Tân di hoa là nụ của hoa mộc lan, sau khi phơi hoặc sấy khô, theo quan niệm Đông Y là vị thuốc có công dụng khu phong, giải biểu, chỉ thống, thông khiếu nhờ vị cay và tính ấm của dược liệu. Trong bài viết này Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về vị thuốc Tân di hoa.
1 Tổng quan về Tân di hoa
1.1 Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng việt: Tân di hoa.
Tên khác: Bút hoa; Mộc lan, Bạch mộc liên, Ngọc lan hoa, Nghinh xuân; Khương phác hoa; Tân thẩu; Phòng mộc; Trân trĩ; Hâu đào.
Tên khoa học: Flos Magnolia liliiflora.
Họ: Ngọc lan (danh pháp khoa học: Magnoliaceae).
1.2 Mô tả thực vật
Tân Di hoa thường có kích thước nhỏ, hình trứng. Nụ hoa có lớp phủ tạo từ lông trắng xám dày mịn, sau khi phơi khô có màu xám đen.
1.3 Phân bố, thu hái, chế biến
Mộc lan phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, bởi vậy tân di hoa được biết đến có nguồn gốc từ Trung Quốc là chủ yếu, có nhiều nhất là ở các tỉnh Thiểm Tây, Tứ Xuyên, An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc,… Tại Việt Nam không có loài cây này.
Hoa thường được thu hoạch khi chưa nở, thời gian thu hoạch trong năm là cuối thu và đầu xuân.
Sau khi hái về, nụ hoa sẽ được cắt bỏ cành, phơi đến kho trong nơi râm mát, chú ý không phơi ngoài nắng do nhiệt độ cao sẽ làm giảm đi dược tính.
1.4 Bộ phận sử dụng
Nụ hoa của cây mộc lan.
2 Thành phần hoá học
Các thành phần hóa học chứa trong Tân di hoa bao gồm: Paeonidin, Magnoflorine, Lignans, Salicifoline, Cineol, a-Pinene, , Fargesin,…
3 Công dụng
3.1 Theo y học cổ truyền
Tính vị: Tân di vị cay, tính ôn.
Quy kinh; Tân di hoa quy vào kinh phế và vị.
Công dụng: khu phong giải biểu, thông khiếu chỉ thống.
Chủ trị: Tân di hoa được sử dụng khá phổ biến để trị viêm mũi, viêm xoang, nghẹt mũi, chảy nước mũi..
Kiêng kỵ: Người mắc chứng âm hư hỏa vượng không nên dùng.
3.2 Tác dụng dược lý
Nước sắc từ tân di hoa có tác dụng ức chế nấm da mạnh.
Khi tiêm mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khoang bụng có gây tê của súc vật dịch chiết của tân di hoa thì ghi nhận tác dụng hạ áp rõ rệt. Tuy nhiên không thấy tác dụng này khi cho súc vật uống nước sắc tân di hoa.
Khi sử dụng nước tắc từ tân di hoa ghi nhận tử cung của chó, thỏ bị kích thích và làm giảm dịch tiết ở mũi.
Tân di hoa có tác dụng giãn mạch, tăng lưu thông máu và ức chế một số virus/vi khuẩn gây nhiễm trùng hô hấp trên.
4 Liều dùng & cách dùng
4.1 Liều dùng
Liều thường dùng trong ngày của tân di hoa là từ 4g trở lên và không dùng quá 20g mỗi ngày.
Thuốc được dùng dưới dạng sắc nước, hãm trà, thuốc bột và thêm vào các món ăn.
4.2 Bài thuốc có Tân di hoa
4.2.1 Bài thuốc chữa cảm mạo gây tắc mũi, đau đầu
Tô diệp 6g, tân di hoa 3g đem sắc lấy nước uống hằng ngày.
4.2.2 Giảm dịch tiết hô hấp, thông mũi
Tân di hoa đem sấy đến khô, tán thành bột mịn, bảo quản nơi mát, khi dùng lấy 1 ít hít vào mũi.
4.2.3 Trị viêm xoang và viêm mũi
Luộc 3 quả trứng gà với 9g tân di hoa, uống nước luộc và ăn trứng.
Rửa sạch với lượng bằng nhau các loại Bạch Chỉ, Bạc Hà, tân di hoa, Ké Đầu Ngựa. Đem sắc uống.
4.2.4 Chữa ho
Dùng từ 5 đến 7 nụ tân di hoa sắc kỹ lấy nước, hòa với Mật Ong uống hàng ngày.
4.2.5 Chữa chứng hoa mắt chóng mặt, say nắng, bức bối trong ngực
Dùng từ 5 đến 7 nụ tân di hoa hãm với trà mạn uống hằng ngày.
4.2.6 Chữa đau đầu do mạch máu ứ tắc và tăng huyết áp
Dùng từ 3 đến 12g tân di hoa hãm với nước uống thay trà, có thể thêm đường phèn tùy sở thích.
4.3 Lưu ý
Thận trọng trong bào chế thuốc nhỏ mũi nhằm hạn chế nguy cơ nóng rát niêm mạc mũi và nhiễm trùng.
Tân di hoa là vị thuốc quý có công dụng điều trị các chứng bệnh về đường hô hấp trên như viêm xoang và viêm mũi. Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng dược liệu. Cần tiến hành thăm khám để thầy thuốc hướng dẫn bài thuốc điều trị phù hợp.
5 Tài liệu tham khảo
1. Wolfgang Schühly và cộng sự (Ngày đăng: tháng 2 năm 2009). Chemical characterization of Magnolia biondii (Flos Magnoliae, Xin Yi), Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2023.
2. Wen-Shu Wang và cộng sự (Ngày đăng: tháng 1 năm 2012). Lignans from the flower buds of Magnolia liliflora Desr, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2023.