Viễn Chí (Polygala tenuifolia Willd.)

Viễn Chí (Polygala tenuifolia Willd.)

Viễn chí được biết đến khá phổ biến với công dụng điều trị các triệu chứng như giảm trí nhớ, mất ngủ, trầm cảm, lo âu, bệnh hô hấp như ho, long đờm, viêm phế quản. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Viễn chí.

1 Giới thiệu về cây Viễn chí

Cây Viễn chí có tên khoa học là Polygala tenuifolia Willd., thuộc họ Viễn chí (Polygalaceace). Nó còn được gọi là Viễn chí lá nhỏ.

1.1 Hình ảnh cây viễn chí

Thân cây cao khoảng 25-40cm, cây nhỏ hóa gỗ và mọc thẳng đứng. Rễ cứng hình trụ. Lá ở gốc bé và khô lại khi hoa nở rộ. Lá giữa hình bầu dục hoặc hình trứng, trong khi đó, lá ở trên có hình dạng thuôn, hình ngọn giáo, tất cả đều có mũi nhọn cứng và có lông mềm. Hoa mọc đứng thành chùm ở nách lá gan phía ngọn, có hoa đính hai bên và dài khoảng 3-10 cm. Quả có hình dạng nang mắt chim hoặc hơi hình bầu dục, thon hẹp ở gốc và ngắn hơn các cánh. Hạt có hình trái xoan và có lông, áo hạt có 3 thùy hình dải gần nửa hạt. Thời gian ra hoa là từ tháng 5-7 và quả chín vào tháng 6-8.

Cây Viễn chí - Vị thuốc an thần, chữa bệnh về đường hô hấp
Hình ảnh cây viễn chí

1.2 Thu hái và chế biến dược liệu viễn chí

Phần sử dụng: Rễ (Radix Polygalae). Thu hoạch vào mùa thu hoặc đông, sau đó cạo lớp vỏ bên ngoài và phơi khô.

Mô tả dược liệu: Dược liệu rỗng dạng hình trụ, có đường kính từ 0,3 cm đến 0,8 cm, dài từ 3 cm đến 15 cm và hơi cong queo. Bề mặt bên ngoài màu vàng xám hoặc xám tro, có các nếp nhăn ngang dày đặc, các vết nhăn dọc nhỏ (rễ già có các nếp nhăn và nứt ngang sâu hơn). Có các vết nứt ngang và các vết sẹo của rễ nhánh dạng núm nhỏ. Chất liệu cứng và giòn, dễ bị bẻ gãy. Bề mặt gãy có phần vỏ màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt, bên trong trống rỗng (nếu rễ đã bị bỏ lõi). Nếu chưa bị bỏ lõi, khi cắt ngang, phần lõi gỗ có màu trắng ngà và vỏ dễ bong ra khỏi phần lõi gỗ. Có mùi nhẹ, vị đắng, hơi cay, có tác dụng kích thích họng khi nhai.

1.3 Đặc điểm phân bố

Viễn Chí có nguồn gốc tại châu Á, nơi được tìm thấy ở các khu vực như Nga, Mông Cổ, Triều Tiên và Trung Quốc. Để sử dụng viễn chí, nhiều nước cần phải nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả nước ta.

2 Thành phần hóa học của viễn chí

Viễn chí đã được báo cáo là giàu Saponin triterpene, onjisaponin, polygalasaponin và các thành phần khác như oligosacarit, xeton, ancaloit, polysacarit và Flavonoid, có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh trung ương và thường được sử dụng để điều trị rối loạn chức năng trí nhớ, mất ngủ và suy nhược thần kinh.

3 Viễn chí có tác dụng gì?

Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh, viễn chỉ chứa các thành phần hóa học có tác dụng trị liệu tốt như: Tiêu đờm, kháng khuẩn, điều trị ho có nhiều đờm, đờm kết đặc khó long. Ngoài ra, viễn chỉ còn có tác dụng tiêu mụn nhọt, như mụn ghé độc, u vú. Dùng rượu viễn chí bôi vào chỗ bị bệnh cũng có hiệu quả rất tốt. Y học lâm sàng hiện đại còn dùng riêng viễn chí để trị bệnh viêm tuyến vú và đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận.

3.1 Tác dụng dược lý 

Viễn chí có tác dụng điều hòa miễn dịch, kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ gan, giảm ho, long đờm, hạ huyết áp, tiểu đường, chống co giật, cải thiện trí nhớ, an thần.

Cây Viễn chí - Vị thuốc an thần, chữa bệnh về đường hô hấp
Cây viễn chí

3.1.1 Tác dụng an thần, giảm lo âu

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chiết xuất từ rễ cây Polygala tenuifolia (RP) và/hoặc các thành phần hoạt tính của nó có tác dụng giống như giải lo âu và chống co giật. Các polygalasaponin là các thành phần chiết xuất từ RP có hoạt động giải lo âu và an thần-thôi miên rõ ràng, với liều lượng an toàn. 

Việc sử dụng Tenuifolin, một thành phần khác trong RP, cũng đã được chứng minh kéo dài tổng thời gian ngủ, tăng số lượng giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh. Cơ chế hoạt động của RP trong việc giải lo âu và chống co giật vẫn chưa rõ ràng, nhưng có dữ liệu cho thấy RP có tiềm năng làm thuốc giải lo âu và thuốc an thần trong y học cổ truyền.

Ngoài ra, chiết xuất rễ P. tenuifolia còn chứa các chất đối kháng thụ thể Adenosine A1 và alloxazine, liên quan đến tác dụng của RP trong việc ngăn ngừa các tác động hành vi do cocaine.

3.1.2 Chống trầm cảm

Các nghiên cứu cho thấy rằng chiết xuất từ rễ của P. tenuifolia (RP) có tác dụng chống trầm cảm ở động vật, thông qua nhiều cơ chế hoạt động như giảm nồng độ các hợp chất gây trầm cảm trong máu, tăng hoạt động của các enzym chống oxy hóa, giảm hoạt động của các enzym monoamine oxidase trong não, và điều chỉnh các thụ thể trong não. Đặc biệt, các thành phần hoạt tính trong RP như DISS và tenuifoliside A (TEA) cũng có tác dụng chống trầm cảm. Các nghiên cứu trên cả động vật và con người đã cho thấy rằng sử dụng RP đồng thời cải thiện hành vi và chức năng não bộ, giúp giảm triệu chứng trầm cảm.

Cây Viễn chí - Vị thuốc an thần, chữa bệnh về đường hô hấp
Hoa viễn chí

3.1.3 Cải thiện trí nhớ

Các chiết xuất của cây P. tenuifolia đã được sử dụng trong nhiều mô hình động vật liên quan đến trí nhớ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất thô và phần giàu saponin của P. tenuifolia cải thiện khả năng học tập và trí nhớ ở chuột già, giảm tình trạng viêm và ức chế hoạt động của các enzyme gây hại trong não. Ngoài ra, RP cũng đảo ngược các tác dụng gây mất trí nhớ do Scopolamine gây ra và cải thiện khả năng phản ứng của hệ thống thần kinh cholinergic. Các hiệu ứng này có thể liên quan đến điều chỉnh các đường truyền tín hiệu trong não. Các kết quả này cho thấy tiềm năng của P. tenuifolia trong việc cải thiện trí nhớ và hỗ trợ chức năng nhận thức.

3.2 Vị thuốc Viễn chí – Công dụng theo y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Viễn chí có vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng tiêu ung thũng, dưỡng tâm, an thần, khứ đàm khai khiếu.

Theo cuốn sách Thần Nông Bản Thảo Kinh, Viễn chí có vị đắng, tính ôn, trị ho do khí trào ngược, các bệnh làm tổn thương tạng phủ, bồi bổ chứng bệnh suy nhược, loại trừ các yếu tố gây bệnh, cải thiện chức năng trong cơ thểm giúp sáng mắt thính tai, có tác dụng an thần, tăng cường tâm chí, cải thiện trí nhớ.

