Na Rừng (Nắm Cơm, Dây Răng Ngựa – Kadsura heteroclita (Roxb.) Craib)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Bộ(ordo)

Austrobaileyales (Mộc lan dây)

Họ(familia)

Schisandraceae (Ngũ vị)

Chi(genus)

Kadsura

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Kadsura heteroclita (Roxb.) Craib

Danh pháp đồng nghĩa

Kadsura roxburghiana Arn.

Na Rừng (Nắm Cơm, Dây Răng Ngựa - Kadsura heteroclita (Roxb.) Craib)

Na rừng thuộc dạng dây leo có thân cứng, hóa gỗ, cây có màu nâu đen, cành cây nhẵn. Lá cây mọc so le, phiến lá dày có dạng hình trứng hoặc hình bầu dục. Na rừng có tác dụng giảm ho. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Kadsura heteroclita (Roxb.) Craib

Tên đồng nghĩa: Kadsura roxburghiana ARN.

Tên gọi khác: Nắm cơm, Dây chua cùm, Na leo, Dây răng ngựa.

Họ thực vật: Ngũ vị Schisandraceae.

Hoa của cây Na rừng
Hoa của cây Na rừng

1.1 Đặc điểm thực vật

Na rừng thuộc dạng dây leo có thân cứng, hóa gỗ, cây có màu nâu đen, cành cây nhẵn.

Lá cây mọc so le, phiến lá dày có dạng hình trứng hoặc hình bầu dục, chiều dài mỗi là khoảng 10 đến 12cm, chiều rộng từ 4 đến 5cm, gốc lá tròn, đầu lá nhọn. Mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới có màu nhạt và nhiều chấm trắng nhỏ.

Hoa mọc khác gốc, hoa mọc đơn độc ở các kẽ lá của cây, lá bắc dễ rụng. Bao hoa gồm những phiến mập có dạng hình trứng, xếp tạo thành 2-3 vòng, những vòng ở bên trong các phiến có kích thước lớn hơn. Hoa có màu trắng, mùi thơm, trên đầu phiến có một điểm màu vàng nâu. Hoa đực có nhiều nhị, mọc trên một cán ngắn. Hoa cái có các lá noãn xếp sít nhau.

Quả to, có dạng hình cầu, giống quả na, gồm nhiều múi. Những quả khi chín chuyển sang màu vàng, có thể ăn được.

Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 9.

Dưới đây là hình ảnh cây Na rừng:

Toàn cây Na rừng
Toàn cây Na rừng
Quả Na rừng
Quả Na rừng

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Vỏ rễ, vỏ thân.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Phơi khô.

Hạt Na rừng
Hạt Na rừng

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Kadsura Juss. gồm các loài thuộc dạng dây leo quấn hoặc dạng cây bụi mọc trườn, chi này phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới hay á nhiệt đới ở Đông Nam Á và Nam Á. Tại nước ta, chi này có 4 loài. Na rừng là loài phân bố rải rác ở các vùng núi có độ cao từ 600-1500 mét ở các tỉnh Lào Cai, Ba Vì (Hà Nội), Lạng Sơn, Cao Bằng,… Ở phía nam, mới bắt gặp cây ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Trên thế giới, cây được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới hay á nhiệt đới của Ấn Độ, Lào và Nam Trung Quốc.

Na rừng là loài dây leo quấn, thường xanh, cây sinh trưởng và phát triển tốt ở những khu vực ẩm mát đặc biệt là ở vùng nhiệt đới núi cao, nhiệt độ trung bình dao động từ 18 đến 22 độ C. Na rừng là loài ưa sáng, hơi chịu bóng, cây thường mọc ở ven rừng hoặc vùng núi đá vôi. Cây ra hoa và kết quả hàng năm nhưng số lượng quả ít. Quả khi chín thường bị chim và sóc ăn rồi phát tán hạt ra những khu vực khác. Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, có một khóm na rừng nhưng thường bị chặt phá nên không thấy ra hoa quả.

Na rừng có thể xếp vào nhóm những cây thuốc tương đối hiếm gặp ở nước ta do đó cần có biện pháp bảo vệ.

Quả Na rừng khi còn xanh
Quả Na rừng khi còn xanh

2 Tác dụng của cây Na rừng

Dịch chiết dichlorethan từ thân dây của cây Na rừng sau khi tách chiết bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng và sắc ký cột thu được các thành phần III và IV đã cho thấy tác dụng ức chế hoạt tính nhân tố hoạt hóa tiểu cầu.

3 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.1 Tính vị

Thân dây của cây Na rừng có vị đắng, cay tính ôn, tác dụng hoạt huyết, trừ thấp, khư phong, hành khí.

Quả Na rừng có vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng bổ thận, khư đàm, chỉ khái.

Quả na rừng có thể tách thành từng múi
Quả na rừng có thể tách thành từng múi

3.2 Công dụng

Dân gian thường sử dụng Na rừng để làm thuốc bổ, giảm đau, hoạt huyết, kích thích tiêu hóa với liều dùng được khuyến cáo là từ 8 đến 16g vỏ thân hay vỏ rễ đem tán nhỏ, sau đó ngâm rượu để uống, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Quả của cây Na rừng khi chín có thể ăn được. Hạt của cây đôi khi được dùng để thay thế cho vị thuốc Ngũ Vị Tử bắc.

3.3 Rễ cây Na rừng có tác dụng gì?

Tại Trung Quốc, nhân dân thường sử dụng rễ và thân cây để chữa phong thấp, Đau Bụng Kinh, viêm loét dạ dày-tá tràng, đau bụng sau khi sinh. Quả của cây dùng trong các trường hợp viêm phế quản, đau lưng, suy nhược thần kinh, ho. Liều dùng được khuyến cáo là 6-9g mỗi ngày đem sắc nước uống. Rễ cây Na rừng kết hợp với Hồ tiêu, Oai diệp tử lan với lượng bằng nhau sau đó ngâm rượu để uống trong trường hợp đau bụng kinh.

Quả na rừng khi chín
Quả na rừng khi chín

4 Quả Na rừng ngâm rượu có tác dụng gì? Cách ngâm rượu Na rừng

Quả Na rừng có tác dụng khư đàm, chỉ khái, khi ngâm rượu có tác dụng giảm đau, giảm ho, ngăn ngừa suy nhược thần kinh.

Cách ngâm rượu từ quả Na rừng cũng rất đơn giản, có thể ngâm rượu từ quả tươi hoặc quả khô:

  • Ngâm rượu từ quả tươi: Nên chọn những quả già, không nên chọn những quả chín quá, rửa sạch, để ráo, tách riêng thành từng múi, sau khi tách múi thì nên bỏ vào ngâm luôn vì quả dễ bị thâm. Ngâm 1kg Na rừng với 3-4 lít rượu ngon, để trong chỗ mát khoảng 3-6 tháng và thưởng thức. Có thể thêm Mật Ong để giảm bớt vị cay của quả Na rừng.
  • Ngâm rượu từ quả khô: Na rừng khô thường đã được tách múi, 1kg Na rừng khô có thể ngâm cùng 8-9 lít rượu, có thể thêm mật ong, ngâm trong 3 tháng và sử dụng.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Na rừng, trang 350-351. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận