Terpin

Terpin thường được sử dụng dưới dạng Terpin Hydrat được sử dụng trong lâm sàng nhằm mục đích làm loãng chất nhày, long đờm trên đường hô hấp. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Terpin.

1 Thuốc Terpin: Terpin Hydrat

Terpin là hoạt chất có công dụng làm loãng đờm, giúp long đờm, thường được sử dụng dưới dạng hydrat ngậm một phân tử nước.

1.1 Lịch sử ra đời

Terpin hydrat lần đầu tiên được nghiên cứu về mặt sinh lý vào năm 1855 bởi Lépine. Ông đã báo cáo tính chất hyrat là tác động lên màng nhầy và cả hệ thần kinh theo cơ chế tương tự như dầu Nhựa thông.

Terpin đã được sử dụng ở Hoa Kỳ vào cuối thể kỷ 19 với các chế phẩm như thuốc tiêm Terpin hydrat, thuốc tiêm Terpin hydrat với codein…

1.2 Đặc điểm

Danh pháp IUPAC : 4-(2-hydroxypropan-2-yl)-1-methylcyclohexan-1-ol.

Terpin có công thức phân tử là: C10H20O2, dạng hydrat có công thức phân tử là: C10H22O3  hay C10H20O2.H2O.

Trọng lượng phân tử là 172,26 g/mol.

Trạng thái tồn tại: Chất rắn.

Điểm nóng chảy: 158 – 159 độ C.

1.3 Hình cấu tạo và đặc điểm cấu tạo

Công thức cấu tạo:

Công thức cấu tạo của Terpin
Công thức cấu tạo

Terpin là một monoterpenoid p-menthane.

Trong tự nhiên, Terpin có trong húng tây, bạch đàn, nhựa thông, nó còn được tìm thấy hoặc sản xuất bởi Saccharomyces cerevisiae.

Phương pháp điều chế: thêm acid loãng (acid sulfuric 5%) vào các loại dầu như geraniol và linalool.

2 Tác dụng dược lý

2.1 Dược lực học

Terpin hydrat có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc loại bỏ chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Nó ngăn chặn sự trầm trọng của việc sản xuất và bài tiết chất nhầy quá mức do nhiễm trùng đường thở do vi khuẩn hoặc virus, hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính.

Thuốc long đờm như Terpin hydrat làm thay đổi độ đặc của chất nhầy và khiến cơn ho trở nên hiệu quả hơn.

2.2 Cơ chế tác dụng 

Terpin hydrat cải thiện chức năng niêm mạc bằng cách tác động trực tiếp lên các tế bào tiết phế quản ở đường hô hấp dưới để hóa lỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc loại bỏ dịch tiết phế quản cũng như có tác dụng sát trùng yếu trên nhu mô phổi.

Nó được cho là làm tăng lượng chất lỏng trong đường hô hấp, làm tăng lưu lượng và thanh thải các chất kích thích cục bộ cũng như làm giảm độ nhớt của chất nhầy.

3 Chỉ định – Chống chỉ định

3.1 Chỉ định

Terpin thường sử dụng dưới dạng Terpin hydrat được dùng trong điều trị viêm phế quản cấp tính và mãn tính, viêm phổi, làm giãn phế quản, hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh truyền nhiễm và viêm đường hô hấp trên.

Thuốc còn được kết hợp với codein để điều trị triệu chứng ho do cảm lạnh, ho có đờm, ho khan… cũng như các bệnh về đường hô hấp khác.

3.2 Chống chỉ định

Những bệnh nhân có dị ứng với Terpin hay bất cứ thành phần nào của thuốc thì không nên sử dụng.

Không dùng thuốc có Terpin hay codein cho trẻ dưới 30 tháng tuổi.

Người mắc hen suyễn nặng, bệnh nhân bị suy hô hấp không được sử dụng thuốc.

4 Liều dùng – Cách dùng

4.1 Liều dùng 

Đối với người trưởng thành, người trên 18 tuổi: Terpin hydrat được khuyến cáo sử dụng với liều từ 100 – 200 mg tùy theo từng loại bệnh cũng như tùy theo lâm sàng của bệnh nhân.

Trẻ em trên 30 tháng tuổi: liều lượng phụ thuộc cân nặng cũng như độ tuổi của trẻ, dùng theo chỉ định liều cụ thể của bác sĩ.

4.2 Cách dùng 

Thuốc có chứa Terpin được dùng bằng đường uống, khi uống nên dùng với nhiều nước.

