ sau khi bệnh nhân đã hết sốt hay có bằng chứng chứng tỏ đã hết nhiễm khuẩn. Đối với nhiễm khuẩn TKTW, thời gian điều trị kéo dài 7 – 21 ngày tùy theo tác nhân gây bệnh. 

10.2.5 Bệnh lậu

Viêm kết mạc bẩm sinh do lậu cầu ở trẻ sơ sinh: 100 mg/kg (tối đa 1 g), 1 liều duy nhất; bệnh lậu không biến chứng ở tử cung/cổ tử cung/trực tràng: Tiêm bắp 0,5 – 1 g, 1 liều duy nhất. 

10.2.6 Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật

Người lớn 1 g (2 g đổi với bệnh nhân > 80 kg) dùng 30 – 60 phút trước phẫu thuật. Nếu phẫu thuật kéo dài trên 90 phút, nên sử dụng thêm một liều lặp lại. Cefotaxim nên được sử dụng phối hợp với các kháng sinh khác để bao phủ các vi khuẩn kỵ khí khi cần thiết. 

10.2.7 Liều dùng ở bệnh nhân suy thận

Độ thanh thải creatinin < 20 ml/phút: Giảm nửa liều. 

Độ thanh thải creatinin < 5 ml/phút: Giảm liều còn 1 g/ngày, chia 2 lần. 

Bệnh nhân có thẩm tách máu: Cần bổ sung thêm 1 liều sau mỗi lần thẩm tách máu do cefotaxim bị thải một lượng lớn qua lọc. Không cần giảm liều cho người cao tuổi nếu chức năng thận không bị ảnh hưởng. 

11 Tương tác thuốc 

Warfarin hoặc các thuốc chống đông nhóm coumarin: Các cephalosporin phổ rộng có thể tăng nguy cơ gây chảy máu do ức chế tiểu cầu khi sử dụng đồng thời với warfarin hoặc các thuốc chống đông nhóm coumarin, nên theo dõi chỉ số INR để điều chỉnh liều thuốc chống đông phù hợp khi bắt đầu hoặc ngừng sử dụng cephalosporin. 

Probenecid: Sử dụng đồng thời probenecid và cefotaxim làm chậm thải trừ cefotaxim, làm tăng nồng độ cefotaxim trong huyết thanh. 

Thuốc lợi tiểu quai và các thuốc khác có nguy cơ gây suy thận: Sử dụng đồng thời cefotaxim với các thuốc có nguy cơ gây độc tính trên thận (như kháng sinh aminoglycosid, Polymyxin B và colistin) và các thuốc lợi tiểu mạnh (như furocemid) có thể tăng độc tính trên thận của các thuốc này, cần theo dõi chức năng thận của bệnh nhân. 

12 Tương kỵ 

Cefotaxim không tương hợp với các dung dịch kiềm như natri djbuy bicarbonat. Không tiêm cùng Amikacin, aminophylin, doxapram, fluconazol, Gentamicin, pantoprazol, tobramycin, vancomycin. 

Khi tiêm truyền tĩnh mạch, nếu sử dụng cùng với một aminoglycosid (như amikacin, gentamicin, tobramycin) nên tiêm mỗi thuốc ở một vị trí riêng rẽ hoặc tráng rửa sạch dây truyền với dung môi tương hợp sau khi truyền mỗi thuốc. 

13 Quá liều và xử trí 

13.1 Triệu chứng

Thường gặp nhất là tăng nitơ urê (BUN) hoặc creatinin huyết nhưng hầu hết các trường hợp quá liều cefotaxim không có triệu chứng đặc hiệu. Trên các bệnh nhân sử dụng liều rất cao và sẵn có yếu tố nguy cơ, có nguy cơ xảy ra bệnh lý não (có thể hồi phục), kích thích quá mức TKTW, múa giật và co rút cơ như đã được mô tả với các kháng sinh beta-lactam khác. 

13.2 Xử trí

Không có thuốc giải độc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, có thể kết hợp với thải cefotaxim bằng thẩm tách máu. 

Cập nhật lần cuối: 2018
 

Để lại một bình luận