Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) |
Acanthaceae (Ô rô) |
Chi(genus) |
Clinacanthus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Clinacanthus nutans (Burm.f) Lindau |
Cây xương khỉ thuộc dạng cây nhỏ, hoa có màu hồng hoặc màu đỏ. Cây có vị ngọt, đắng có tác dụng tiêu thũng, tán ứ, nhân dân còn sử dụng làm thuốc chữa gãy xương. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây xương khỉ
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Clinacanthus nutans (Burm.f) Lindau
Tên gọi khác: Cây liền xương, Bìm bịp, Mảnh cộng.
Họ thực vật: Ô rô Acanthaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây xương khỉ thuộc dạng cây nhỏ, mọc bò.
Lá nguyên, cuống lá ngắn, phiến lá của cây Xương khỉ có dạng hình mác hoặc hơi thuôn. Lá có màu xanh thẫm, mép lá hơi quăn, mặt lá hơi nhăn.
Hoa mọc rủ ở đầu ngọn, hoa có màu đỏ hoặc hồng, chiều dài từ 3 đến 5cm.
Lá bắc hẹp.
Tràng hoa có 2 môi, môi có 3 răng là môi phía dưới.
Quả nang có chiều dài 1,5cm. Mỗi quả gồm 4 hạt.
Dưới đây là một số hình ảnh của cây liền xương:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây liền xương mọc rải rác ở các khu rừng rụng lá, bờ bụi hoặc các bãi đất trống. Đôi khi cây cũng được trồng để làm thuốc.
Thời điểm ra hoa là vào mùa xuân hè.
Cây liền xương được tìm thấy ở nhiều nơi của nước ta. Ngoài ra, cây cũng được tìm thấy ở các khu vực khác như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
2 Thành phần hóa học
Một số thành phần hóa học đã được chiết xuất từ cây xương khỉ có thể kể đến như: Flavonoid, triterpenoid, steroid, phytosterol và glycoside.
Cành và rễ của cây liền xương có chứa lupeol và beta-sitosterol.
3 Tác dụng – Công dụng của cây liền xương
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Chiết xuất từ cây liền xương được chứng minh có tác dụng làm giảm đáng kể sự tăng sinh gốc tự do có hại khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm.
3.1.2 Chống ung thư
Chiết xuất Ethanol từ cây liền xương, so với phương pháp điều trị đối chứng, đã cho thấy khả năng làm giảm đáng kể sự phát triển của khối u trong mô hình ung thư gan HepA ở chuột. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định tác dụng này của cây liền xương.
3.1.3 Tác dụng kháng khuẩn
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, chiết xuất từ cây liền xương có tác dụng chống lại một số vi khuẩn nhất định. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng của thuốc vẫn chưa thực sự được hiểu rõ.
3.1.4 Tác dụng kháng virus
Cây liền xương được chứng minh có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương da ở chuột thí nghiệm sau khi cho gây nhiễm HSV-1.
3.1.5 Chống viêm và điều hòa miễn dịch
Trong y học cổ truyền, cây liền xương đã được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm ở vết côn trùng cắn, nhiễm trùng Herpes.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Cây liền xương có vị ngọt, đắng, cay.
Tác dụng: Tiêu thũng, trừ thấp, tán ứ, chỉ thống.
3.2.2 Công dụng
Nhân dân thường dùng lá non của cây để nấu canh ăn thay rau.
Lá của cây sau khi hái về, giã nát có tác dụng chữa đau sưng mắt hoặc có thể đem xào cho đến khi nóng và đắp vào vùng chân bị trặc gân, gãy xương, đau nhức xương khớp. Thường phối hợp cây liền xương với Mò hoa trắng già để chữa bệnh lưỡi trắng cho trẻ em bằng cách lọc lấy nước uống.
Nhân dân còn sử dụng cành và lá cây để đắp chữa vết thương do trâu bò húc.
Nhân dân Hải Nam của Trung Quốc còn sử dụng lá cây để trị các vết thương do dao chém hoặc chữa thiếu máu, phong thấp, hoàng đản.
Thường sử dụng cành lá khô của cây liền xương để sắc lấy nước uống hoặc dùng lá tươi để giã nát, đắp tại chỗ.
Nhân dân Vân Nam sử dụng cây liền xương trong các trường hợp kinh nguyệt không đều, phong thấp tê đau, trị hoàng đản hoặc dùng ngoài để trị gãy xương, dao chém, đòn ngã.
Nhân dân Quảng Tây sử dụng cây liền xương để trị bần huyết.
Nhân dân Thái Lan sử dụng lá tươi của cây để trị các bệnh ngoài da như eczema, mụn nhọt, bỏng,….
4 Thuốc đắp liền xương từ cây xương khỉ
Đúng như tên gọi, một trong những công dụng phổ biến được nhiều người biết đến nhất của cây liền xương đó làm thúc đẩy quá trình hồi phục xương, làm lành xương. Các bước thực hiện cụ thể như sau:
- Lá liền xương sau khi hái về đem rửa sạch, để ráo.
- Thêm muối vào giã nát.
- Sử dụng hỗn hợp trên đắp vào khu vực có xương bị gãy sau khi đã nẹp gỗ.
- Sử dụng một miếng vải mỏng, quấn vải xung quanh để tránh tình trạng lá bị rơi.
- Sau 2 hôm tiến hành thay lá một lần.
5 Lưu ý khi sử dụng cây xương khỉ
Cây xương khỉ là thảo dược thiên nhiên được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau với độ an toàn cao. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo sử dụng đúng cách, hạn chế những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra:
Tìm mua cây liền xương ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng.
Sử dụng theo đúng khuyến cáo, không tự ý tăng hoặc giảm liều.
Thuốc đắp chữa liền xương chỉ nên áp dụng trong trường hợp nhẹ, đối với các trường hợp chấn thương nặng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để tránh những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình đắp thuốc.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các phản ứng không mong muốn thì cần ngừng thuốc và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi (xuất bản năm 2021). Mảnh cộng, trang 44-45, tập 2. Từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2024.
Tác giả Ihsan N. Zulkipli và cộng sự (Ngày đăng năm 2017). Clinacanthus nutans: a review on ethnomedicinal uses, chemical constituents and pharmacological properties, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2024.