Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Sodium bicarbonate.
Mã ATC: B05CB04, B05XA02.
Loại thuốc: Thuốc kiềm hóa và trung hòa acid.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch tiêm truyền: 1,4%; 4,2%; 8,4%. Lọ thủy tinh 10 ml, 50 ml, 100 ml. Chai thủy tinh 250 ml, 500 ml.
Viên nén: 325 mg, 650 mg.
1 mEq NaHCO₃ tương đương 84 mg, 1 g NaHCO₃ cung cấp khoảng 12 mEq Na+và 12 mEq HCO3–
Thuốc trung hòa acid dạng uống: Thuốc phối hợp dạng hỗn dịch: gồm natri bicarbonat và các thuốc khác như natri alginat, calci carbonat.
Thuốc bột: gói 5 g, 50 g, 100 g.
2 Dược lực học
Dung dịch tiêm truyền
Natri bicarbonat giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đệm của khoang ngoại bào. Tác dụng đệm diễn ra theo phương trình sau:
HCO3– + H+ <—> H2CO3 <—>CO2 +H2O
Dung dịch natri bicarbonat có thể được dùng để điều trị tình trạng toan chuyển hóa do tăng tích lũy acid (toan ceton, toan lactic, toàn ống thận) hoặc mất HCO3– (tiêu chảy cấp…). Tuy nhiên, cơ thể cũng có thể tự bù trừ toan chuyển hóa mức độ nhẹ hoặc tự hiệu chỉnh sau khi điều trị nguyên nhân gây toan mà không cần phải dùng natri bicarbonat. Việc dùng natri bicarbonat có thể gây nguy cơ tích lũy kiềm, gây kiềm chuyển hóa. Ngoài ra, việc hiệu chỉnh nhanh tình trạng toan chuyển hóa bằng truyền natri bicarbonat có thể gây hạ kali, toan kịch phát trong dịch não tủy do khí CO, sinh ra trong quá trình kiềm hóa phân bố vào trong nội bào và dịch não tủy nhanh hơn HCO3–. Vì vậy, natri bicarbonat thường chỉ dùng trong tình trạng toan chuyển hóa nặng và chỉ hiệu chỉnh một phần rối loạn kiềm toan đến ngưỡng cơ thể có thể tự bù trừ được chứ không cần đưa pH về hoàn toàn bình thường.
Thuốc trung hòa acid dạng uống: Natri bicarbonat là một thuốc trung hòa acid dạ dày làm giảm độ acid ở dạ dày. Hiện nay natri bicarbonat không còn được khuyến cáo sử dụng đơn độc để kháng acid dạ dày do tác dụng hạn chế và nguy cơ tác dụng phụ cao.
3 Dược động học
Sau khi truyền tĩnh mạch natri bicarbonat, tác dụng xảy ra tức thời. Sau khi uống, natri bicarbonat trung hòa nhanh acid của dạ dày, phần bicarbonat không phản ứng được hấp thu vào máu và thải trừ qua thận (nếu máu không bị thiếu bicarbonat). Natri bicarbonat có thời gian duy trì tác dụng ngắn hơn các thuốc kháng acid khác.
4 Chỉ định
Kiềm hóa máu: chỉ dùng trong nhiễm toan chuyển hóa nặng (pH động mạch<7,1 – 7,2 hoặc HCO3– ≤8mEq/lít) hoặc khi nguyên nhân gây toan không thể xác định hoặc không thể điều trị được. Cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao: không chỉ định thường quy, có thể cân nhắc sử dụng trong trường hợp ngừng tuần hoàn có liên quan tới toan chuyển hóa trước đó, tăng Kali huyết, quả liều thuốc trầm cảm ba vòng.
Kiềm hóa nước tiểu: dùng để tăng thải trừ một số thuốc có bản chất acid yếu như Cystein, sulfonamid, acid uric… hoặc giảm nhẹ triệu chửng của viêm đường tiết niệu.
Trung hòa acid: kết hợp với các thuốc trung hòa acid khác để điều trị ngắn hạn các triệu chứng Đường tiêu hóa có liên quan tới tăng tiết acid.
5 Chống chỉ định
Không dùng bicarbonat hoặc các thuốc có thành phần bicarbonat cho bệnh nhân nhiễm kiềm chuyển hóa hoặc kiềm hô hấp, bệnh nhân hạ calci huyết mà tình trạng nhiễm kiềm có thể gây co giật, bệnh nhân hạ clor huyết nặng do bị nôn hoặc hút dịch dạ dày liên tục; bệnh nhân có nguy cơ nhiễm kiềm hạ clor do thuốc lợi tiểu, tăng aldosteron mẫu.
