Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm sỏi thận, xơ vữa động mạch, giúp kích thích tiêu hóa, Thì là được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Thì là.
1 Giới thiệu về cây Thì là
Rau Thì là còn gọi là rau gì? Thì là còn có tên gọi khác là Thìa là, là loại rau gia vị phổ biến, được trồng ở nhiều nơi, ưa sáng, ưa ẩm mát.
Tên khoa học của Thì là là Anethum graveolens L., thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Thì là.
Cây Thì là có mấy loại?
Thực tế chỉ có một loại Thì là duy nhất mà chúng ta thường ăn hàng ngày. Ngoài ra, có một loại thực vật khác thường gọi là cây Thì là thân gỗ, trong Từ điển là Ngải lông lợn, có tên khoa học là Artemisia scoparia, thuộc họ Cúc. Hai loài này không cùng họ, không liên quan gì tới nhau mặc dù đều có thể sử dụng trong nấu ăn.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống hàng năm, có thân nhẵn, mọc thẳng, cao 60-80cm hoặc hơn, phân nhánh, khía rãnh dọc; có rễ trụ. Lá mọc so le, cuống dài, có bẹ rất phát triển, phiến xẻ 3 lần lông chim có các phiến hình sợi dài 10-20mm, rộng 0,5mm; các lá ở ngọn tiêu giảm, không có cuống, màu xanh lục.
Cụm hoa mọc ở ngọn, trên thân và trên các cành, thành tán kép có cuống chung dài gồm 5-15 tán nhỏ; các tán mang 20-40 hoa màu vàng; không có tổng bao và tiểu bao; đài có răng rất ngắn; tràng cong gập vào trong; nhị xen kẽ với cánh hoa; bầu hạ có 2 lá noãn dính nhau. Quả bế kép nằm trên một cuống quả rẽ đôi; quả hình trứng có 10 cạnh mà 4 cái ở mép dãn nở thành cánh hẹp. Mùa hoa quả vào tháng 1-3.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả, thân, lá non.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây được trồng nhiều ở miền Bắc, Lâm Đồng. Cây có nguồn gốc từ nam châu u, hoặc Bắc Phi, hiện được trồng tại nhiều quốc gia.
1.4 Hạt thì là có phải là tiểu hồi không?
Tiểu hồi là 1 cây thuộc họ thì là, có nhiều đặc điểm giống nhau do đó dễ bị nhầm lần tiểu hồi và thì là là cùng 1 loại.
Tuy nhiên, đây là 2 cây hoàn toàn khác nhau. Khác với Thì là, Tiểu Hồi Hương là loại cây khá lớn, có củ ở gần mặt đất có thể được sử dụng như một loại rau ăn, có mùi thơm đặc trưng giống như hương vị của Hồi.
2 Thành phần hóa học
2.1 Dầu Thì là
Dầu thì là chứa nhiều axit béo no và không no như lauric (1,29%), stearic (0,9-3,86%), capric (5,97%), myristic (0,08- 0,25%), palmitic (2,31-4,66%), oleaic ( 36,38-53,87%), linolenic (0,26-0,4%), linoleic (5,8-45,13%), palmitoleic (0,2%), eicosenoic (0,04%) và axit arachidoic (0,1-1,32%). Một số axit phenolic như vanillic, caffeic, protocathechuic, pcoumaric, ferulic, chlorogenic, syringic, rosmarinic, ocoumaric và axit trans-cinnamic đã được tìm thấy trong chiết xuất Ethanol của Thì là.
So sánh các nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất chính của tinh dầu hạt thì là là carvone và Limonene trong khi dill apiole, trans-dihydrocarvone và α-phellandrene có mặt với số lượng đáng kể. Carvone (67%) và limonene (23%) là thành phần chính của dầu trái Thì là, trong khi dầu thảo mộc chiếm ưu thế bởi α-phellandrene (62%).
2.2 Các hợp chất khác
8 hợp chất tinh khiết như 8-hydroxygeraniol-D-glucopyranoside; pmenth-2-ene-1,6-diol-D-glucopyranoside; (E)-2,6-dimethyl-6-hydroxy-octa-2,7-dienoicacid; 3-hydroxy-α-ionol; 3-hydroxyβ-ionol 3-O-β-D-glucopyranoside; axit chlorogenic, (Z)-3-hexenyl-β-D-glucopyranoside và quercetin 3-O-β-D-glucuronide được phân lập từ chiết xuất glycosid của cây Thì là. Một furanocoumarin mới, 5-[4′′-hydroxy-3′′-methyl-2′′-butenyloxy]-6,7-furocoumarin được phân lập từ toàn bộ thân thảo. Các hợp chất đã biết khác oxypeucedanin, oxypeucedanin hydrat và falcarindiol cũng được phân lập từ cây này.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Tiểu hồi hương – Vị thuốc hỗ trợ tiêu hoá và lợi sữa
3 Tác dụng – Công dụng của cây Thì là
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn
Chiết xuất Thì là cho thấy khả năng chống lại Candida tropicalis, Candida parapsilosis và Candida krusei. Trong một nghiên cứu, hoạt động kháng khuẩn của thì là đã được kiểm tra. Các chủng vi khuẩn khác nhau đã được sử dụng như sau Escherichia coli ATCC 8739, Klebsiella pneumoniae ATCC 700603, Salmonella typhimurium ATCC 14028, S.aureus ATCC 29213 và Staphylococcus aureus ATCC 25923. MIC thu được ở mức 10 mg/mL đối với các chủng được thử nghiệm.
