Tang Bạch Bì (Cortex Mori albae radicis)

Tang Bạch Bì (Cortex Mori albae radicis)

Tang bạch bì là vị thuốc phổ biến có trong các bài thuốc để trị ho, long đờm, sốt cao, chướng bụng… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về vị thuốc Tang bạch bì.

1 Tang bạch bì là gì?

Vị thuốc Tang bạch bì có tên khoa học là Cortex Mori albae radicis có nguồn gốc từ cây Dâu tằm – Morus alba L. (họ dâu tằm – Moraceae). 

Tang bạch bì bộ phận dùng là vỏ rễ cây dâu tằm. Lấy vỏ rễ của cây dâu tằm, rửa sạch, cạo lớp bần, bổ dọc, sau đó đem phơi hay sấy đến khô, ta thu được Tang bạch bì. Vỏ cây dâu tằm được thu hái trước khi cây nảy mầm, vào cuối mùa thu đến đầu mùa xuân

Tang bạch bì là vỏ rễ của cây dâu tằm
Tang bạch bì là vỏ rễ của cây dâu tằm

1.1 Mô tả dược liệu

1.1.1 Mô tả cây dâu tằm

Cây dâu tằm là loại cây thân gỗ, cao tới 6m. Lá dâu tằm hình trứng có chiều dài khoảng 8 đến 15cm, rộng từ 7 đến 13cm. Trên mặt lá có màu lục hơi ngả vàng, mặt dưới có màu nhạt hơn so với mặt trên, các gân lá nổi rõ, các gân chính và phụ tạo ra hình như mạng lưới, lá có mùi thơm nhẹ.

Cây ưa sáng phù hợp sinh trưởng trong điều kiện ẩm. 

Hình ảnh cây dâu tằm
Hình ảnh cây dâu tằm

1.1.2 Mô tả vị thuốc Tang bạch bì theo Dược điển

Tang bạch bì dược điển được mô tả có những mảnh vỏ rễ, chúng có hình ống, hình máng hai mép cuốn lại hoặc hình những mảnh dẹt phẳng, đôi khi quăn queo, chúng có chiều dài và chiều rộng khác khau tùy thuộc vào tuổi cây dâu tằm cũng như kích thước khi thu hái, chế biến, chiều dày từ 1 – 4 mm; mặt ngoài có màu trắng hoặc vàng nhạt đến hơi nâu hay xám, mặt ngoài khá nhẵn. Vỏ cây nhẹ, dễ tước nhỏ nhưng dai, khó bẻ ngang. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt.

Vi phẫu vị thuốc Tang bạch bì

Mặt cắt ngang gồm: Libe rộng, có từ 2 đến 4 hàng tế bào. Ống Nhựa mủ rải rác; sợi rải rác ờ dạng đơn lẻ hoặc tụ lại thành bó, thành không hóa gỗ hoặc hơi hóa gỗ. Tế bào mô mềm chứa hạt tinh bột, một số có chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Các đám mô cứng lẫn với các tế bào đá rải rác trong vỏ rễ già, đa số các tế bào này có chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ.

1.2 Tính chất khác

Độ ẩm: Nhỏ hơn hoặc bằng 12%
Tro toàn phần: Nhỏ hơn hoặc bằng 9%
Tạp chất khác: Nhỏ hơn hoặc bằng 1%

1.3 Bào chế

Tang bạch bì có thể được bào chế thành tang bạch bì sợi hay mật tang bạch bì. Tang bạch bì sợi là sợi tang bạch bì được ủ hơi mềm, tước sợi nhỏ, sau đó phơi hay sấy đến khô. Còn mật tang bạch bì, ta dùng mật ong, trộn cùng với tang bạch bì đã tước sợi theo tỷ lệ 10 kg tang bạch bì sợi ta cho 2kg Mật Ong đã canh, ủ cho ngấm rồi sao đến khi dược liệu màu vàng, không bị dính tay là được

