Vemurafenib

Tên chung quốc tế: Vemurafenib

Biệt dược thường gặp: Zelboraf

Loại thuốc: Chất ức chế serine-threonine kinase (BRAF) của B-Raf.

Mã ATC: L01EC01 

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim chứa hàm lượng 240mg Vemurafenib.

2 Dược lực học

Vemurafenib là chất ức chế BRAF-serine-threonine kinase đột biến, nguyên nhân gây ra sự tăng sinh và di căn của tế bào. BRAF là phân tử trung gian MAPK, giúp hoạt hoá và gia tăng cyclin D1 và phát triển tế bào, khi có sự đột biến ở V600E sẽ tạo ra một dạng BRAF liên tục.

Cơ chế của Vemurafenib là khả năng tương tác ức chế cạnh tranh với đột biến BRAF V600E,  làm giảm ERK phosphoryl hóa trong tế bào chất và sự tăng sinh tế bào do Ki-67, giảm hoạt động trao đổi chất liên quan đến MAPK. Thuốc chỉ có tác dụng chọn lọc trên đột biến V600E, nên các đột biến khác liên quan đến BRAF như trong u sắc tố không có tác dụng.

Cơ chế Vemurafenib
Cơ chế Vemurafenib

3 Dược động học

Hấp thu: Thuốc hấp thu tốt đường uống, nồng độ đạt đỉnh sau 3 giờ với liều điều trị trên lâm sàng, giá trị  Cmax là 62 mcg/ml và AUC là 601 mcg h/ml. 

Phân bố: Vemurafenib liên kết chặt chẽ với protein huyết tương khoảng 99% và có Thể tích phân bố là 106L.

Chuyển hoá: Con đường chuyển hoá chính tại gan là CYP3A4.

Thải trừ: thuốc bài tiết qua phân chiếm hơn 94% và sự bài tiết qua nước tiểu chiếm 1%. Thời gian bán thải khoảng 57 giờ, và Độ thanh thải khoảng 31l/ngày.

4 Chỉ định

Vemurafenib được sử dụng để điều trị các trường hợp có đột biến BRAF V600E sau:

  • U sắc tố di căn hoặc không thể loại bỏ khối u.
  • Ung thư máu Erdheim-Chester (ECD).
Chỉ định của thuốc Vemurafenib
Chỉ định của thuốc Vemurafenib

5 Chống chỉ định

Người mẫn cảm với thành phần Vemurafenib.

6 Liều dùng – Cách dùng

6.1 Liều dùng 

Thuốc sử dụng cho người lớn với hàm lượng 960 mg x 2 lần/ ngày, 2 liều thuốc cách nhau 12 giờ, nên uống vào 1 thời điểm trong ngày chia buổi sáng và buổi tối.

Liều lượng có thể thay đổi tuỳ đáp ứng và độc tính gặp phải của bệnh nhân.

Trẻ em chưa có khuyến cáo sử dụng thuốc.

6.2 Cách dùng 

Uống viên thuốc với lượng nước vừa đủ, nên nuốt trọn viên thuốc không nhai hay nghiền viên trước khi uống. Nếu thấy viên bị nứt, vỡ thì không nên dùng.

Trường hợp quên liều dưới 4 tiếng có thể uống liền khi nhớ ra, nhưng nếu trên 4 giờ thì bỏ qua liều và uống như lịch trình bình thường và không tự ý bù liều gấp đôi.

Trường hợp nôn sau khi uống thì bỏ qua liều, không uống bù lại, ngày hôm sau uống thuốc như bình thường.

7 Tác dụng không mong muốn

Phản ứng có hại thường gặp nhất bao gồm: 

  • Rối loạn da và mô dưới da: phát ban, nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, ngứa, tăng sừng hoá, da khô, ban đỏ.
  • Rối loạn cơ xương và mô: đau khớp, đau nhức cơ, đau tứ chi, đau cơ xương, đau lưng.
  • Rối loạn chung: mệt mỏi, phù ngoại biên, sốt, suy nhược.
  • Rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, táo bón.
  • Rối loạn hệ thần kinh: đau đầu, rối loạn vị giác.
  • Tăng sinh khối u thứ phát.
Thuốc Zelboraf
Thuốc Zelboraf

8 Tương tác thuốc

Thuốc ức chế CYP3A4 mạnh: làm tăng nồng độ vemurafenib trong huyết tương và có thể dẫn đến tăng độc tính của thuốc này, cân nhắc giảm liều nếu cần dùng đồng thời.

Chất cảm ứng CYP3A4 mạnh: làm giảm nồng độ vemurafenib trong huyết tương và có thể dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của thuốc, nếu dùng đồng thời thì cần tăng liều vemurafenib. 

Chất nền CYP1A2:  làm tăng phơi nhiễm toàn thân của các chất nền này, cần theo dõi chặt chẽ các độc tính và cân nhắc giảm liều khi sử dụng đồng thời.

Ipilimumab: Sự gia tăng transaminase và bilirubin khi sử dụng đồng thời.

Chất nền P-gp: làm tăng phơi nhiễm các chất nền, gây nguy cơ gặp độc tính của thuốc, nên giảm liều nếu phải dùng kết hợp.

9 Thận trọng

Trong quá trình sử dụng thuốc và ít nhất 2 tuần sau liều cuối cùng cần thực hiện biện pháp tránh thai do thuốc có nguy cơ gây độc tính cho thai nhi.

Đối với người cao tuổi, bệnh nhân có tiền sử ung thư da, bệnh về da cần thận trọng trong sử dụng thuốc vì nguy cơ tăng các bệnh ung thư da mới như ung thư biểu mô tế bào vảy, u gai sừng, u hắc tố.

Nguy cơ gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi sử dụng thuốc, cần thông báo ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng như phát ban, ngứa, khó thở…

Thuốc làm tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT nên theo dõi cẩn trọng ở người có tiền sử bệnh tim, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim.

Thuốc làm trầm trọng hơn bệnh về gan, về mắt nên gặp bất cứ dấu hiệu nào bất thường liên quan nên thông báo với bác sĩ.

Sự nhạy cảm của da với ánh sáng tăng lên, cần chống nắng cẩn thận khi ra ngoài.

Thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng để tránh những tương tác có thể xảy ra.

10 Lưu ý sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú

Phụ nữ mang thai: không có báo cáo về thuốc có tác động đến thai nhi hay không, nhưng thuốc có thể qua nhau thai và gây quái thai ở động vật. Do đó không sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ dị tật thai nhi có thể xảy ra.

Phụ nữ cho con bú: không có thông báo về an toàn khi sử dụng thuốc ở phụ nữ cho con bú, và với cơ chế thuốc có thể tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ nên ngưng dùng thuốc khi đang cho con bú.

11 Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C.

Tránh xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.

12 Quá liều

Chưa có báo cáo.

Trong trường hợp nghi ngờ quá liều, nên ngừng thuốc và cấp cứu.

13 Tài liệu tham khảo

Chuyên gia Pubchem. Vemurafenib. Pubchem. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2024.

Chuyên gia Drugbank. Vemurafenib. Drugbank. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận