Xạ Can (Dẻ Quạt – Iris domestica)

Xạ Can (Dẻ Quạt - Iris domestica)

Xạ can được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa bệnh hô hấp. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Xạ can thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Xạ can

Xạ Can còn có tên gọi khác là Rẻ quạt; là cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, trên 1 tuổi mới có thể ra hoa quả.

Tên khoa học của Xạ can là Iris domestica (L.) GM., thuộc họ Lay ơn (Iridaceae).

Hình ảnh cây Xạ can
Hình ảnh cây Xạ can

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 0,5-1m. Thân rễ mọc bò, phân nhánh nhiều. Thân ngắn bao bọc bởi những bẹ lá. Lá hình dải, dài 30cm, rộng 2cm, gốc xếp chồng lên nhau, đầu nhọn, gân song song, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu, toàn bộ lá xếp thành một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt. 

Cụm hoa phân nhánh, dài 30-40cm; lá bắc dạng vảy, cuống dài, xếp trên nhánh như những tán đơn, gồm 6 mảnh màu vàng cam điểm những đốm tía; đài có răng nhỏ hình mũi mác; tràng có cánh rộng và dài hơn lá đài; nhị 3, dính ở gốc cánh hoa; bầu 3 ô. Quả nang, hình trứng, hạt nhiều, màu đen bóng. Mùa hoa quả vào tháng 7-10.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Thân rễ.

Thu hái vào mùa xuân khi cây ra nụ hoặc mùa thu khi các bộ phận khác tàn lụi, làm sạch đất cát, bỏ rễ con, đem phơi hoặc sấy khô, được gọi là Xạ can khô. Khi dùng thái phiến.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây của vùng Đông và Nam Á, hiện được trồng cả ở Mỹ và Caribe. Ở Việt Nam, cây mọc hoang và được trông ở nhiều nơi trên cả nước.

2 Thành phần hóa học của Xạ can

Thân rễ Xạ can rất giàu nhiều loại polyphenol từ một số nhóm hóa chất thực vật: isoflavonoid, stilbenes, xanthones và phenol đơn giản.

2.1 Hợp chất phenolic

Flavonoid là các hợp chất phenolic chính của thân rễ Xạ can. 5 aglycone Isoflavone chính được xác định là tectorigenin, irigenin, iristectorigenin A, irisflorentin và 5,6,7,3′-tetrahydroxy-4′-methoxyisoflavone. Bên cạnh isoflavone, một số flavone cũng có mặt: hispidulin, isorhamnetin, rhamnazin, apigenin, luteolin, 5,4′-dihydroxy-6,7-methylenodioxy-3′-methoxyflavone và 5,7,4′-trihydroxy-3′, 5′-dimethoxyflavone.

Các hợp chất phenolic đặc trưng khác của loại thảo mộc này thuộc về xanthones tạo cho thân rễ có màu vàng đặc trưng – Mangiferin và isomangiferin, neomangiferin, stilbenes – resveratrol, isorhapontigenin, dimeric stilbene shegansu B, dihydroresveratrol. Các phenol đơn giản và phenolic glycoside cũng đã được phân lập: belalloside A và B, apocynin, cũng như pyranocoumarin – decursin.

2.2 Triterpenoid

Các triterpenoid dạng iridal đã được phân lập từ Xạ can: iridotectoral B, iridotectoral A, iridotectoral, belamcandal, 28-deacetylbelamcandal, 26-hydroxy-oxaspiroirid-16-enal, iridobelalal A, iridobelamal B, 26-hydroxy-15- metylidene-spiroirid-16-enal, 26-hydroxy-13-oxaspiroirid-16-enal, 13-oxaspiroirid-16-enal, 16-O-acetyl-isoiridogermanal, iso-iridogermanal, 10-deoxyiridogermanal, 16-acetyl-3-decanoylisoiridogermanal, 16-acetyl-3-tetradecanoylisoiridogermanal, belachinal, anhydrobelachinal, epianhydrobelachinal, isoanhydrobelachinal, spiroiridal, và dimeric triterpenoid dibelamcandal A. 

Hạt chứa p-benzoquinone (belamcandaquinone A và B), belamcandone A, B, C và D benzofurans và tiền chất của chúng – belamcandaphenol.

Trong lá, một số isoflavonoid đã được xác định: daidzin, genistin, sophoricoside, prunetin, tectoridin, genistein, iristectorigenin A, iridin, một số flavone glycoside – swertisin, 2”-O-rhamnosylswertisin, isovitexin, 2”-O-rhamnosylisovitexin, và flavonol glycosid – quercitrin. Như trong thân rễ, mangiferin cũng có mặt.

Dược liệu Xạ can
Dược liệu Xạ can

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bạc hà – Thông tin về đặc điểm, tác dụng và cách dùng 

3 Xạ can có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

Lợi ích sức khỏe của Xạ can đến từ một số hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong hệ thống thân rễ của cây. Xạ can có hiệu quả cao như một chất long đờm tự nhiên.

Lợi ích sức khỏe của Xạ can bao gồm khả năng chống viêm tự nhiên, có thể được sử dụng như một loại thuốc cấp thấp để điều trị nhiễm trùng toàn thân.

Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng Xạ can có thể sử dụng làm thuốc cho bệnh ung thư. Xạ can có thể có đặc tính chống ung thư nên có lợi cho việc điều trị ung thư liên quan đến hệ hô hấp, gan và tuyến tụy. 

Xạ can cũng được coi là một sản phẩm giải độc tự nhiên khi được dùng như một loại thuốc bổ; đồng thời cũng hoạt động như một thuốc lợi tiểu và tẩy. 

Công dụng chữa bệnh của Xạ can bao gồm việc trở thành một phương thuốc tự nhiên cho các tình trạng sau:

  • Bệnh hen suyễn, viêm phế quản – Lợi ích sức khỏe của Xạ can bao gồm giúp giảm bớt các triệu chứng hen suyễn và viêm phế quản bằng cách giảm viêm ở đường thở, giúp cải thiện hơi thở.
  • Ho – Xạ can có thể giúp cải thiện hô hấp và ngừng ho bằng cách làm dịu cơn ho, cũng như giúp loại bỏ bất kỳ sự tích tụ đờm nào liên quan đến ho.
  • Viêm phổi – Xạ can có thể giúp giảm bớt viêm phổi bằng cách điều trị tích tụ chất lỏng và cải thiện đường thở.
  • Đau họng – Xạ can có thể được sử dụng để điều trị và làm dịu cơn đau họng.
  • Ung thư vòm họng – Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Xạ can có đặc tính chống ung thư tự nhiên có thể nhắm mục tiêu cụ thể là ung thư vòm họng.
Tác dụng của Xạ can
Tác dụng của Xạ can

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Rau Kinh giới – Vị thuốc trị mụn và cảm cúm hiệu quả

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Xạ can có tính mát, vị đắng, hơi độc, quy vào kinh phế, can, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán huyết, tiêu đờm.

Trong đông y, Xạ can được dùng trong chữa bệnh họng, viêm amidan có mủ, ho đờm, khản tiếng; cũng được dùng trong chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng vú tắc tia sữa, thống kinh và làm thuốc lọc máu.

4 Cách dùng các bài thuốc chứa cây Xạ can trị bệnh

4.1 Trị bệnh hô hấp

4.1.1 Chữa viêm họng

Dùng Xạ can 4g, Kinh Giới 16g, Kim ngân, Huyền sâm, Sinh Địa mỗi vị 12g, Bạc hà, Cỏ nhọ nồi, Tang bạch bì mỗi vị 8g. Hoặc: Xạ can 6g, Huyền sâm, Sinh địa mỗi vị 16g, Mạch Môn, Tang bạch bì, Cam Thảo nam, Kê Huyết Đằng, Thạch Hộc mỗi vị 12g, Tằm vôi 8g. Đều sắc uống.

4.1.2 Chữa viêm họng kèm ho đờm

Dùng Xạ can, Cam thảo dây hoặc Mạch môn, mỗi vị 10g. Hoặc: Xạ can, Đậu chiều (sao vàng) mỗi vị 8g, Sài Đất 10g, Cam thảo dây tươi 6g. Đều sắc uống.

4.1.3 Viên ngậm Xạ can chữa viêm họng

Mỗi viên chứa bột rễ, lá Xạ can 0,08g, bột Cát Cánh 0,01g, bột Trần Bì 0,01g cùng tá dược vừa đủ. Mỗi ngày dùng 10 viên, chia làm 3 lần ngậm.

4.1.4 Siro trị ho

Cao Xạ can 2:1 15ml, cao Hương Nhu 2:1 20ml, cao Cam thảo 2:1 10ml, siro đơn vừa đủ cho 100ml. Người lớn mỗi lần dùng 2 thìa canh, trẻ em mỗi lần 2 thìa cà phê, đều dùng 2 lần mỗi ngày.

4.1.5 Viên nén và siro Sâm can trị viêm họng cấp và mãn tính

Mỗi viên nén chứa lượng cao tương ứng với 0,2g Xạ can, 0,5g Huyền sâm. Siro chứa 8g Xạ can, 20g Huyền Sâm trong 100ml. Mỗi ngày người lớn dùng viên nén uống hoặc ngậm 8-15 viên, chia 3 lần; trẻ em uống siro 2-3 thìa cà phê, chia 3 lần.

4.1.6 Chữa viêm amidan cấp

Dùng Xạ can, Cát cánh mỗi vị 6g, Kim Ngân Hoa, Cỏ nhọ nồi, Bồ Công Anh mỗi vị 16g, Huyền sâm, Sinh địa, Sơn đậu căn mỗi vị 12g, Bạc hà, Ngưu bàng tử mỗi vị 8g. Hoặc: Xạ can 8g, Kim ngân hoa, Thạch cao mỗi vị 20g, Huyền sâm, Sinh địa, Cam thảo nam mỗi vị 16g, Hoàng Liên, Hoàng bá, Tang bạch bì mỗi vị 12g. Đều sắc uống.

4.1.7 Chữa viêm amidan mạn tính

Dùng Xạ can 8g, Huyền sâm 16g, Sa sâm, Mạch môn, Tang bạch bì, Ngưu Tất mỗi vị 12g, Thăng Ma 6g, Cát cánh 4g. Hoặc: Xạ can 8g, Sa sâm, Mạch môn, Huyền sâm, Tang bạch bì mỗi vị 12g. Đều sắc uống.

4.1.8 Chữa hen phế quản thể hàn

Dùng Xạ can, Tô tử, Ma hoàng, Bán Hạ chế, Hạnh nhân, Bách bộ, Thảo quả mỗi vị 10g, Cam thảo, Quế chi, Bồ Kết mỗi vị 6g. Hoặc Xạ can 6g, Tế Tân, Tử Uyển, Khoản đông hoa, Đại táo mỗi vị 12g, Ma hoàng 10g, Bán hạ chế, Ngũ Vị Tử mỗi vị 8g, Gừng sống 4g. Đều sắc uống.

4.1.9 Chữa hen phế quản thể nhiệt

Dùng Xạ can, Hạnh nhân mỗi vị 10g, Thạch cao 20g, Đại táo 12g, Ma hoàng, Tô tử, Đình lịch tử mỗi vị 8g, Bán hạ chế 6g, Gừng tươi 4g. Sắc uống.

4.1.10 Chữa lao phổi

Xạ can 6g, Hạ Khô Thảo 16g, Sinh địa, Mạch môn, Sa sâm mỗi vị 12g, Huyền sâm, Địa cốt bì, Bách Bộ chế mỗi vị 8g. Sắc uống.

Bài thuốc trị bệnh hô hấp từ Xạ can
Bài thuốc trị bệnh hô hấp từ Xạ can

4.2 Trị bệnh khác

4.2.1 Chữa tắc cổ họng

Dùng Xạ can 4g, Hoàng Cầm, Sinh cam thảo, Cát cánh mỗi vị 2g. Tán nhỏ, uống với nước sôi để nguội.

4.2.2 Chữa bệnh bạch hầu

Xạ can 2g, Sinh địa, Huyền sâm, Cỏ nhọ nồi, Kim ngân mỗi vị 16g, Mạch môn, Ngưu tất mỗi vị 12g. Sắc uống.

4.2.3 Chữa sưng đau

Xạ can, lá Cúc tần mỗi vị 20g, lá Thầu dầu tía 10g. Giã nhỏ với cơm nóng, nặn thành bánh đắp lên, băng lại, thực hiện 2 lần mỗi ngày.

4.2.4 Chữa bí đại tiểu tiện

Xạ can sống 12g, giã nát, hòa với 1 chén nước, chắt lấy nước uống tới khi thông đại tiểu tiện thì thôi.

4.2.5 Chữa kết hạch và u bảng

Xạ can 10g, Nghệ đen 8g, Xuyên Khung 6g. Sắc uống.

4.2.6 Chữa sốt rét

Xạ can 6g, Tri mẫu 20g, Sài Hồ, Ý dĩ sao, Mạch môn, Thanh hoa, Hoàng Đằng, Trần bì, Bán hạ chế, Chỉ Xác, Cam thảo nam, Hoàng cầm, Tô tử mỗi vị 10g. Sắc uống.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Dorota Woźniak, Adam Matkowski (Ngày đăng 5 tháng 9 năm 2015). Belamcandae chinensis rhizoma – a review of phytochemistry and bioactivity, PubMed. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2023. 

2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Xạ can trang 311-312, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2023.

Để lại một bình luận