Esmolol Hydrochlorid

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

ESMOLOL HYDROCLORID 

Tên chung quốc tế: Esmolol hydrochloride. 

Mã ATC: C07AB09. 

Loại thuốc: Thuốc ức chế thụ thể giao cảm beta chọn lọc. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Dung dịch tiêm tĩnh mạch 10 mg/ml (lọ 10 ml), 20 mg/ml (lọ 5 ml). 

Dung dịch truyền tĩnh mạch 10 mg/ml (túi 250 ml), 20 mg/ml (túi 100 ml). 

2 Dược lực học 

Esmolol là thuốc chẹn chọn lọc thụ thể beta-adrenergic với khởi phát tác dụng nhanh và khoảng thời gian tác dụng ngắn. Esmolol ức chế thụ thể beta-1 adrenergic chủ yếu ở cơ tim, tuy nhiên khi dùng liều cao esmolol sẽ ức chế cả thụ thể beta-2 adrenergic ở cơ trơn phế quản và mạch máu. Ở liều điều trị, esmolol không có hoạt tính giao cảm nội tại đáng kể và hoạt tính ổn định màng tế bào. 

Esmolol có các tác dụng dược lý tương tự các thuốc chẹn beta khác bao gồm: giảm tần số tim khi nghỉ và khi hoạt động, giảm tác dụng tăng nhịp tim gây ra bởi isoproterenol, tăng thời gian hồi phục của nút nhĩ thất, chậm dẫn truyền nhĩ thất, kéo dài khoảng nhì – thất trong đó vẫn duy trì nhịp xoang, kéo dài thời gian PQ, gây blốc nhĩ thất độ 2, kéo dài thời gian trở của nhĩ và thất, tác dụng hưởng cơ âm tính, làm giảm phân số tống máu, giảm huyết áp. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu 

Khi truyền tĩnh mạch với tốc độ 50 – 200 microgam/kg/phút, nồng độ thuốc trong mẫu ở trạng thái cân bằng đạt được trong vòng 10 – 30 phút. Nếu tiêm tĩnh mạch liều nạp 500 microgam/kg, rồi truyền với liều duy trì 50 – 300 micngam/kg/phút thì nồng độ thuốc ở trạng thái cân bằng đạt được sau 5 phút. Nồng độ thuốc trong máu ở trạng thái cân bằng tỉ lệ thuận với tốc độ truyền tĩnh mạch trong khoảng 50 – 400 microgam/kg/phút. Esmolol thủy phân nhanh trong máu, vì vậy sau khi ngừng truyền nồng độ thuốc trong máu giảm nhanh, xuống dưới ngưỡng phát hiện ở sau 30 phút ngừng truyền

3.2 Phân bố 

Sau khi truyền tĩnh mạch, esmolol phân bố nhanh và rộng rãi. Thể tích phân bố của esmolol trên người khỏe mạnh khoảng 3,4 lít/kg sau khi tiêm tĩnh mạch. Thể tích phân bố giảm trên bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành và tăng trên bệnh nhân suy thận có thẩm tách màng bụng, bệnh nhân xơ gan.

Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 55%, chủ yếu với Albumin và alpha acid glycoprotein (alpha1-AGP). Không rõ thuốc có qua được nhau thai người hay không, tuy nhiên có thể qua nhau thai động vật, Chưa rõ thuốc có phân bố vào sữa mẹ hay không. 

3.3 Chuyển hóa và thải trừ 

Nồng độ thuốc trong máu giảm theo hai pha, nửa đời của esmolol ở pha phân bổ ban đầu (t, alpha) khoảng 2 phút và ở pha thải trừ cuối cùng (t, beta) khoảng 9 phút (dao động từ 5 đến 23 phút).

Esmolol thủy phân nhanh và nhiều tại hồng cầu nhờ esterase, tạo thành acid tự do (ASL 8123) và methanol. ASL 8123 không có tác dụng ức chế thụ thể beta-adrenergic đáng kể ở người. 

Thuốc thải trừ chủ yếu qua thận, phần lớn dưới dạng ASL 8123 (khoảng 73 – 88%) và ít hơn 2% ở dạng thuốc nguyên vẹn ban đầu. Có chưa đến 5% liều dùng thải trừ qua phân. 