3.1.2 Trị tiểu đường
Thì là có hoạt tính trị đái tháo đường đáng kể thông qua các cơ chế có thể có như liên kết với axit mật trong ruột, tăng bài tiết phân, ức chế hấp thu cholesterol trong ruột và tăng sản xuất axit mật. Các thành phần chính như limonene, α-phellandrene và carvone tham gia đáng kể vào tác dụng hạ lipid máu, thông qua 3-hydroxy-3-methylglutaryl-CoA (HMG-CoA) reductase, làm giảm acyl CoA carboxylase và do đó ảnh hưởng đáng kể đến quá trình chuyển hóa cholesterol và hấp thu axit béo.
3.1.3 Bảo vệ tim mạch
Thì là có tác dụng đối với cấu hình lipid và chỉ số đường huyết ở người lớn. Tuy nhiên, nó không có tác dụng đối với chất béo trung tính, cholesterol toàn phần trong huyết thanh, đường huyết lúc đói và cholesterol lipoprotein mật độ cao. Việc giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói ở liều 1500 mg/ngày cũng được quan sát thấy bằng cách sử dụng phân tích phản ứng liều.
3.1.4 Các tác dụng khác
Hội chứng ruột kích thích: Thì là có tác dụng rất lớn đối với bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Việc uống một viên nang bao gồm bột Thì là thô trong hai tuần có thể chứng minh là có lợi cho bệnh nhân mắc IBS mà không cho thấy bất kỳ tác dụng phụ nào.
Bảo vệ gan: Dầu Thì là có khả năng ức chế độc tính gan của CCL4 đồng thời làm giảm nồng độ aspartate transaminase (AST) và alanine transaminase (ALT) trong huyết thanh.
Chống nhiễm trùng: Chiết xuất hydro-alcohol của cây Thì là cho hoạt tính chống nhiễm trùng thông qua giảm đau do viêm ở chuột và cho thấy tác dụng giảm đau tuyệt vời trong giai đoạn cuối của thử nghiệm bằng formalin.
Chống oxy hóa: Thì là cho thấy hoạt động chống oxy hóa thông qua thử nghiệm sử dụng các dòng tế bào ung thư phổi (A-549), ung thư vú ở người (MCF-7) và ung thư biểu mô cổ tử cung (HeLa) bằng cách sử dụng H2O2, quét gốc DPPH và kim loại màu. Việc sản xuất ROS cũng được quan sát thấy trong các tế bào được xử lý.
Chống ung thư: Thì là chống ung thư bằng cách tăng hoạt động của caspase-3 và caspase-9. Hơn nữa, hoạt động chống tăng sinh đã được thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư vú.
Tác dụng chống trầm cảm và giảm đau: Chiết xuất nước Thì là được phát hiện có đặc tính chống trầm cảm và giảm đau tốt mà không cho thấy bất kỳ loại tác dụng phụ nào ở liều 250 mg/kg thể trọng.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Đại hồi – Vị thuốc đa công dụng và những bài thuốc hay
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Thì là có tính ấm, vị cay. Quả có tác dụng ấm tỳ vị, giải độc thức ăn, khai vị, tán hàn, hành khí. Cành, lá non hạ khí, lợi cách. Tinh dầu lá, quả giúp kích thích ăn ngon và tiêu hóa.
Trong đông y, Thì là được dùng trong thay Tiểu hồi để giải độc thức ăn, giúp tiêu hóa, chữa nôn đầy đờm trệ. Quả thông kinh, lợi sữa, lợi tiểu. Ngoài ra còn trị viêm thận, sỏi thận, sỏi bàng quang, chữa xơ vữa động mạch, huyết áp cao, xơ cứng mạch não gây nhức đầu, an thần.
4 Các bài thuốc từ cây Thì là
4.1 Chữa rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh
Dùng 60g dịch chiết lá Thì là trộn đều với 15ml nước ép Cần Tây, chia 3 lần uống trong ngày
4.2 Chữa rối loạn tiêu hóa
Dùng thuốc hãm 1-2 thìa cà phê hạt (quả) Thì là trong 1L nước sôi hoặc dùng nước cất hạt 50-100ml uống trong ngày.
4.3 Chữa hơi thở hôi
Nhai 5 – 10 hạt Thì là mỗi ngày sẽ giúp hơi thở thơm tho.
4.4 Chữa cảm lạnh, viêm đường hô hấp
Dùng 60g hạt Thì là chế trong nước sôi, lấy phần nước hòa thêm Mật Ong, chia 3 lần uống trong ngày.
4.5 Chữa mụn nhọt sưng tấy
Lá Thì là tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên các mụn nhọt đã vỡ gây chảy máu. Có thể trộn với một chút bột nghệ để làm làm vết thương nhanh chóng.
4.6 Chữa giảm sưng và đau khớp
Lá Thì là đun trong Dầu Vừng tạo thuốc dạng dầu thoa vào chỗ sưng đau.
4.7 Chữa chứng mất ngủ
Ăn canh cây Thì là hoặc uống trà Thì là trước khi ngủ.
4.8 Chữa thiếu sữa
Uống nước canh Thì là hoặc hãm hạt với nước sôi để uống như trà.
4.9 Trị viêm thận, sỏi bàng quang, sỏi thận
Dùng 1 muỗng canh hạt Thì là, giã nát, chế nước sôi vào hãm, chia làm 5-6 lần uống trong ngày.
Lưu ý: Không nên dùng nhiều Thì là cho mẹ bầu vì chứa chất gây co thắt tử cung.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Garima Yadav, Priyankaraj Sonigra, Mukesh Meena (Ngày đăng 10 tháng 6 năm 2022). A Review on Pharmaceutical and Medicinal Importance of Anethum graveolens L., Acta Scientific Nutritional Health. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả KK Chahal và cộng sự (Đăng vào năm 2017). Chemistry and biological activities of Anethum graveolens L. (dill) essential oil: A review, J Pharmacogn Phytochem. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023.
3. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Thìa là trang 863-864, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023.