Xích Thược (Radix Paeoniae rubrae)

Xích Thược (Radix Paeoniae rubrae)

Xích thược được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa bệnh phụ khoa, điều kinh. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Xích thược thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Xích thược là gì?

Xích Thược còn có tên gọi khác là Mẫu đơn đỏ, mọc ở núi cao, nơi có khí hậu ẩm mát và vùng ôn đới ấm; là cây ưa sáng.

Tên khoa học của Xích thược là Paeonia veitchii Lynch. var. beresowskii Schiff., thuộc họ Hoàng Liên (Ranunculaceae).

Tên khoa học theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2 của vị thuốc Xích thược là: Radix Paeoniae.

Hình ảnh cây và dược liệu Xích thược
Hình ảnh cây và dược liệu Xích thược

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 50-80cm, rễ củ mập, có vỏ ngoài màu nâu đỏ. Thân hình trụ, nhẵn. Lá mọc so le, có cuống dài, xẻ nhiều thùy hẹp, mép lá nguyên, hai mặt nhẵn. Hoa to, mọc đơn độc ở nách lá và ngọn thân, màu đỏ, nhị vàng. Mùa hoa vào tháng 5-7, mùa quả tháng 8-9.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ sau khi lấy về bỏ rễ con, làm sạch đất cát rồi phơi hoặc sấy khô.

Chế biến: Thời điểm thu hái là vào mùa xuân, thu. Đào lấy rễ cây rồi loại bỏ thân, rễ con, đất cát, tạp chất sau đó đem phơi khô.

Dược liệu thái lát: Đem phần rễ đã phơi khô, phân loại theo kích thước sau đó rửa sạch, ủ mềm, thái thành từng lát dày và phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây có nguồn gốc vùng Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, được nhập trồng tại Sa Pa, hiện không còn nhiều.

1.4 Phân biệt Xích thược và Bạch thược

Trong khi Xích thược là rễ của cây Mẫu đơn đỏ thì Bạch thược là rễ của cây Mẫu đơn trắng. Về đặc điểm nhận dạng dược liệu, 2 vị thuốc này có sự khác nhau như sau: 

  • Xích thược: Thân rễ phơi khô trực tiếp, bề mặt rám nắng, sần sùi và một số lớp vỏ dễ bong ra. Nó cứng và giòn, dễ gãy, da hẹp. Kết cấu xuyên tâm của gỗ rõ ràng, một số có vết nứt. 
  • Bạch thược: Loại bỏ vỏ sau khi luộc trong nước sôi hoặc luộc sau khi loại bỏ vỏ và lau khô. Bề mặt màu trắng nhạt hoặc đỏ nâu nhạt, nhẵn. Kết cấu nhỏ gọn, không dễ gãy, vòng phát sinh gỗ rõ rệt, tia tỏa ra.

2 Thành phần hóa học

Các nghiên cứu dược lý và hóa dược hiện đại đã chỉ ra rằng các thành phần hoạt tính sinh học chính của Xích thược bao gồm terpenoid, hợp chất polyphenolic và dầu dễ bay hơi. Các monoterpene glycoside của Xích thược chủ yếu bao gồm paeoniflorin, albiflorin, oxypaeoniflorin, benzoyl paeoniflorin và benzoyl hydroxy paeoniflorin. Các hợp chất polyphenolic chủ yếu bao gồm nhiều thành phần hóa học như galloylglucoses và paeonol. Các hợp chất đã được xác định trong Xích thược được trình bày trong ảnh dưới.

So sánh thành phần của Xích thược và Bạch thược
So sánh thành phần của Xích thược và Bạch thược

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bạch Thược – Vị thuốc dân gian đa công dụng, nhiều lợi ích

3 Xích thược có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

Nhiều bằng chứng cho thấy Xích thược có nhiều tác dụng dược lý, đặc biệt là về mặt bảo vệ gan và tác dụng của nó đối với tim và mạch máu.

3.1.1 Bảo vệ gan

Hiện tại, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ chế có thể có của tác dụng bảo vệ gan của Xích thược có liên quan đến việc ức chế các phản ứng viêm hoặc khả năng chống lại tổn thương oxy hóa và thu dọn gốc tự do. Có ba thành phần hóa học có hoạt tính bảo vệ gan nổi bật trong Xích thược, đó là paeoniflorin, ethyl palmitate và ethyl linoleate. Trong mô hình tổn thương gan cấp tính do CCl4 gây ra, chất chiết xuất nước từ Xích thược bảo vệ gan khỏi tổn thương oxy hóa. Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng paeoniflorin, thành phần chính của Xích thược, có thể điều chỉnh Glutathione để bảo vệ chống lại tổn thương gan. 

