Táo Ta (Ziziphus mauritiana)

Táo Ta  (Ziziphus mauritiana)

Táo ta là loại cây quen thuộc trong cuộc sống, được biết đến là một lại trái cây bổ sung Vitamin C cho cơ thể, ngoài ra còn có nhiều lợi ích điều trị bệnh. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về dược liệu Táo ta.

Hình 1: Quả táo ta
Hình 1: Quả táo ta

1 Tổng quan 

1.1 Tên gọi, danh pháp 

Tên Tiếng Việt: Táo ta.

Tên khác: Táo chua; toan táo nhân/ hắc táo nhân, táo nhục, mác tảo.

Tên khoa học: Ziziphus mauritiana Lamk Rhamnaceace.

1.2 Đặc điểm tự nhiên 

Táo ta là cây cao từ 6 đến 8 m, cây ưa sáng và ưa ẩm nhiều, do đó thời gian cây phát triển mạnh nhất là vào mùa mưa. Tuy nhiên trong môi trường tự nhiên, cây Táo ta có thể phát triển cả khi ở điều kiện khô hạn.

Vỏ thân cây xù xì, nứt nẻ. Cành táo có đặc điểm mọc lòa xòa, lan rộng theo hướng nằm ngang; trên bề mặt của cành sẽ thấy sự xuất hiện của lớp lông mềm khi cành còn non, khi già chúng chuyển sang nhẵn thín.

Lá cây thường mọc so le, có khi là hình bầu dục hay trái xoan, chiều dài lá từ 2,5 – 7 cm, bề rộng từ 1,5 – 5,5 cm. Mặt trên lá thường nhẵn, xanh đậm, mặt dưới nhạt màu hơn, mép lá có hình răng cưa. Gân nổi rõ và nằm ở mặt dưới của lá, cuống lá dài 7 -10 mm.

Hình 2: Đặc điểm thực vật của cây Táo ta
Hình 2: Đặc điểm thực vật của cây Táo ta

Hoa táo mọc cụm, màu trắng nhạt. Quả hạch, hình cầu, vỏ nhẵn bóng, màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng đến nâu. Cùi quả dày và nạc, vị chua ngọt, 01 hạt bên trong cứng.

Mùa thu hoạch quả thường là mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8.

1.3 Phân bố, thu hái, chế biến 

Táo ta có xuất xứ từ Châu Phi, sau đó lan rộng ra các nước nhiệt đới khác. Ở Việt Nam, táo ta được trồng ở khắp mọi nơi, trừ vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới.

Quả táo bắt đầu chín vào tháng 11, 12. Khi vỏ quả chuyển sang màu vàng là có thể thu hoạch được. Nếu thu hoạch quá sớm khi quả còn non thì khi ăn sẽ còn vị đắng, nhớt, còn quả già sẽ có vị chua nhiều do lên men.

Quả được thu hái bằng tay, trung bình một cây có thể thu được 50 đến 200 kg.

Quả táo có thể ăn lúc xanh hoặc chín, hoặc có thể dùng sau khi phơi sấy khô. Muốn thu hoạch toan táo nhân (phần thịt bên trong hạt táo) thì đập vỡ vỏ hạt để lấy nhân rồi phơi khô.

1.4 Bộ phận sử dụng 

Bộ phận dùng của táo ta là vỏ cây, lá cây, quả và hạt táo.

Hình 3: Cây táo ta
Hình 3: Cây táo ta

2 Thành phần hoá học

Phần thịt quả có các thành phần: Nước (chiếm chủ yếu), protein, chất béo, carbohydrate, calci, Vitamin A, vitamin C.

Vỏ thân chứa mauritin A, mauritin B, amphibin D, frangufolin, acid berolinic.

Vỏ rễ chứa alkaloid cyclopentid là mauritin J.

Lá chứa Rutin.

Nhân táo có flavon glycosid (swertisin, spinosin, acylspinosin).

Hình 4: Thành phần hóa học của Táo ta
Hình 4: Thành phần hóa học của Táo ta

3 Công dụng

3.1 Theo y học cổ truyền 

3.1.1 Tính vị, công năng

Toan táo nhân có vị chua ngọt, tính bình, vào kinh tâm, tỳ, can, có tác dụng dưỡng can, minh tâm, an thần, liễm hãn.

Điều trị chứng hư phiền khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, phiền khát, mồ hôi trộm

Dùng riêng nghiền thành bột uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hàng ngày: 0,8 đến 1,2 g tương đương 15 đến 20 hạt. Nếu dùng liều cao (khoảng 6 đến 10 g) phải sao đen.

3.1.2 Chữa viêm phế quản, hen, khó thở

Theo kinh nghiệm nhân dân, lá táo có thể chữa hen. Theo Viện Chống lao Hà Nội, lá táo có thể chữa viêm phế quản, khó thở. Nghiên cứu cho thấy khi dùng chế phẩm viên ngậm lá táo điều trị cơn hen phế quản cho thấy hiệu quả rõ rệt, liều 1 đến 5 viên ngậm liên tục trong ngày có thể ngăn chặn sự xuất hiện cơn hen trong một số trường hợp, ngoài ra còn có tác dụng long đờm, giảm ho.

