Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị u xơ tiền liệt tuyến và u xơ tử cung, Trinh nữ hoàng cung được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Trinh nữ hoàng cung.
1 Giới thiệu về cây Trinh nữ hoàng cung
Trinh Nữ Hoàng Cung còn có tên gọi khác là Hoàng cung trinh nữ; là cây ưa ẩm, ưa sáng hoặc chịu bóng một phần, sống tốt trong khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới.
Tên khoa học của Trinh nữ hoàng cung là Crinum latifolium L., thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo kích thước lớn, cao khoảng 50-60cm, có thân hành to, gần hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính 8-10cm, phủ bởi những bản to dày, màu trắng. Thân giả nhỏ, ngắn, màu hồng tím. Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dải, dài tới 50cm, có khi hơn, rộng 7-10cm, mép nguyên hơi gợn sóng, gốc phẳng có bẹ, bẹ lá ở phía dưới gốc màu hồng tím, đầu nhọn hoặc tù, gân song song.
Cụm hoa mọc thành tán trên một cán dẹt, dài 30-40cm, gồm 8-12 hoa có mo bao quanh; lá bắc rộng hình thìa dài 7cm, màu lục, đầu nhọn. Hoa màu trắng hơi hồng, dài 10-15cm, có cuống ngắn, mặt ngoài có những sọc tím nhạt; bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau, hàn liền ⅓ thành ống hẹp, khi nở đầu phiến quăn lại; nhị 6, chỉ nhị màu trắng; bầu hạ. Quả gần hình cầu. Mùa hoa quả vào tháng 8-9.
Có mấy loại cây trinh nữ hoàng cung? Thực chất chỉ có một loại Trinh nữ hoàng cung có tên khoa học như đã trình bày, người dùng thường nhầm lẫn với các loài khác cũng thuộc họ Thủy tiên do có hình thái khá giống nhau, là cây Náng hoa trắng hoặc cây Lan huệ, như hình bên dưới.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc: Cây Náng hoa trắng – Vị thuốc bổ thận, trị u xơ tiền liệt tuyến
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, thân hành.
Thu hái xong rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau trồng ở các nước Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây được trồng trên khắp cả nước.
2 Thành phần hóa học
Nhiều nghiên cứu về sàng lọc hóa học thực vật của lá, hoa, củ và rễ Trinh nữ hoàng cung cho thấy sự hiện diện của các alkaloid isoquinoline chủ yếu trong dịch chiết và các thành phần không phải alkaloid được tìm thấy là tanin, hợp chất phenolic, terpen, flavon, glycoside, lectin, chalcon, coumarin và các thành phần phụ khác. Alkaloid được cho là thành phần hoạt tính sinh học chính trong Trinh nữ hoàng cung có tác dụng dược lý. Bảy alkaloid isoquinoline độc đáo và khác biệt về cấu trúc đặc trưng của họ Amaryllidaceae đã được tìm thấy từ Trinh nữ hoàng cung, cụ thể là alkaloid loại lycorine; loại homolycorine được đại diện bởi hippeastrine; loại haemanthamine; loại galanthamine đại diện bởi galanthamine; loại tazettine; loại crinine và các alkaloid linh tinh khác như agustamine, cherylline, cripowellin C, 4,8-dimethoxycripowellin C, 9-methoxy-cripowellin B, 4-methoxy-8-hydroxy-cripowellin B, 4,8-dimethoxycripowellin D. Các hợp chất được trình bày trong bảng dưới đây.
