Thạch Tầm (Lan Gấm – Ludisia discolor)

Thạch Tầm (Lan Gấm - Ludisia discolor)

Cây Thạch Tầm có tên khoa học là Ludisia discolor (Ker.-Gawl.) A. Rich. Thạch Tầm còn có tên gọi khác là Lan Gấm, được nhân dân sử dụng để chữa lao phổi. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Thạch Tầm

1 Giới thiệu

Hình ảnh lá của cây Thạch Tầm
Hình ảnh lá của cây Thạch Tầm

Tên khoa học: Ludisia discolor (Ker.-Gawl.) A. Rich.

Tên gọi khác: Lan Gấm, Lá Gấm, Lan Cùi Dìa.

Họ thực vật: Lan Orchidaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Thạch Tầm được trồng làm cảnh
Thạch Tầm được trồng làm cảnh

Thạch Tầm thuộc dạng cây thảo, sống ký sinh. Cây thuộc dạng thân mềm, chứa nhiều nước, có hình dáng giống như một con tằm. Phần dưới của Thạch Tầm mọc bò, rễ bén ở các mấu của cây, phần trên mộc đứng, chiều cao dao động khoảng 15 đến 25cm. Bề mặt hơi có lông.

Lá mọc so le, có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, phiến lá có chiều dài khoảng 4-7cm, chiều rộng khoảng 2,5 đến 3cm. Gốc lá tròn, đầu lá tù hơi nhọn. Mặt trên của lá có màu xanh lục hoặc màu tía, mặt dưới có màu hồng hơi ánh tím. Mỗi lá có từ 3-5 gân chính, cong dạng hình cung.

Cuống lá dài kèm theo bẹ ở gốc.

Cụm hoa mọc thành bông ở ngọn thân, chiều dài cụm hoa khoảng 3-8cm, có lông dày.

Lá bắc có màu vàng.

Hoa Thạch Tầm có màu trắng.

Quả nang.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.

1.2 Thu hái và chế biến

Hình ảnh thân cây Thạch Tầm
Hình ảnh thân cây Thạch Tầm

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Phương pháp chế biến: Quanh năm.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Ludisia A Rich có Thạch Tầm là một loài ở nước ta.

Trên thế giới, cây phân bố chủ yếu ở các quốc gia như Malaysia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Việt Nam.

Tại nước ta, Thạch Tầm thường được tìm thấy ở một số tỉnh thuộc vùng núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Đắc Lắc.

Là loại cây ưa ẩm, ưa bóng nên thường mọc thành những đám nhỏ ở dưới những tán rừng hoặc hốc đá với độ cao phân bố từ 700 đến 1500m.

Lá và thân của cây thường có màu đỏ nâu hoặc màu tía để giúp cây có khả năng quang hợp được trong những khu vực có điều kiện ánh sáng yếu.

Cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa mưa ẩm, có khả năng chịu được khí hậu sương mù trong nhiều ngày.

Những nhánh của cây trưởng thành có khả năng ra hoa quả hàng năm và tiếp tục tồn tại cho đến 1 năm sau mới có dấu hiệu tàn lụi.

Thạch Tầm là loại cây thường ra các chồi nhánh từ những nhánh thân đã già khi mọc bò trên mặt đất.

Các đoạn thân bị cắt rời nếu vẫn được tiếp xúc với mặt đất thì có khả năng tái sinh thành cây mới.

Thạch Tầm là loại cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và các đoạn thân.

Thạch Tầm hiện nay đã bị khai thác quá mức, do đó cần có biện pháp bảo vệ và nhân giống cây.

2 Công dụng của cây thạch tầm

Hình ảnh hoa của cây Lan Gấm
Hình ảnh hoa của cây Lan Gấm

2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Thạch Tầm có vị ngọt, tính mát, hơi chát.

Tác dụng: Nhuận phế, an thần, mát phổi, sinh tân dịch, mát máu, tiêu viêm.

2.2 Công dụng

Thạch Tầm được sử dụng để chữa lao phổi, suy nhược thần kinh, đau dạ dày, lao ho ra máu với liều dùng được khuyến cáo là 3-10 sắc lấy nước uống hoặc dùng 10-15g dạng cây tươi.

3 Một số cách trị bệnh từ cây Thạch Tầm

Lá cây Thạch Tầm có màu tía
Lá cây Thạch Tầm có màu tía

3.1 Chữa khạc ra máu, phổi kết hạch, thần kinh suy nhược, ít ngủ, kém ăn

20g Thạch Tầm.

20g Huyền Sâm.

20g Mạch Môn.

20g Thảo Quyết Minh.

20g Ngưu Tất.

20g Hoài Sơn.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

3.2 Chữa viêm phế quản, ho

Sử dụng từ 20-40g mỗi vị Thạch Tầm, Bách Bộ, Ngọc Trúc, Mạch Hộc.

Sắc lấy nước uống.

4 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Thạch Tầm, trang 807-808. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.

Để lại một bình luận