Menotropin cung cấp hormone giúp kích thích nang trứng phát triển và kích thích rụng trứng. Thuốc thường được sử dụng để điều trị vô sinh. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Menotropin
1 Menotropin là thuốc gì?
Menotropin là hỗn hợp của hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH). FSH và LH là hormon rất quan trọng trong sự phát triển của nang trứng và được sản xuất bởi buồng trứng ở phụ nữ.
Menotropin thường được sử dụng để giúp cơ thể phụ nữ sản xuất nhiều trứng hơn trong quá trình rụng trứng, để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
2 Menotropin có tác dụng gì?
2.1 Đối với phụ nữ
Menotropins kích thích sự phát triển và sự chín của nang trứng, kích thích sản xuất hormone estrogen và tăng sinh màng trong tử cung. Do đó, Menotropin được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Vô kinh nguyên phát và thứ phát
- Kinh nguyệt ít
- Có kinh nguyệt nhưng không rụng trứng
- Vô kinh sau khi sổ rau
- Hoại tử tuyến yên sau khi sổ rau
- Hội chứng Argons – Castille: tiết nhiều sữa do vô kinh
2.2 Đối với nam giới
Menotropins có tác dụng kích thích tạo tinh trùng do tác động lên sự sản xuất protein gắn androgen trong các vi ống dẫn tinh của tế bào Sertoli. Do đó, việc phối hợp Menotropins với HCG được dùng để kích thích sản xuất tinh trùng ở nam giới có bệnh thiểu năng tuyến sinh dục do thiếu hormon hướng sinh dục tiên phát hoặc thứ phát. Menotropins được chỉ định điều trị cho nam giới ít tinh trùng, không có tinh trùng, giảm năng tuyến sinh dục, hoặc có trạng thái bị hoạn nhẹ.
3 Chống chỉ định
Không sử dụng Menotropin trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với Menotropin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Bị suy buồng trứng nguyên phát
- Ung thư vú, tử cung hoặc buồng trứng;
- Rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận không được điều trị hoặc không kiểm soát được
- Vô sinh không liên quan đến rụng trứng
- Chảy máu âm đạo bất thường
- U nang buồng trứng hoặc buồng trứng đa nang;
- Có khối u ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
4 Thận trọng khi sử dụng
Menotropin sẽ không gây rụng trứng nếu buồng trứng của bệnh nhân không hoạt động bình thường. Để đảm bảo sử dụng menotropin an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn gặp những vấn đề sau trong quá trình sử dụng thuốc:
- Lên cơn hen suyễn
- Có tiền sử phẫu thuật dạ dày ;
- Có tiền sử u nang buồng trứng hoặc xoắn buồng trứng
- Có các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông: chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hút thuốc, bệnh tim, bệnh động mạch vành, béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành.
Sử dụng menotropin có thể làm tăng khả năng mang đa thai ( chẳng hạn như sinh đôi, sinh ba, sinh tư,…). Đa thai có thể dẫn đến những mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng người mẹ và trẻ sơ sinh.
Menotropin cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai trong ống dẫn trứng (chửa ngoài dạ con), sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh hoặc sốt sau khi sinh nếu bệnh nhân có thai sau khi điều trị bằng thuốc này.
Mặc dù menotropin có thể hỗ trợ bệnh nhân mang thai nhưng thuốc này cũng có thể gây hại cho thai nhi hoặc gây dị tật bẩm sinh. Vì thế, không sử dụng menotropin nếu bạn đã mang thai. Và hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn có thai trong khi điều trị.
Hiện nay, người ta không biết liệu menotropin có đi vào sữa mẹ hay không. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, không nên tự ý sử dụng menotropin nếu bạn đang cho con bú.
5 Cách dùng
Menotropin được sử dụng bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Người bệnh có thể được hướng dẫn để có thể sử dụng thuốc tại nhà.
Menotropin có dạng thuốc bột và phải được trộn với chất lỏng (chất pha loãng) trước khi sử dụng. Nếu bạn đang sử dụng thuốc tiêm Menotropin tại nhà, hãy chắc chắn rằng bạn nắm vững cách trộn và bảo quản thuốc đúng cách.
5.1 Quy trình tiêm Menotropin
- Bước 1: Sát khuẩn tay sạch sẽ bằng cồn hoặc các Dung dịch sát khuẩn khác.
- Bước 2: Chuẩn bị ống tiêm thuốc, xác định liều lượng thuốc Menotropin cần pha theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc có sẵn trong hộp thuốc.Bước 3: Lau sạch và sát khuẩn vùng tiêm bằng bông tẩm cồn
- Bước 3: Có nhiều cách tiêm thuốc vào cơ thể theo 2 đường là:
Tiêm dưới da, thường tiêm tại vị trí quanh rốn, cách rốn khoảng 3 – 5cm. Ở vị trí này bệnh nhân có thể dễ dàng tự tiêm được. Dùng 1 tay nắm vào vùng da cần tiêm, tay còn lại tiến hành tiêm nhanh để toàn bộ kim đi vào mô. Sau đó, kéo nhẹ đuôi kim xem có máu đi ngược ra ngoài hay không, nếu không thì tay cầm bơm tiêm sẽ đẩy nhẹ và chậm đuôi ống tiêm, sau khi hết thuốc tiến hành rút với tốc độ nhanh.
Tiêm bắp, vị trí tiêm thường là mông hoặc mặt trước ngoài đùi. Vì các vị trí tiêm thường khó tiếp cận nên cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc người thân (có kỹ thuật tiêm bắp). Một số bệnh nhân nếu đã được bác sĩ hướng dẫn và theo dõi trực tiếp vài lần để đánh giá kỹ thuật tiêm thì có thể tự tiêm tại nhà.
5.2 Thời gian tiêm thuốc
Tùy vào chỉ định của bác sĩ nhưng thông thường, mỗi ngày cần tiêm 1-2 mũi Menotropin (cùng thời điểm).
Cần tiêm thuốc Menotropin vào cố định một thời điểm (sai lệch 2 tiếng) mỗi ngày để có hiệu quả tốt nhất.
5.3 Lưu ý khi tiêm thuốc
Sau khi pha thuốc, chỉ nên xoay nhẹ, không nên lắc hỗn hợp thuốc để tránh tạo bọt. Nên tiêm thuốc ngay sau khi pha và không sử dụng thuốc khi màu sắc của thuốc bị thay đổi hoặc có hạt vẩn đục.
Lưu ý, chỉ sử dụng kim và ống tiêm một lần. Sau khi tiêm, nên vứt bỏ toàn bộ các phần của thuốc cả kể hỗn hợp thuốc còn thừa. Không sử dụng lại thuốc cho lần sau.
Để đảm bảo thuốc đạt hiệu quả trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được xét nghiệm máu và siêu âm thường xuyên. Ngoài ra, theo dõi thân nhiệt của bệnh nhân nếu cần.
6 Liều dùng
6.1 Đối với phụ nữ bị vô sinh
- Liều để kích thích nang trứng
Liều khởi đầu: 225UI tiêm dưới da (SC) hoặc tiêm bắp (IM) hàng ngày.
Menotropin có thể được dùng cùng với urofollitropin và tổng liều kết hợp không được vượt quá 225UI (150UI menotropin và 75UI urofollitropin, hoặc 75UI menotropin và 150UI urofollitropin).
Liều tối đa: 450 UI mỗi ngày
Nếu dùng cùng với urofollitropin, tổng liều kết hợp của urofollitropin và menotropin không được vượt quá 450UI mỗi ngày.
Thời gian điều trị: Từ 7 đến 20 ngày. Tiếp tục điều trị cho đến khi thấy rõ sự phát triển đầy đủ của nang trứng, sau đó sử dụng gonadotropin màng đệm ở người (hCG). Giữ mức hCG ổn định nếu bệnh nhân có dấu hiệu tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS).
- Liều để gây rụng trứng
Liều ban đầu: 150UI tiêm dưới da hoặc tiêm bắp hàng ngày trong 5 ngày đầu điều trị.
Liều tối đa: 450UI mỗi ngày
Thời gian điều trị: Từ 7 đến 12 ngày
Nếu bệnh nhân đáp ứng với điều trị, bổ sung hCG 1 ngày sau liều menotropin cuối cùng.
Nếu nang trứng phát triển không đầy đủ hoặc rụng trứng mà không có thai sau đó, việc điều trị có thể được lặp lại.
6.2 Đối với nam giới vô sinh
- Liều khởi đầu: Tiêm 3 lần, mỗi lần 1000 – 3000 IU hCG mỗi tuần cho đến khi đạt được nồng độ hormone Testosterone bình thường.
- Tiếp theo dùng tiêm 3 lần liều 75 – 150 IU (1 – 2 ống) menotropin mỗi tuần trong vài tháng.
7 Bảo quản
Bảo quản thuốc bột không pha trộn ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, nóng và ánh sáng. Bạn cũng có thể bảo quản bột trong tủ lạnh ở ngăn mát.
8 Tác dụng phụ
Phản ứng dị ứng: nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Các tác dụng phụ thường gặp của menotropin có thể bao gồm:
- Đau bụng hoặc đầy hơi, rối loạn tiêu hóa
- Đau đầu
- Đau, sưng hoặc kích ứng nơi tiêm thuốc.
Một số phụ nữ sử dụng menotropin phát triển một tình trạng gọi là hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS), đặc biệt là sau lần điều trị đầu tiên. OHSS có thể là một tình trạng đe dọa tính mạng. Ngừng sử dụng menotropin, không quan hệ tình dục và gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây của OHSS:
- Đau dạ dày, đầy bụng;
- Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy ;
- Tăng cân nhanh chóng, đặc biệt là ở mặt và vùng bụng
- Ít hoặc không đi tiểu
- Đau tức ngực, nhịp tim nhanh, cảm thấy khó thở (đặc biệt là khi nằm xuống).
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp những tác dụng phụ sau đây cần ngừng thuốc và mau chóng đến bệnh viện:
- Đau ngực, ho khan, cảm thấy khó thở (đặc biệt là khi nằm);
- Có dấu hiệu đột quỵ: tê hoặc yếu đột ngột (đặc biệt là ở một bên cơ thể), đau đầu dữ dội đột ngột, nói lắp, có các vấn đề về thị lực hoặc thăng bằng
- Có dấu hiệu của việc xuất hiện cục máu đông trong phổi: đau ngực, ho đột ngột, thở khò khè, thở nhanh, ho ra máu
- Có dấu hiệu của cục máu đông ở chân: đau, sưng, nóng hoặc đỏ ở một hoặc cả hai chân.
9 Các chế phẩm chứa Menotropin trên thị trường
Các biệt dược chứa Menotropin trên thị trường hiện nay là: IVF-M 150IU, IVF-M 75IU, Menogon 75IU,… Giá thành của các biệt dược này khá cao, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu.
10 Tài liệu tham khảo
1. Drugs.com (Ngày đăng: Ngày 21 tháng 02 năm 2023). Menotropin, Drugs.com. Ngày truy cập: Ngày 14 tháng 07 năm 2023.