Trihexyphenidyl hydrochloride

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

TRIHEXYPHENIDYL HYDROCLORID 

Tên chung quốc tế: Trihexyphenidyl hydrochloride. 

Mã ATC: N04AA01 

Loại thuốc: Thuốc kháng cholinergic, thuốc điều trị Parkinson.

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 2 mg, 5 mg. 

Dung dịch uống: 1 mg/1 ml, 2 mg/5 ml. 

2 Dược lực học 

Trihexyphenidyl là một amin bậc 3 tổng hợp có tác dụng kháng muscarinic. Tương tự các thuốc kháng muscarinic khác, trihexyphenidyl tạo ra tác dụng ức chế trên các cơ quan đáp ứng ở ngoại vi của hệ thần kinh phó giao cảm như tuyến nước bọt, mắt và cơ trơn. Thuốc làm giảm co thắt cơ trơn, giãn đồng tử, giảm tiết nước bọt và ức chế thần kinh phế vị của tim. Cơ chế chính xác của trihexyphenidyl trong hội chứng Parkinson chưa rõ, có thể do thuốc phong bế các xung ly tâm và ức chế trung tâm vận động ở não. So với levodopa, trihexyphenidyl kém hiệu quả và độc hơn. 

Hiện nay, thuốc ít được dùng đơn độc để điều trị bệnh Parkinson, chỉ dùng để phụ trợ cho levodopa.

3 Dược động học 

Trihexyphenidyl hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa. Tác dụng bắt đầu sau 1 giờ, đạt đỉnh sau 2 – 3 giờ và kéo dài 6 – 12 giờ. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi.

Một số chế phẩm Trihexyphenidyl Hydrochloride
Một số chế phẩm Trihexyphenidyl Hydrochloride

4 Chỉ định 

Phối hợp với các thuốc khác (như co-careldopa hoặc co-beneldopa) trong điều trị bệnh Parkinson, tất cả các thể của hội chứng Parkinson (các thể do xơ cứng mạch, các thể sau viêm não hoặc không rõ nguyên nhân). 

Làm giảm dấu hiệu và triệu chứng ngoại tháp do thuốc (như thioxanthen, phenothiazin, butyrophenon).

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với trihexyphenidyl. 

Nhược cơ, glôcôm góc đóng, tắc nghẽn dạ dày – ruột.

6 Thận trọng 

Khi sử dụng thuốc kéo dài, tránh ngừng thuốc đột ngột. 

Thuốc không chống chỉ định trên các bệnh nhân có tăng huyết áp, các rối loạn trên tim, gan hoặc thận, tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân khi phải sử dụng. Thuốc có thể kích thích hoặc làm tăng nguy cơ rối loạn vận động muộn, không khuyến cáo sử dụng thuốc cho các bệnh nhân có các bệnh lý này. 

Khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân có tắc nghẽn đường tiết niệu – sinh dục và trên các bệnh nhân cao tuổi có phì đại tuyến tiền liệt. Khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân cao tuổi do các vấn đề về tâm thần như lú lẫn, hoang tưởng, ảo giác có thể xảy ra, mặc dù hiếm gặp. Trên bệnh nhân có sốt hoặc nhạy cảm với tình trạng glôcôm góc đóng, bệnh nhân có rối loạn tâm thần. 

Thuốc có thể bị lạm dụng nên thận trọng khi kê đơn cho bệnh nhân.

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả và tính an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai. Không nên sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai, trừ khi thật cần thiết. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa rõ trihexyphenidyl có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với tác dụng của các thuốc kháng muscarinic. 

Tránh dùng trihexyphenidyl cho phụ nữ con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Các ADR chủ yếu là do tác dụng kháng cholinergic.

9.1 Thường gặp (30 – 50%) 

Mắt nhìn mờ. 

Tiêu hóa: buồn nôn, khô miệng, táo bón. 

Tâm thần: cảm giác sợ hãi, căng thẳng, chóng mặt.

9.2 Chưa xác định được tần suất 

Miễn dịch: Mẫn cảm. 

Tâm – Thần kinh: lo âu, lú lẫn, ảo giác, kích động, hoang tưởng, mất ngủ đặc biệt ở người cao tuổi và bệnh nhân xơ cứng động mạch, hưng phấn, suy giảm trí nhớ ngắn hạn, làm nặng thêm tình trạng nhược cơ. 

Mắt: tăng nhãn áp, giãn đồng tử.

Tim: nhịp tim nhanh.

Hô hấp: giảm tiết dịch phế quản.

Tiêu hóa: khó nuốt, nôn. 

Da và mô dưới da: da bị đỏ và khô, phát ban.

Thận và tiết niệu: bí tiểu, khó đi tiểu.

Toàn thân: khát, sốt. 

Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng Trihexyphenidyl Hydrochloride
Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng Trihexyphenidyl Hydrochloride

9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Nguy cơ phản ứng tâm thần dưới dạng lú lẫn rất phổ biến ở người bệnh cao tuổi khi bắt đầu hoặc đã rõ ràng có sa sút trí tuệ. Do đó phải hết sức thận trọng điều trị nhóm người bệnh này. Cần ngừng thuốc nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tâm thần. Bệnh nhân xơ vữa động mạch có thể có các phản ứng lú lẫn, hưng phấn, rối loạn hành vi hoặc buồn nôn, nôn. Cần hiệu chỉnh liều và ngừng thuốc nếu cần. Các ADR như khô miệng, táo bón, nhìn mờ, buồn nôn hoặc lo âu mặc dù thường gặp nhưng có xu hướng giảm đi khi tiếp tục điều trị. Nên sử dụng liều ban đầu nhỏ hơn, sau đó tăng dần liều đến mức đạt hiệu quả để hạn chế nguy cơ xảy ra ADR.

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng

Nên uống thuốc 3 lần một ngày vào các bữa ăn, liều thứ 4 nếu cần nên uống vào giờ đi ngủ. Thuốc có thể gây khô miệng, nên uống thuốc trước các bữa ăn trừ khi buồn nôn. Nếu phải uống thuốc sau bữa ăn, nên uống nước, ngậm kẹo Bạc Hà hoặc kẹo Cao Su. Cũng có thể giảm khô miệng bằng việc sử dụng nước bọt nhân tạo. Cần điều chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân.

10.2 Liều dùng

10.2.1 Người lớn

Bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson: 

  • Ngày đầu uống 1 mg/ngày, sau đó cách 3 – 5 ngày, tăng 2 mg/ngày, cho tới khi đạt 6 – 10 mg/ngày. Một số trường hợp có thể dùng tới 12 – 15 mg/ngày (người bệnh có hội chứng Parkinson sau viêm não). Liều 10 mg/ngày, nên chia làm 3 liều nhỏ uống vào các bữa ăn, với các liều lớn hơn 10 mg/ngày nên chia làm 4 liều. 
  • Nếu dùng phối hợp với levodopa, liều của 2 thuốc phải điều chỉnh cho phù hợp với đáp ứng và dung nạp thuốc của từng người bệnh. Thông thường với liều 3 – 6 mg trihexyphenidyl/ngày là đủ tác dụng. Khi trihexyphenidyl được dùng thay thế toàn bộ hoặc 1 phần thuốc kháng muscarin khác, liều trihexyphenidyl cần tăng dần, đồng thời thuốc kia cần giảm dần. 

Rối loạn ngoại tháp do thuốc: Liều khởi đầu 1 mg/ngày đã có thể kiềm chế được một số phản ứng, song nếu biểu hiện ngoại tháp không kiểm soát được trong vòng vài giờ thì cần tăng liều 2 mg mỗi 3 – 5 ngày đến khi đạt yêu cầu. Liều duy trì 5 – 15 mg/ngày chia 3 – 4 liều. Cũng có thể điều chinh bằng cách giảm liều của thuốc đã gây ra các phản ứng này, sau đó điều chỉnh liều của cả 2 thuốc. Khi đã kiểm soát được các rối loạn này trong nhiều ngày, có thể ngừng dùng hoặc giảm liều trihexyphenidyl. 

10.2.2 Người cao tuổi

Chỉ nên sử dụng liều thấp và tăng dần liều. Nhìn chung không khuyến cáo sử dụng thuốc cho người cao tuổi do độc tính của thuốc và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. 

10.2.3 Bệnh nhân suy gan, suy thận

Không cần hiệu chỉnh liều nhưng phải sử dụng thận trọng.

10.2.4 Trẻ em

Không khuyến cáo dùng. 

11 Tương tác thuốc 

Thận trọng khi phối hợp trihexyphenidyl với các phenothiazin, clozapin, các thuốc kháng histamin, disopyramid, Nefopam và amantadin do có thể làm tăng nguy cơ kháng muscarinic. Thận trọng khi phối hợp trihexyphenidyl với các thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc các thuốc ức chế MAO do có thể gây khô miệng, nhìn mờ, bí tiểu, táo bón, glôcôm góc đóng hoặc liệt ruột. Trihexyphenidyl có thể đối kháng tác dụng của metoclopramid và Domperidon trên chức năng đường tiêu hóa. 

Trihexyphenidyl làm giảm hấp thu Levodopa khi dùng cùng. Trihexyphenidyl có thể đối kháng tác dụng của các thuốc tác dụng lên hệ phó giao cảm.

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

Đỏ bừng mặt, khô da, giãn đồng tử, khô miệng và lưỡi, nhịp tim nhanh, thở nhanh, sốt cao, tăng huyết áp, buồn nôn, nôn. Phát ban có thể xuất hiện trên mặt hoặc thân trên. Các triệu chửng kích thích TKTW bao gồm bồn chồn, lú lẫn, ảo giác, hoang tưởng và các phản ứng trên tâm thần, mất phối hợp, mê sảng và đôi khi co giật. Trong trường hợp quá liều nặng, ức chế TKTW có thể gây hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn và tử vong. 

12.2 Xử trí

Biện pháp chủ yếu là điều trị hỗ trợ, duy trì thông khí, có thể dùng Diazepam để kiểm soát tình trạng kích động và co giật nhưng cân nhắc nguy cơ ức chế TKTW. Cần điều trị tình trạng giảm oxy và acid huyết. Không khuyến cáo dùng các thuốc chống loạn nhịp nếu có loạn nhịp. 

Cập nhật lần cuối: 2020. 

Để lại một bình luận