Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Ngành thực vật có mạch) Magnoliopsida (Lớp Hai lá mầm (Ngọc Lan)) |
Bộ(ordo) |
Lamiales (Bộ Hoa môi) |
Họ(familia) |
Lamiaceae (Họ Hoa môi) |
Chi(genus) |
Mesosphaerum P.Browne |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Mesosphaerum suaveolens (L.) Kuntze |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Hyptis suaveolens (L.) Poit. |
Tía tô dại, còn được biết đến với tên gọi é lớn tròng hay tía tô giới, có tên khoa học là Mesosphaerum suaveolens (L.) Kuntze (tên đồng danh Hyptis suaveolens (L.) Poit.) và thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Mesosphaerum suaveolens (L.) Kuntze hay Hyptis suaveolens (L.) Poit.
Tên gọi khác: é lớn tròng, tía tô giới ballote camphrée
Họ thực vật: họ Hoa môi (Lamiaceae)
1.1 Đặc điểm thực vật của cây Tía tô dại
Cây có chiều cao khoảng 1-1,5 mét, thân đứng và phân nhánh, ban đầu hơi tròn nhưng về sau chuyển thành hình vuông và có nhiều lông. Lá của cây có cuống dài, hình trứng với đầu tù, phần dưới của lá có hình tim. Lá dài từ 2-6 cm, rộng 1,5-2 cm, mép lá có răng cưa. Cả hai mặt của lá đều có lớp lông mịn không quá nổi bật. Hoa mọc thành từng cụm ở các kẽ lá, hoa nhỏ, có cuống dài, đài hoa hình chuông, chia thành 5 răng. Tràng hoa có màu xanh hơi tím, thò ra ngoài đài, ống tràng hình trụ với phần họng phình nhẹ. Hoa có cấu trúc hai môi, môi dưới hình túi, có 4 nhị, trong đó 2 nhị dài hơn. Quả cây có dạng dẹt và rộng ở phần rốn.
1.2 Phân bố, thu hái và chế biến
Tía Tô dại mọc hoang ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam, tập trung nhiều ở các vùng miền Trung và miền Nam. Tuy ít được sử dụng, nhưng một số nơi người dân hái toàn bộ cây tươi, bỏ rễ, sau đó phơi khô hoặc sấy để dùng dần.
2 Thành phần hóa học của cây tía tô dại
Mesosphaerum suaveolens là một loài thực vật quý, chứa nhiều hợp chất có giá trị như tinh dầu, alkaloid, flavonoid, phenol, Saponin, triterpene và sterol. Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu về đặc điểm hóa học của tinh dầu được chiết xuất từ lá cây này. Tuy nhiên, do đặc điểm di truyền của loài này có tính đa hình cao và khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường, nên có sự khác biệt lớn về thành phần và hàm lượng các chất chính (>20%) trong tinh dầu.
Trong các chất được chiết xuất từ M. suaveolens, nhóm terpenoid (bao gồm mono, di, tri và sesquiterpene) chiếm tỷ lệ cao nhất. Đáng chú ý trong nhóm diterpene có acid suaveolic – một hợp chất đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn và tác động độc sinh thái. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều hợp chất khác trong các bộ phận khác nhau của cây như: acid phenolic, phenylpropanoid, Flavonoid và acid béo.
3 Cây tía tô dại các tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Hoạt tính chống oxy hóa
Cao chiết methanol của lá M. suaveolens có hoạt tính chống oxy hóa mạnh được đánh giá bằng phương pháp 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) với giá trị IC50 = 40,91 μg/ml và có khoảng 69% khả năng ức chế gốc tự do ở nồng độ cao nhất (100 μg/ml). Hoạt tính này phụ thuộc vào nồng độ và được cho là nhờ sự có mặt của các hợp chất phenol và flavonoid. Cao chiết này cũng cho kết quả tốt khi được đánh giá bằng các phương pháp FRAP và ABTS.
Các nghiên cứu về cao chiết nước và cồn từ lá tươi đã chứng minh hoạt tính chống oxy hóa cao, trong đó cao chiết cồn có hiệu quả tương đương với chất đối chứng acid ascorbic (IC50 khoảng 6,69 μg/mL). So sánh giữa các bộ phận của cây cho thấy cao chiết methanol từ hạt có hoạt tính tốt hơn (IC50 = 72 μg/ml) so với thân (IC50 = 250 μg/ml) và rễ (IC50 = 143 μg/ml).