3.1.2 Bảo vệ tim mạch

Hiệu quả điều trị của Xích thược đối với bệnh tim mạch cũng rất đáng kể. Trong mô hình chuột bị nhồi máu cơ tim cấp tính (AMI), chiết xuất Xích thược đóng vai trò tích cực trong việc điều chỉnh các enzym tim, cytokine, stress oxy hóa, đông máu và quá trình chết theo chương trình. Một chiết xuất Ethanol từ Xích thược làm giãn cơ trơn mạch máu thông qua các con đường phụ thuộc vào nội mô và protein kinase B (AKT) cũng như kích hoạt các kênh K(Ca) và K(ATP) và ức chế các kênh Ca 2+ loại L. Là thành phần chính của Xích thược, terpene glucoside cải thiện quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể và giảm tổn thương cơ tim. Ngoài ra, Xích thược có tác dụng ức chế huyết khối, các hợp chất trong đó có thể điều chỉnh các hoạt chất nội mô mạch máu và kích hoạt các chương trình chống đông máu và lưu lượng máu. Tóm lại, Xích thược có thể cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn mạch máu, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim và ngăn ngừa huyết khối.

3.1.3 Chống viêm

Các thành phần hóa học có tác dụng chống viêm chủ yếu là paeoniflorin và paeonol, là những thành phần phổ biến của Xích thược. Paeoniflorin điều chỉnh giảm nồng độ matrixmetallo proteinase-2, matrixmetallo proteinase-9, iNOS và cyclooxygenase-2 và ức chế con đường truyền tín hiệu -κB và quá trình chết theo chương trình. Paeoniflorin cũng thúc đẩy quá trình điều chỉnh lại các chất trung gian gây viêm như yếu tố hoại tử khối u-α, Interleukin 1β, iNOS, COX-2 và 5-lipoxygenase và các chất kích hoạt của JNK và p38 MAPK, để bảo vệ khỏi tổn thương não do thiếu máu cục bộ. Paeonol có thể đảo ngược quá trình sản xuất quá mức iNOS, COX-2, matrixmetallo proteinase-1, matrixmetallo proteinase-3 và matrixmetallo proteinase-13 và ức chế kích hoạt NF-κB, cũng như quá trình phosphoryl hóa PI3K và AKT.

3.1.4 Chống khối u

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thành phần chính có hoạt tính chống khối u là paeoniflorin, paeonol, axit galic và methyl gallate. Trong các thí nghiệm trên chuột mang tế bào khối u DU145, paeonol thúc đẩy quá trình tự hủy của tế bào DU145, tăng cường hoạt động của caspase-3, caspase-8 và caspase-9, làm giảm biểu hiện của Bcl-2 và tăng biểu hiện của Bax. Quá trình phosphoryl hóa AKT và mTOR cũng giảm, đồng thời ức chế tăng sinh DU145 bằng paeonol và các chất ức chế PI3K/AKT có tác dụng hiệp đồng.

Tác dụng của Xích thược
Tác dụng của Xích thược

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Mẫu đơn – Vị thuốc bổ máu, bổ thần kinh, lợi tiêu hóa

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Xích thược có tính bình, vị đắng, quy kin can, tỳ, có tác dụng làm mát, hoạt huyết, thông mạch, tán ứ, tiêu viêm, giảm đau.

Chủ trị: Ôn độc phát ban, chảy máu cam, ỉa máu, mắt sưng đau, can uất, sườn đau, kinh bế, hành kinh đau bụng, hòn cục trong bụng, sưng đau do sang chấn, nhọt độc sưng đau.

Trong đông y, Xích thược được dùng trong chữa đau vùng ngực, bụng, sườn, mồ hôi trộm, âm hư phát sốt, tả, lỵ, rối loạn kinh nguyệt, thai nhiệt, Đau Bụng Kinh, chảy máu cam.

Liều lượng sử dụng hàng ngày: 6g – 12g dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không được kết hợp Xích thược với vị thuốc Lê lô.