Không dùng để giải độc do uống acid vô cơ mạnh, do khí CO2 sinh ra trong quá trình trung tính hóa có thể gây căng phồng và thoát vị dạ dày.
Với chỉ định kháng acid dạ dày, không dùng natri bicarbonat kéo dài để tránh kiềm chuyển hóa và quá tải muối.
6 Thận trọng
6.1 Dung dịch tiêm truyền
Dung dịch nồng độ cao (8,4%) có thể thoát mạch gây hoại tử mô, cần kiểm tra kim truyền và cathete cẩn thận trước và trong quá trình truyền.
Thận trọng khi dùng bicarbonat cho bệnh nhân suy tim, xơ gan hoặc bị phù, các tình trạng tăng natri huyết hoặc khi thêm natri huyết có thể gây hại như quá tải dịch, sung huyết, phù phổi, đặc biệt ở bệnh nhân có suy thận nặng, vô niệu, thiểu niệu, hoặc bệnh nhân đang dùng corticoid.
Truyền thuốc tốc độ nhanh ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi dẫn tới tăng natri huyết, giảm áp lực dịch não tủy và chảy máu nội sọ. Cần hết sức thận trọng.
Để giảm thiểu nguy cơ do giảm kali và giảm calci huyết sẵn có, cần điều trị các rối loạn điện giải này trước khi sử dụng natri bicarbonat. Trong thời gian điều trị bằng natri bicarbonat cần theo dõi điện giải đồ và tinh trạng cân bằng acid-base.
6.2 Thuốc trung hòa acid dạng uống
Tránh dùng lâu dài với liều cao hơn liều khuyến cáo.
Không dùng thuốc cho người bệnh có chức năng thận kém hoặc người bệnh đang lọc máu ngoài thận do nguy cơ tích lũy thành kiềm chuyển hóa.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có nghiên cứu về sử dụng natri bicarbonat cho phụ nữ mang thai, chỉ dùng khi lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa có thông tin về việc sử dụng natri bicarbonat cho phụ nữ đang cho con bú. Nên cân nhắc lợi ích – nguy cơ khi sử dụng thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Dùng quá nhiều natri bicarbonat có thể gây nhiễm kiềm chuyển hóa, phù, đặc biệt là ở bệnh nhân suy thận. Triệu chứng bao gồm: thay đổi cảm xúc, mệt mỏi, thở chậm, yếu cơ và tim đập bất thường. Có thể gây tăng trương lực cơ, co giật cơ, co cứng cơ (tetani), đặc biệt ở bệnh nhân hạ calci huyết. Kiềm hóa quá nhanh có thể gây rối loạn chức năng não, gây co giật, giảm oxygen máu và nhiễm Acid Lactic nội bào do Na+ tăng nhanh và tăng khuếch tán CO2 vào trong tế bào.
Cần chú ý đặc biệt đến khả năng gây giảm kali huyết và tăng natri huyết, tăng áp lực thẩm thấu, đặc biệt khi bệnh nhân toan ceton đang sử dụng Insulin truyền tĩnh mạch.
Có thể gây hoại tử tại vị trí tiêm do thoát mạch, kích ứng tăng trương lực cơ sau khi tiêm truyền tĩnh mạch.
Natri bicarbonat có thể gây giữ muối, nước, gây phù và tăng áp lực thẩm thấu, đặc biệt là khi truyền với lượng lớn hoặc ở bệnh nhân có suy thận, suy tim sung huyết, bệnh nhân có nguy cơ giữ muối và phủ. Khi dùng đường uống, ADR chủ yếu xảy ra trên đường tiêu hóa. Đã thấy gây tiêu chảy nhẹ nhưng rất hiếm. Có thể gây co cứng cơ dạ dày, ợ hơi, đầy hơi, natri bicarbonat được cho là tạo ra nhanh và đủ lượng CO2 gây thoát vị dạ dày và nặng hơn khi trong dạ dày đang chứa thức ăn, chất lỏng và khí.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nếu bị thoát mạch khi truyền, ngừng truyền ngay, chườm ấm, tiêm lidocain hoặc Hyaluronidase tại chỗ.
