Polystyren Sulfonate

Bài viết biên soạn theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

POLYSTYREN SULFONAT

(Calci polystyren sulfonat, natri polystyren sulfonat)

Tên chung quốc tế: Polystyren sulfonate.

Mã ATC: V03AE01.

Loại thuốc: Thuốc điều trị tăng Kali huyết.

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Dưới dạng muối natri polystyren sulfonat hoặc calci polystyren sulfonat.

Bột pha hỗn dịch uống hoặc thụt trực tràng: 99,934% (kl/kl) (999,34 mg/g).

Hỗn dịch: 1,25 g/5 ml.

2 Dược lực học

Polystyren sulfonat là một nhựa resin trao đổi cation. Thuốc ở dạng polymer không tan, khi đưa vào môi trường, cấu trúc này trương nở, giải phóng các cation từ nhóm phản ứng trên resin (natri hoặc calci), cho phép trao đổi các cation này với các cation khác hòa tan trong môi trường.

Sau khi dùng theo đường uống, natri (hoặc calci) được giải phóng khỏi nhựa resin trao đổi với ion hydrogen (H+) trong môi trường acid dạ dày. Khi xuống đến ruột, natri (hoặc calci) hoặc H+ được giải phóng và trao đổi với các cation khác có nồng độ lớn hơn, phức hợp resin sau khi đã gắn với các cation mới được thải trừ vào phân. Tại ruột già, do nồng độ kali tương đối cao, quá trình trao đổi giữa natri trong resin và kali diễn ra chủ yếu ở đây. Nhựa resin được liên kết với kali tiếp tục đi xuống đại tràng và cuối cùng thải trừ ra ngoài theo phân. Trên lâm sàng, ngoài kali, muối polystyren sulfonat còn có khả năng trao đổi với các cation khác như calci (với natri polystyren sulfonat), natri (với calci polystyren sulfonat), magnesi, Sắt, các cation hữu cơ, lipid, steroid và các protein. Các nghiên cứu in vitro cho thấy 1 g resin có khả năng trao đổi với 3,1 mEq kali. Tuy nhiên, do hiện tượng trao đổi ion bị cạnh tranh giữa các cation khác nhau, nên khả năng trao đổi với kali giảm, khả năng trao đổi in vivo được ước đoán chỉ khoảng 33% hoặc 1 mEq kali/g resin. Con số này có thể thấp 0,4 – 0,8 mEq kali/g resin. 

3 Dược động học

Thuốc ở dạng resin không hấp thu trên Đường tiêu hóa và thải trừ toàn bộ vào phân.

4 Chỉ định

Điều trị tăng kali huyết kèm thiểu niệu nặng hoặc vô niệu hoặc trên bệnh nhân thẩm phân máu.

5 Chống chỉ định

Bệnh nhân có kali huyết dưới 5 mmol/lít.

Tiền sử quá mẫn với polystyren sulfonat.

Tắc nghẽn ruột.

Trẻ sơ sinh.

Với chế phẩm chứa calci, chống chỉ định dùng thuốc trên bệnh nhân có các yếu tố tăng calci huyết (như cường tuyến cận giáp, đa u tủy xương, u hạt – bệnh sarcoidosis, ung thư biểu mô di căn).

6 Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng do thuốc có thể gây hạ kali huyết nặng. Kiểm soát các thông số sinh hóa và các triệu chứng lâm sàng trong quá trình điều trị, đặc biệt trên bệnh nhân sử dụng các thuốc trợ tim nhóm digitalis. Ngừng thuốc khi nồng độ kali huyết dưới 5 mmol/lít.

Nguy cơ rối loạn điện giải như hạ magnesi huyết, thiếu hụt calci (với natri polystyren sulfonat); tăng calci huyết (với calci polystyren sulfonat) có thể xảy ra. Bệnh nhân nên được kiểm soát tất cả các rối loạn điện giải nếu có thể.

Nếu có táo bón, cần ngừng điều trị đến khi nhu động ruột hồi phục về bình thường, tránh dùng các thuốc nhuận tràng có chứa magnesi. Bệnh nhân nên lưu ý tư thế khi uống thuốc để tránh sặc do hít phải thuốc, điều này có thể dẫn đến biến chứng viêm phế quản phổi. Với natri polystyren sulfonat: Thận trọng khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân mà nguy cơ tăng natri có thể gây hại như suy tim sung huyết, tăng huyết áp, suy thận hoặc phù. Cần kiểm soát các triệu chứng và các thông số sinh hóa. Dạng muối calci của polystyren phù hợp hơn trong trường hợp này.

