Thông Thiên (Trúc Đào Hoa Vàng – Thevetia peruviana (Pers.) K. Chum.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Gentianales (Long đởm)

Họ(familia)

Apocynaceae (Trúc đào)

Chi(genus)

Thevetia

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Thevetia peruviana (Pers.) K. Chum.

Danh pháp đồng nghĩa

Thevetia neriifolia Juss.

Thông Thiên (Trúc Đào Hoa Vàng - Thevetia peruviana (Pers.) K. Chum.)

Thông thiên (Trúc đào hoa vàng) thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng 3-4 mét. Thân cây nhẵn, những cành khi còn non có màu lục xám, xuất hiện nhiều sẹo do lá khi rụng để lại. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Thevetia peruviana (Pers.) K. Chum.

Tên đồng nghĩa: Thevetia neriifolia Juss.

Tên gọi khác: Cây đầu tây.

Họ thực vật: Trúc đào Apocynaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Thông thiên thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng 3-4 mét. Thân cây nhẵn, những cành khi còn non có màu lục xám, xuất hiện nhiều sẹo do lá khi rụng để lại.

Lá cây Thông thiên mọc so le, phiến lá có dạng hình mác hẹp, chiều dài mỗi lá khoảng 8 đến 15cm, chiều rộng từ 4-7mm. Hai mặt của lá nhẵn, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn hoặc tù. Mặt trên của lá bóng, mặt dưới màu nhạt. Gân chính rõ, gân phụ mờ.

Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá gần ngọn cây, ít hoa, hoa có màu vàng tươi, cuống hoa dài, đài 5 răng nhỏ, tràng 5 cánh, nhị 5, bầu có 2 lá noãn.

Quả hạch, khi chín có màu vàng, hạt cứng, màu vàng trắng.

Toàn cây Thông thiên có Nhựa mủ trắng.

Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 10.

Toàn cây Thông thiên
Toàn cây Thông thiên

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Hạt, vỏ cây và lá. Hạt thường được dùng hơn.

Thu hái: Khi quả chín già.

Chế biến: Đập vỡ lấ nhân hạt, đem phơi khô.

Mô tả vi phẫu lá cây Thông thiên: Biểu bì trên và biểu bì dưới đều mang lông che chở. Trong phiến lá có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Lá và hoa của cây Thông thiên
Lá và hoa của cây Thông thiên

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Thevetia L. trên thế giới có 8 loài, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ.

Thông thiên được trồng ở nhiều nước nhiệt đới thuộc Đông Nam Á, đảo Hải Nam và Nam Trung Quốc.

Tại nước ta, cây được nhập về trồng khoảng 100 năm trước chủ yếu để làm cảnh hoặc làm hàng rào.

Cây có khả năng sinh trưởng nhanh, là loài ưa sáng, có khả năng chịu bóng, chịu được khí hậu khô và nóng ở mức độ nhẹ. Cây không thích hợp trồng ở vùng á nhiệt đới, mùa đông lạnh, vùng núi cao. Thông thiên được trồng ở vùng trung du và đồng bằng cho nhiều hoa quả, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, mùa hoa quả gần như kéo dài quanh năm.

Hạt của cây sau khi rơi xuống gốc cây sẽ bắt đầu nảy mầm vào mùa mưa, những cây mọc từ hạt sau khoảng 3 năm bắt đầu ra hoa và kết quả.

Cây có khả năng tái sinh khỏe, những đoạn thân hoặc cành non khi đem giâm đều có khả năng nảy mầm thành cây mới.

Thông thiên còn có tên gọi là Trúc đào hoa vàng
Thông thiên còn có tên gọi là Trúc đào hoa vàng

1.4 Cách trồng

Thông thiên được trồng bằng phương pháp giâm cành hoặc gieo hạt. Phương pháp gieo hạt thường phổ biến hơn.

Hạt hoặc quả khi chín có thể để nguyên và tiến hành gieo trồng, tỷ lệ nảy mầm đạt khoảng 70-80%. Cây con sau khi mọc tự nhiên được khoảng 1 năm tuổi thì bắt đầu đánh đi để trồng.

Thông thiên là loài không kén đất nhưng cần trồng ở những khu vực có đất cao, dễ thoát nước như công viên, ven đường.

Hố trồng cây có kích thước khoảng 70x70x50cm và khoảng cách là 4-5 mét. Khi trồng cần bón phân và tưới nước cho đủ ẩm. Thỉnh thoảng làm cỏ, xới đất đặc biệt là khi mới trồng để cây phát triển tốt.

Thông thiên là loài sống khỏe, có khả năng chịu hạn tốt. Tuy nhiên, loài cây này có thể bị sâu đục quả hoặc sâu ăn lá.

Thông thiên có sức sống khỏe
Thông thiên có sức sống khỏe

2 Thành phần hóa học của cây Thông thiên

Hạt cây chứa các glycosid tim, Flavonoid.

Dầu hạt thông thiên thu được bằng cách chiết xuất hạt với dung môi sẽ cho hàm lượng dược chất khác nhau tùy thuộc vào thời điểm thu hái.

Vỏ quả không chứa glucosid tim mà chỉ chứa hesperidin-7 glucosid, aucubosid.

Lá Thông thiên chứa glycosid tim và các triterpenoid, iridoid.

Quả của cây Thông thiên
Quả của cây Thông thiên

3 Tác dụng – Công dụng của cây Thông thiên

3.1 Tác dụng dược lý

Các chế phẩm từ Thông thiên đều cho thấy tác dụng cường tim, tăng sức co bóp cơ tim. Ở liều điều trị, thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim, còn liều cao có thể gây ngộ độc, làm tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim. Thời gian thuốc bắt đầu tác dụng nhanh, thời gian duy trì tác dụng ngắn, khả năng hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa, nguy cơ tích luỹ trong cơ thể thấp do đó các chế phẩm được sử dụng để điều trị dài ngày mà không có nguy cơ gây ngộ độc do tích lũy thuốc.

3.2 Công dụng và liều dùng của cây Thông thiên

Các chế phẩm từ cây được sử dụng để làm thuốc cường tim, dùng trong các trường hợp suy tim.

Thevetin là biệt dược của Pháp được bào chế dưới dạng Dung dịch uống và thuốc tiêm:

  • Đối với dung dịch uống 0,1% 91ml tương đương 1mg thevetin): Liều dùng là 1-2mg (tương đương 30-60 giọt mỗi ngày).
  • Đối với dạng thuốc tiêm mỗi ống chứa 2ml tương đương với 1mg thevetin thì liều dùng mỗi ngày là tiêm 1-2 ống theo đường tĩnh mạch.

Nerioersid là chế phẩm của Trung Quốc được sử dụng dưới dạng viên và thuốc tiêm.

Quả Thông thiên
Quả Thông thiên

4 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Thông thiên, trang 904-909. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2024.

Để lại một bình luận