Tô mộc được biết đến với công dụng phổ biến là dùng chữa Đau Bụng Kinh với tên gọi dân gian là Vang. Vậy ngoài công dụng trên Tô Mộc (Vang) còn có những đặc điểm, những dược tính và cấu tạo gì? Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc một số thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về loài cây này.
1 Giới thiệu về cây Tô mộc (Vang)
Tô mộc hay còn gọi là cây Vang với tên khoa học là Caesalpinia sappan L., thuộc họ Đậu – Fabaceae.
Tên tiếng Anh: Biancaea sappan
Tên tiếng Trung: 苏木 – Tô Mộc
Tên tiếng Thái: ฝาง
Đây là loài thực vật thân gỗ có gai được bắt gặp ở hầu hết các vùng miền ở nước ta cùng với công dụng hỗ trợ các bệnh sinh dục – sinh sản ở phụ nữ.
1.1 Đặc điểm thực vật
Tô mộc là cây thân gỗ có gai với chiều cao lên đến 7- 10m. Cành cây có gai hình nón ngắn. Lá rộng, kép 2 lần lông chim; cuống lá mang 9 đôi cuống lá phụ, mỗi đôi đó lại mang 12 đôi lá chét hoặc hơn, có gân hình chéo; lá kèm biến đổi thành gai hình nón. Hoa mọc thành chuỳ rộng ở ngọn, gồm nhiều chùm có lông, màu gỉ Sắt. Quả hoá gỗ, có sừng ở đầu, chứa 4 hạt dẹt
1.2 Đặc điểm phân bố
Tô mộc thường mọc trên nương rẫy, ven rừng, trong rừng thứ sinh, quanh bản làng; thường được trồng ở các vườn gia đình. Cây trồng bằng hạt.
Cây mọc hoang và phổ biến ở nhiều nơi trên cả nước như Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh,… Ngoài ra còn có ở một số nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Lào,…..
1.3 Thu hoạch và chế biến
Cây Tô mộc ra hoa vào tháng 4-6, và có quả vào tháng 7-5 năm sau.
Loại cây này người ta thường dùng phần thân gỗ và cành để chế biến dược liệu làm thuốc. Thông thường sẽ thu hoạch những cây sống 10 năm trở lên và có thể thu hoạch quanh năm.
Sau khi chặt phần cây gỗ sẽ róc hết lớp vỏ ngoài và chủ yếu lấy phần lõi gỗ. Tiếp tục cưa gỗ thành các khúc ngắn với kích thước khoảng 25 cm rồi chẻ nhỏ, đem đi phơi khô ở độ ẩm không lớn hơn 11%.
2 Thành phần hoá học
Gỗ vang hay Tô mộc có chứa thành phần chủ yếu là các tanin, acid gallic, sappanin, brasilin và tinh dầu. Trong đó brasilin chiếm 2% – đây là một hợp chất màu vàng nhuộm đỏ carmin trong môi trường kiềm, oxy hoá thành brasilein màu đỏ sẫm. Trong tinh dầu có chứa ocimene và 1-phellandrene.
3 Tác dụng – Công Dụng của Tô mộc theo Y học cổ truyền
4 Tác dụng dược lý
Theo các báo cáo nghiên cứu mới nhất cho thấy Tô mộc có những tính chất dược lý sau:
- Sát khuẩn, tiêu viêm mạnh
- Hỗ trợ lưu thông khí huyết
- Có thể hỗ trợ chữa trị các bệnh ung thư cụ thể là ung thư đại tràng và bệnh bạch cầu cấp dòng tủy ( Đang trong quá trình nghiên cứu).
4.1 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1.1 Tính vị – Tác dụng
Tô Mộc có vị ngọt, tính bình
Dược liệu với tác dụng hành huyết, phá ứ, tiêu thũng, chỉ thống
4.1.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Tô Mộc thường dùng để điều trị các bệnh về đường ruột như ỉa chảy, lỵ. Hỗ trợ chấn thương ứ huyết, kinh nguyệt bế, sản hậu ứ huyết, bụng trướng đau, dùng ngoài sắc rửa vết thương. Đây là loại thuốc cầm máu thích hợp cho phụ nữ sau sinh ra máu quá nhiều và tử cung ra máu, và còn dùng là thuốc thanh huyết
Ở Trung Quốc, dược liệu này dùng trị nội thương tích trệ sưng đau, ngoại thương xuất huyết, phong thấp đòn ngã, bế kinh, sản hậu ứ huyết đau bụng, lỵ; cũng dùng phá thương phong, ung thũng.
Ở Thái Lan, Tô Mộc được dùng làm thuốc bổ huyết, dùng trị bệnh về phổi, làm long đờm, điều kinh. Cũng được dùng làm thuốc nhuộm đỏ và nhuộm màu thực phẩm.
5 Một số bài thuốc từ dược liệu Tô Mộc
5.1 Bài thuốc chữa đau bụng kinh
Tô Mộc 12g phối hợp với rễ Bưởi bung, rễ Bướm bạc đều 12g, rễ Thiên niên kiện, rễ Sim rừng đều 8g, đem đi sắc uống.
Hoặc
Tô mộc | 10g | Huyền hổ sách | 6g |
Sơn Tra | 10g | Hồng Hoa | 3g |
Ngũ Linh chi | 8g | Đương Quy thân | 10g |
Nước | 600ml |
Đem sắc còn 200ml rồi chia uống 3 lần uống trong ngày
5.2 Bài thuốc Sinh đẻ bị ra máu nhiều
Lấy 12g Tô Mộc sắc cùng với khoảng 200ml nước rồi đến khi còn khoảng 100ml thì lấy chia 2 lần uống trong ngày.
6 Hình ảnh cây Tô Mộc
7 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (xuất bản năm 2021). Vang trang 1146-1147, từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2023.