Do được chuyển hóa nhanh chóng tại máu, thuốc dạng nguyên vẹn không xuất hiện trong dịch thẩm phân. 

4 Chỉ định 

Loạn nhịp nhanh trên thất (bao gồm rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp tim nhanh xoang). 

Tăng huyết áp và/hoặc nhịp tim nhanh trong và sau phẫu thuật. 

5 Chống chỉ định 

(Blốc) nhĩ thất độ 2 và 3. 

Nhịp xoang tim chậm (dưới 50 nhịp/phút). 

Hội chứng suy nút xoang. 

Rối loạn dẫn truyền nút nhĩ – thất nặng (không có máy tạo nhịp). 

Sốc tim. 

Suy tim mất bù. 

Tụt huyết áp. 

Dùng đồng thời với Verapamil đường tĩnh mạch hoặc vừa ngừng verapamil đường tĩnh mạch (không dùng esmolol trong vòng 48 giờ kể từ khi ngừng verapamil). 

U tủy thượng thận chưa phẫu thuật. 

Tăng áp lực động mạch phổi. 

Cơn hen phế quản cấp. 

Nhiễm toan chuyển hóa. 

Mẫn cảm với thuốc. 

6 Thận trọng 

6.1 Hạ huyết áp

Hạ huyết áp có thể xảy ra ở bất cứ mức liều nào, tuy nhiên có phụ thuộc liều. Các bệnh nhân có rối loạn huyết động hoặc dùng các thuốc có tương tác có nguy cơ cao hơn. Để kiểm soát nhịp thất, không khuyến cáo dùng liều duy trì cao hơn 200 microgam/kg/phút. Cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ, đặc biệt khi huyết áp thấp trước điều trị. Trong trường hợp xảy ra hạ huyết áp quá mức, cần giảm tốc độ truyền hoặc ngừng truyền. Tình trạng hạ huyết áp có thể đảo ngược được, thường trong vòng 30 phút sau khi giảm liều hoặc ngừng truyền. 

6.2 Chậm nhịp tim

Chậm nhịp tim, bao gồm cả nhịp xoang chậm, ngừng xoang, blốc tim, chậm nhịp tim nặng và ngừng tim đã xảy ra khi dùng esmolol. Bệnh nhân có blốc nhĩ thất độ 1, rối loạn chức năng nút xoang hoặc rối loạn dẫn truyền có thể có nguy cơ cao hơn. Cần theo dõi nhịp tim và tần số tim trên bệnh nhân dùng esmolol. Nếu xảy ra chậm nhịp tim nặng, cần giảm liều hoặc ngừng esmolol. 

6.3 Suy tim

Thuốc chẹn beta như esmolol gây ức chế co bóp cơ tim và có thể làm nặng thêm suy tim và sốc tim. Ngay khi có các triệu chứng đầu tiên gợi ý suy tim nặng lên, cần ngừng esmolol và điều trị hỗ trợ. 

6.4 Nhịp tim nhanh và tăng huyết áp trong và sau phẫu thuật

Cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn chặt chẽ và điều chỉnh liều esmolol một cách từ từ trên bệnh nhân mà huyết áp chủ yếu ảnh hưởng bởi tình trạng co mạch liên quan đến hạ thân nhiệt. 

6.5 Bệnh nhân có bệnh đường hô hấp

Thông thường, không nên dùng thuốc chẹn beta trên bệnh nhân có bệnh lý đường hô hấp. Do đặc tính chọn lọc trên thụ thể beta-adrenergic, nên dùng liều esmolol thấp nhất có hiệu quả. Khi xảy ra co thắt phế quản, cần ngừng truyền ngay lập tức; có thể sử dụng thuốc kích thích thụ thể beta đồng thời theo dõi nhịp tim chặt chẽ. 

6.6 Bệnh nhân đái tháo đường và hạ đường huyết

Trên các bệnh nhân có hạ đường huyết hoặc các bệnh nhân đái tháo đường (đặc biệt bệnh nhân có đái tháo đường tiềm ẩn) đang dùng insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường khác, thuốc chẹn beta có thể làm che lấp dấu hiệu nhịp tim nhanh của tình trạng hạ đường huyết, tuy nhiên có thể không che lấp các biểu hiện khác như chóng mặt, gây toát mồ hôi. Việc sử dụng đồng thời thuốc chẹn beta có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết các thuốc điều trị đái tháo đường. 

