Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh phụ khoa và đau xương khớp, Xích đồng nam được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Xích đồng nam.
1 Giới thiệu về cây Xích đồng nam
Xích đồng nam còn có tên gọi khác là Xích đồng, Mò đỏ, mọc nơi ẩm, có độ sáng vừa phải, ở rừng thưa, thung lũng, ven rừng, ven đường đi, ở độ cao lên tới 1000m.
Tên khoa học của Xích đồng nam là Clerodendrum japonicum, thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Xích đồng nam.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi cao 2m, cành vuông có rãnh, có lông mịn, mắt có lằn lông nối liền 2 cuống. Lá có phiến hình tim, rộng 30cm, không lông, mép có răng cưa nhỏ, cuống dài 5-20cm. Chùy hoa mọc ở ngọn cành, cao 45cm, đỏ chói hoặc hồng, dài 8mm; ống tràng cao 1,5cm, thùy tràng 5mm. Quả hạch cứng lam đen, to 12mm, trên đài đồng trưởng to 3,5cm. Ra hoa quả tháng 5-11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hoa, rễ và lá, ở Trung Quốc thường gọi là Sanh đồng. Có khi dùng toàn cây.
Thu hái lá và rễ quanh năm, rễ rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Indonesia.
1.4 Phân biệt Xích đồng nam và Bạch đồng nữ
Về hình thái: Hai cây này có hình thái khá giống nhau, điểm khác biệt rõ ràng và dễ nhận thấy nhất là hoa của Xích đồng nam mà đỏ trong khi hoa Bạch đồng nữ màu trắng.
Về tác dụng: Hai cây đều được dùng trong chữa bệnh phụ khoa rất hiệu quả; ngoài ra còn trị đau xương khớp.
2 Thành phần hóa học
Hiện vẫn còn ít nghiên cứu về thành phần hóa học của Xích đồng nam, cây có chứa các chất dưới đây:
- Triterpenoid: Ursolic acid được phát hiện trong rễ.
- Flavonoid: Tricin có trong toàn bộ cây.
- Phenylethanoid glycoside: Martynoside, Monoacetylmartinoside và Clerodenoside A cũng được tìm thấy trong toàn bộ cây.
- Steroid: 22,23-dihydrostigmasterol, 25,26-dehydrostigmasterol có trong toàn cây.
Một nghiên cứu đã phân lập được 17 hợp chất trong Xích đồng nam, bao gồm: 7α-hydroxy syringaresinol, (-)-syringaresinol, (-)-medioresinol, 2″,3″-O-acetylmartyonside, 2″-O-acetyl-martyonside, martinoside, monoacetyl martinoside, cytochalasin O, 9-epi-blumenol B, (6R,9S) và (6R,9R)-9-hydroxy-4-megastigmen-3-one, (6R,9S)-3-oxo-α-ionol, (-)-dehydrovomifoliol, megastigm-5-en-3,9-diol, (3R,6E,10S)-2,6,10-trimethyl-3-hydroxydodeca-6,11-diene-2,10-diol, (2R)-butylitaconic acid, 3-(3-hydroxybutyl)-2,4,4-trimethylcyclohexa-2,5-dienone và (-)-loliolide.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bạch đồng nữ – Loài hoa chữa bệnh phụ khoa hiệu quả
3 Tác dụng – Công dụng của cây Xích đồng nam
3.1 Tác dụng dược lý
Từ kết quả của các nghiên cứu cho thấy chiết xuất Xích đồng nam có những tác dụng sau:
- Làm giảm khí hư, mùi hôi ở vùng kín, chống rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
- Bảo vệ gan, ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng nhẹ của xơ gan, vàng da, viêm gan.
- Chống viêm, giảm đau đầu mức độ nhẹ.
