Táo Nhân là hạt của quả táo ta, có tác dụng trị mất ngủ, tim đập hồi hộp…. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Táo nhân.
1 Giới thiệu về vị thuốc Toan Táo Nhân
Toan táo nhân hay Táo nhân là hạt già đã phơi hay sấy khô của cây Táo ta, tên khác là cây Táo chua. Cây Táo Chua có tên khoa học là Ziziphus mauritiana Lamk., thuộc họ Táo ta – Rhamnaceae.
Táo nhân có tên khoa học là Semen Ziziphi mauritianae
2 Mô tả Vị thuốc Toan táo nhân
Hạt hình cầu hay hình trứng dẹt, một mặt gần như phẳng, một mặt khum hình thấu kính, có một đầu hơi nhọn, có rốn hơi lõm xuống màu nâu thẫm, dài khoảng 0,5 cm đến 0,8 cm, rộng 0,4 cm đến 0,6 cm, dày chừng 0,1 cm đến 0,2 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ hay nâu vàng tới nâu thẫm. Thể chất toan táo nhân mềm, dễ cất ngang.
2.1 Vi phẫu
Vỏ hạt táo có hai lớp tế bào: gồm biểu bì xếp đều đặn bên ngoài và tế bào mô cứng hình chữ nhật phía trong, thành dày và xếp đứng theo hướng xuyên tâm. Vài hàng tế bào mô mềm thảnh mỏng bị bẹp ở sát tế bào mô cứng, một số bó libe – gỗ nằm rải rác. Tế bào hình nhiều cạnh cấu tạo nên nội nhũ, xếp lộn xộn và thành khá mỏng. Trong tế bào quan sát thấy chất dự trữ và những giọt dầu. Một lớp tế bào hình bầu dục dài ở phía mặt trong, và hai lá mầm xếp úp và bằng nhau ở trong cùng.
3 Thu hái, chế biến
Quả táo ta chín được thu hoạch vào cuối thu hay đầu đông, loại bỏ thịt quả, lấy hạch đem xay sẽ được nhân, đem nhân đi phơi hay sấy khô, khi dùng thì dùng sống hay sao đen, tuy nhiên nếu dùng sống nên dùng liều thấp
Toan táo nhân: Táo nhân sau khi loại bỏ hạch cứng, giã nát trước khi dùng
Toan táo nhân sao: Dùng Táo nhân sạch, đem sao trên lửa nhỏ cho tới khi hạt phồng lên, chuyển sang màu thẫm. Khi dùng đem toan táo nhân sao giã nát
3.1 Tại sao phải sao đen vị táo nhân trước khi sử dụng?
Do trong hạt táo chứa amygdalin có khả năng giải phóng ra xyanua trong dạ dày, nên khi dùng liều cao dễ gây độc, vì vậy người ta thường dùng Toan táo nhân (sao đen), có tài liệu còn ghi đốt tồn tính hạt táo, để giảm độc tính, tránh gây độc cho cơ thể. Vị thuốc này còn có tên gọi là Hắc táo nhân.
4 Thành phần hóa học
Có tài liệu ghi chép trong táo nhân có hai loại phytosterol có công thức và tính chất khác nhau, ngoài ra còn có dầu và không có ancaloit
Ngoài ra, có nghiên cứu còn chỉ ra thành phần chủ yếu của Toan táo nhân là acid betulinic và betulin, Vitamin C.
Khoảng 2,52% Saponin trong táo nhân đã được tìm thấy
5 Táo nhân có tác dụng gì?
Táo nhân đã được báo cáo với tác dụng trấn tĩnh tại Trung Quốc từ năm 1956. Tác giả đã dùng Dung dịch nước nhân hạt táo đem tiêm màng bụng hoặc thụt vào dạ dày và ruột chuột nhắt đã gây kích thích bằng Cafein benzoat natri, với liều 5g/kg quan sát thấy có tác dụng trấn tĩnh, tương tự như tác dụng của thuốc ngủ bacbituric
6 Công dụng
Theo y học cổ truyền, táo nhân có vị ngọt, tính bình, quy kinh can, tâm, tỳ, đởm
Tác dụng bổ can, đởm, an thần, định tâm, liễm hãn, sinh tân. Dùng để chữa hư phiền không ngủ được, tim đập hồi hộp hay quên, ngủ mê, tân dịch ít, miệng khô háo khát do tân dịch thương tổn, người yếu, cơ thể hư nhược ra nhiều mồ hôi
Liều dùng mỗi ngày từ 9-15g đối với dược liệu đã chế biến (sao đen), còn với hạt chưa chế biến, táo nhân chỉ dùng khoảng 0,8-1,8g, dùng phối hợp với các vị thuốc khác
Cách dùng táo nhân: Có thể đem sắc lấy nước uống
Kiêng kỵ: Không dùng cho người có thực tà, uất hỏa
7 Bài thuốc chứa Táo nhân
7.1 Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh
Dùng 6g Toan táo nhân (sao đen), 5g phục linh, 4g tri mẫu, 3g xuyên khung, 2g cam thảo, sắc cùng 600ml sao cho còn 200ml đem chia uống 3 lần mỗi ngày.