7 Thời kỳ mang thai

Chưa đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai. Polystyren sulfonat không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trừ khi có chỉ định của bác sĩ với lợi ích vượt trội nguy cơ.

8 Thời kỳ cho con bú

Chưa đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn của thuốc trên phụ nữ cho con bú. Polystyren sulfonat không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú trừ khi có chỉ định của bác sĩ với lợi ích vượt trội nguy cơ.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR)

9.1 Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải

Chuyển hóa và dinh dưỡng: Thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng hạ kali huyết và các triệu chứng lâm sàng liên quan. Một số trường hợp hạ magnesi huyết cũng vừa được ghi nhận. Ngoài ra calci polystyren sulfonat gây tăng calci huyết; natri polystyren sulfonat có thể làm tăng natri, hạ calci huyết và các triệu chứng lâm sàng liên quan.

Tiêu hóa: Kích ứng dạ dày, chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón và thỉnh thoảng tiêu chảy. Ứ phân sau khi đặt trực tràng đặc biệt khi dùng cho trẻ em và tình trạng kết sỏi sau khi dùng thuốc đường uống đã được ghi nhận. Có thể có tình trạng chít hẹp hoặc tắc ruột do các bệnh lý có từ trước hoặc do thuốc không được pha loãng đầy đủ.

Thiếu máu cục bộ đường tiêu hóa, viêm ruột do thiếu máu cục bộ, loét hoặc hoại tử đường tiêu hóa có thể dẫn đến thủng ruột, một số trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp báo cáo có sử dụng phối hợp sorbitol.

Hô hấp: viêm phế quản cấp và hoặc viêm phổi – phế quản do hít phải các hạt polystyren sulfonat.

9.2 Hướng dẫn cách xử trí ADR

Nếu táo bón xuất hiện, nên ngừng thuốc đến khi nhu động ruột khôi phục về bình thường, tránh dùng các thuốc nhuận tràng như magnesi hydroxyd hoặc sorbitol. Bệnh nhân nên được kiểm soát nồng độ calci huyết hàng tuần để phát hiện các dấu hiệu ban đầu cho tình trạng tăng calci huyết, nếu có bất thường cần điều chỉnh liều resin để tránh tình trạng tăng calci huyết.

10 Liều lượng và cách dùng

10.1 Cách dùng

Thuốc có thể dùng uống hoặc đặt trực tràng.

  • Uống: Pha 1 g bột resin polystyren sulfonat với 3 – 4 ml nước hoặc siro để tạo hỗn dịch. Thuốc cũng có thể được sử dụng đường uống với chế phẩm thương mại dạng hỗn dịch có sẵn. Nên lắc kỹ hỗn dịch trước khi uống. Hỗn dịch cũng có thể được đưa trực tiếp vào dạ dày thông qua ống xông hoặc trộn lẫn với thức ăn của bệnh nhân. Không nên trộn thuốc với thức ăn hoặc nước uống có 1 lượng lớn kali như chuối hoặc nước cam. Bệnh nhân nên được đặt hoặc giữ ở tư thế thẳng đứng khi uống thuốc để tránh hít phải thuốc. Uống thuốc trước ít nhất 3 giờ hoặc ít nhất 3 giờ sau khi uống các thuốc khác. Trên bệnh nhân liệt dạ dày nhẹ, cần uống cách các thuốc khác 6 giờ.
  • Đặt trực tràng: Dùng trên bệnh nhân nôn hoặc có rối loạn đường tiêu hóa trên bao gồm tắc ruột, liệt ruột. Thuốc có thể sử dụng đồng thời với đường uống để cho tác dụng khởi đầu nhanh hơn hoặc trên bệnh nhân có liệt dạ dày nhẹ. Trộn một liều bột thuốc với 100 – 200 ml nước hoặc Dung dịch Glucose 10% đã được làm ấm đến nhiệt độ cơ thể để tạo hỗn dịch, sử dụng như thuốc thụt. Thuốc cũng có thể được sử dụng đường trực tràng với chế phẩm thương mại dạng hỗn dịch có sẵn. Nên lắc kỹ hỗn dịch trước khi thụt. Làm sạch dụng cụ thụt, đặt một ống Cao Su mềm kích thước lớn (cỡ 28 French) vào trong trực tràng, sâu khoảng 20cm với đoạn đầu vào trong đại tràng sigma. Làm ấm hỗn dịch tới nhiệt độ cơ thể nhưng không làm nóng do có thể làm thay đổi đặc tính trao đổi ion của resin. Bơm khoảng 50 – 100 ml hỗn dịch vào trực tràng. Thuốc nên được lưu lâu ít nhất 30 – 60 phút đến vài giờ nếu có thể và sau đó rửa sạch đại tràng với dung dịch không chứa natri. Để làm sạch thuốc, có thể cần tới khoảng 2 lít dung dịch rửa.