6.7 Phản ứng tại vị trí truyền

Truyền esmolol có thể gây phản ứng tại vị trí truyền, bao gồm: kích ứng, viêm và phản ứng nghiêm trọng (viêm tắc huyết khối tĩnh mạch, hoại tử và phồng rộp), đặc biệt khi có thoát mạch. Tránh truyền esmolol vào các tĩnh mạch nhỏ hoặc thông qua kim bướm. Nếu xảy ra phản ứng tại vị trí truyền, nên thay vị trí truyền khác và tránh để xảy ra thoát mạch. 

6.8 Tăng kali huyết

Thuốc chẹn beta như esmolol có thể liên quan đến tăng Kali huyết. Nguy cơ này tăng trên bệnh nhân có suy giảm chức năng thận. Đã có báo cáo xảy ra tăng kali huyết có thể đe dọa tính mạng liên quan đến truyền tĩnh mạch thuốc chẹn beta trên bệnh nhân thẩm tách máu chu kỳ. Cần theo dõi điện giải máu khi đang dùng esmolol. 

6.9 Bệnh nhân có u tủy thượng thận

Nếu sử dụng esmolol trên bệnh nhân có u tủy thượng thận, cần phải phối hợp với thuốc chẹn alpha và chỉ dùng esmolol sau khi đã khởi đầu điều trị bằng thuốc chẹn alpha. Sử dụng thuốc chẹn beta đơn độc có thể liên đến tình trạng tăng huyết áp trên bệnh nhân u tủy thượng thận do giảm giãn mạch ở cơ quan trung gian thụ thể beta. 

6.10 Bệnh nhân có giảm thể tích tuần hoàn

Trên các bệnh nhân này, esmolol có thể làm giảm đáp ứng tăng nhịp tim do phản xạ và tăng nguy cơ hạ huyết áp. 

6.11 Bệnh nhân có rối loạn tuần hoàn ngoại biên

Trên các bệnh nhân này (bao gồm bệnh nhân có hội chứng Raynaud và bệnh tắc nghẽn động mạch ngoại biên), esmolol có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn tuần hoàn ngoại biên. 

6.12 Bệnh nhân có toan chuyển hóa

Đã có báo cáo về việc thuốc chẹn beta trong đó có esmolol gây toan hóa ống thận tăng kali huyết. Thông thường, tình trạng toan chuyển hóa này có thể do liên quan đến giảm co bóp cơ tim. 

6.13 Bệnh nhân cường giáp

Thuốc chẹn beta có thể che lấp một số dấu hiệu lâm sàng của cường giáp như nhịp tim nhanh. Ngừng đột ngột thuốc chẹn beta có thể thúc đẩy khởi phát cơn bão giáp, vì vậy cần theo dõi bệnh nhân về các dấu hiệu của nhiễm độc giáp khi ngừng thuốc chẹn beta. 

6.14 Bệnh nhân có nguy cơ gặp các phản ứng quá mẫn cấp mức độ nghiêm trọng

Khi sử dụng thuốc chẹn beta, các bệnh nhân có nguy cơ gặp phản ứng phản vệ có thể tăng tính nhạy cảm với dị nguyên (tiếp xúc không chủ định, các chất liên quan đến chẩn đoán, điều trị). Các bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta có thể không đáp ứng với liều epinephrin thường dùng để xử trí phản ứng phản vệ hoặc phản ứng dạng phản vệ. 

6.15 Ngừng đột ngột esmolol

Ngừng đột ngột thuốc chẹn beta trên bệnh nhân có bệnh mạch vành có thể dẫn tới các cơn đau thắt ngực nghiêm trọng, nhồi máu cơ tim và loạn nhịp thất. Cần quan sát các dấu hiệu của thiếu máu khi ngừng esmolol. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa có nhiều bằng chứng về việc sử dụng esmolol trong thai kỳ. Nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra độc tính trên sinh sản của esmolol. Không khuyến cáo sử dụng esmolol trong thai kỳ. Dựa theo lý thuyết từ tác dụng dược lý, esmolol có thể gây các tác dụng như hạ đường huyết, hạ huyết áp, chậm nhịp tim ở thai nhi và trẻ sơ sinh khi sử dụng vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu cần thiết phải sử dụng esmolol, cần theo dõi lưu lượng máu thai và sự phát triển của thai nhi cũng như trẻ sơ sinh. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Không rõ esmolol có bài tiết qua sữa mẹ hay không, vì vậy chưa loại trừ về nguy cơ trên trẻ. Do nguy cơ gây ra các biến cố bất lợi nghiêm trọng trên trẻ, nhà sản xuất khuyến cáo hoặc là ngưng cho con bú khi đang dùng esmolol, hoặc là không sử dụng esmolol trong thời kỳ cho con bú tùy theo cân nhắc tính cần thiết của điều trị bằng esmolol với mẹ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Rất thường gặp 