2.1 Alkaloid
Bộ phận | Hợp chất |
Củ (Thân hành) |
Lycorine: Lycorine, 1-O-acetyllycorine, Pratorimine, Pratorinine, Pratosine, Hippadine Homolycorine: Hippeastrine Haemanthamine: 3-Epicrinamine/Haemanthamine, Crinamine, Hamayne11-O-Methylcrinamine, 3-O-Acetylhamayne, Delagoensine Tazettine: Latifaliumin A & B, Latifaliumin A-N-demethyl, 4a-Methoxyl-Latifaliumin A-N-demethyl Crinine: Crinine, Ambelline, 11-O-Acetylambelline, Powelline, 11-O-1,2-β-Epoxyambelline, Crinum latine A & B, Crinumlatine C Miscellaneous: Cherylline, Cripowellin C, 4,8-Dimethoxy-cripowellin C & D, 9-Methoxy-cripowellin B, 4-Methoxy-8-hydroxy-cripowellin B |
Lá |
Lycorine: Lycorine, Oxoassoanine Homolycorine: Hippeastrine Haemanthamine: 11-O-Methylcrinamine, Dihydro-oxo-demethoxyhaemanthamine, Delagoensine Tazettine: Latifaliumin A & B, 4a-Methoxyl-Latifaliumin A-N-demethyl, Dihydro-Latifaliumin C Crinine: Buphanidrine, 6α-Hydroxybuphanidrine, Filifoline, Ambelline, Powelline, 6-Hydroxypowelline, 1β,2β–Epoxyambelline, Undulatine, 6α-Methoxyundulatine, 6α-Hydroxyundulatine, Crinamidine, 6-Hydroxycrinamidine, 6α-Methoxycrinamidine, Epoxy-3,7-dimethoxycrinane-11-one, Undulatine N-oxide, Perlolyrine, Crinane-3α-ol Miscellaneous: Augustamine, Cherylline |
Hoa |
Lycorine: 2-Epilycorine, 2-Epipancrassidine Tazettine: Latifaliumin A, Latifaliumin A-N-demethyl, 4a-Methoxyl-Latifaliumin A-N-demethyl |
Rễ |
Haemanthamine: 11-O-Methylcrinamine, 3-O-Acetylhamayne, Delagoensine Galantamine Tazettine: Latifaliumin A & B, 4a-Methoxyl-Latifaliumin A-N-demethyl, 12-O-Acetylated-Latifaliumin A, 12-O-aceyled-Latifaliumin A |
2.2 Các hợp chất khác
Trong lá có: Hydrobenzoic acid, 4-Senecioyloxymethyl-6,7-dimethoxycoumarin , 5,6,3’-Trihydroxy-7,8,4’-trimethoxyflflavone, 4’,7-Dihydroxy-3’-methoxyflflavan (racemate), 4’,7-Dihydroxyflflavan (racemate), 2’,4’,7-Trihydroxydihydrochalcone, Latififine, Cycloartenol, Lupeol, Linoleic acid, Oleanolic acid.
Trong củ chứa: Lectin.
Trong rễ có: Glucan A & B, Lupeol, Linoleic acid, Oleanolic acid.
3 Tác dụng – Công dụng của Trinh nữ hoàng cung
3.1 Tác dụng dược lý
Trinh nữ hoàng cung sở hữu nhiều tiềm năng dược lý để điều trị nhiều loại bệnh ở người. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh chức năng sinh học của loại cây này bao gồm các hoạt động chống oxy hóa, gây độc tế bào, trị đái tháo đường, chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, tẩy giun, làm tan huyết khối, giảm đau.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Trinh nữ hoàng cung vị đắng, chát, có tác dụng gây sung huyết da, giải độc, giảm đau, ức chế khối u, hành huyết tán ứ.
Trong đông y, Trinh nữ hoàng cung được dùng trong chữa thấp khớp, mụn nhọt, viêm đau tai, chữa ung thư vú, tử cung, tiền liệt tuyến.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Nữ trinh tử – Vị thuốc bổ gan thận, thần kinh, trị bệnh xương khớp
4 Các bài thuốc từ cây Trinh nữ hoàng cung
4.1 Cách uống lá Trinh nữ hoàng cung tươi điều trị u xơ tử cung, rong kinh, đau bụng
Dùng lá trinh nữ hoàng cung, hạ thảo khô mỗi vị 20g, 12g rễ cỏ xước, 8g Hoàng Cầm, 6g hương tư tử. Sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Hoặc: 20g lá trinh nữ hoàng cung, 12g lá trắc bách đã sao đen, 6g hương tư tử. Sắc uống.
Hoặc: 20g lá trinh nữ hoàng cung. Sắc đặc, chia 2-3 lần uống trong ngày khi còn nóng.
4.2 Giảm đau khớp, chữa chấn thương, tụ máu bầm
Dùng lá Trinh nữ hoàng cung, rửa sạch, xào nóng, đắp lên vùng cần điều trị.
Hoặc: Dùng củ (thân hành) trinh nữ hoàng cung, Huyết Giác, lá cối xay, Dây Đau Xương mỗi vị 20g, quốc lão 6g. Sắc uống.
Hoặc: Dùng thân hành, nướng cho nóng, giã dập rồi đắp vào nơi sưng đau, mỗi ngày đắp 2-3 lần.
4.3 Chữa viêm loét dạ dày, u vú
Dùng Trinh nữ hoàng cung 3 lá tươi, rửa sạch, cắt khúc ngắn. Sắc với 2 bát nước tới khi còn nửa bát, chia làm 3 lần uống sau ăn trong ngày.
Hoặc: Dùng 200g lá khô sắc uống tương tự như trên.
Dùng mỗi đợt 20-25 ngày, nghỉ 10 ngày rồi lại tiếp tục đợt mới.
4.4 Điều trị viêm phế quản, ho
Nguyên liệu: Trinh nữ hoàng cung, tang bạch bì mỗi vị 20g, 6g Cam Thảo đất, 10g ô phiến.
Cách làm: Sắc với 1L nước tới khi còn 300ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, dùng trong 1 tuần.
4.5 Trị viêm họng hạt
Nguyên liệu: Lá cây trinh nữ, rễ cây dằng xay.
Cách làm: Rửa sạch, thêm ít muối, nhai nát nuốt lấy nước, bỏ bã, thực hiện 2 lần mỗi ngày.
4.6 U xơ tuyến tiền liệt, rối loạn tiểu tiện ở người cao tuổi
Dùng 20g lá trinh nữ hoàng cung rửa sạch, sắc lấy nước chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Hoặc: Lá trinh nữ hoàng cung 20g, xa tiền tử 12g, hương tư tử 6g. Sắc uống.
Hoặc: Huyết giác, lá trinh nữ hoàng cung mỗi vị 20g, rễ Ngưu Tất nam 12g, Ba Kích (sao muối) 10g, hương tư tử 6g. Sắc đặc chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
4.7 Trị mụn nhọt
Dùng lá hoặc củ, giã nát, đun nóng, đắp lên vùng da mụn nhọt khi còn nóng.
Hoặc: Trinh nữ hoàng cung, bèo cái mỗi vị 20g, cườm thảo đỏ 6g. Sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Hoặc: Lá trinh nữ hoàng cung, Kim Ngân Hoa mỗi vị 20g, cườm thảo đỏ 6g. Sắc lấy nước, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
4.8 Hỗ trợ điều trị ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung
Nguyên liệu: Lá trinh nữ hoàng cung, nga truật mỗi vị 20g, lá Đu Đủ (phơi khô) 50g, xuyên điền thất 10g.
Cách làm: Sắc với 3 chén nước tới khi còn 1 chén, chia làm 3 lần uống sau ăn.
5 Lưu ý khi sử dụng Trinh nữ hoàng cung
Người bình thường có uống dược trinh nữ hoàng cung không? Cây có nhiều hoạt động dược lý với dược tính mạnh, do đó người bình thường khỏe mạnh nên sử dụng với lượng thấp để tránh gặp phải tác dụng phụ.
Ngoài ra, không dùng Trinh nữ hoàng cung cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Anju Goyal và cộng sự (Ngày đăng 18 tháng 2 năm 2023). Crinum latifolium: An Updated Review on its Pharmacognosy, Phytochemistry and Pharmacological Profile, Research Trend. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2023.