10.2 Liều lượng

10.2.1 Người lớn

Uống: 15 – 60g/ngày hoặc 15g/lần × 1 – 4 lần/ngày. Liều và thời gian sử dụng phụ thuộc vào mức độ nặng và tình trạng kháng trị.

Đặt trực tràng: 30 – 50g, đặt trực tràng mỗi 6 giờ. Liều và thời gian sử dụng phụ thuộc vào mức độ nặng và tình trạng kháng trị.

10.2.2 Trẻ em

Chưa đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả và tính an toàn của thuốc trên trẻ em.

Lưu ý: Thuốc được sử dụng hỗ trợ loại bỏ lượng kali thừa ra khỏi cơ thể, nên phối hợp với các biện pháp khác như hạn chế lượng điện giải đưa vào, kiểm soát tình trạng nhiễm acid, chế độ ăn giàu calo. Trước khi tiến hành liệu pháp này, nguyên nhân gây tăng kali huyết nên được xác định và loại trừ nếu có thể. Do tác dụng của resin thường chậm (vài giờ đến vài ngày), polystyren sulfonat đơn độc không đủ hiệu quả giảm nhanh tình trạng tăng kali huyết nghiêm trọng, bao gồm các trường hợp có kèm hoại tử nhanh các mô (như bỏng, suy thận). Các biện pháp tăng dịch chuyển kali vào tế bào như sử dụng Natri bicarbonat và/hoặc dextrose (kèm hoặc không kèm Insulin) và các biện pháp khác (như muối calci) được chỉ định cho các bệnh nhân tăng kali huyết có bất thường dẫn truyền (như kéo dài phức hợp QRS) hoặc loạn nhịp. Nếu tình trạng tăng kali nặng, các biện pháp đặc hiệu khác như thẩm phân máu nên được cân nhắc. Các polystyren sulfonat chỉ thích hợp trong các trường hợp tăng kali huyết không đe dọa tính mạng hoặc các biện pháp khác đã làm giảm nguy cơ tăng kali huyết. Thuốc không nên dùng trong trường hợp cấp cứu để điều trị tình trạng tăng kali huyết đe dọa tính mạng.

11 Tương tác thuốc

Các thuốc dùng theo đường uống: Thuốc có khả năng liên kết với các thuốc khác dùng theo đường uống, dẫn đến làm giảm hấp thu và hiệu quả thuốc dùng cùng. Nên uống polystyren sulfonat cách xa các thuốc khác.

Sorbitol (đường uống hoặc đặt trực tràng): Có thể gây hoại tử và các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng khác trên đường tiêu hóa, dẫn đến tử vong. Tránh phối hợp đồng thời polystyren sulfonat với sorbitol.

Các thuốc bổ sung cation: Có thể làm giảm hiệu quả liên kết của polystyren sulfonat với kali.

Các kháng acid dạng không hấp thu và các thuốc nhuận tràng (như magnesi hydroxyd, nhôm cacbonat): Có thể gây nhiễm kiềm chuyển hóa.

Nhôm hydroxyd: Gây tắc nghẽn ruột do tạo vón với nhóm hydroxyd.

Các thuốc trợ tim digitalis: Tăng độc tính của digitalis trên tim đặc biệt loạn nhịp thất và nhĩ thất phân ly do tình trạng hạ kali và/hoặc tăng calci huyết

Lithi, levothyroxin: Giảm hấp thu lithi và levothyroxin.

12 Quá liều và xử trí

12.1 Triệu chứng

Rối loạn sinh hóa do quá liều có thể làm tăng các triệu chứng lâm sàng của tình trạng hạ kali huyết bao gồm kích thích, lú lẫn, suy nghĩ chậm chạp, yếu cơ, giảm phản xạ và cuối cùng liệt. Ngừng thở có thể là một hậu quả nghiêm trọng của quá trình này. Những thay đổi trên điện tâm đồ có thể dai dẳng do hạ kali huyết. Loạn nhịp tim, chuột rút do hạ calci huyết cũng có thể xảy ra.

12.2 Xử trí

Sử dụng các biện pháp phù hợp để khôi phục điện giải. Loại bỏ nhựa resin polystyren sulfonat từ đường tiêu hóa bằng sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt.

Cập nhật lần cuối: 2020

Để lại một bình luận