Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (Nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Fabales (Đậu) |
Họ(familia) |
Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) |
Bowringia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Bowringia callicarpa Champ. ex Benth |
Cây rễ vàng hay còn gọi là dây bánh nem là dược liệu được dùng trong các bài thuốc trị tê thấp, dùng ngoài còn chữa chốc lở, mụn nhọt. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về cây rễ vàng.
1 Giới thiệu về cây rễ vàng
Cây rễ vàng còn được gọi với tên gọi như cây dây gan, dây bánh nem, chửa vàng phùi. Cây có danh pháp khoa học là Bowringia callicarpa Champ. ex Benth, thuộc họ Đậu – Fabaceae.
Cây được gọi với tên cây rễ vàng là bởi đặc điểm màu sắc của rễ cây có màu vàng, tuy nhiên, rất dễ nhầm lẫn rễ dây bánh nem với Hoàng Đằng do rễ hoàng đằng cũng có màu vàng.
1.1 Mô tả thực vật
Cây rễ vàng nhỏ, dây leo, có khi chỉ cao khoảng 1m. Rễ cây màu vàng.
Thân cành màu xanh lục, trước nhẵn, hình trụ, sau nứt nẻ và chuyển màu xám nhạt.
Lá mọc so le và chỉ có một lá chét có hình trứng hoặc hình bầu dục, chiều dài lá từ 6 đến 13cm, chiều rộng từ 2,5 – 4cm. Gốc lá tròn, đầu lá có mũi nhọn ngắn, hai mặt lá nhẵn, mặt trên bóng còn mặt dưới có gân nổi rõ, cuống phình to ở hai đầu, khá dài.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành ngù có 2 đến 3 hoa hoặc chỉ có 1 hoa đơn độc, màu trắng, đài có hình dấu, có 5 răng nhỏ, tràng hoa gồm cánh cờ hình mắt chim, cánh thìa thẳng, hơi nhọn và 2 cánh bên thuôn, nhị 10 rời nhau ở gốc và có bao phấn thuôn. Cây thường ra hoa vào khoảng tháng 6 đến tháng 8
Quả đậu khá ngắn, quả hình thoi, phần đầu có mũi nhọn và có vân ngang, vỏ ngoài mỏng, hạt 1-2 hình bầu dục, hơi dẹt, và có màu đỏ bóng. Quả ra vào tháng 9-11.
1.2 Phân bố, sinh thái
Ở Việt Nam, chi Bowringia Champ. ex Benth chỉ có một loài là dây bánh nem. Loài này thường phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và một số tình miền nam Trung Quốc.
Cây sống trong các kiểu rừng lá rộng thường xanh ẩm nhiệt đới, nguyên sinh hay thứ sinh.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên Việt Nam đều có dây bánh nem mọc ở ven rừng hay dọc hành lang ven suối.
Cây ra hoa quả ít, quả già khô đi sẽ tự mở hạt thoát ra ngoài, gặp mưa lũ sẽ bị cuốn trôi đi. Cây sau khi chặt có khả năng tái sinh cây chồi nhưng tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
1.3 Bộ phận sử dụng
Dùng rễ, đôi khi dùng lá cây, có thể thu hái quanh năm, đem phơi khô
2 Thành phần hóa học
Các nghiên cứu về thành phần hóa học của cây rễ vàng còn hạn chế.
Một số ít nghiên cứu trong một số loài mọc ở Tây Phi có chứa thành phần thuộc nhóm oligosacarid với tác dụng ức chế HIV, đặc biệt là các chất thuộc nhóm oligomanosid
3 Công dụng của rễ vàng
3.1 Tính vị, công năng
Theo các tài liệu cổ, dây bánh nem có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết
3.2 Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây rễ vàng dùng riêng hay kết hợp với rễ kim sương, sắc nước uống chữa tê thấp với liều dùng mỗi ngày từ 6 đến 12g
Rễ cây nấu nước đặc, dùng bôi ngoài trị vết thương, chốc lở, mụn nhọt
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, rễ và lá cây rễ vàng dùng chữa thổ huyết, chảy máu cam, sốt nóng, phát ban do huyết nhiệt
4 Bài thuốc có cây rễ vàng
4.1 Chữa tê thấp
Dùng 6-12g rễ cây rễ vàng, sắc lấy nước uống mỗi ngày hoặc kết hợp cùng rễ cây kim sương sắc uống
4.2 Chữa vết thương, mụn nhọt
Dùng lượng rễ cây vừa đủ, sắc lấy nước thật đặc, đem bôi ngoài vết thương hay nơi có mụn nhọt, chốc lở
5 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Dây bánh nem trang 628 – 629, Cây thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 17 tháng 06 năm 2023.