Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Magnoliids (phân lớp Ngọc lan) |
Bộ(ordo) |
Magnoliales (Mộc lan) |
Họ(familia) |
Magnoliaceae (Mộc lan) |
Chi(genus) |
Michelia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Michelia alba L. |
Ngọc lan Trắng thuộc dạng cây to, chiều cao từ 10 đến 15 mét, có khi cao hơn. Vỏ thân cây có màu xám. Nhân dân thường trồng để làm cảnh và làm thuốc chữa viêm phế quản. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Ngọc Lan Trắng.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Michelia alba L.
Tên gọi khác: Ngọc lan Trắng, Ngọc lan ta.
Họ thực vật: Mộc lan Magnoliaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dưới đây là hình ảnh cây hoa ngọc lan:
Ngọc Lan Trắng thuộc dạng cây to, chiều cao từ 10 đến 15 mét, có khi cao hơn. Vỏ thân cây có màu xám.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục, dài, hơi thuôn, chiều dài mỗi phiến lá từ 15 đến 20cm, chiều rộng từ 8 đến 10cm, gốc lá có dạng hình tròn, đầu lá nhọn. Mặt trên của lá cây Ngọc lan trắng thường nhẵn, mặt dưới có một ít lông thưa.
Hoa có màu trắng, mùi thơm, thường mọc đơn độc ở kẽ lá, đài và tràng của bao hoa đã phân hóa, tạo thành những phiến có kích thước bằng nhau.
Bao phấn nứt dọc.
Lá noãn rời, chứa 5-8 noãn.
Quả hình nón, nhiều đại, mỗi đại lại gồm từ 1-8 hạt có dạng hình trứng.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hoa, vỏ thân, lá.
Thời điểm thu hái: Vỏ thân thu hái quanh năm.
Chế biến: Hoa có thể dùng tươi hoặc phơi khô, vỏ thân dùng khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Michelia L. trên thế giới có khoảng 30 loài, toàn là cây gỗ, một số loài thuộc chi này cũng được trồng để lấy tinh dầu để phục vụ sản xuất trong công nghệ mỹ phẩm.
Tại nước ta, chi này có khoảng 19 loài. Một số tài liệu cho rằng, Ngọc lan trắng là sự kết hợp của 2 loài là M.champaca L. và M. montana Blume.
Cây được trồng ở nhiều nước nhiệt đới của Đông – Nam Á. Ngọc lan trắng được tìm thấy ở nhiều tình thuộc phía Bắc, cây được trồng chủ yếu để làm cảnh, đặc biệt là trong các đình chùa, công viên,…
Hoa ngọc lan là loài ưa sáng, thích nghi tốt với điều kiện nóng ẩm, cây ra hoa nhiều nhưng ít đậu quả. Chính vì lý do này mà nhân giống tự nhiên rất hạn chế.
Hoa ngọc lan được trồng chủ yếu từ việc chiết cành hay giâm cành, thường sử dụng thêm các chất kích rễ.
2 Cách trồng hoa ngọc lan trong chậu
Có nên trồng cây hoa ngọc lan trước nhà? Ngọc lan là một loài hoa đẹp, có hương thơm đặc trưng. Việc trồng hoa ngọc lan không chỉ giúp ngôi nhà có nhiều bóng mát mà trong phong thủy, hoa ngọc lan đại diện cho sự mạng mẽ với nguồn năng lượng dồi dào giúp đem lại vượng khí cho gia chủ. Do đó, bạn có thể trồng cây hoa ngọc lan trước nhà nhưng cần chăm sóc cẩn thận để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh đó, bạn có thể trồng hoa ngọc lan trong chậu để tiện chăm sóc, khi trồng nên rải một ít đất nung xuống đáy chậu để cây thoát nước tốt, sau khi trồng nên để cây ở những nơi có bóng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, tưới nước cho cây đủ ẩm, không nên tưới nhiều vì Ngọc lan không chịu được ngập úng và bón phân định kỳ để cây con phát triển, có thể sử dụng một số loại phân bón hoặc thuốc kích rễ để cây nhanh lớn.
3 Thành phần hóa học
Hoa của cây chứa 23 thành phần hóa học.
Lá tươi chứa alcaloid, tinh dầu, các hợp chất phenol.
Rễ và vỏ thân chứa oxyshinsunin, ushisunin.
4 Công dụng của hoa Ngọc lan
4.1 Tính vị, tác dụng
Hoa:
- Tính vị: Vị đắng, cay, tính hợp ấm.
- Tác dụng: Giảm ho, ích phế, tiêu đờm, hòa khí.
Vỏ thân:
- Tính vị: Có vị đắng, tính lạnh.
- Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu.
4.2 Công dụng
Hoa của cây được sử dụng để làm nước hoa, làm thuốc trị viêm xoang, đau đầu, viêm phế quản, đau ngực, chóng mặt, bạch đới.
Liều dùng là 6-12g đem sắc nước uống.
Vỏ thân sau khi cạo sạch lớp vỏ bên ngoài, đem thái thành từng phiến mỏng sau đó phơi khô dùng trong các trường hợp kinh nguyệt không đều, sốt, tiểu khó, vỏ thân còn có tác dụng làm sáng mắt, thính tai. Mỗi ngày sử dụng 30g, sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần.
5 Một số cách trị bệnh từ cây Ngọc Lan Trắng
5.1 Chữa ho, viêm phế quản
5-7 bông hoa Ngọc lan.
Đem sắc với nước, thêm Mật Ong uống trong ngày.
Hoặc:
- 30g hoa ngọc lan.
- 40g Mật Ong.
- 60ml nước.
- Tất cả đem hấp cách thủy, uống.
- Dùng trong vòng từ 4-5 ngày.
5.2 Chữa viêm phế quản mạn ở người lớn tuổi
30g lá Ngọc lan trắng.
30g Lá Gừa.
5g Giun Đất khô.
Các vị đem sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Nên dùng trong nhiều ngày.
5.3 Chữa bạch đới, tỳ hư, thấp thịnh
10g hoa ngọc lan trắng.
30g Ý Dĩ nhân.
30g Bạch Biển Đậu.
5g hạt Mã Đề (Xa Tiền Tử).
Các vị đem sắc lấy nước uống.
6 Giá cây hoa ngọc lan là bao nhiêu?
Nhiều nhà vườn bán cây ngọc lan cao 2 mét với giá từ 400.000 đến 500.000 đồng. Những cây có kích thước lớn hơn sẽ có giá cao hơn. Khi tìm mua, bạn nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, cây cứng cáp, phát triển tốt để về dễ trồng và chăm sóc.
7 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Ngọc Lan Ta, trang 394-395. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2024.