Xoan (Khổ Luyện – Melia azedarach)

Xoan (Khổ Luyện - Melia azedarach)

Với công dụng hiệu quả trong trị giun, bệnh ngoài da, viêm phụ khoa, Xoan được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình  xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Xoan.

1 Giới thiệu về cây Xoan

Xoan còn có tên gọi khác là Xoan trắng, Khổ luyện, Xuyên luyện. Tên khoa học của Xoan là Melia azedarach L., thuộc họ Xoan (Meliaceae). Cây thường mọc trên các đồi hoang, nương rẫy cũ nhiều nơi thuộc các tỉnh miền núi, cũng được trồng nhiều.

Hình ảnh cây Xoan
Hình ảnh cây Xoan

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ to, cao 15-20m hoặc hơn, rụng lá vào mùa đông. Thân thẳng, vỏ xù sì màu xám, có nhiều khía dọc lồi lõm và nốt trắng. Lá kép lông chim lẻ 2-3 lần, mọc so le, dài tới 60-70cm, lá chét có chóp nhọn, mọc đối, dài 7-8cm, rộng 2-3cm, gốc lệch, đầu nhọn, mép khía răng cưa, mặt dưới và cuống lá có lông.

Hoa nở trước hoặc cùng thời điểm ra lá non, xếp thành hình chùy ở nách lá. Hoa có màu tím nhạt, mùi thơm hắc. Có 5-6 lá đài có lông, tràng 5-6 cánh hoa hình dải, 10 nhị dính thành ống hình trụ màu tím sẫm, phân thùy, với 10-12 bao phấn đính ở kẽ thùy. Có đĩa mật. Bầu nhẵn, 5-6 ô. Quả hạch, khi chín màu vàng, vỏ ngoài nạc, vỏ trong hóa gỗ, gồm 4-5 ô, mỗi ô có 1 hạt màu đen. Ra hoa tháng 2-3, kết quả  vào tháng 4-6.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Vỏ, vỏ rễ, thường gọi là Khổ luyện bì.

Thu hoạch vỏ cây quanh năm, nhất là đầu mùa mưa, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô. Sau khi bóc vỏ cần cạo bỏ lớp bần bên ngoài, lấy phần vỏ lụa ở giữa. Khi dùng sao hơi vàng cho hết mùi hăng là được.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây được trồng ở khắp mọi nơi. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Malaysia.

2 Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của Xoan rất phức tạp. Thành phần hóa học chính của nó là sự pha trộn của 3 – 4 hợp chất chính có liên quan và hơn 20 hợp chất khác có lượng nhỏ hơn. Các hợp chất này chủ yếu là triterpen với hiệu quả nhất là limonoid có nhiều trong tinh dầu. Trong số các limonoid này, azadirachitin được phát hiện là thành phần chính có hiệu quả lên tới 90% trong việc chống lại côn trùng. Meliantriol là một chất ức chế khác. Nimbin và nimbidin cũng được tìm thấy trong Xoan, chúng có đặc tính chống virus và chống nấm hữu ích. Gedunin, một limonoid nhỏ, có hiệu quả trong điều trị sốt rét.

2.1 Vỏ thân

Bao gồm: 4’,5’-dihydroxyflavone-7-0-α-L-rhamnopyranosyl(1→4)-β-D-glucopyranoside, 1,8-dihydroxy-2-methylanthraquinone-3-0-β-D-galactopyranoside, 1,5-dihydroxy-8-methoxy-2-methylanthraside, 1,5-dihydroxy-8-methoxy-2-methylanthraquinone-3-0-α-L-rhamnopyranoside, 7α-acetoxy-14β-15β-epxygedunan-1-en-3-O-β-D-glucopyranoside, kuline, kulactone, kulolactone, kulinone.

2.2 Vỏ rễ

Nó chứa azedarachol, một este steroid. Monosacarit, polysacarit tan trong nước, chất pectin và hemocellulose được phân lập từ vỏ rễ. Limonoid bao gồm: azedaralide, 12α-acetoxy fraxinellone, fraxinellone, fraxinellonone, pyroangolensolide, 9-α-acetoxyfraxinellone, azedarachin C, 1-tigloyl-3,20-diacetyl-11-methoxymeliacarpinin, 3-tigloyl-1,20-diacetyl-11-methoxymeliacarpinin, 1-cinnamoyl-3-hydroxy-11-methoxymeliacarpinin và 1-deoxy-3- methacrylyl-11-methoxy-meliacarpinin, limonoid 1-cinnamoyl-3-acetyl-11-methoxymeliacarpinin. Seco limonoid: salannin, deacetylsalanin, nimbolinin B, nimbolidin B…

Một số triterpenoid - thành phần tạo độc tính của Xoan
Một số triterpenoid – thành phần tạo độc tính của Xoan

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây hoa Sử quân tử – Vị thuốc tẩy giun đũa và chữa nhức răng

3 Tác dụng – Công dụng của Xoan

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus

Lá Xoan thể hiện hoạt tính kháng vi-rút chống lại vi-rút herpes simplex. Dịch chiết tinh khiết từ lá có chứa meliacaprin, ức chế sự nhân lên của VSV và HSV-I trong ống nghiệm mà không có tác dụng gây độc tế bào.

Chiết xuất thô từ lá Xoan hiệu quả đối với các chủng vi khuẩn Basillus subtilis, Proteus mirabilis, Shigella flexeneri, S.dysenteriae, Plesiomonas shigellidesStaphylococcus aureus. Etyl axetat là chiết xuất hiệu quả nhất, tiếp theo là phần metanol ức chế sự phát triển của tất cả các mầm bệnh được thử nghiệm.

Hoạt động của chiết xuất từ lá, hạt và quả Xoan trong việc kiểm soát nấm gây bệnh như Aspergillus flavus, Fusarium moniliform, Microsporum canisCandida albicans đã được báo cáo. 

3.1.2 Chống tiểu đường

Các chiết xuất của Xoan mang lại giá trị điều trị cho bệnh đái tháo đường týp 2 và các biến chứng liên quan. Dịch chiết etanol được điều chế từ lá và quả cho thấy khả năng ức chế enzym PTP-1B là 40,7 và 55,9% ở nồng độ 10μg/ml. Hơn nữa, phần chloroform của quả và phần butanol của lá được phát hiện là ức chế enzym PTP-1B lần lượt là 50,2% và 65,5% ở cùng nồng độ 10μg/ml. Chiết xuất cành cây có tác dụng chống đái tháo đường mạnh mẽ nhờ vào đặc tính hạ đường huyết. Từ đó cho thấy tiềm năng của thảo mộc này trong kiểm soát tiểu đường.

3.1.3 Chống ung thư

Đặc tính chống ung thư của chiết xuất metanol trên các bộ phận trên mặt đất của Xoan đã ức chế các dòng tế bào ung thư biểu mô tuyến vú MCF ở các nồng độ khác nhau. Giá trị IC50 của dịch chiết từ phần trên mặt đất của Xoan là 280,8989 μg/ml. Từ đó cho thấy cây có tiềm năng chống ung thư đáng kể.

3.1.4 Các tác dụng khác

Ngoài các tác dụng trên, Xoan còn có khả năng chống tiêu chảy, chống hen suyễn, diệt côn trùng.

Tác dụng của Xoan
Tác dụng của Xoan

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bồ đề – Vị thuốc dưỡng tâm, trừ suyễn, giảm đau hiệu quả

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Xoan có tính lạnh, vị đắng, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, làm se, trừ giun, nhất là giun chỉ, giun đũa, giun kim.

Trong đông y, Xoan được dùng trong trị giun, bệnh nhiệt cấp tính, viêm bàng quang và sán khí. Dùng ngoài trị chàm, ghẻ lở, viêm da, mày đay, viêm âm đạo.

4 Cách dùng cây Xoan trị bệnh

Trị giun với liều dùng 5-10g mỗi ngày, dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị bệnh ngoài da bằng cách nấu nước để rửa, hoặc nghiền nhỏ và pha thêm giấm để đắp ngoài. 

Lá Xoan có tác dụng gì? Lá đun sôi với nước để rửa và thấm nước lau chữa chốc lở, nhiễm trùng ecpet mảng tròn, mụn nhọt, viêm da.

Chú ý: Cây có độc, uống nhiều sẽ dẫn tới chóng mặt, choáng đầu, co giật, do đó không dùng quá liều. Hiện nay ít dùng vì có nhiều loại thuốc trị giun hiệu quả và an toàn hơn.

4.1 Dạng bột

Vỏ lụa sau khi sao cho hơi vàng để hết mùi hăng thì tán nhỏ, chia thành từng gói 0,7-1g.

Liều dùng: 

  • Trẻ em dưới 1 tuổi: 0,15-0,2g/ngày.
  • Trẻ 2 tuổi: 0,2-0,25g/ngày.
  • Trẻ 3 tuổi: 0,25-0,35g/ngày.
  • Trẻ 4 tuổi: 0,35-0,5g/ngày.
  • Trẻ từ 5 – 10 tuổi: 0,7-1g/ngày.
  • Trẻ từ 10 tuổi trở lên: 1,5-2g/ngày.
  • Người lớn: 2-3g/ngày.

Uống liền 3 buổi sáng vào lúc đói.

4.2 Dạng thuốc sắc

Vỏ lụa sau khi sao cho hơi vàng để hết mùi hăng thì đem sắc với nước. Sắc 4 lần, mỗi lần đun sôi trong 1,5-2 giờ. Cô các nước sắc lại tới khi có khối lượng bằng vỏ ban đầu. Thêm cùng thể tích siro đơn, trộn đều để uống.

Liều dùng:

  • Trẻ 1-2 tuổi: 20ml, tương đương 10g vỏ khô.
  • Trẻ 3-5 tuổi: 30ml tương đương 15g vỏ khô.
  • Trẻ 6-9 tuổi: 40ml, tương đương 20g vỏ khô.
  • Trẻ 10-19 tuổi: 65ml, tương đương 32,5g vỏ khô.
  • Từ 19 tuổi trở lên: 75-80ml, tương đương 37,5-40g vỏ khô.

Uống vào sáng sớm lúc đói, nhịn ăn đến trưa ăn uống bình thường. Chỉ dùng duy nhất 1 liều.

Lá Xoan giúp chữa bệnh ngoài da
Lá Xoan giúp chữa bệnh ngoài da

5 Quả Xoan có ăn được không? Quả Xoan có độc không?

Như đã trình bày, toàn bộ cây Xoan đều có độc tính nhất định, ảnh hưởng chủ yếu tới hệ thần kinh, vì vậy quả Xoan hay lá Xoan đều không ăn được.

6 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Vishnukanta,  AC. Rana (Đăng vào tháng 1 năm 2008). Melia Azedarach: A Phytopharmacological Review, Pharmacognosy Review. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2023.  

2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Xoan trang 1215-1216, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2023.

Để lại một bình luận