3.2.2 Công dụng của cây Viễn chí

Người xưa cho rằng chức năng của tim, não có mối quan hệ mật thiết với thận. Thận chủ chí, thận tinh yếu sẽ dẫn đến chí khí suy nhược, khí thận không vào được tim, mà tim thận không tương giao sẽ ảnh hưởng đến chức năng cơ quan đầu não tim, dẫn đến chứng hay quên, đãng trí. Viễn chí bổ thận âm, có thể bổ sung tinh chất còn thiếu cho thận, có thể dùng an thần, ích trí, cường chí. Y học hiện đại đã phân tích và chứng minh, thành phần hóa học chứa trong viễn chỉ có tác dụng an thần, gây buồn ngủ, chống hoảng sợ, hạ huyết áp. Vì vậy, viễn chí có tác dụng trị liệu rõ rệt đối với các chứng bệnh hồi hộp, mất ngủ, hay quên, mộng tinh. Về Y học lâm sàng, chứng bệnh hồi hộp, mất ngủ do tim, thận không tương giao gây ra; thường dùng kết hợp viễn chí với phục linh, dạ giao đằng, địa hoàng, ngũ vị từ để điều trị. Đối với các chứng bệnh như: Trí nhớ giảm sút, hay quên, mất tập trung do tim, thận yếu gây nên thường dùng kết hợp viễn chí với thạch xương bố, mai rùa, long cốt, bá tử nhân, Ngũ Vị Tử để điều trị.

Thuốc Viễn chí là một loại thảo dược được sử dụng để điều trị các triệu chứng như giảm trí nhớ, mất ngủ, trầm cảm, lo âu, cũng như các bệnh về đường hô hấp như ho, long đờm, viêm phế quản. Ngoài ra, đây còn là một loại thuốc bổ dưỡng cho nam giới và người già. Viễn chí đã được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, được coi là một loại thảo dược cao cấp vì nó có thể thẩm thấu vào kinh tâm và thận, theo mô tả trong Thần nông kinh điển ( Shen Nong Ben Cao Jing ) và còn được cho là có hiệu quả trong việc làm dịu thần kinh, xua tan đờm và tiêu tan phù nề.

Cây Viễn chí - Vị thuốc an thần, chữa bệnh về đường hô hấp
Cây viễn chí ngâm rượu

4 Bài thuốc và cách chế biến Viễn chí

4.1 Chữa suy nhược thần kinh, rối loạn trí nhớ, quên lãng

Nhân Sâm 30g, Phục Linh 30g, thạch xương bồ 20g, viễn chí 20g. Hãy sấy khô tất cả các thành phần, tán bột và làm thành viên hoàn hồ. Sau đó chia thành phần này thành 5 – 7 ngày và uống từ 1 đến 2 lần mỗi ngày.

4.2 Chữa viêm phế quản mạn tính và ho nhiều đờm

Cam Thảo 4g, viễn chí 12g, Trần Bì 4g. Pha sắc và uống.

4.3 Chữa trẻ em sốt cao và co giật

Thiên trúc hoàng 8g, Câu Đằng 8g, Sinh Địa 8g, viễn chí 8g. Pha sắc và uống.

4.4 Chữa mụn nhọt, sưng do sưng vú hay đờm tắc đọng

Uống thuốc và đắp bã lên chỗ đau.

4.5 Trị đau ngực, khí trào ngược, khó nuốt

Mẩm viễn chí, Gừng khô, Quế, Tế Tân, thục tiêu (sao qua), mỗi loại 93g, phụ tử (đã sao) 0,69g. Các vị thuốc trên giã nhỏ, trộn cùng với Mật Ong nặn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 3 viên với cháo loãng, mỗi ngày 3 lần, nếu không có hiệu quả có thể tăng lượng thuốc. Kiêng ăn thịt lợn, nước lạnh, hành tươi.

4.6 Trị bệnh viêm họng

Lấy viễn chí tán nhỏ, thổi vào chỗ dau, đắp đến khi có nước chảy ra.

4.7 Trị đau đầu

Hít bột viễn chí vào mũi.

4.8 Trị u vú

Viễn chí sấy khô và nghiền nhỏ, dùng 6g viễn chí ngâm vào rượu lấy bã đắp vào chỗ đau.

4.9 Chữa mụn nhọn

Lấy viễn chí ngâm vào nước vo gạo, vớt ra rửa qua, bỏ nhân, nghiền nhỏ. Mỗi lần dùng 9g, ngâm trong 120ml rượu ẩm gạn lấy nước trong để uống, lấy bã đắp vào chỗ đau.

vien chi 1
Sơ đồ trị liệu của Viễn Chí

5 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Viễn chí trang 74 – 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  2. Tác giả Ning Jiang và cộng sự (Đăng ngày 17 tháng 12 năm 2021). Protective Effects and Mechanism of Radix Polygalae Against Neurological Diseases as Well as Effective Substance, PubMed. Truy cập ngày 05 tháng 04 năm 2023.
  3. Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2021). Viễn chí, tráng 76-78. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023

Để lại một bình luận