Me Đất (Chua Me Đất Hoa Vàng – Oxalis corniculata)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Oxalidales (Chua me đất)

Họ(familia)

Oxalidaceae (Chua me đất)

Chi(genus)

Oxalis

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Oxalis corniculata L.

Danh pháp đồng nghĩa

Oxalis repens Thunb.

Me Đất (Chua Me Đất Hoa Vàng - Oxalis corniculata)

Chua me đất hoa vàng thuộc dạng cây thảo nhỏ, cây mọc bò lan trên mặt đất. Thân cây mảnh, có dạng hình trụ, bề mặt có phủ thêm một lớp lông. Thân cây thường có màu đỏ nhạt. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Oxalis corniculata L.

Tên đồng nghĩa: Oxalis repens Thunb.

Tên gọi khác: Chua me đất hoa vàng, Chua me hoa vàng, Chua me ba chìa, Toan tương thảo.

Họ thực vật: Chua me đất Oxalidaceae.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.1 Đặc điểm thực vật

Me đất thuộc dạng cây thảo nhỏ, cây mọc bò lan trên mặt đất. Thân cây mảnh, có dạng hình trụ, bề mặt có phủ thêm một lớp lông. Thân cây thường có màu đỏ nhạt.

Lá cây mọc so le, cuống lá dài, có lông. Có 3 lá chét mỏng, nhẵn, có dạng hình tim ngược, chiều dài từ 5 đến 30mm.

Cụm hoa có cuống, chiều dài từ 2-4cm. Các hoa mọc ở kẽ lá tạo thành chùy hoặc những tán thưa, gồm 2-4 hoa. Hoa có màu vàng, đài hoa 5 răng, tràng gồm 5 cánh mỏng, chỉ nhị mảnh, nhị 10, bầu hình trụ dài, gồm 5 ô.

Quả nang, thuôn dài, khi chín sẽ nứt thành các mảnh cong lại, phát tán hạt đi xa.

Hạt hình trứng, có mũi nhọn, hạt có màu nâu sẫm.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.

Hoa của cây chua me đất hoa vàng
Hoa của cây chua me đất hoa vàng

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá hoặc toàn cây.

Thời điểm thu hái: tháng 6-7 hàng năm.

Chế biến: Dùng tươi.

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Oxalis L. trên thế giới gồm các loài cây cỏ sống 1 hoặc nhiều năm. Các loài phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc phía nam của Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ hoặc một số khu vực thuộc vùng ôn đới ấm.

Tại nước ta, chi này chỉ có 4 loài trong đó có 3 loài được khai thác để làm thuốc.

Me đất được coi là loài quen thuộc do khả năng phân bố rộng từ vùng núi đến trung du, đồng bằng và trên các đảo. Loài cây này còn được tìm thấy ở một số khu vực khác của châu Á như Đông Nam Á, Nam Á, Trung Quốc và một số khu vực khác.

Cây thường mọc lẫn cùng với những loại cây khác ở khu vực ven suối, trên nương rẫy.

Cây có khả năng chịu bóng, ưa những khu vực ẩm ướt. Vào mùa xuân, cây con mọc nhiều từ hạt, sau đó phát triển vào mùa hè và khi sang thu thì có thể lục tàn. Tuy nhiên, đối với một số cây mọc muộn thì có thể tồn tại được qua mùa đông.

Quả của cây chua me đất hoa vàng
Quả của cây chua me đất hoa vàng

2 Thành phần hóa học

Toàn cây chứa nhiều muối oxalat acid.

Lá chứa Vitamin C với hàm lượng 125mg/100g, caroten với hàm lượng 36mg/100g. Ngoài ra lá cây còn chứa acid tatric, malic, citric, calci,…

3 Tác dụng – Công dụng của cây chua me đất hoa vàng

3.1 Tác dụng dược lý

Cao nước có tác dụng kháng tụ cầu vàng, nước ép toàn cây có đặc tính chống lại vi khuẩn Gram dương.

Do thành phần có chứa oxalat nên cây có thể gây độc khi sử dụng ở liều cao. Muối oxalat chủ yếu là dạng muối Kali tan, khi kết hợp với calci trong huyết thanh sẽ tạo thành dạng muối không tan. Khi nồng độ calci trong huyết thanh giảm có thể gây kích thích mạnh từ đó làm co giật và trụy tim mạch.

Khi tiến hành nghiên cứu trên các bệnh nhân bị ngộ độc chua me đất hoa vàng thì đã phát hiện ra tinh thể calci oxalat.

Vô niệu là triệu chứng điển hình khi bị ngộ độc oxalat. Khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy rằng, các triệu chứng ngộ độc cấp tính bao gồm tái nhợt, thân to, mất kiểm soát sức lực, co cứng.

Cây cũng có tác dụng diệt côn trùng.

Chua me đất hoa vàng
Chua me đất hoa vàng

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị chua, tính mát.

Tác dụng: Tiêu thũng, giảm ho, lợi tiểu, sát trùng, thanh nhiệt.

3.2.2 Công dụng

Me đất được sử dụng trong các trường hợp sốt, ho, khản tiếng, ứ huyết do va đập. Liều dùng được khuyến cáo là 5-10g cây khô hoặc 30-50g cây tươi, đem sắc.

Có thể lấy chua me đất hoa vàng đem giã nát sau đó vắt nước để chữa cho các trường hợp bị loét, ghẻ nước, ung nhọt, sưng tấy.

Kiêng kỵ: Không nên sử dụng chua me đất hoa vàng cho người sỏi bàng quang do dược liệu này có thể làm tăng số lượng sỏi. Những người có sức khỏe bình thường cũng không nên sử dụng liều quá cao.

Y học dân gian Ấn Độ sử dụng cây với mục đích điều kinh, diệt giun, sát trùng. Dịch ép cây tươi dùng để chữa trĩ, viêm tai giữa, thiếu máu. Lá cây có tác dụng giải khát, được sử dụng để kích thích ăn ngon miệng, phòng bệnh Scorbut. Lá còn dùng để chữa các nốt chai chân, mụn cóc, mụn lồi ở da. Nước sắc được dùng để làm nước súc miệng.

Nhân dân Philippin dùng cây để chữa bệnh Scorbut, trị viêm niệu đạo, làm thông tiểu tiện.

Y học dân gian Nepal sử dụng lá của cây Me đất, sau đó đem giã nhỏ và hơ nóng, dùng để xoa bóp cho các trường hợp bị bong gân. Dịch ép từ cây chữa sưng tấy do va chạm, sát trùng vết thương, cầm máu, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.

Toàn cây chua me đất hoa vàng
Toàn cây chua me đất hoa vàng

4 Một số cách trị bệnh từ cây Me đất

4.1 Chữa ho

Sử dụng chua me đất hoa vàng, Rau Má mỗi vị 40g.

Cỏ seo gà, lá xương sông, mỗi vị 20g.

Các vị đem đi rửa sạch, giã nhỏ, vắt nước, thêm đường, đun sôi, chia làm 3 lần uống trong ngày.

4.2 Cây chua me đất hoa vàng trị viêm họng, chữa ho

10-20g Me đất tươi.

Nhai cùng muối, nuốt nước.

Có thể phối hợp cùng các vị gồm rễ dâu tằm, Gừng, măng tre, giã nhỏ, thêm nước gạn uống.

4.3 Chữa nhọt, sưng tấy, bong gân

Chua me đất hoa vàng đem giã sau đó hơ nóng và đắp lên vùng bị bong gân.

Chua me đất hoa vàng
Chua me đất hoa vàng

4.4 Chữa lở ngứa

80g Me đất.

20g bồ kết.

Nấu với nước, đem xông, khi nước ấm thì rửa vết thương mỗi ngày 1 lần.

4.5 Chữa viêm da tiếp xúc, nổi mẩn đỏ

Chua me đất hoa vàng phối hợp với lá khế hoặc quả khế đem giã nát và chà xát.

4.6 Chữa tay chân lở loét

Rửa vết lở loét bằng nước Bồ Kết hoặc bồ hòn sau đó lấy chua me đất hoa vàng chà xát vào.

4.7 Chữa sốt cao, khát nước, trằn trọc

Dùng 1 nắm Me đất tươi, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống.

4.8 Chữa đại tiểu tiện không thông

1 nắm chua me đất hoa vàng.

1 nắm Mã Đề.

Giã lấy nước cốt, thêm đường và uống.

4.9 Chữa hậu môn đau hoặc lở nẻ

1 nắm chua me đất hoa vàng.

1 nắm Rau Sam.

1 quả bồ kết.

Nấu nước và ngâm rửa mỗi ngày 3 lần.

4.10 Chữa bỏng

Chua me đất hoa vàng tươi đem giã nát, vắt nước, đổ vào vết bỏng, giã nát và chà vào chỗ rôm sảy.

5 Một số cách trị bệnh từ cây chua me đất hoa vàng theo y học Trung Quốc

5.1 Huyết áp cao, viêm gan cấp tính và mạn tính

Sử dụng 30g chua me đất cùng với các vị bạch đầu ông, Cúc Hoa vàng, mỗi vị 15g, 10g Hạ Khô Thảo.

Đem sắc nước uống.

Viêm đường tiết niệu

30g chua me đất hoa vàng.

Bòng bong, Kim tiền thảo, dây vác Nhật mỗi vị 15g.

Đem sắc lấy nước uống.

5.2 Suy nhược thần kinh

Chua me đất hoa vàng và lá của cây thông đuôi ngựa mỗi vị 15g, đem sắc uống.

6 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Chua me đất hoa vàng, trang 445-447. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.

Để lại một bình luận