Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
PENTAMIDIN
Tên chung quốc tế: Pentamidine.
Mã ATC: P01CX01.
Loại thuốc: Thuốc chống Pneumocystis carinii, leishmaniasis và trypanosomiasis.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ bột đông khô pha tiêm, khí dung: 300 mg.
2 Dược lực học
Pentamidin là amin thơm có tác dụng chống trùng roi đơn bào. Thuốc cản trở quá trình biến đổi của DNA và folat, ức chế tổng hợp ARN và protein.
Trên in vitro, thuốc gây độc trực tiếp Pneumocystis carinii (hay Pneumocystis jirovecii). Trên in vivo, thuốc ức chế các quá trình chuyển hóa glucose, tổng hợp protein và ARN, vận chuyển Amino acid vào trong nội bào.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Sau khi truyền tĩnh mạch, nồng độ thuốc trong máu giảm nhanh trong 2 giờ đầu xuống chỉ còn 1/12 nồng độ đỉnh. Tuy nhiên sau đó nồng độ thuốc trong máu giảm rất chậm.
3.2 Phân bố
Thể tích phân bố của pentamidin đường tiêm bắp cao gấp khoảng 3 lần so với đường tĩnh mạch. Thuốc phân bố rộng khắp các mô trong cơ thể và có thể tích lũy tại mô đặc biệt ở gan và thận.
3.3 Thải trừ
Tỷ lệ thuốc thải trừ qua thận ở dạng chưa chuyển hóa thấp. Nửa đời thải trừ của thuốc theo đường tĩnh mạch từ 5 – 8 giờ, đường tiêm bắp từ 7 – 11 giờ.
4 Chỉ định, chống chỉ định
4.1 Chỉ định
Phòng và điều trị viêm phổi do Pneumocytis carinii.
Điều trị nhiễm Leishmania.
Điều trị giai đoạn đầu bệnh ngủ châu Phi do Trypanosomagambiense.
4.2 Chống chỉ định
Bệnh nhân dị ứng với pentamidin.
5 Thận trọng
Thận trọng khi dùng pentamidin cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận; tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp; tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu hoặc thiếu máu. Đã có báo cáo trường hợp bệnh nhân tử vong do hạ huyết áp và đường huyết nghiêm trọng, viêm tụy cấp và loạn nhịp sau khi dùng pentamidin qua đường tĩnh mạch và tiêm bắp.
Hạ huyết áp nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi dùng pentamidin đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp và có thể liên quan đến tốc độ truyền tĩnh mạch nhanh. Do đó, bệnh nhân nên nằm trong khi truyền tĩnh mạch pentamidin và được theo dõi huyết áp trong và sau khi truyền cho tới khi huyết áp ổn định.
Thoát mạch sau khi dùng thuốc đã được báo cáo, một số trường hợp gây loét, hoại tử mô tại vị trí tiêm. Bệnh nhân cần được theo dõi trong quá trình truyền tĩnh mạch. Nếu xảy ra thoát mạch, cần dùng truyền tĩnh mạch ngay lập tức và điều trị triệu chứng. Sau đó, có thể dùng lại pentamidin tại vị trí truyền khác.
Thuốc có thể kéo dài khoảng QT gây loạn nhịp, xoắn đỉnh. Thận trọng khi dùng pentamidin cho các bệnh nhân có nguy cơ loạn nhịp cao như bệnh nhân có khoảng QT kéo dài, bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim), tiền sử loạn nhịp thất, hạ Kali huyết, hạ magnesi huyết, chậm nhịp tim (< 50 nhịp/phút) hoặc đang dùng cùng các thuốc có nguy cơ kéo dài khoảng QT khác. Đặc biệt thận trọng khi dùng pentamidin cho các bệnh nhân có khoảng QTc trên 500 ms. Nên dùng các thuốc khác thay thế khi khoảng QTc trên 500 ms.
Các xét nghiệm nên được thực hiện trước, trong và sau khi dùng thuốc bao gồm:
-
Xét nghiệm urê, creatinin, glucose, số lượng hồng cầu và tiểu cầu hàng ngày khi dùng thuốc;
-
Xét nghiệm chức năng gan: AST, ALT, bilirubin huyết, phosphatase kiềm;
-
Xét nghiệm điện giải: Calci huyết hàng tuần và magnesi huyết 2 lần/tuần;
-
Điện tâm đồ.
6 Thời kỳ mang thai và cho con bú
6.1 Thời kỳ mang thai
Dữ liệu về độ an toàn của pentamidin trong thời kỳ mang thai rất hạn chế. Chỉ sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
Không dùng thuốc để điều trị nhiễm Trypanosoma gambiense giai đoạn sớm hoặc leishmania trong 3 tháng đầu của thai kì.
