Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Magnoliidae (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) |
Piperales (Hồ tiêu) |
Họ(familia) |
Aristolochiaceae (Mộc hương) |
Chi(genus) |
Aristolochia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Aristolochia contorta Bunge |
Rễ gió thuộc dạng thân leo nhẵn, có khi dài hàng mét. Rễ cây có dạng hình trụ màu nâu vàng. Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình tim, cây ít được sử dụng để làm thuốc ở nước ta. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Aristolochia contorta Bunge
Tên gọi khác: Bắc mã đâu linh.
Họ thực vật: Mộc Hương (Aristolochiaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rễ gió thuộc dạng thân leo nhẵn, có khi dài hàng mét. Rễ cây có dạng hình trụ màu nâu vàng.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình tim, chiều dài từ 13 đến 18cm, chiều rộng từ 10-14cm. Gốc lá lõm sâu, đầu lá nhọn, mép lá nguyên. Mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới lá có nhiều lông mịn. Gân lá tạo thành mạng lưới rõ, chiều dài cuống lá là từ 3 đến 7cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, mỗi cụm gồm 3-10 hoa, lá bắc màu lục tím, bao hoa có dạng hình trụ, hơi cong, chiều dài từ 3-4cm, gốc phình tạo thành hình cầu, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới màu nâu tím, nhị 6.
Quả nang hình trứng, chiều dài từ 4-6cm, khi chín nứt làm 6 mảnh từ đầu cuống.
Hạt có hình tam giác, dẹt, mép hạt có cánh.
Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 5.
Dưới đây là hình ảnh cây Rễ gió:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân cây, quả.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Aristolochia L. trên thế giới có gần 300 loài, được tìm thấy chủ yếu ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, một số ít loài được tìm thấy ở vùng ôn đới ấm.
Vùng nhiệt đới Nam Mỹ được coi là khu vực có mức độ đa dạng cao về thành phần loài của chi này. Khu vực Đông Nam Á cũng là nơi tập trung số lượng loài lớn của châu Á gồm Malaysia (28 loài), Việt Nam (15 loài).
Rễ gió phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Á, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, đảo Đài Loan và Việt Nam. Tại nước ta, cây mới được phát hiện ở Lạng Sơn, Kon Tum.
Rễ gió là loài ưa ẩm, chịu bóng khi còn nhỏ sau leo lên các bụi khác và trở thành ưa sáng. Cây thường mọc ở ven rừng, bờ nương rẫy với độ cao phân bố từ 350 mét trở lên. Cây ra hoa quả hàng năm, mỗi quả chứa nhiều hạt. Hạt có màng mỏng, phát tán nhờ gió.
Rễ gió là loài tương đối hiếm gặp do đó cần đưa Rễ gió vào Danh mục Đỏ để có phương pháp bảo vệ.
2 Thành phần hóa học
Một số thành phần hóa học được biết đến trong cây Rễ gió bao gồm:
- Aristolenon.
- Acid 7-methoxy aristolochic.
Ngoài ra, cây còn chứa magnoflorin.
3 Tác dụng – Công dụng của cây Rễ gió
3.1 Cây rễ gió có tác dụng gì?
Thành phần acid aristolochic A có trong cây Rễ gió cho thấy tác dụng ức chế một số vi khuẩn Gram (+) gồm liên cầu, tụ cầu, song cầu ở nồng độ 50-300 µg/ml và ức chế vi khuẩn Gram (-) và nấm ở nồng độ 200µg/ml.
Những con chuột nhắt trắng sau khi tiêm phúc mạc acid aristolochic A với liều 50 µg/ml không bị mắc bệnh bởi tụ cầu vàng, liên cầu tan máu và phế cầu. Hoạt tính thực bào của đại thực bào ở phúc mạc chuột nhắt trắng điều trị được kích thích một cách rõ rệt.
Tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng với liều 1,25 đến 5mg/kg trong 5 ngày đã cho thấy khả năng sống sót kéo dài hơn sau khi gây u báng sarcom-37 cho chuột. Tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng và acid aristolochic A với liều 2,5 đến 5mg/ngyaf trong 3 ngày sau khi cấy tế bào sarcom-37 cho thấy hoạt chất này có tác dụng ức chế sự phát triển u từ 40 đến 50%.
Acid aristolochic A có tác dụng làm số lượng u ở chuột nhắt trắng sau khi gây bởi methylcholanthrene. Tuy nhiên, hoạt chất này có tác dụng kháng khối u cao hơn ở con đực so với con cái, với liều cao hơn thì ngược lại. Acid aristolochic A cho thấy hoạt tính kích thích miễn dịch.
Tuy nhiên, ngược lại với kết quả nêu trên thì đã có tác giả công bố rằng, acid aristolochic A không có tác dụng kích thích miễn dịch, không kéo dài sự sống của chuột nhắt trắng mang u.
Hoạt tính gây ung thư của acid aristolochic A đã được chứng minh khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và hoạt tính chống thụ thai đã được chứng minh khi nghiên cứu trên chuột nhắt trắng. Khi tiến hành tiêm acid aristolochic A vào thời kỳ giữa mang thai đã gây sảy thai trên chó và chuột cống trắng.
Hoạt chất Magnoflorin có trong Rễ gió cho thấy tác dụng gây hạ huyết áp. Chỉ số LD50 khi tiêm tĩnh mạch cho chuột nhắt trắng là 20mg/kg. Việc sử dụng hoạt chất này theo đường uống gấp 10 lần so với liều tiêm trong 4 tuần không thấy độc tính.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Rễ gió ít được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh ở nước ta. Nhân dân Trung Quốc sử dụng quả chín khô của rễ gió để điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Phần trên mặt đất của cây đem phơi được dùng để làm thuốc lợi tiểu chống phù và làm thuốc trị thấp khớp.
3.3 Rễ gió ngâm rượu có tác dụng gì?
Trong thành phần của Rễ gió có chứa acid aristolochic A có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, nhân dân ra ít sử dụng rễ gió để làm thuốc do đó, việc sử dụng rượu rễ gió cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rễ gió, trang 626-627. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2024.