Dương kỳ thảo là vị thuốc có rất nhiều công dụng được sử dụng để cầm máu, chống viêm, kích thích tiêu hóa và điều hòa kinh nguyệt. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về dương kỳ thảo.
1 Giới thiệu về cây dương kỳ thảo
Dương kỳ thảo hay Cỏ Thi, có danh pháp khoa học là Achillea millefolium L., thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Cây còn được gọi với tên là Yarrow.
1.1 Mô tả thực vật
Dương kỳ thảo là cây thảo, sống lâu năm, cao khoảng 40 đến 80cm; thân hình trụ, ít phân nhánh, phủ lông trắng.
Lá mọc so le, không cuống, chẻ lông chim thành những phiến nhỏ rất hẹp, mép khía răng sâu; phiến lá dài 2 – 20cm, rộng 1 – 2,5cm.
Cụm hoa đầu ngọn thân thành ngù đơn hay kép, gồm nhiều đầu nhỏ, lá bắc thuôn, có lông, đầu có hoa hình lưỡi màu trắng và hoa khác màu hồng, không có màu lông, tràng hoa cái có lông dài bằng phần hình lưỡi, tràng hoa lưỡng tính có ống dẹt, 5 thùy.
Quả bế thuôn, hình bầu dục dài khoảng 2 mm, dẹt.
Toàn cây có mùi thơm như Long Não.
1.2 Phân bố, sinh thái
Cây dương kỳ thảo phân bố rải rác từ vùng ôn đới ấm của châu Âu đến vùng cận nhiệt đới châu Á, gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Ở một số vùng núi cao thuộc Philippin, Indonesia, Malaysia…
Tại Việt Nam, cây mọc ở vùng núi cao trên 1300m, ở các tỉnh như Lào Cai (Sapa), Hà Giang (Đồng Văn) trong các savan cỏ, rìa rừng và đất hoang.
Dương kỳ thảo là cây ưa sáng và hơi chịu bóng, cây thường mọc trên đất ẩm, nơi có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ dao động từ 14-16 độ C, nhưng cũng có thể chịu được nhiệt độ tới 0 độ C vào mùa đông, gặp sương muối 3 ngày liền cây sẽ bị chết. Tháng 3 hàng năm có thể thấy các cây mọc từ hạt, vào mùa xuân và hè, cây sinh trưởng nhanh và ra hoa quả rất nhiều. Toàn bộ phần trên mặt đất vào cuối thu hoặc đầu đông đều bị tàn lụi, chì còn phần gốc tồn tại và sẽ mọc lại vào mùa xuân năm sau. Mùa hoa dương kỳ thảo rơi vào tháng 10-11.
Dương kỳ thảo gieo trồng tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Lượng cây con mọc lên khá hạn chế quanh trong khi số hạt của một cây rất nhiều.
1.3 Bộ phận sử dụng
Dùng toàn cây dương kỳ thảo để làm thuốc, có thể thu hái cây quanh năm, sau đó đem rửa sạch rồi phơi hay sấy khô
2 Thành phần hóa học
Trong cây dương kỳ thảo chứa 0,49% tinh dầu, glucoalcaloid (như achilein, achiletin, moscatin và betonicin), flavonoid, achilin và acid cyanic (HCN có hàm lượng 3-7 mg%).
Ngoài ra, trong cây còn có flavolignan như silybin, các hợp chất sesquiterpen, các furocoumarin…
Hoa của cây chứa sesquiterpen như acid achimilic A, B, C, các flavonoid…
3 Tác dụng dược lý
Tác dụng chống viêm: Flavonoid Azulen và các dẫn chất của azulen trong cao chiết cả cây dương kỳ thảo tạo ra tác dụng chống viêm trong mô hình gây phù trên chân chuột cống trắng, cơ chế chống viêm do ức chế prostaglandin tổng hợp
Tác dụng trên hệ thần kinh: Azulen và các dẫn chất của azulen có tác dụng hạ sốt trên thực nghiệm.