Tim mạch: hạ huyết áp. 

9.2 Thường gặp 

Chuyển hóa và dinh dưỡng: chán ăn. 

Tâm thần: trầm cảm, lo lắng. 

Thần kinh: chóng mặt, ngủ gà, đau đầu, rối loạn tập trung, lú lẫn, kích động. 

Mạch: thiếu máu ngoại vi, nhợt nhạt, đỏ bừng. 

Tiêu hóa: nôn, buồn nôn. 

Toàn thân: suy nhược, mệt mỏi. 

Vị trí tiêm truyền: phản ứng, viêm, sưng. 

9.3 Ít gặp 

Tâm thần: suy nghĩ bất thường. 

Thần kinh: bất tỉnh, co giật, rối loạn ngôn ngữ. 

Mắt: suy giảm thị giác. 

Tim: nhịp tim chậm, blốc nhĩ thất, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, ngoại tâm thu thất, nhịp nút, đau thắt ngực. 

Mạch: viêm tắc tĩnh mạch. 

Hô hấp, lồng ngực và trung thất: khó thở, phù phổi, co thắt phế quản, khò khè sung huyết mũi, ran phổi. 

Tiêu hóa: thay đổi vị giác, khó tiêu, táo bón, khô miệng, đau bụng.  

Da và mô dưới da: mất màu da, đỏ da. 

Cơ xương: đau cơ. 

Tiết niệu: tiểu khó. 

Toàn thân: ớn lạnh, sốt, phù, đau.

Vị trí tiêm truyền: nông, bầm đỏ. 

9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Khi xảy ra các ADR, cần giảm tốc độ truyền thuốc ngay lập tức hoặc ngừng truyền thuốc nếu cần. 

Khi bị co thắt phế quản, cần ngừng truyền esmolol ngay, có thể sử dụng thuốc giãn phế quản (kích thích thụ thể beta1-adrenergic) nếu cần nhưng phải hết sức thận trọng, đặc biệt là khi bệnh nhân có thể đã có nhịp nhanh thất từ trước. 

Nếu xảy ra phản ứng phản vệ ở bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế thụ thể beta-adrenergic như esmolol, bệnh nhân thường đáp ứng kém hơn với liều epinephrin thông thường hoặc có thể có những đáp ứng nghịch lý với epinephrin được dùng để xử lý phản ứng phản vệ. Cân nhắc sử dụng glucagon hoặc ipratropium cho các bệnh nhân này. Ipratropium cũng có tác dụng điều trị co thắt phế quản đi kèm với phản ứng phản vệ ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế beta-adrenergic. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Thuốc được truyền tĩnh mạch bằng thiết bị truyền có kiểm soát để điều chỉnh liều phù hợp. Không được đưa thuốc vào các tĩnh mạch quá nhỏ hoặc qua kim bướm. Tránh để thoát mạch esmolol vì có thể dẫn tới phản ứng tại vị trí truyền bao gồm: kích ứng, viêm, hoặc phản ứng nặng như viêm tắc tĩnh mạch, hoại tử, chàm. 

10.2 Liều lượng 

Liều và tốc độ truyền cần được xác định và điều chỉnh theo tình trạng bệnh, đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ (huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, điện tâm đồ) khi sử dụng esmolol. Nếu xảy ra biến cố bất lợi như hạ huyết áp, suy tim sung huyết, chậm nhịp tim; cần giảm tốc độ truyền hoặc ngừng truyền nếu cần thiết. 