6.2 Thời kỳ cho con bú
Chưa có thông tin thuốc có bài tiết vào sữa hay không. Chỉ dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
7 Tác dụng không mong muốn (ADR)
7.1 Thường gặp
Máu và hệ bạch huyết: giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu.
Rối loạn điện giải: tăng natri huyết, tăng kali huyết, tăng/giảm glucose huyết, giảm calci huyết, giảm magnesi huyết.
Thần kinh: ngất xỉu, chóng mặt.
Tim mạch: hạ huyết áp.
Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, rối loạn vị giác.
Gan: tăng chỉ số xét nghiệm chức năng gan.
Da: phát ban, áp xe, hoại tử tại vị trí tiêm bắp.
Thận – tiết niệu: suy thận cấp, tiểu ra máu vi thể.
7.2 Ít gặp
Tim mạch: kéo dài khoảng QT, loạn nhịp, tăng huyết áp, đánh trống ngực, giãn mạch, nhịp tim nhanh, nhịp nhanh thất.
Tiêu hóa: viêm tụy, đau bụng, tiêu chảy, khô miệng.
7.3 Hiếm gặp
Miễn dịch: phản ứng quá mẫn bao gồm phản ứng phản vệ, phù mạch, hội chứng Stevens-Johnson.
Tim mạch: xoắn đỉnh, chậm nhịp tim.
8 Liều lượng và cách dùng
8.1 Cách dùng
Pentamidin dùng đường tiêm bắp sâu hoặc truyền tĩnh mạch chậm. Bệnh nhân nên nằm khi truyền tĩnh mạch pentamidin. Không tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch nhanh pentamidin. Đối với truyền tĩnh mạch, hoàn nguyên pentamidin bằng nước cất pha tiêm sau đó pha loãng với 50 – 250 ml dung dịch Glucose 5% hoặc dung dịch Natri clorid 0,9%. Thời gian truyền tĩnh mạch từ 60 – 120 phút.
Đối với đường khi dung, hoàn nguyên pentamidin trong 4 – 6 ml nước cất pha tiêm rồi sử dụng thiết bị khí dung 1 chiều để tránh phát tán thuốc ra ngoài. Bệnh nhân nên khí dung ở phòng trống, thông gió.
8.2 Liều lượng
Liều dùng của pentamidin cho người lớn và trẻ em như sau:
8.2.1 Điều trị viêm phổi do Pneumocytis carinii
Truyền tĩnh mạch chậm 4 mg/kg, ngày 1 lần trong ít nhất 14 ngày. Dự phòng viêm phổi do Pneumocytis carinii
Khí dung: 300 mg, mỗi 4 tuần hoặc 150 mg, mỗi 2 tuần.
8.2.2 Điều trị nhiễm Leishmania
8.2.3 Nhiễm Leishmania nội tạng: Chế độ liều cách ngày: Tiêm bắp sâu 3 – 4 mg/kg, ngày 1 lần. Đợt điều trị có thể lặp lại nếu cần thiết.
8.2.4 Nhiễm Leishmania trên da: Tiêm bắp sâu 3 – 4 mg, 1 – 2 lần/tuần, cho tới khi lành vết thương.
8.2.5 Điều trị giai đoạn đầu bệnh ngủ châu Phido Trypanosomagambiense
Tiêm bắp sâu 4 mg/kg, ngày 1 lần, trong 7 – 10 ngày.
8.2.6 Bệnh nhân suy giảm chức năng thận
Điều trị viêm phổi do Pneumocytis carinii cho bệnh nhân có Clcr < 10 ml/phút:
Nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng: 4 mg/kg × 1 lần/ngày, trong 7 – 10 ngày sau đó dùng chế độ liều cách ngày, tối thiểu 14 liều. Nhiễm khuẩn ít nghiêm trọng: 4 mg/kg, dùng cách ngày, tối thiểu 14 liều.
9 Tương tác thuốc
Thận trọng khi dùng pentamidin cùng các thuốc có khả năng kéo dài khoảng QT như: phenothiazin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, terfenadin, astemizol, Erythromycin đường tĩnh mạch, halofantrin và kháng sinh nhóm quinolon.
Thận trọng khi dùng pentamidin cùng các thuốc có độc tính trên thận như: kháng sinh nhóm aminoglycosid, amphotericin B, Cisplatin, foscarnet hoặc Vancomycin.
10 Tương kỵ
Dung dịch truyền tĩnh mạch pentamidin tương kị với fluconazol và natri foscarnet.
11 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Bệnh nhân dùng quá liều pentamidin có thể có triệu chứng của rối loạn nhịp tim hoặc xoắn đỉnh.
Xử trí: Điều trị triệu chứng.
Cập nhật lần cuối: 2018