Khả năng hỗ trợ làm lành vết thương
Nghiên cứu trên chuột Wistar albino đã đánh giá ba loại cao chiết từ lá (ether dầu hỏa, cồn và nước) trên các mô hình vết thương khác nhau (vết cắt, vết rạch và vết thương lành). Kết quả cho thấy cao chiết ether dầu hỏa có tác dụng đáng kể nhất. Tác dụng này được cho là nhờ khả năng loại bỏ gốc tự do của cây.
Hoạt tính bảo vệ thần kinh
Cao chiết methanol từ phần trên mặt đất của cây có khả năng ức chế sự chết tế bào thần kinh do hydro peroxid (H2O2) gây ra trên tế bào neuroblastoma N2A của chuột. Cơ chế được giải thích là do cao chiết có thể điều hòa sự hoạt hóa của các gen chống oxy hóa và bảo vệ tế bào thần kinh. Kết quả này cho thấy tiềm năng trong điều trị thoái hóa thần kinh do stress.
Hoạt tính chống viêm
Cao chiết cồn từ lá có tác dụng chống viêm đáng kể trên mô hình viêm gây ra bởi carrageenan ở chuột, với hiệu quả tương đương thuốc đối chứng ibuprofen. Hai diterpene được phân lập từ cây (suaveolol và methyl suaveolate) cũng thể hiện khả năng chống viêm qua việc giảm phù tai ở chuột với ID50 lần lượt là 0,71 và 0,60 μmol/cm2, mặc dù hiệu quả này thấp hơn 2-3 lần so với thuốc đối chứng indomethacin.
Hoạt tính chống loét
Lá M. suaveolens được sử dụng trong dân gian để điều trị loét dạ dày. Nghiên cứu đã phân lập được hợp chất diterpene suaveolol từ lá và chứng minh tác dụng bảo vệ dạ dày trên 70%. Phân đoạn hexane từ cao chiết cồn cũng cho thấy hiệu quả cao với khả năng ức chế loét dạ dày 74% ở liều 500 mg/kg.
Hoạt tính chống tiêu chảy
Dựa trên sử dụng dân gian, cao chiết cồn từ lá đã được đánh giá trên mô hình tiêu chảy gây ra ở chuột và cho kết quả có ý nghĩa thống kê (p > 0,001). Điều này cho thấy cây chứa các hợp chất có tác dụng chống tiêu chảy, có thể hoạt động riêng lẻ hoặc hiệp đồng.
Hoạt tính hạ đường huyết
Cao chiết cồn từ lá ở liều 250 và 500 mg/kg được sử dụng trong 21 ngày trên mô hình đái tháo đường gây ra bởi streptozotocin cho thấy làm giảm đáng kể triglyceride, cholesterol toàn phần và lipoprotein tỷ trọng thấp, chứng tỏ có tác dụng chống đái tháo đường.
Tác dụng bảo vệ gan
Cao chiết methanol từ phần trên mặt đất của cây ở liều 50 và 100 ml/kg có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây độc bằng carbon tetrachloride (CCl4), có thể do hoạt tính chống oxy hóa của cây.
Độc tính
Nghiên cứu độc tính trên da của kem bôi chứa tinh dầu M. suaveolens ở chuột Wistar trong 28 ngày cho thấy nồng độ 3% và 10% an toàn, trong khi nồng độ 30% gây ban đỏ trên da chuột cái sau 11-14 ngày sử dụng.
3.2 Công dụng và liều dùng
Ở một số khu vực quanh TP. Hồ Chí Minh, tía tô dại được dùng như Bạc Hà mọc hoang để chữa cảm cúm, sốt. Liều dùng mỗi ngày từ 10-16g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm, thường kết hợp với các vị thuốc khác như Hương Nhu, Kinh Giới. Ngoài ra, lá tươi có thể giã nát và đắp lên các vết sưng, viêm, hoặc lở loét. Một số nơi còn dùng tía tô dại để hỗ trợ phụ nữ sau sinh, giúp lợi sữa.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Tía Tô Dại trang 715-687. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2024.
Tác giả José Weverton Almeida-Bezerra và cộng sự (đăng ngày 10 tháng 3 năm 2022). Traditional Uses, Phytochemistry, and Bioactivities of Mesosphaerum suaveolens (L.) Kuntze. Evidence-based complementary and alternative medicine : eCAM. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2024.