7.2 Toan táo nhân thang
12-20g Toan táo nhân (quân) có tác dụng dưỡng huyết bổ Can, minh Tâm, an Thần.
12g Phục Linh (thần) có tác dụng Ninh tâm, an thần, tư dưỡng nhuận táo, thanh nhiệt trừ phiền.
8-12g Tri mẫu (thần) có tác dụng Ninh tâm, an thần, tư dưỡng nhuận táo, thanh nhiệt trừ phiền.
4-6g Xuyên Khung (tá) có tác dụng điều Can huyết, sơ Can khí. Phối hợp với Toan táo nhân để tăng tác dụng tân tán và toan thu.
4g Cam Thảo (sứ) có tác dụng hòa trung, hoãn cấp, điều hòa các vị thuốc.
Toan táo nhân thang chủ trị: Can huyết bất túc, hư nhiệt nội nhiễu với các triệu chứng bao gồm hư phiền, thất miên, hầu can khẩu táo, nhiệt hồng, mạch Huyền Tế (Hư phiền, mất ngủ, họng khô miệng táo, lưỡi đỏ, mạch Huyền Tế) do Can huyết bất túc, âm hư nội nhiệt. Ngoài ra, Toan táo nhân thang có tác dụng dưỡng Tâm an thần, thanh nhiệt trừ phiền.
Tác dụng: Dưỡng huyết an thần, thanh nhiệt trừ phiền. Trị Can huyết không đủ sinh ra chứng hư phiền, khó ngủ, tim hồi hộp, váng đầu, hoa mắt, ra mồ hôi trộm, miệng họng khô, mạch Huyền hoặc Tế Sác.
Giải thích: Toan táo nhân bổ Can dưỡng huyết, là chủ dược; phò tá có Xuyên khung dẫn thuốc lên vùng đầu mặt, sơ Can tán uất; Tri mẫu có tác dụng giáng hỏa, thanh can dương; Phục linh có tác dụng an thần; Cam thảo hoãn cấp điều trung. Bài này dùng trị bệnh Can khí uất kết hóa hỏa gây ra mất ngủ.
Ứng dụng lâm sàng: Bài này thường dùng trị mất ngủ trong bệnh suy nhược thần kinh do Can huyết không đủ, suy nhược thần kinh, rối loạn tiền mãn kinh, huyết áp cao, bệnh về tim dẫn đến hồi hộp, mất ngủ, chóng mặt, mồ hôi trộm, di tinh.
Gia giảm:
- Có hư nhiệt, thêm Đương Quy, Bạch Thược, Sinh Địa để dưỡng âm huyết, lương huyết, hòa Can, thanh nhiệt.
- Ra mồ hôi nhiều, thêm Mạch Môn, Ngũ vị để an thần, liễm hãn.
- Tim hồi hộp nhiều, khó ngủ, thêm Long xỉ để trấn kinh.
- Trường hợp tâm khí hư, người mệt mỏi, thêm Đảng Sâm, Long xỉ để ích khí, trấn kinh.
La Khiêm Phủ nói: ‘Sách ‘Nội kinh viết: ‘Can tàng cân, người ta nằm thì huyết dồn về Can’. Lại viết: ‘Can là gốc của sự mỏi mệt’, cũng như ‘Lao động quá thì dương khí càng thịnh; Mỏi mệt quá thì tổn thương Can; Lao phiền quá thì âm tinh tuyệt; Can thương tinh tuyệt thì hư lao, hư phiền, chắc chắn sẽ không nằm được”. Táo nhân chua, bình, ứng với Thiếu dương mộc mà trị Can, quá lắm thì nên thu, nên bổ, dùng Toan táo nhân tới hai thăng, để sinh tân huyết, dưỡng Can huyết, tức là lấy vị chua để thu liễm, lấy vị chua để bồi bổ là như vậy. Nhưng Can khí uất muốn tán, lấy Xn lại nói lấy cay tân mà tán, để giúp cho Táo nhân thông Can điều vinh, nên lại nói lấy cay để bổ. Can khí cấp muốn hoán, hoãn thì lấy Cam thảo ngọt, hoăn, để phòng Xuyên khung sơ tiết quá gấp, đó tức là lấy thổ để bảo vệ. Tuy nhiên, sợ răng lao động nhọc mệt quá thì hỏả phát, âm bị tổn thương, dương kên vượng, phần dương không đi vào âm, mà vẫn không ngủ được, cho nên mượn Tri mẫu làm tá để bổ âm thủỷ mà chế hỏa, Phục linh lợi dương thuỹ (nước tiểu) để bình âm, làm cho thuy mạnh lên thì hỏa tự yên, hỏa thanh thì thần cũng yên tĩnh. Thật là bài thuốc trị Can bị hư lao cực kỳ diệu nhất (Sán bổ danh y phương luận).
8 Tài liệu tham khảo
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Táo ta trang 788-790, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 27 tháng 06 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận dược liệu: Táo (hạt) trang 1323-1324, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2023.