Xanh Methylen

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

XANH METHYLEN 

(Methylthioninium clorid) 

Tên chung quốc tế: Methylthioninium chloride (Methylene blue). Ma ATC: V03AB17; V04CG05. 

Loại thuốc: Thuốc giải độc, sát khuẩn nhẹ. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 55 mg, 65 mg. 

Thuốc tiêm: 5 mg/ml, 10 mg/ml (1 ml, 10 ml). 

Dung dịch dùng ngoài: 1%, hoặc dung dịch Milian gồm xanh methylen 1 g, tím gentian 1 g, rivanol 1 g, Ethanol 70% 10 g, nước cất vừa đủ 100 g, thường dùng trong da liễu. 

Một số chế phẩm Xanh Methylen
Một số chế phẩm Xanh Methylen

2 Dược lực học 

Xanh methylen được dùng trong điều trị methemoglobin huyết do thuốc hoặc không rõ nguyên nhân. Ở nồng độ thấp, xanh methylen làm tăng chuyển methemoglobin thành hemoglobin. Với nồng độ cao, thuốc có tác dụng ngược lại do xanh methylen oxy hóa ion Sắt (II) của hemoglobin thành sắt (III), chuyển hemoglobin thành methemoglobin. Phản ứng này là cơ sở cho việc sử dụng thuốc trong điều trị ngộ độc cyanid. Trong trường hợp này, methemoglobin tạo bởi xanh methylen sẽ liên kết với cyanid tạo ra cyanmethemoglobin, có tác dụng ngăn chặn tương tác của cyanid với cytochrom là chất đóng vai trò trong hô hấp tế bào. Thuốc được chỉ định trong điều trị triệu chứng methemoglobin huyết (khi nồng độ methemoglobin trên 20%). 

Xanh methylen cũng có tác dụng sát khuẩn nhẹ và nhuộm màu các mô. Thuốc liên kết không phục hồi với acid nucleic của virus và phá vỡ phân tử virus khi tiếp xúc với ánh sáng. 

3 Dược động học 

Xanh methylen được hấp thu tốt từ Đường tiêu hóa và đạt nồng độ đỉnh trong máu khoảng 1 – 2 giờ sau khi dùng liều uống. Sự hấp thu thuốc theo đường uống rất chậm và không thích hợp để điều trị bệnh methemoglobin nặng, sử dụng đường tiêm truyền là cần thiết. Sau khi phân bố tại các mô, xanh methylen nhanh chóng bị khử thành xanh leukomethylen, bền vững dưới dạng muối, dạng phức hoặc dưới dạng kết hợp trong nước tiểu, nhưng không bị khử trong máu. Chuyển hóa thành leucomethylen kém hiệu quả ở trẻ sơ sinh hơn ở người cao tuổi. 

Xanh methylen được thải trừ qua nước tiểu và mật. Khoảng 75% liều uống được thải trừ qua nước tiểu, hầu hết dưới dạng leukomethylen không màu ổn định. Khi tiếp xúc với không khí, nước tiểu chuyển sang màu xanh lá cây hoặc xanh da trời do sản phẩm oxy hóa là xanh methylen sulfon. Một phần thuốc không biến đổi cũng được thải trừ qua nước tiểu. 

Sau khi tiêm truyền, nửa đời thải trừ ước tính là 5 – 6,5 giờ. 

4 Chỉ định 

Điều trị methemoglobin huyết mắc phải, hoặc không rõ nguyên nhân. 

Giải độc cyanid, nitroprusiat và các chất gây methemoglobin huyết.

Sát khuẩn đường niệu sinh dục. 

Dùng tại chỗ để điều trị nhiễm virus ngoài da như Herpes simplex.

Điều trị chốc lở, viêm da mủ. 

Làm thuốc nhuộm các mô trong một số thao tác chẩn đoán (nhuộm vi khuẩn, xác định lỗ dò…). 

Các chỉ định sử dụng Xanh Methylen
Các chỉ định sử dụng Xanh MethylenNhãn

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với thuốc. 

Người bệnh thiếu hụt G6PD vì có thể gây tan máu cấp ở những người bệnh này. 

Người bị suy thận nặng. 

Phụ nữ mang thai (hoặc có khả năng mang thai) và cho con bú. 

Không tiêm trong ống cột sống. 

Không điều trị methemoglobin huyết do ngộ độc clorat vì có thể biến đổi clorat thành hypoclorit có độ độc cao hơn. 

6 Thận trọng 

Giảm liều cho người bệnh có chức năng thận yếu. Dùng xanh methylen kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu do tăng phá hủy hồng cầu. 

Xanh methylen gây tan máu, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người bệnh thiếu G6PD 

7 Thời kỳ mang thai và cho con bú

7.1 Thời kỳ mang thai

Chống chỉ định hoặc chỉ dùng sau khi cân nhắc giữa lợi và hại do thuốc. 

7.2 Thời kỳ cho con bú 

Chưa biết thuốc có bài tiết vào sữa mẹ không, nhưng cần tạm ngừng cho con bú khi bà mẹ phải điều trị với xanh methylen. 

8 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Xanh methylen thường được dùng trong thời gian ngắn. Thuốc có thể gây thiếu máu và một số triệu chứng ở đường tiêu hóa khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch liều cao, 

8.1 Thường gặp 

Huyết học; thiếu máu, tan máu. 

8.2 Ít gặp 

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng. 

TKTW: chóng mặt, giảm thị lực, đau đầu, sốt, suy giảm khả năng suy nghĩ. 

Tim mạch: tăng huyết áp, đau vùng trước tim. 

Tiết niệu: nước tiểu sẫm, kích ứng bàng quang. 

Da: nhợt nhạt, vàng hoặc có màu xanh. 

Tăng serotonin trong cơ thể gây kích động, ảo giác, sốt, nhịp tim nhanh, phản xạ quá mức, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mất phối hợp, ngất xỉu. 

8.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Ngừng dùng thuốc nếu có dấu hiệu ADR. 

Không lái xe hoặc làm việc về quan sát khi đang dùng thuốc. 

9 Liều lượng và cách dùng 

Dùng đường tiêm để điều trị methemoglobin huyết, giải độc cyanid, nitroprusiat và các chất gây methemoglobin huyết: Liều tiêm tĩnh mạch cho người lớn và trẻ em là: 1 – 2 mg/kg, tiêm chậm trong vài phút (thường trong 5 – 30 phút). Nếu cần, có thể dùng lặp lại sau 30 – 60 phút. 

Dùng đường uống, khi không khẩn cấp hoặc dùng kéo dài để điều trị methemoglobin huyết do di truyền: Liều uống 3 – 6 mg/kg (150 – 300 mg/ngày hoặc 3 – 6 viên 55 mg, cho người lớn) chia nhiều lần trong ngày, kèm uống 500 mg Vitamin C mỗi ngày. Uống với cốc nước đầy để làm giảm rối loạn tiêu hóa và khó tiểu tiện. 

Chú ý: Điều trị methemoglobin huyết do dùng liều cao những chất gây methemoglobin kéo dài hoặc liên tục (như dapson): Dùng xanh methylen tiêm truyền tĩnh mạch với tốc độ 0,1 – 0,15 mg/kg/giờ, sau khi dùng liều khởi đầu 1 – 2 mg/kg. Khi tiêm xanh methylen phải tiêm chậm để tránh tạo nồng độ thuốc cao tại chỗ có thể gây tăng thêm methemoglobin huyết. Cần theo dõi chặt chẽ nồng độ methemoglobin trong quá trình điều trị. 

Cách pha dung dịch tiêm: Dung dịch tiêm truyền cần pha với dung dịch tiêm Natri clorid 0,9% để có nồng độ xanh methylen 0,05%. Dùng sát khuẩn đường niệu sinh dục: Bơm vào đường niệu sinh dục 1 – 3 ml dung dịch xanh methylen 1%. 

Dùng tại chỗ để điều trị nhiễm virus ngoài da như Herpes simplex. Điều trị chốc lở, viêm da mủ. Rửa sạch vết thương, bôi tại chỗ dung dịch dùng ngoài 1%, hoặc dung dịch Milian: Liều 2 – 3 lần/ngày, thông thường trong 3 ngày. 

Chú ý: Không dùng tiêm dưới da. 

10 Tương tác thuốc 

Xanh methylen có thể gây ra hội chứng serotonin ở bệnh nhân dùng thuốc tâm thần serotonergic, cụ thể là chất ức chế tái thu hồi serotonin chọn lọc (SSRI), chất ức chế tái thu nạp serotonin norepinephrin (SNRI), hoặc clomipramin. 

Không dùng chung với thức ăn, nước uống để làm chỉ thị màu, vì có thể gây ngộ độc (tan máu…). 

11 Tương kỵ 

Xanh methylen tương kỵ với các chất kiềm, iodid, dicromat, các chất oxy hóa và chất khử. 

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

Xanh methylen liều cao có thể oxy hóa hemoglobin thành methemoglobin huyết, do vậy càng làm tăng methemoglobin huyết. Một số ADR khi dùng liều cao như: đau vùng trước tim, khó thở, bồn chồn, lo lắng, run và kích ứng đường tiết niệu. Có thể có tan máu nhẹ kèm tăng bilirubin huyết và thiếu máu nhẹ. 

12.2 Xử trí

Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Điều trị hỗ trợ và loại bỏ chất độc là chính. Gây nôn hoặc rửa dạ dày, dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy và thẩm tách máu nếu cần. Truyền máu và thậm chí (nếu có thể) thay máu và thở oxygen. 

Cập nhật lần cuối: 2017

Để lại một bình luận