==>> Xem thêm về hoạt chất: Codein: Thuốc giảm đau opioid – Dược thư Việt Nam 2022

5 Tác dụng không mong muốn

Biếng ăn, choáng váng, buồn nôn hay nôn, táo bón, khó chịu ở dạ dày, bí tiểu, buồn ngủ… là một số tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng Terpin. Với những phản ứng nhẹ chỉ cần ngừng thuốc là những phản ứng này sẽ hết.

Ngoài ra, các tác dụng phụ nguy hiểm khác có thể gặp phải khi dùng thuốc là mạch chậm, phát ban da, mẩn ngứa, khó thở… cần liên hệ ngay với bác sĩ và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu gặp các tác dụng phụ này.

Những thuốc có sự kết hợp  codein nếu lạm dụng trong thời gian dài có thể gây nghiện thuốc.

6 Tương tác thuốc của Terpin

Các thuốc Terpin có sự kết hợp với Codein khi sử dụng cần lưu ý:

  • Không dùng đồng thời với các loại thuốc ho khác cũng như các chất làm khô chất tiết loại Atropin.
  • Không kết hợp với các thuốc chứa nhóm Morphin khác sẽ có thể tăng tác dụng suy hô hấp.
  • Tránh dùng cùng các thuốc trầm cảm tác dụng lên hệ thần kinh trung ương do sẽ làm tăng tác dụng gây trầm cảm.

==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Digoxin: Thuốc điều trị suy tim, loạn nhịp thất Dược thư Quốc Gia 2022

7 Thận trọng khi sử dụng Terpin

Không sử dụng rượu hay đồ uống có cồn khi đang dùng thuốc.

Do đôi khi có tác dụng phụ là gây choáng váng, buồn ngủ… thận trọng khi sử dụng thuốc đối với những người phải điều kiển máy móc, tàu xe. Tốt nhất không nên lái xe, vận hành máy móc sau khi dùng thuốc.

Không dùng thuốc cho người có dị ứng với Terpin hay các thành phần của thuốc, trẻ em dưới 30 tháng tuổi không được dùng thuốc.

Thuốc đã hết hạn hay bị hư hỏng không nên sử dụng. Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ, độ ẩm cao và để xa tầm tay trẻ em.

8 Các câu hỏi thường gặp về hoạt chất Terpin

8.1 Terpincodein-F là gì?

Thuốc Terpincodein-F là tên biệt dược của một loại thuốc chứa hoạt chất là Terpin hydrat hàm lượng 200 mg và codein với hàm lượng 5 mg ở dạng viên nang.

Thuốc được dùng đường uống và chỉ định cho bệnh nhân trên 12 tuổi để giảm ho, hỗ trợ long đờm cho các trường hợp viêm phế quản, ho gió, ho khan…

8.2 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được Terpin không?

Nên thật thận trọng khi sử dụng Terpin cho nhóm đối tượng này. Chỉ sử dụng khi các bác sĩ đã cân nhắc kỹ càng và thấy lợi ích vượt trội so với các rủi ro có thể gặp phải. 

Với bà mẹ cho con bú, nên dừng cho con bú trong thời gian điều trị với thuốc.

9 Các dạng bào chế phổ biến của Terpin

Tại thị trường Việt Nam hiện tại không lưu hành Terpin ở dạng đơn độc mà thường kết hợp Terpin với codein hay Dextromethorphan dưới dạng viên nang, hay siro,… với hàm lượng Terpin codein 100mg/10mg, Terpin dextromethorphan 100mg/5mg, cũng như rất nhiều tỷ lệ hàm lượng khác…

Những thuốc chứa Terpin codein – thuốc biệt dược có thể kể đến là: Neo – Corclion, Terpin Codein – F, Dexpin, Terdobon, Terpincold, Neo – Godian, Kacotidin, Terpin-Codein Mekophar, Haterpin, Panadol cảm cúm Extra, Cozeter, Acodine, Terpin – Codein HD, Terpine Gonnon, Terpin Cophan, Tercodol, Eurodin…

10 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả: Chuyên gia Pubchem (Cập nhật ngày 20 tháng 08 năm 2023). Terpin, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 08 năm 2023.
  2. Tác giả: Chuyên gia Drugbank (Cập nhật ngày 27 tháng 05 năm 2021). Terpin hydrate, Drugbank. Truy cập ngày 25 tháng 08 năm 2023.
  3. Tác giả: Chuyên gia Vidal (Cập nhật ngày 18 tháng 07 năm 2023). SUBSTANCE ACTIVE TERPINE, Vidal. Truy cập ngày 25 tháng 08 năm 2023.

Để lại một bình luận