Kiềm chuyển hóa do quá liều natri bicarbonat đường tiêm truyền có thể được điều trị bằng calci đường tĩnh mạch (ví dụ calci gluconat) và/hoặc các dung dịch có tính acid như amoni clorid.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
Dùng đường uống: nên dùng 1 – 3 giờ sau khi ăn.
Dùng đường tiêm truyền: natri bicarbonat có thể được tiêm tĩnh mạch trực tiếp trong trường hợp cấp cứu (ngừng tuần hoàn). Với các trường hợp khác, natri bicarbonat nên được pha loãng tới nồng độ tối đa 0,5 mEq/ml, truyền với tốc độ tối đa 01 mEq/kg/giờ. Ở trẻ em dưới 2 tuổi, nên ưu tiên dung dịch natri bicarbonat 4,2% để tránh kích ứng ven truyền.
Vì natri bicarbonat gây bất hoạt catecholamin và calci bị kết tủa khi trộn với bicarbonat nên đường truyền phải được tráng rửa bằng Natri clorid 0,9% trước khi truyền natri bicarbonat và việc tráng rửa này phải làm thường xuyên giữa các lần truyền các thuốc khác khi cấp cứu hồi sức bệnh nhân ngừng tim.
11.2 Liều dùng
1 g natri bicarbonat tương đương với 11,9 mmol natri và 11,9 mmol bicarbonat.
11.2.1 Kiềm hóa máu
11.2.1.1 Người lớn:
Liều lượng natri bicarbonat phụ thuộc vào mức độ toan, chỉ số xét nghiệm, tuổi, cân nặng, điều kiện lâm sàng của người bệnh. Hiện nay, natri bicarbonat đường tĩnh mạch chỉ được khuyến cáo dùng cho trường hợp nhiễm toan nặng (pH<7,1) với mục đích nâng nhẹ pH máu lên mức 7,1 – 7,2.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn: không khuyến cáo dùng thường quy. Một số tình trạng cấp cứu do toan chuyển hóa kéo dài, tăng kali huyết, ngộ độc thuốc chống trầm cảm ba vòng… có thể cân nhắc dùng natri bicarbonat với liều khởi đầu 1 mEq/kg/liều. Liều lặp lại tùy thuộc vào kết quả của xét nghiệm khí máu. Trường hợp ngừng tuần hoàn do tăng kali huyết: tiêm 50 mEq natri bicarbonat trong vòng 5 phút, kết hợp với các biện pháp hồi sức khác.
Toan chuyển hóa: Nếu có sẵn kết quả khí máu, liều truyền tĩnh mạch được tính theo công thức
HCO3–(mEq)=0,5 × cân nặng (kg) × [24 – nồng độ HCO3– (mEq/lít)]
Hoặc
HCO3– (mEq) = 0,5 × cân nặng (kg) × [mức tăng mong muốn HCO3–(mEq/lít)]
Thông thường, để tránh kiềm hóa quá mức, mức độ pH cần đạt khoảng 7,2 và nồng độ HCO3– mong muốn khoảng 10 mEq/lít. Khởi đầu, chỉ truyền 50% liều tính được. 50% còn lại có thể tiếp tục dùng trong vòng 24 giờ tiếp theo, tùy theo tình trạng lâm sàng và kết quả khí máu.
Trong trường hợp toan chuyển hóa không quá cấp cứu, 2 – 5 mEq/kg truyền trong 4 – 8 giờ. Những liều tiếp theo phải dựa theo kết quả khí máu.
Trường hợp toan chuyển hóa do suy thận mạn tính khi nồng độ bicarbonat < 15 mEq/lít, có thể cân nhắc uống natri bicarbonat liều từ 20 – 36 mEq/ngày, chia thành nhiều lần trong ngày. Liều điều chỉnh để đạt nồng độ bicarbonat huyết tương khoảng 18 – 20 mEq/lít. Bệnh nhân có toan hóa ống thận, có thể dùng đường uống liều 0,5 – 2 mEq/kg/ngày, chia làm 4 – 5 liều.
11.2.1.2 Trẻ em
Cấp cứu ngừng tuần hoàn: tiêm tĩnh mạch 01 mEq/kg. Các liều tiếp theo được tính toán theo công thức:
Liều natri bicarbonat (mmol) = mức thiếu kiềm (mmol/lít) × 0,3 × thể trọng (kg).
Công thức trên cũng có thể dùng để tính liều natri bicarbonat trong trường hợp toan chuyển hóa cấp tính với mức pH mục tiêu không quả 7,2. Chỉ dùng khoảng 50% liều tính được. 50% liều còn lại dùng từ từ trong vòng 24 giờ. Theo dõi xét nghiệm khí máu và tình trạng làm sàng.