4 Các bài thuốc từ cây Xích thược

4.1 Chữa bệnh phụ nữ

Chữa băng huyết, bạch đới: Xích thược, hương phụ, đồng lượng. Tán nhỏ, mỗi lần uống 6-8g, ngày 2 lần, dùng trong 4-5 ngày.

Chữa rong kinh rong huyết sau khi đặt vòng tránh thai ở tử cung: Xích thươc, bồ hoàng, ngũ linh chi, hương phụ, trạch lan, Tô mộc mỗi vị 12g, Ích mẫu 16g, Đương Quy 8g. Sắc uống.

Chữa bế kinh: Xích thược, đương quy, huyền hồ, hồng hoa, hương phụ, Xuyên Khung mỗi vị 8g. Sắc uống.

Chữa khí hư do nhiễm khuẩn: Xích thược, đan bì, Chi Tử mỗi vị 8g, Nhân Trần 20g, Mã Đề 16g, trư linh, phục linh, trạch tả, Ngưu Tất mỗi vị 12g. Sắc uống.

4.2 Chữa bệnh về máu

Chữa chảy máu dưới da: Xích thược, bạch thược, đan sâm, liên kiều, ích mẫu, đan bì mỗi vị 12g, mao căn 40g, sinh địa, huyền sâm, kim ngân mỗi vị 16g, Hồng Hoa 4g. Sắc uống.

Chữa chảy máu do nhiễm khuẩn: Xích thược, đan bì mỗi vị 8g, sinh địa, huyền sâm, cỏ nhọ nồi, trắc bá diệp mỗi vị 16g, sừng trâu, đan sâm, chi tử mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa bạch huyết: Xích thược, hồ hoàng liên mỗi vị 12g, sinh địa, huyền sâm, kim ngân, Bồ Công Anh mỗi vị 20g, địa cốt bì, sơn đậu căn, Thăng Ma mỗi vị 16g, Cam Thảo 8g. Sắc uống.

4.3 Chữa viêm phần phụ

Chữa viêm phần phụ: Xích thược, xuyên khung mỗi vị 10g, bồ công anh 16g, nhũ hương, một dược mỗi vị 4g. Sắc với 200ml nước tới khi còn 100ml, để thuốc ấm 37-40 độ C thụt hậu môn trong 20 phút rồi nằm nghỉ. Thụt 6 lần, cách ngày 1 lần. Nếu không đỡ, nghỉ 1 tuần rồi thụt tiếp đợt 2.

Chữa viêm phần phụ mạn: Xích thược, hạt Quất, hạt vải, thiên tiên đằng, hương phụ, đan sâm, xuyên huyện tử, huyền hồ mỗi vị 12g. Sắc uống hoặc làm viên, ngày uống 20g.

4.4 Chữa bệnh tiêu hóa

Chữa lỵ cấp tính: Xích thược, trần bì, hoàng bá, đan bì mỗi vị 12g, bạch đầu ông 40g, kim ngân hoa, địa du mỗi vị 20g, chỉ xác, Mộc Hương mỗi vị 8g, hoàng liên 4g. Sắc uống.

Chữa xơ gan: Xích thược, đào nhân, đương quy mỗi vị 12g, Đan sâm 20g, tam lăng, hồng hoa, nga truật, Hương Phụ chế, Chỉ Xác mỗi vị 8g. Sắc uống.

Chữa trĩ nội chảy máu: Xích thược, đương quy, Hoàng Cầm, địa du, Hoa Hòe, Kinh Giới mỗi vị 12g, Sinh Địa 20g; nếu táo bón thêm hạt vừng 12g, đại hoàng 4g. Sắc uống.

Chữa trĩ ngoại bội nhiễm, thể thấp nhiệt: Xích thược, chỉ xác mỗi vị 8g, kinh giới sao đen, sinh địa, Kim Ngân Hoa mỗi vị 16g, hoa hòe, trắc bá diệp, địa du, chi tử sao đen mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Tán bột mịn, ngày uống 20g. Hoặc: Xích thược, hoàng bá, hoàng liên, Trạch Tả mỗi vị 12g, sinh địa 16g, đào nhân, đương quy, đại hoàng mỗi vị 8g. Sắc uống.

4.5 Chữa bệnh viêm loét khác

Chữa viêm tắc động mạch: Xích thược, Quế chi, Bạch Chỉ, nghệ, nhũ hương, một dược, hồng hoa, đào nhân, tô mộc mỗi vị 12g, đan sâm, Hoàng Kỳ mỗi vị 20g, xuyên quy vĩ 16g. Sắc uống.

