Trường Sinh Lá Rách (Kalanchoe ceratophylla How.)

Trường Sinh Lá Rách (Kalanchoe ceratophylla How.)

Cây Trường Sinh Lá Rách có tên khoa học là Kalanchoe ceratophylla How., được nhân dân sử dụng để làm thuốc chữa mụn nhọt, đòn ngã tổn thương, lở loét. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Trường Sinh Lá Rách

1 Giới thiệu

Hình ảnh toàn cây Trường Sinh Lá Rách
Hình ảnh toàn cây Trường Sinh Lá Rách

Tên khoa học: Kalanchoe ceratophylla How.

Tên đồng nghĩa: Kalanchoe lacimata auct non (L) DC.

Tên gọi khác: cây Cà Kheo, cây Sừng Hươu.

Họ thực vật: Thuốc bỏng Crassulaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh cụm hoa
Hình ảnh cụm hoa

Trường Sinh Lá Rách thuộc dạng cây nhỏ, kích thước khoảng 40cm hoặc hơn.

Thân có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, có màu xanh lục.

Lá mọc đối, phiến lá tương đối dày, mọng nước, phiến lá khía sâu tạo thành những thùy có chiều rộng hẹp gần giống lông chim. Đầu lá có dạng hình tù, mép lá khía răng tròn, kích thước không đều nhau. Lá có 2 mặt nhẵn, gần như có cùng một màu.

Cụm hoa mọc thành chùy đang ngù ở ngọn thân hoặc đầu cành. Hoa có màu vàng.

Đài hoa hình ống, mỗi đài có 4 tràng nhỏ, các tràng có cánh hàn liền.

Nhị 8, xếp thành 2 hàng.

Quả chứa nhiều hạt, gồm 4 đại.

Mùa hoa quả gần như quanh năm.

1.2 Thu hái và chế biến

Trường Sinh Lá Rách chịu hạn tốt
Trường Sinh Lá Rách chịu hạn tốt

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây có nguồn gốc từ các vùng Nam Á, phân bố tự nhiên ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, vùng nhiệt đới của châu Phi, Indonesia, Singapore, Trung Mỹ.

Tại nước ta, Trường Sinh Lá Rách được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh cũng như làm thuốc. Tại một số vùng của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, còn tìm thấy cây ở trạng thái hoang dại, sống cùng với một số loại cây khác cũng thuộc các chi có lá mọng nước.

Trường Sinh Lá Rách có thể mọc trên mọi loại đất, ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt. Vào mùa hè, cây có thể chịu được nhiệt độ lên đến 40 độ C ở những vùng ven biển của tỉnh Ninh Thuận. Trong khi vào mùa đông, cây có thể chịu được nhiệt độ dưới 10 độ C ở các tỉnh thuộc miền Bắc nước ta.

Cây ra hoa quả hàng năm, có khả năng tái sinh từ thân hoặc lá trong trường hợp những bộ phận này được tiếp xúc với đất ẩm.

2 Tác dụng – Công dụng của cây trường sinh lá rách

Hình ảnh lá cây Trường Sinh Lá Rách
Hình ảnh lá cây Trường Sinh Lá Rách

2.1 Tác dụng dược lý

Cao chiết Ethanol của cây có tác dụng độc với tế bào trên tế bài CA-9KB.

2.2 Công dụng

2.2.1 Chữa mụn nhọt sưng tấy, bỏng, ngứa, đòn ngã tổn thương, rắn độc cắn từ cây Trường Sinh Lá Rách

Sử dụng 20-40g cây tươi, đem sắc lấy nước uống hoặc giã nát, vắt lấy khoảng 50ml nước, đun nóng sau đó uống, kết hợp với việc sử dụng cây tươi giã nát để đắp ngoài.

2.2.2 Công dụng khác

Cây Trường Sinh Lá Rách dùng chữa mụn nhọt
Cây Trường Sinh Lá Rách dùng chữa mụn nhọt

Nhân dân còn sử dụng cây Trường Sinh Lá Rách để sát khuẩn và làm mát.

Nhân dân Philippin sử dụng lá của cây để trị nhức đầu và lở loét mạn tính.

Nhân dân Campuchia và nhân dân Lào sử dụng lá cây đem giã nát để trị loét.

Nhân dân Malaysia sử dụng lá đắp lên ngực để trị ho.

Nhân dân Indonesia sử dụng là sao khô, kết hợp thêm các vị khác để điều trị loét do rối loạn vận động hoặc bệnh phong, sử dụng dịch ép lá cây để đắp trên trán trị sốt.

Nhân dân Ấn Độ sử dụng lá đem sao hoặc giã để đắp lên các vùng bị tổn thương trong các trường hợp muỗi đốt, trầy da, tả, lao phổi,…

Lá được sử dụng để đắp hoặc giã lấy nước bôi lên các vết bầm tím

3 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2, trang 1031-1032. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.

Để lại một bình luận