10.2.1 Người lớn 

10.2.1.1 Loạn nhịp nhanh trên thất 

Khởi đầu tiêm tĩnh mạch 500 microgam/kg trong khoảng 1 phút, sau đó truyền tĩnh mạch duy trì với tốc độ 50 microgam/kg/phút trong 4 phút.

Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt, duy trì tốc độ truyền này. Nếu chưa đạt được đáp ứng tối ưu trong vòng 5 phút đầu tiên, có thể tiếp tục sử dụng liều duy trì 50 microgam/kg/phút trong 4 phút hoặc tăng tốc độ truyền liều duy trì thêm 50 microgam/kg/phút (tức là tốc độ truyền 100 microgam/kg/phút, hoặc sau đó có thể tới 150 microgam/kg/phút, hoặc tới tối đa là 200 microgam/kg/phút). Thời gian giữa các lần tăng liều tối thiểu là 4 phút. 

Nếu cần phải đạt được đáp ứng tối ưu nhanh hơn, có thể dùng thêm liều nạp thứ hai 500 microgam/kg/phút tiêm tĩnh mạch trong 1 phút, sau đó truyền liều duy trì với tốc độ 100 microgam/kg/phút trong 4 phút.

Nếu cần thiết, có thể dùng thêm liều nạp cuối cùng 500 microgam/kg/phút tiêm tĩnh mạch trong 1 phút, sau đó truyền liều duy trì với tốc độ 150 microgam/kg/phút trong 4 phút.

Liều duy trì có thể tăng lên tối đa là 200 microgam/kg/phút nếu cần.

Thông thường đáp ứng tối ưu đạt được với liều duy trì trung bình 100 microgam/kg/phút (khoảng từ 50 – 200 microgam/kg/phút), tuy nhiên nhịp tim ở một số bệnh nhân có thể được kiểm soát ở liều 25 microgam/kg/phút hoặc liều tới 300 microgam/kg/phút cũng đã được sử dụng trên lâm sàng. 

Khi đã đạt được đáp ứng mong muốn trên lâm sàng, có thể tiếp tục truyền tĩnh mạch nếu cần, tới 24 giờ, hoặc tới tối đa 48 giờ.

Sau đó, khi điều kiện lâm sàng cho phép, cân nhắc chuyển đổi sang các thuốc chống loạn nhịp thay thế (như thuốc chẹn beta tác dụng dài hạn, Digoxin, verapamil).

Khi chuyển sang dùng một thuốc điều trị loạn nhịp khác, cần giảm liều esmolol đi 50% sau khi đã dùng thuốc thay thế 30 phút. Nếu đáp ứng được duy trì ít nhất một giờ sau khi dùng liều thứ hai của thuốc thay thế, có thể ngừng truyền esmolol. 

10.2.1.2 Tăng huyết áp và nhịp tim nhanh trong quá trình phẫu thuật 

Khi cần kiểm soát nhịp tim và huyết áp ngay lập tức trong và sau phẫu thuật, dùng liều nạp 1 mg/kg tiêm trực tiếp tĩnh mạch trong 30 giây, sau đó có thể truyền tĩnh mạch 150 microgam/kg/phút.

Nếu cần, điều chỉnh tốc độ truyền tới tối đa 200 microgam/kg/phút để duy trì nhịp tim mong muốn hoặc tới 250 – 300 microgam/kg/phút để duy trì huyết áp. 

Để kiểm soát tăng huyết áp sau phẫu thuật trên bệnh nhân phẫu thuật tim mạch, dùng liều nạp 250 microgam/kg trong 30 giây, sau đỏ truyền tĩnh mạch 25 microgam/kg/phút trong 4 phút.

Nếu cần, điều chỉnh tốc độ truyền của liều duy trì tăng 50 microgam/kg/phút sau mỗi 4 phút nếu đáp ứng chưa tối ưu, tới tối đa 300 microgam/ kg/ phút. Mỗi lần tăng liều duy trì đều cần bổ sung liều nạp 500 microgam/kg/phút tiêm tĩnh mạch trong 1 phút. 

10.2.2 Trẻ em 

10.2.2.1 Cấp cứu loạn nhịp tim và tăng huyết áp

Trẻ em từ 1 tháng – 18 tuổi: Khởi đầu tiêm tĩnh mạch 500 microgam/kg trong khoảng 1 phút, sau đó truyền tĩnh mạch duy trì với tốc độ 50 microgam/kg/ phút trong 4 phút (giảm tốc độ truyền nếu tần số tim thấp và huyết áp quá thấp).

Nếu chưa đạt được đáp ứng tốt, tiêm tĩnh mạch thêm 1 liều 500 microgam/kg trong khoảng 1 phút và tăng tốc độ truyền duy trì lên thành 100 microgam/kg/phút trong 4 phút.

Nếu cần thiết, tiếp tục lặp lại chu trình điều trị như vậy cho tới khi đạt được đáp ứng đầy đủ của người bệnh, mỗi lần tốc độ truyền duy trì tăng thêm 50 microgam/kg/phút cho tới khi đạt liều 200 microgam/kg/ phút. Không khuyến cáo sử dụng liều trên 300 microgam/kg/phút. 

10.2.2.2 Tứ chứng Fallot bẩm sinh

Trẻ sơ sinh: Khởi đầu tiêm tĩnh mạch 600 microgam/kg trong vòng 1 – 2 phút, nếu cần thiết, duy trì truyền tĩnh mạch 300 – 900 microgam/kg/phút. 

11 Tương tác thuốc 

Thuốc tăng huyết áp khác hoặc thuốc có thể gây hạ huyết áp hoặc chậm nhịp tim: Cần thận trọng, vì esmolol có thể làm tăng tác dụng phụ hạ huyết áp của các thuốc này, hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng chậm nhịp tim 

Thuốc chẹn kênh calci như verapamil, diltiazem: Các thuốc này có thể làm giảm co bóp tim và dẫn truyền nhĩ – thất. Không nên phối hợp esmolol với các thuốc này trên bệnh nhân có rối loạn dẫn truyền. Không dùng esmolol trong vòng 48 giờ kể từ khi ngừng verapamil. 

Thuốc chẹn kênh calci dẫn xuất dihydropyridin như nifedipin: Có thể làm gia tăng nguy cơ hạ huyết áp. Trên bệnh nhân có suy giảm chức năng tim và đang điều trị bằng thuốc chẹn kênh calci, bổ sung thuốc chẹn beta có thể dẫn tới suy tim. Cần điều chỉnh liều esmolol thận trọng và theo dõi huyết động một cách phù hợp. 

Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I (như disopyramid, quinidin) và amiodaron: Có thể ảnh hưởng tới thời gian dẫn truyền nhĩ và gây tác dụng hướng cơ âm tính. 

Insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường đường uống: Tăng tác dụng hạ đường huyết (đặc biệt với các thuốc chẹn beta không chọn lọc). Tác dụng chẹn beta của esmolol có thể che lấp các dấu hiệu của hạ đường huyết (nhịp tim nhanh), nhưng có thể sẽ không che lấp các biểu hiện khác như chóng mặt, toát mồ hôi. 

Thuốc gây mê: Trong trường hợp chưa rõ về thể tích dịch tuần hoàn của bệnh nhân hoặc sử dụng cùng các thuốc điều trị tăng huyết áp khác, nhịp tim nhanh phản xạ có thể giảm và tăng nguy cơ hạ huyết áp. Việc tiếp tục sử dụng thuốc chẹn beta sẽ làm giảm nguy cơ loạn nhịp tim khi khởi mê và đặt nội khí quản. Các chuyên gia gây mê cần được thông báo về việc bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta khác bên cạnh esmolol. Tác dụng gây hạ huyết áp của các thuốc gây mê đường hô hấp có thể tăng khi dùng cùng esmolol. Liều của cả hai thuốc này có thể cần phải hiệu chỉnh nếu cần để đảm bảo huyết động. 

NSAID: Có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc chẹn beta. 

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (như imipramin, Amitriptylin), các barbiturat cũng như Clorpromazin và các thuốc chống loạn thần khác (như clozapin): Có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của esmolol. Cần điều chỉnh giảm liều esmolol để tránh hạ huyết áp quá mức. 

Dẫn xuất cựa lõa mạch: Có thể dẫn tới có mạch ngoại vi và tăng huyết áp. 

Thuốc chủ vận alpha-2 (clonidin, guanfacin, moxonidin): Có thể làm tăng khả năng gặp tình trạng tăng huyết áp bật ngược khi ngừng thuốc. Khi cần ngừng cả hai thuốc mà trước đó sử dụng đồng thời, cần ngừng thuốc chẹn beta trước, sau đó một vài ngày mới ngừng Clonidin. 