Chữa loét giác mạc: Xích thược, sinh địa, chi tử, liên kiều, kim ngân, hoàng cầm, bạch chỉ, Cúc Hoa mỗi vị 12g, kinh giới, thuyền thoái mỗi vị 8g. Sắc uống, sau khi thấy loét liền làm sẹo, dùng bài sau tới khi khỏi hẳn: Xích thược, Thục Địa, liên kiều, kim ngân, cốc tinh, quyết minh, chi tử mỗi vị 12g, sinh địa 20g, Mộc Tặc, cúc hoa, hoàng bá mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa viêm màng phổi do lao: Xích thược, uất kim, huyền hồ mỗi vị 12g, hương phụ chế, toàn phúc hoa, hạt Tía Tô sao mỗi vị 8g, chỉ xác, Sài Hồ mỗi vị 6g. Sắc uống.

Chữa viêm amidan: Xích thược, hoàng cầm, sơn đậu căn, Huyền Sâm mỗi vị 12g, kim ngân hoa 40g, liên kiều, ngưu tất mỗi vị 20g, Xạ Can 8g, hoàng liên 4g. Sắc uống.

Chữa viêm nha chu: Xích thược 8g, kim ngân, liên kiều, tạo giác thích mỗi vị 20g, ngưu bàng tử, Hạ Khô Thảo, chi tử mỗi vị 12g, Bạc Hà, xuyên sơn giáp mỗi vị 6g. Sắc uống.

4.6 Chữa đau các loại

Chữa đau tức ở ngực, đau nhói vùng tim: Xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim mỗi vị 20g, đan sâm 30g, Đẳng Sâm, đương quy, trầm hương mỗi vị 16g, Mạch Môn, hương phụ mỗi vị 12. Sắc uống.

Chữa đau vai gáy: Xích thược, nghệ, đương quy, đại táo mỗi vị 12g, hoàng kỳ 16g, khương hoạt, Độc Hoạt mỗi vị 8g, chích cam thảo 6g, Gừng 4g. Sắc uống.

4.7 Chữa bệnh khác

Lao xương và lao khớp xương: Xích thược, bạch thược, bạch giới tử mỗi vị 8g, hoàng kỳ sống, Tục Đoạn, xuyên sơn giáp, Phục Linh mỗi vị 16g, đẳng sâm, đương quy, tạo giác thích mỗi vị 12g, Trần Bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa co giật hôn mê do sốt cao ở các chứng bệnh về não: Xích thược, hoàng liên, chi tử, hoàng cầm, đan bì, tri mẫu mỗi vị 8g, thạch cao 40g, trúc diệp 16g, sinh địa, sừng trâu, huyền sâm, liên kiều mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa sởi mới phát sốt, chưa mọc: Xích thược 6g, Cát Căn 12g, thăng ma 4g, cam thảo 2g. Sắc uống.

Bài thuốc chữa sởi mới phát từ Xích thược
Bài thuốc chữa sởi mới phát từ Xích thược

Chữa phong chẩn: Xích thược, thuyền thoái, cam cúc hoa, ngân hoa, bồ công anh mỗi vị 8g, bạc hà, liên kiều mỗi vị 6g, tang diệp 4g, kinh giới 2g. Sắc uống.

Chữa mụn nhọt về mùa hè: Xích thược, kim ngân, liên kiều, đam trúc diệp mỗi vị 12g, lá Sen 16g, thạch cao 8g. Sắc uống.

Chữa thủy đậu: Xích thược, liên kiều, chi tử sao mỗi vị 8g, bồ công anh 16g, kim ngân, sinh địa mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa nhọt ở ống tai ngoài: Xích thược, cúc hoa, hoàng cầm, chi tử mỗi vị 12g, bồ công anh 40g, liên kiều, kim ngân hoa mỗi vị 20g, long đởm thảo 8g. Sắc uống.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Yu-Qing Tan và cộng sự (Ngày đăng 10 tháng 7 năm 2020). Efficacy, Chemical Constituents, and Pharmacological Actions of Radix Paeoniae Rubra and Radix Paeoniae Alba, Frontiers. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023. 
  2. Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Xích thược trang 1102-1104, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023. 
  3. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Xích thược (rễ), trang 1377 – 1378, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 20 tháng 09 năm 2023.

Để lại một bình luận