Trám Rừng (Canarium tramdenanum)

Trám Rừng (Canarium tramdenanum)

Trám rừng được biết đến phổ biến với công dụng giải khát, giải độc, chữa nứt nẻ da,… Vậy những đặc tính, tác dụng hóa học của loại cây này là gì? trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Trám rừng.

1 Giới thiệu về cây Trám

Trám Rừng hay còn gọi là Trám, Trám đen, Trám chim với tên khoa học là Canarium tramdenanum Dai et Yakovl. [C. nigrum (Lour.) Engl., C. pimela Koenig), thuộc họ Trám – Burseraceae.

1.1 Đặc điểm thực vật cây Trám rừng

Cây gỗ cao 10m hay hơn. Cành nằm ngang. Lá kép lông chim lẻ, dài 15cm, có 4 đôi lá chét, cuống dai, mặt trên sáng, mặt dưới sẫm không lông; 8-10 đôi gần bên. Hoa màu trắng vàng, mọc thành chuỳ, trục cuống có những lá bắc con hình vẩy dài hơn đài nhiễu, 3 cánh hoa dài 4mm, 6 nhị có chỉ nhị dính ở gốc. 

Tùy từng nơi trồng và giống nên sẽ có quả trám xanh hoặc quả trám vàng hoặc quả trám đen. Quả hạch màu tím, thuôn, cao 3-4cm, chia 3 ô.

tram rung 2
Cây Trám

1.2 Đặc điểm phân bố và sinh thái

Cây Trám mọc rải rác trong rừng nửa rụng lá, rừng thứ sinh, ở độ cao dưới 500m. Ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 8-10.

Cây phân bố ở các tỉnh thành trên cả nước như Sơn La, Hoà Bình, Quảng Ninh. Hải Phòng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lăk, Khánh Hoà. Ngoài ra, còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.

1.3 Thu hái và chế biến

Quả, rễ, lá – Fructus, Radix et Folium Canarii Tramdenani được sử dụng để chế biến và sử dụng làm dược liệu hoặc ăn.

Khoảng giữa thu sẽ đến mùa trám rụng nhưng đối với những cây quả trám đen cần phải trèo lên trực tiếp lấy. Khi đó, quả trám trắng chuyển màu thì quả trám vàng, còn trám đen sẽ có màu đen

tram rung 1
Các loại quả Trám

2 Thành phần hóa học

Cây chứa Nhựa dầu là những khối mềm màu trắng vàng, về hình dạng và cấu trúc hơi giống sáp ong, mùi mạnh, vị cay và thơm; nhựa dầu chứa tinh dầu và nhựa.

3 Tác dụng – Công dụng của cây Trám theo Y học cổ truyền

3.1 Tác dụng của quả Trám 

Theo các nghiên cứu cho biết, quả trám rừng tươi có chứa các thành phần dinh dưỡng, nên có thể được coi là thức ăn phù hợp với trẻ nhỏ, người ở độ tuổi trung niên và phụ nữ có thai cơ thể bị suy nhược. 

Ngoài ra, nước sắc từ quả trám có khả năng kích thích tuyến nước bọt, giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất. 

Bên cạnh đó, nước sắc còn có thể bảo vệ gan chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể.

tram rung 3
Nhãn

3.2 Công dụng của Trám rừng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng: 

Quả có vị chua ngọt, bùi, béo, tính ấm; có tác dụng sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc rượu.

Rễ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thư cân hoạt lạc, khư phong khu thấp. 

Lá có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống.

3.2.2 Công dụng của Trám rừng theo Y học cổ truyền

Quả dùng giải độc cá, chữa ăn nhầm cá nóc có độc, ăn phải cá thối, hóc xương cá; lấy quả Trám giã vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.

Dùng ngoài chữa nứt nẻ da do khô lạnh lở ngứa nhất là lở miệng không há ra được và trị sâu răng, dùng quả và hạt trám đốt, tán nhỏ bôi. Rễ dùng trị phong thấp đau lưng gối tê liệt cử động. Lá trị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, sang thũng ghẻ lở.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), người ta còn dùng rễ trị đau dạ dày, bỏng lửa; lá dùng trị xuất huyết tử cung, ban độc; quả dùng trị nội thương xuất huyết, họ; vỏ rễ dùng trị nôi thương thổ huyết.

4 Một số bài thuốc từ Trám rừng

  1. Nứt nẻ da do khô lạnh: Hạt Trám đốt, tán nhỏ, hoà Dầu Vừng bôi.
  2. Sâu răng: Quả Trám đốt cháy tán nhỏ, trộn với một ít Xạ hương, bôi, xỉa răng (Nam dược thần hiệu).
  3. Chữa môi chụm lại, không hé ra được hoặc bị lở đau không ăn được: Dùng quả Trám đốt thành tro, tán nhỏ, trộn với mỡ lợn bôi. (Nam dược thần hiệu)
tram rung 4
Một số món ăn từ Quả Trám

5 Tài liệu tham khảo

Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2021). Trám rừng, trang 1039, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.

Để lại một bình luận