- Giúp hạ huyết áp.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cụm hoa có tính ấm, vị ngọt, không độc, có tác dụng bổ huyết. Rễ cây Xích đồng nam có tính bình, vị nhạt hơi ngọt, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong thấp, thanh can phế, lợi tiểu, tiêu viêm, tán ứ. Lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng. Rễ, lá, toàn cây ở Vân Nam (TQ) được coi là có tính hơi ấm, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt chỉ khái, khu phong trừ thấp, điều kinh, tán ứ tiêu thũng.
Trong đông y, Xích đồng nam được dùng trong chữa khí hư, viêm tử cung, rối loạn kinh nguyệt, vàng da, mụn lở, huyết áp cao, khớp xương đau nhức, đau lưng.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Ích mẫu – Vị thuốc quý nhiều công dụng đối với sức khỏe phụ nữ
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Xích đồng nam
4.1 Cách dùng
Liều dùng 15-20g, sắc hoặc nấu cao uống. Lá tươi giã đắp hoặc chắt lấy nước rửa vết thương, bỏng, mụn lở.
Ở Hồng Kông (TQ), cụm hoa 30-90g sắc uống trị xích, bạch đới, trĩ, sán khí và mất ngủ; rễ 30-60g sắc uống trị phong thấp đau nhức, đau lưng, đòn ngã tổn thương, lao phổi kem ho, khái huyết, trĩ xuất huyết, lỵ.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Trị bệnh phụ khoa
Chữa kinh nguyệt không đều, tiểu buốt, tiểu ra máu: Rễ Xích đồng nam, búp non mía dò, lá huyết dụ, Mã Đề, bầu đất, mỗi vị 10-15g. Thái nhỏ, phơi khô, sao thơm, sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đau bụng kinh: Lá Xích đồng nam, hương phụ, Ích mẫu, Ngải Cứu, mỗi vị 6g. Sắc với 300ml trong 30 phút, chia 2-3 lần uống trong ngày, có thể thêm đường. Uống trước kỳ kinh khoảng 10 ngày, rồi dùng liên tục trong 2-3 tháng giúp lưu thông khí huyết.
Chữa bệnh bạch đới, khí hư, kinh nguyệt rối loạn: Lá Xích đồng nam khô 40-80g. Sắc uống. Hoặc: Xích đồng nam, ích mẫu, lá ngải mỗi vị 18g, Hương Phụ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
4.2.2 Trị bệnh khác
Chữa trĩ xuất huyết: Dùng rễ Xích đồng nam hoặc hoa 60g, nấu với thịt ăn.
Chữa mụn nhọt ở nách: Giã lá tươi thêm Mật Ong đắp vào chỗ đau.
Chữa tăng huyết áp: Lá Xích đồng nam, Cúc Hoa, Cam Thảo nam mỗi vị 12g, Hoa Hòe 6g. Phơi khô, sao thơm, sắc uống ngày 1 thang.
Chữa thấp khớp có sưng, nóng, đỏ, đau: Xích đồng nam, đơn tướng quân, Tầm Xuân, đơn mặt trời, đơn răng cưa, Cà Gai Leo, tang chi mỗi vị 8g, dây gắm 12g. Sắc ngày uống 1 thang.
Chữa vàng da, vàng mắt do viêm túi mật: Rễ Xích đồng nam 30g, sắc uống ngày 1 thang.
Chữa tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, tiểu ra sỏi hay nhầy: Xích đồng nam, bạch đồng nữ, cỏ chỉ thiên, bạch mao căn, cỏ bấc, thịt ốc nhồi, đều 1 nắm. Sắc uống.
Điều can, giải uất, thanh nhiệt: Xích đồng nam, bạch đồng nữ (đều sao vàng) mỗi vị 40g, thanh bì, dái nghệ vàng, quả dành dành (sao cháy) mỗi vị 20g, cam thảo dây 16g. Sắc với 800ml nước tới khi còn 250ml, uống trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Shu-Lin Zhang, Hai-Bing Liao, Dong Liang (Đăng vào tháng 7 năm 2018). Chemical constitutes from Clerodendrum japonicum, PubMed. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Xích đồng trang 1211-1212, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.