Lá Móng hay Lá Móng Tay trước đây là loại cây được dùng để nhuộm đỏ móng tay, tuy nhiên, cây còn có nhiều công dụng chữa bệnh khác. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Lá Móng.
1 Giới thiệu về cây Lá Móng
Cây lá móng gọi là cây lá móng tay, móng tay nhuộm, cây thuốc mọi, chỉ giáp hoa, tán mạt hoa, phương tiên hoa, khau thiên.
Cây có tên khoa học là Lawsonia inermis L. (Lawsoni spinosa L. hay Lawsonia alba Lamk.)
Thuộc họ Tử vi Lythraceae.
1.1 Mô tả thực vật
Cây lá móng tay là một cây nhỏ, cao chừng 3-4 mét, thân nhẫn, phân cành nhiều, thi thoảng có gai ở đầu cành.
Lá cây mọc đối, cuống ngắn, phiến là đơn, nhỏ, hình trứng hay bầu dục, hai đầu bẹp, nhất là phía cuống, dài 2-3 cm, rộng 1-1,5 cm, mép nguyên, có những lá kèm rất nhỏ màu trắng nhạt.
Hoa màu trắng hay hồng nhạt, đỏ, mùi thơm mạnh, nhỏ, mọc thành chùm phân nhánh ở đầu cành. Hoa đàu 4 răng, có hạt hạch nhỏ ở gốc, tràng 4 cánh rời, mọc xem kẽ với lá đài, nhị 8 bao quanh bầu có 4 ô
Quả nang hình cầu to bằng quả hạt tiêu, hạt nhỏ khá nhiều và không đều, quả không nứt, phía cuống có đài bao bọc, có 4 cạnh dọc 4 ngăn, có cạnh gốc, vỏ hạt dai, rất dày, phía dưới xốp.
2 Phân bố, thu hái và chế biến
2.1 Phân bố, sinh thái
Cây có nguồn gốc ở vùng Bắc Mỹ, Tây Nam Á.
Cây mọc hoang và đôi khi được trồng ở Việt Nam. Hiện nay cây ít dùng hơn vì vậy diện tích trồng cũng thu hẹp lại. Cây còn mọc ở khắp các nước nhiệt đới và á nhiệt đới: Ấn Độ, Bắc Phi. Tại Ai Cập, người ta trồng để xuất khẩu
Cây lá móng tay ưa đất màu, những nơi khi hậu ẩm nóng. Thường được trồng bằng hạt. Trước khi gieo, cần xử lý hạt bằng cách ngâm hạt vào nước nóng 50-60 độ C sau đó có thể gieo thẳng vào vườn ươm.
Cây ra hoa hàng năm, có khả năng tái sinh vô tính mạnh
2.2 Thu hái
Cây được thu hoạch khi trồng được 2 năm hoặc 3 năm. Cành được cắt, sau đó phơi khô ngoài nắng cũng có thể phơi trong bóng râm tùy từng địa phương. Có thể thu hoạch hai lần mỗi năm. Khi hái cần để lại phần gốc cao 50 cm để cây có thể phát triển, tuổi thọ thu hoạch của cây có thể lên tới 10-12 năm thậm chí 20-30 năm nếu được chăm sóc, thu hoạch đúng cách.
Mùa đông có thể tỉa bớt cánh để cây phát triển
2.3 Bộ phận sử dụng
Bộ phận hay được dùng là lá phơi khô, để nguyên hay tán bột. Các bộ phận khác như thân, rễ, hoa được dùng ít hơn.
3 Thành phần hóa học
Hoa có mùi thơm rất nồng. Từ hoa người ta cất một thứ tinh dấu với tỷ lệ 0,02% dùng trong kỹ nghệ nước hoa, mỹ phẩm. Tinh dầu màu nâu sẫm rất thơm.