Hình 5: Vị thuốc Táo ta
Hình 5: Vị thuốc Táo ta

3.2 Tác dụng dược lý

Tác dụng an thần gây ngủ

Nghiên cứu trên chuột nhắt trắng cho thấy nước sắc hạt táo có tác dụng an thần gây ngủ, nếu dùng liên tục khoảng 1 tuần thì có hiện tượng quen thuốc, nếu ngưng thuốc sau 1 tuần thì hiện tượng này biến mất. 

Hạt táo dùng qua đường uống có tác dụng làm giảm số lần hình thành phản xạ có điều kiện, ức chế đại não. Ở mèo, có hiện tượng ức chế thao cuồng do Morphin.

Hạt táo dùng sống hoặc sao đều có tác dụng an thần nhưng dùng sống thì tác dụng yếu hơn. Tuy nhiên nếu sao quá lâu, phần dầu trong nhân bị khô thì mất tác dụng này.

Một số tài liệu cho thấy các flavon như swertisin, spinosin, acylspinosin chiết tách từ nhân táo có tác dụng an thần vừa phải trên động vật thí nghiệm.

3.2.1 Giảm đau, kháng co giật, hạ nhiệt

Ở chuột nhắt trắng, nước sắc hạt táo uống hoặc tiêm đều có tác dụng hạ nhiệt, đối kháng co giật do strychnin gây nên, nhưng không có đối kháng co giật do kích thích điện.

3.2.2 Tác dụng trên tim mạch

Trên động vật thí nghiệm, hạt táo có tác dụng hạ huyết áp kéo dài, phong bế sự dẫn truyền trong cơ tim.

3.2.3 Tác dụng trên vết bỏng

Hạt táo dùng đơn độc hoặc phối hợp Ngũ Vị Tử có khả năng nâng cao tỷ lệ sống sót của chuột bị bỏng, kéo dài thời gian sống, ngăn ngừa, làm chậm sự xuất hiện sốc và giảm phù nề cục bộ.

3.2.4 Tác dụng khác

Đối với tử cung chuột, hạt táo có tác dụng kích thích nên khi dùng cho phụ nữ có thai phải hết sức thận trọng.

4 Liều dùng & cách dùng

Điều trị chứng hư phiền khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, phiền khát, mồ hôi trộm

Dùng riêng nghiền thành bột uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hàng ngày: 0,8 đến 1,2 g tương đương 15 đến 20 hạt. Nếu dùng liều cao (khoảng 6 đến 10 g) phải sao đen.

5 Bài thuốc kinh nghiệm

5.1 Chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược

Chuẩn bị: Toan táo nhân (sao đen) 6 g, Phục Linh 5 g, Xuyên Khung 3 g, Tri mẫu 4 g, Cam Thảo 2 g, nước 600 ml.

Thực hiện: Sắc còn 200 ml, chia uống 3 lần trong ngày.

5.2 Chữa đổ mồ hôi trộm

Chuẩn bị: Toan táo nhân, Nhân Sâm, Phục linh (liều lượng bằng nhau).

Thực hiện: Nghiền tất cả thành bột mịn, mỗi lần uống nửa chén nhỏ với nước cháo (theo tài liệu Trung Quốc).

5.3 Chữa hồi hộp, bồn chồn, hay hoảng hốt, ngủ mê sảng

Chuẩn bị: Toan táo nhân (sao đen) 6 g, Long nhãn 12 g, Mạch Môn 12 g, Hạt Sen 12 g, Sinh Địa 12 g, Thảo Quyết Minh 12 g.

Thực hiện: Sắc nước hoặc làm viên uống trong ngày.

5.4 Chữa hen

Chuẩn bị: Lá táo (sao vàng) 200 đến 300 g.

Thực hiện: Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn 1 giờ. Uống liên tục 1 tuần đến 2 tháng.

5.5 Viên ngậm chữa hen

Chuẩn bị: Cao lá táo (5:1) 20 mg, cao Cà độc dược 1 mg, cao Gừng 0,5 mg, cao Trần Bì 2 mg, tá dược vừa đủ. 

Thực hiện: Ngậm 1 đến 5 viên cả ngày giúp ngừa cơn hen rõ rệt.

5.6 Chữa ho gà

Chuẩn bị: Lá táo 300 g, Lá chanh 300 g, Lá dâu 200 g.

Thực hiện: Phơi khô các lá trên, tán thành bột mịn, luyện với Mật Ong thành viên cỡ hạt đậu xanh. Ngày uống 40 đến 60 viên, chia làm 2 lần.

5.7 Lưu ý

Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai vì khả năng kích thích co bóp tử cung của hạt táo trên chuột thí nghiệm.

Lá táo dùng qua đường uống có thể gây độc tính thấp, hạ huyết áp nhẹ, làm giảm hiện tượng co mạch, tăng nhu động ruột.

6 Tài liệu tham khảo

1. Om Prakash và cộng sự (Ngày đăng: năm 2021). A panoramic view on phytochemical, nutritional, and therapeutic attributes of Ziziphus mauritiana Lam.: A comprehensive review, Pubmed. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2023.

2. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Táo Chua trang 787 – 790, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2023.

Để lại một bình luận