1.4 Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, sau khi đã khô, có thể để dược liệu vào bao bì kín, cất đi, tránh cất ở nơi có độ ẩm cao gây mốc, hay nơi dễ có mọt, mối

2 Thành phần hóa học của tang bạch bì

Trong Tang bạch bì đã tìm thấy các thành phần: Mullberin, cyclomullberin, mullberanol, beta tocopherol, umbeliferon, seopoletin, sitosterol,…

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra, trong Tang bạch bì có bốn glycoside stilbene loại benzofuran mới và 14 hợp chất đã biết bao gồm 8 stilben loại benzofuran và 6 Flavonoid đã được phân lập. Các hợp chất mới được xác định là (9 R )-moracin P 3′- O -α- l -arabinopyranoside ( 1 ), (9 R )-moracin P 9- O -β- d -glucopyranoside ( 2 ), (9 R )-moracin P 3′- O -β- d -glucopyranoside ( 3 ) và (9 R )-moracin O 10- O -β- d -glucopyranoside ( 4) dựa trên giải thích quang phổ và phân tích hóa học. Ba stilben loại benzofuran, moracin O ( 5 ), R ( 7 ) và P ( 8 ) cho thấy hoạt động bảo vệ thần kinh đáng kể chống lại sự chết tế bào do glutamate gây ra trong các tế bào SK-N-SH. Ngoài ra, moracin O ( 5 ) và P ( 8 ) cũng cho thấy khả năng ức chế đáng kể cơn đau do axit axetic gây ra. 

Thành phần hóa học của Tang bạch bì
Thành phần hóa học của Tang bạch bì

3 Tang bạch bì có tác dụng gì?

Tính vị, quy kinh: Tang bạch bì có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, quy kinh phế

Công năng, chủ trị: Theo y học cổ truyền, Tang bạch bì giúp thanh phế, lợi thủy tiêu thũng, bình suyễn. Trị: Thủy thũng đầy trướng, ho suyễn do phế nhiệt, tiểu ít, phù thũng

Liều dùng:  Dùng dưới dạng thuốc sắc từ 6-12g

Theo các nghiên cứu hiện đại, Tang bạch bì có tác dụng bảo vệ thần kinh, giảm đau

Một số công dụng của Tang bạch bì
Một số công dụng của Tang bạch bì

4 Bài thuốc có Tang bạch bì

4.1 Chữa ho lâu năm

Nguyên liệu: 10g Tang bạch bì, 10g vỏ rễ chanh. Đem sắc uống hàng ngày

4.2 Chữa ho, viêm họng

Nguyên liệu: 10g Tang bạch bì, 10g Bách Bộ, 10g Mạch Môn, 5g Xạ Can, 5g Vỏ quýt 5g, 5g Cam Thảo dây.

Làm thành thuốc ngậm mỗi lần ngậm 3g, ngày ngậm 4-5 lần, hay bào chế dạng cao lỏng, mỗi lần dùng 1 thìa cà phê

4.3 Chữa ho ra máu

Nguyên liệu: Tang bạch bì, Thiên môn,  Cúc hoa, Cỏ nhọ nồi, Mạch môn, quả Dành dành, Sinh Địa, Trắc bách diệp mỗi vị 12g.

Đem săc uống, uống mỗi ngày 1 thang.

4.4 Tang bạch bì trị rụng tóc

Dùng Tang bạch bì giã nát, ngâm với nước rồi đun trong 30 phút, dùng gội đầu

5 Tài liệu tham khảo

  1. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2004). Dâu tằm trang 613 – 618, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023.
  2. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận Dược liệu: Dâu (Vỏ rễ) trang 1137 – 1138, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023.
  3. Tác giả: Ya-Nan Wang và cộng sự (Ngày đăng: năm 2017). Bioactive Benzofuran Derivatives from Cortex Mori Radicis, and Their Neuroprotective and Analgesic Activities Mediated by mGluR1, MDPI. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023

Để lại một bình luận