Lá Móng chứa một thuộc chất quinon gọi là Lawsone có tác dụng kháng sinh mạnh. Ở trạng thái tươi, lá móng chứa các heterosid khi thủy phân (bởi men) cho chất lawson (hydroxy 2 naphtoquinon 1-4) với hàm lượng khoảng 1% (tính theo dược liệu khô)
Ngoài ra, trước đây, người ta còn thấy trong là móng tay có 7 – 8% tanin, 6% chất béo, 1,20% tinh dầu, 2-3% chất nhựa, 2% chất màu có tinh thể hình kim màu vàng da cam, chất màu này là một chất nhuộm có phản ứng axit, ra ánh sáng và không khí có màu đỏ, do đó bởi có màu xanh nhạt ở giữa, màu đỏ xung quanh.
4 Tác dụng dược lý
Năm 1961 Phòng đông y thực nghiệm Viện vi trùng Việt Nam đã thí nghiệm tác dụng kháng sinh của lá móng tay thấy tác dụng kháng sinh của lá rất mạnh. Nước sắc có tác dụng kháng sinh đối với Tụ cầu 209 P (1cm), Typhi (1,2cm), Flexneri (0,8cm), Shiga (1,2cm), Sonnei (0,5cm), Subtilis (0,8), trực trùng Coli gây bệnh (0,5cm), Coli bethesda (0,4cm).
Cao lá móng có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Cao cồn lá móng và lawson chiết từ lá móng có tác dụng chống viêm và ức chế hoạt tính của Hyaluronidase. Nước sắc lá móng cho chuột cống trắng uống có tác dụng lợi tiểu và lợi mật.
Lá móng ức chế co thắt cơ trơn gây bởi histamin và acctylcholin trên ruột có lập chuột lang và gây co tử cung cô lập và tại chỗ của chuột cống trắng và thỏ. Cao cồn vỏ thân lá móng, cho chuột cống trắng uống liều 1,5 g/kg làm giảm có ý nghĩa nồng độ GOT và GPT huyết thanh.
Lá móng có tác dụng kháng oestrogen trên chuột nhắt trắng. Cao lá móng được nghiên cứu về tác dụng gây sảy thai, cao methanol có tác dụng gây sảy thai ở chuột nhất trắng, chuột cống trắng và chuột lang mạnh nhất. Tác dụng phụ thuộc vào liều. Lá móng với liều cho chuột nhắt trắng cái uống mỗi ngày 50 mg đã có tác dụng ngừa thai. Tỷ lệ chuột cái không chửa là 50%, so với ở là đối chứng, chuột không chửa là 20%.
Đã sử dụng hai bài thuốc gồm lá móng phối hợp với lá mỏ quạ, phèn phi hoặc phối hợp với Hoàng Đằng, hoàng bá để điều trị cho phụ nữ viêm loét cổ tử cung. Thuốc đáp ứng được yêu cầu điều trị là làm thay đổi độ pH âm đạo, làm giảm tiết dịch, có tác dụng kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây bệnh trong phụ khoa, và giúp cho mô tái tạo nhanh chóng. Áp dụng điều trị cho 360 bệnh nhân lộ tuyến và viêm loét cổ tử cung, kết quả khỏi hoàn toàn 74,5%, đỡ nhiều 21,8%, đỡ ít 4%.
Nghiên cứu về tác dụng giảm đau, kết quả cho thấy hàm lượng cao các thành phần hoạt tính sinh học tạo ra tác dụng chữa lành vết thương hiệu quả trên in vivo.
5 Công dụng và liều dùng
5.1 Tính vị, công năng
Lá móng có vị đắng the, tính ấm, cho tác dụng thông kinh, giãn gân xương, hoạt huyết
5.2 Cây móng tay chữa bệnh gì?
Trước đây, lá cây móng được dùng để nhuộm đỏ móng tay
Ngoài ra, cây còn dùng chữa hắc lào, bệnh da vàng, bệnh hủi, lở loét, ngã tổn thương, chảy máu, ứ máu, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, da vàng, bụng to, phù thũng, tê bại, nhức mỏi, phong thấp.