Reserpin: Có thể có tác dụng hiệp đồng cộng, gây hạ huyết áp hoặc nhịp tim chậm quá mức. Cần theo dõi các dấu hiệu này khi phối hợp, vì hạ huyết áp và nhịp tim quá mức có thể dẫn tới chóng mặt, hạ huyết áp tư thế đứng hoặc ngất. 

Thuốc kháng cholinesterase: Esmolol làm kéo dài thời gian ức chế thần kinh cơ liên quan succinylcholin của mivacurium, kéo dài thời gian có tác dụng lâm sàng và chỉ số hồi phục của thuốc ở mức độ trung bình. 

Thuốc giống giao cảm: Thuốc giống giao cảm có hoạt tính chủ vận beta sẽ làm giảm hoặc mất tác dụng của esmolol. 

Thuốc co mạch (epinephrin, norepinephrin, dopamin): Không sử dụng esmolol cùng các thuốc có hoạt tính co mạch và tác dụng hưởng cơ âm tính như epinephrin, norepinephrin, dopamin vì nguy cơ làm giảm co bóp cơ tim do tác dụng gây tăng sức cản hệ thống của các thuốc này. 

12 Tương hợp 

Esmolol hydroclorid tương hợp về vật lý và hóa học với digoxin, dopamin hydroclorid, Fentanyl citrat, lidocain hydroclorid, Morphin sulfat, Nitroglycerin, natri nitroprusiat, tuy nhiên tính tương hợp còn phụ thuộc vào một số yếu tố (nồng độ của thuốc, dung môi pha thuốc, pH của dung dịch, nhiệt độ). Chỉ được trộn lẫn esmolol hydroclorid với các thuốc tương hợp này sau khi đã pha loãng dung dịch tiêm tới nồng độ 10 mg/ml bằng một dung dịch truyền tĩnh mạch thích hợp. 

Dung dịch esmolol hydroclorid pha chế ở nồng độ 10 mg/ml, ổn định ít nhất trong 24 giờ nếu để ở nhiệt độ 15 – 30 °C hoặc trong tủ lạnh trong các dung dịch sau: Dextrose 5%; dextrose 5% và Ringer hoặc Ringer lactat; dextrose 5% và Natri clorid 0,45 hoặc 0,9%; Ringer lactat; natri clorid 0,45 hoặc 0,9%; dextrose 5% và Kali clorid 40 mEq/lít. 

13 Tương kỵ 

Esmolol hydroclorid tương kỵ vật lý và/hoặc hóa học với Diazepam, furosemid, Natri bicarbonat, natri thiopental. Không được trộn lẫn với các thuốc này. 

14 Quá liều và xử trí 

14.1 Triệu chứng

Hạ huyết áp nặng, nhịp chậm xoang, blốc nhĩ thất, suy tim, sốc tim, ngừng tim, co thắt phế quản, suy hô hấp, mất ý thức dẫn đến hôn mê, co giật, buồn nôn, nôn, hạ đường huyết, tăng kali huyết. Liều gây tử vong dao động rộng, từ 0,625 – 2,5 g (12,550 mg/kg). 

14.2  Xử trí

Ngừng truyền ngay lập tức. Hỗ trợ thông khí nhân tạo là cần thiết. 

Chậm nhịp tim: Atropin hoặc thuốc kháng cholinergic đường tĩnh mạch. Có thể cần đặt máy tạo nhịp nếu cần. 

Co thắt phế quản: Thuốc kích thích beta, adrenergic khi dung. Nếu đáp ứng chưa tốt, có thể dùng thuốc kích thích beta1-adrenergic hoặc aminophylin đường tĩnh mạch. 

Hạ huyết áp có triệu chứng: Truyền dịch và/hoặc thuốc vận mạch đường tĩnh mạch. 

Sốc tim: Lợi tiểu hoặc thuốc kích thích giao cảm. Lựa chọn thuốc kích thích giao cảm (như dobutamin, dopamin, noradrenalin) và liều tùy vào triệu chứng của bệnh nhân. Nếu cần, có thể xử trí phối hợp với calci đường tĩnh mạch. 

Cập nhật lần cuối: 2018

Để lại một bình luận