Toan chuyển hóa do suy thận mạn: ít thông tin trên trẻ em. Có thể cân nhắc dựa trên nồng độ HCO3– huyết, hiệu chỉnh liều để duy trì nồng độ HCO3– huyết trong khoảng 22 – 23 mEq/lít.
HHCO3– (mEq) = 0,5 × cân nặng (kg) × (HCO3– mục tiêu – HCO3– hiện tại).
11.2.2 Trung hòa acid dạ dày
Người lớn: natri bicarbonat hiện nay không còn được khuyến cáo sử dụng đơn độc. Khi kết hợp với các thuốc trung hòa acid khác, liều 1 lần cần đủ để trung hòa tối thiểu 5 mEq acid dịch vị (Lưu ý: 84 mg natri bicarbonat trung hòa được 1 mEq acid). Có thể lặp lại khi cần, tùy theo mức tiết acid dạ dày. Liều tối đa natri bicarbonat là 16 g/ngày với người dưới 60 tuổi và 8 g/ngày với người trên 60 tuổi.
Trẻ em trên 12 tuổi: dùng tương tự như người lớn.
Trẻ em dưới 12 tuổi: không dùng.
11.2.3 Kiềm hóa nước tiểu, làm giảm triệu chứng khó chịu của viêm đường tiết niệu nhẹ
Người lớn: khởi đầu uống 4 g, sau đó 1 – 2 g mỗi 4 giờ. Có thể dùng tới 16 g/ngày (với người dưới 60 tuổi) hoặc 8 g/ngày (với người trên 60 tuổi). Lưu ý: trường hợp cần kiềm hóa nước tiểu để điều trị ngộ độc (ví dụ: ngộ độc salicylat), ưu tiên đường truyền tĩnh mạch với pH nước tiểu mục tiêu là 7,5 – 8,5.
Trẻ em: Uống 84 – 840 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần, điều chỉnh theo đáp ứng.
12 Tương tác thuốc
Natri bicarbonat đường uống làm tăng pH dạ dày, làm thay đổi hấp thu của một số thuốc. Sự hấp thu của nhiều thuốc bị giảm hoặc chậm lại khi phối hợp với uống thuốc trung hòa acid: Digoxin, các tetracyclin, Ciprofloxacin, Rifampicin, Clorpromazin, diflunisal, penicilamin, warfarin, quinidin và các thuốc kháng cholinergic. Natri bicarbonat làm kiềm hóa nước tiểu, nên có thể làm giảm thải trừ quinidin, amphetamin, pseudoephedrin, các thuốc cường giao cảm khác; vì vậy làm tăng độc tính các thuốc này.
Natri bicarbonat có thể làm tăng thải trừ lithi.
Tránh dùng natri bicarbonat với rượu.
Thuốc trung hòa acid có thể phá vỡ lớp vỏ của các viên thuốc bao tan ở ruột.
13 Tương kỵ
Natri bicarbonat tương kỵ với rất nhiều loại thuốc. Vì vậy, không nên thêm các thuốc khác vào dung dịch natri bicarbonat do có thể tạo muối carbonat không tan. Trong các dung dịch tiêm truyền natri bicarbonat, không được thêm bất cứ thuốc nào vào, trừ khi đã biết rõ là tương hợp với nhau.
Không được truyền natri bicarbonat đồng thời với các dung dịch có chứa ion calci hoặc magnesi.
14 Quá liều và xử trí
14.1 Triệu chứng
Quá liều khi tiêm truyền natri bicarbonat có thể gây ra nhiễm kiềm chuyển hóa và sau đó có thể làm giảm kali huyết hoặc gây co cứng cơ (tetani) do giảm calci huyết.
14.2 Xử trí
Khi quá liều, cần ngừng tiêm truyền. Để kiểm soát các triệu chứng nhiễm kiềm, người bệnh nên thở bằng cách hít lại không khí thở ra, hoặc nếu nặng hơn có thể phải tiêm truyền tĩnh mạch dung dich natri clorid 0,9%.
Trường hợp giảm kali huyết, có thể dùng Kali clorid. Nếu ở người bệnh xuất hiện co cứng cơ mà không thể khống chế được bằng cách hít lại không khí thở ra, có thể cần dùng calci gluconat
Cập nhật lần cuối: 2021