Người ta cho rằng lá móng tay có tác dụng làm cho tóc và móng tay nhanh mọc. Lá tươi giã nát trộn với dấm thanh dùng để chữa bệnh ngoài da: hắc lào, nhọt độc lên mủ, ghẻ lở, rắn, sâu bọ độc cắn
Tại châu Âu, người ta dùng lá móng tay để chế mỹ phẩm và làm thuốc nhuộm tóc.
Tại một số nước, người ta dùng vỏ thân cây làm thuốc chữa bệnh gan, bệnh tuỷ sống lưng, chữa tê bại nhức mỏi. Có khi còn dùng chữa kinh nguyệt không đều, có thể gây sảy thai.
Nhân dân Campuchia dùng để làm thuốc lợi niệu, chữa ho, viêm khí quản.
Ở Ấn Độ, lá móng được dùng dự phòng bệnh về da với tác dụng làm săn. Dùng ngoài, dạng bột nhão hoặc nước sắc trị nhọt, bỏng, vết thâm tím và viêm da. Nước sắc là thuốc súc miệng, trị viêm họng. Lá móng có trong thành phần một bài thuốc cổ truyền Ấn Độ để điều trị bệnh da, thiếu máu, nhiễm khuẩn, trị rò hậu môn.
6 Bài thuốc chứa lá móng
6.1 Chữa con gái chậm thấy kinh
Dùng 30g lá móng sắc uống
6.2 Chữa kinh nguyệt không đều, chậm kinh
Cách 1: Dùng 20g Lá móng, 8g hoa chổi xuể, thái nhỏ phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Phụ nữ có thai không dùng vì có thể bị sẩy thai.
Cách 2: Dùng 20g Lá móng, 15g hồi đầu đem sắc uống.
6.3 chữa kinh bế để tránh thụ thai
Dùng 50g Lá móng, 40g ích mẫu, 30g nghệ đen. Đem sắc uống mỗi ngày một thang, trong 3 ngày liên tục sau khi giao hợp; hay trước kỳ kinh 3 ngày, mỗi ngày uống một thang cho đến khi thấy kinh mới thôi.
6.4 Chữa sưng tấy
Dùng 10g Lá móng; 12g mỗi vị huyết giác, Ngải Cứu, 10g tô mộc, 8g nghệ, đem sắc uống.
6.5 Chữa sưng gan
Dùng 30g lá móng, 15-20g mỗi vị dành dành, huyền sâm, Ích mẫu, mộc thông. Đem sắc uống.
6.6 Chữa bệnh nấm da gây lở ngứa ở kẽ chân, có thể lây sang cả bàn chân
Cách 1: Lá móng 100g, rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp bảng lại. Nên đắp vào buổi tối để tránh đi lại. Thay thuốc hàng ngày trong tuần đầu. Tuần thứ hai, cứ 2 ngày đắp một lần, tuần thứ ba cứ 3 ngày đắp một lần. Khi bớt lở ngứa, bong da, bôi Nhựa lá Lô Hội, đắp lá thuốc bỏng hoặc bôi Dầu Gấc.
Cách 2: Lá móng, lá bạch hạc, lá phèn đen, lá tràm bầu, mỗi vị 100g, giã nát, ngâm vào 100 ml rượu trắng Dùng tăm bông tẩm thuốc bởi 2 – 3 lần trong ngày
7 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Lá móng trang 130-133, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 01 tháng 07 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Lá móng tay trang 105-106, Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 01 tháng 07 năm 2023.
- Tác giả: Dorsaf Moalla Rekik và cộng sự (Ngày đăng: năm 2019). Wound Healing Effect of Lawsonia inermis, Pubmed. Truy cập ngày 01 tháng 07 năm 2023.