Tác dụng bảo vệ gan: Nghiên cứu và so sánh tác dụng bảo vệ gan của thuốc Liv-52 của Ấn Độ có chứa dương kỳ thảo với Silymarin, kết quả Liv-52 có tác dụng bằng khoảng 60-70% so với silymarin. Ngoài ra, dương kỳ thảo còn kích thích dịch tiêu hóa, giúp trung tiện, kích thích ăn ngon, giảm đầy trướng.
Tác dụng chống ung thư: Các ester methylic của sesquiterpen acid achimillic A, B, C được phân lập từ hoa dương kỳ thảo có tác dụng trên tế bào ung thư bạch cầu P-388 ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng trên cơ trơn: Flavonoid trong hoa dương kỳ thảo có tác dụng chống co thắt nhẹ trên hồi tràng thỏ, nhưng lại làm tăng co bóp tử cung.
Tác dụng trên ký sinh trùng, côn trùng: Tinh dầu dương kỳ thảo có tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét và tác dụng trên nhiều loại giun sán.
Tác dụng trên sinh sản và giới tính: Chất thion trong tinh dầu dương kỳ thảo có tác dụng gây sẩy thai.
Tác dụng huyết áp trên máu: Dịch chiết dương kỳ thảo có tác dụng cầm máu, làm giảm thời gian đông máu.
4 Tác dụng – Công dụng
4.1 Tính vị, công năng
Dương kỳ thảo có vị ngọt, đắng, cay, tính hàn, có tác dụng tiêu thực, thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, lương huyết, điều kinh tuy nhiên cây hơi độc
4.2 Công dụng
Trong y học hiện đại, cây dùng để chống co thắt, cầm máu, hạ sốt, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, chống viêm
Trong y học cổ truyền, cây cũng có tác dụng giống với y học hiện đại. Dịch chiết cây dương kỳ thảo có thể chữa xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam, trĩ hay chảy máu răng lợi. Tiếp theo, cây có thể dùng chữa rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy chướng bụng, tiêu chảy, giảm đau nhức xương khớp, chữa thấp khớp, kinh nguyệt không đều, Đau Bụng Kinh, rối loạn tiền mãn kinh, sỏi mật, sỏi tiết niệu, hen phế quản. Dùng ngoài trị lở ngứa, mụn nhọt, viêm da, cầm máu vết thương.
Cũng có thể dùng cây để dưỡng da, tóc, làm xà phòng gội đầu chống rụng tóc, tắm tránh mồ hôi.
Liều dùng: 10-30g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc, hãm hay ngâm rượu uống. Chữa kinh nguyệt không đều, thấp khớp có thể dùng tới 30-60g toàn cây có hoa sắc uống
5 Độc tính
Cây dương kỳ thảo tương đối ít độc. Tuy nhiên, các sesquiterpen lacton trong dương kỳ thảo có thể gây viêm da dị ứng; chất furanocoumarin có thể gây viêm da ánh sáng. Dùng liều cao cho người sẽ gây chóng mặt, đau đầu.
6 Bài thuốc có dương kỳ thảo
6.1 Chữa kinh nguyệt không đều
Dùng 30g mỗi vị dương kỳ thảo, rễ cây biệt thảo Valeriana officinalis L., vân hương, lá Bạc Hà, toàn cây cỏ ba lá trifolium fibrium L.. và hoa cây cam cúc. Tất cả phơi sấy khô, tán thành bột. Ngày dùng 20-30g sắc kỹ chia làm ba lần, uống sau khi ăn. Dùng trong 2-3 tháng.
6.2 Chữa chán ăn, tiêu hoá kém
Dùng 60g Dương kỳ thảo, 15g rễ long dởm, 40g rễ angelica pancicii vandas. 40g toàn cây marrubium vulgare L., đem phơi sấy khô, tán bột. Mỗi lần dùng 10g, hãm uống trước khi ăn 30 phút.
7 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Dương Kỳ Thảo trang 709 – 712, Cây thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 17 tháng 06 năm 2023.