Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) |
Asterales (Cúc) |
Họ(familia) |
Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) |
Blumea |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Blumea lacera DC. |
Cải trời thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây thường chỉ dao động khoảng 30 đến 50cm. Nhân dân thường sử dụng để chữa mụn nhọt, lở ngứa, vết thương ngoài da. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cải trời.
1 Cây cải trời còn gọi là cây gì?
Tên khoa học: Blumea lacera DC.
Tên gọi khác: Đại bi rách, Hạ Khô Thảo nam.
Họ thực vật: Cúc Asteraceae.
1.1 Cách nhận biết cây cải trời
Cải trời thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây thường chỉ dao động khoảng 30 đến 50cm. Cây có thể phân cành nhiều hoặc phân cành ít. Thân cây có khía rãnh, bề mặt phủ một lớp lông dày. Thân có màu lục hoặc màu tím đỏ.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình trái xoan. Những lá ở gần gốc có dạng hình bầu dục, chiều dài khoảng 9cm, chiều rộng khoảng 4cm, một số lá có thể hơi có tai ở cuống. Những lá ở phần giữa thân cây có dạng hình bầu dục, có răng không đều. Những lá ở phần ngọn thường tiêu giảm, chiều dài chỉ khoảng 2cm, không có cuống lá. Các lá đều có lông màu trắng.
Cụm hoa mọc thành đầu ở tận cùng. Các hoa có màu trắng hoặc màu vàng, những hoa ở phía ngoài là hoa cái, các hoa ở giữa là hoa lưỡng tính.
Quả bế hình trụ, có 10 sống dọc, bề mặt có phủ một lớp lông thưa.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 3 đến tháng 6.
Nhân dân một số nơi sử dụng Cải trời để thay thế cho vị thuốc Hạ khô thảo nhưng cần tránh nhầm lẫn 2 vị thuốc này.
Xem hình ảnh cây cải trời dưới đây:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Mùa xuân.
Chế biến: Chặt thành từng khúc nhỏ sau đó phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cải trời là loài cây dại có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ, Malaysia sau đó được tìm thấy ở nhiều khu vực khác của các nước lân cân thuộc Nam Á, Đông Dương, Đông Nam Á,…
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các vùng núi thấp với độ cao phân bố dưới 1000 mét, khu vực trung du và đồng bằng.
Tại Ấn Độ, đã tìm thấy cây Cải trời có chiều cao lên đến 2 mét tại khu vực có độ cao trên 2500 mét.
Cải trời là loài ưa sáng, phát triển nhanh, cây thường mọc từ hạt vào giữa mùa xuân, sinh trưởng và phát triển tốt vào màu hè. Mùa thu là thời điểm cây bắt đầu ra quả và tàn lụi ngay sau đó.
Cải trời có khả năng chịu hạn, hạt phát tán nhờ gió. Nếu cây bị cắt ngang trước khi có hoa thì phần còn lại có thể tiếp tục sinh trưởng.
1.4 Cách trồng
Cây hiện nay được trồng chủ yếu ở các vườn cây thuốc hoặc vườn thực vật ở bệnh viện, y tế xã, viện nghiên cứu,…
Cải trời được gieo bằng hạt vào tháng 2 đến tháng 3, tại khu vực đồng bằng, cây được gieo trồng vào tháng 8 đến tháng 9.
Cải trời có khả năng sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau, khả năng chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh. Khi trồng nhiều, cần tiến hành bừa đất và lên luống, giữ khoảng cách các cây khoảng 10 đến 12cm.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây chứa tinh dầu với thành phần chủ yếu là mai hoa băng phiến.
Một số tài liệu khác cho rằng, tinh dầu cải trời chứa fenchone hàm lượng 10%, cineol hàm lượng 60% và citral hàm lượng 6%.
Lá cây chứa flavonoid.
Phần trên mặt đất còn chứa campesterol, glycosid.
3 Cây cải trời có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Nước sắc của cây có khả năng ức chế catalase huyết thanh của người, cụ thể:
Nước sắc 0,1g/1ml có khả năng ức chế 23,1%.
Flavonoid chiết từ cây với nồng độ 1mg/1ml có khả năng ức chế 9,5%.
Tinh dầu của cây có tuy không có tác dụng diệt côn trùng nhưng lại có khả năng tăng tác dụng của các thuốc diệt côn trùng.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Đắng, thơm, tính bình.
Tác dụng: Tiêu viêm, giải độc, cầm máu, tán uất, sát trùng,…
3.2.2 Công dụng
Toàn cây được dùng để trị tràng nhạc, mụn nhọt, băng huyết, tức ngực, chảy máu cam, sổ mũi, ho có đờm, viêm phế quản, mất ngủ,…
Có thể phối hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng đơn độc với liều 10-30g sắc lấy nước uống hoặc nấu thành cao đặc để uống dần.
Nhân dân Malaysia sử dụng tinh dầu của cây để xua đuổi sâu bọ.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng Cải trời để trị đau bụng, toàn cây còn được dùng để tẩy giun.
Lá cây có mùi thơm, thường được dùng để làm rau ăn hoặc nấu với cá, với tép.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Cải trời
4.1 Chữa mụn nhọt, vết thương, lở ngứa, chảy máu
Có thể sử dụng Cải trời để thay cho vị thuốc Hạ khô thảo với liều 20-30g sắc lấy nước uống và giã nát để đắp tại vùng tổn thương.
4.2 Chữa bạch đới, viêm âm đạo, chân lở, thấp nhiệt
30g Cải trời.
15g dây Kim Ngân Hoa.
15g Hy Thiêm.
15g Mộc thông.
15g Huyết dụ.
Đem sắc lấy nước uống.
4.3 Chữa lao hạch, hạch bã đậu
20g Cải trời.
10g Xạ Can.
Sắc lấy nước uống trong ngày, trong nhiều tháng.
Trường hợp có mủ, dùng lá mỏ quạ đắp mỗi ngày 1 lần.
5 Phân biệt cây tàu bay và cây cải trời
Nhiều người vẫn nhầm lần cây cải trời và cây tàu bay do có nhiều đặc điểm giống nhau. Dưới đây một số điểm để bạn đọc có thể dễ dàng phân biệt 2 loại cây này để có phương pháp sử dụng tốt nhất.
Rau tàu bay |
Cây cải trời |
|
Đặc điểm thực vật |
Cây thảo, mọc hàng năm, thân cây mập, chiều cao có thể lên đến 1 mét, phía trên thân cây có phủ lông Lá mỏng, phiến lá có dạng hình trứng, phần chóp hình thoi, xẻ thùy sâu Cụm hoa mọc thành ngù ở ngọn hoặc nách lá Hoa có màu trắng hoặc màu vàng Quả bế hình trụ |
Cây thảo, chiều cao khoảng 30-50cm, thân khía rãnh, phủ lông dày. Thân cây có màu lục hoặc màu tím đỏ Lá cây mọc so le, phiến lá hình trái xoan, có lông màu trắng, răng không đều Cụm hoa mọc tận cùng Hoa có màu trắng hoặc màu vàng Quả bế hình trụ, có 10 sống dọc, bề mặt có phủ một lớp lông thưa. |
Tính vị |
Vị cay, tính bình |
Vị đắng, tính bình |
Tác dụng |
Thanh nhiệt, chí khát, giải độc, tiêu thũng |
Tiêu viêm, sát trùng, giải độc, cầm máu |
Công dụng |
Dùng làm rau, chữa rắn cắn, sốt cao, viêm ruột, lở miệng |
Chữa tràng nhạc, băng huyết, chảy máu cam |
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Cải trời, trang 317-319, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2024.