Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị ho, phong thấp, trĩ…, Tầm xuân được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Tầm xuân.
1 Cây Tầm xuân là cây gì?
Tầm Xuân còn có tên gọi khác là Hồng tầm xuân, Hoa hồng dại, Dã tường vi; là cây ưa ẩm, ưa sáng, có thể hơi chịu bóng, thường được trồng làm cảnh, ở độ cao 700-1500m..
Tên khoa học của Tầm xuân là Rosa multiflora Thunb., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Tầm xuân.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi cao 1-2m, phân nhánh nhiều. Thân, cành thường nhẵn, vỏ màu nâu nhạt hay xám nhạt, có nhiều gai cong. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 5 lá chét, những lá gần ngọn có hoa thường 3 lá chét; lá chét hình bầu dục đến hình mũi mác, dài 1,5 đến 3cm, rộng 0,8 đến 2cm, gốc gần tròn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt; mép khía răng cưa, lá kèm rất hẹp có lông.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm phân nhánh. Lá bắc nhỏ. Hoa có nhiều màu: đỏ, trắng, hồng; đài 5 răng hẹp, có lông; tràng 5 cánh mỏng rời nhau; nhị nhiều; lá noãn nằm rời trong đế hoa lõm có lông. Quả già nhỏ, hình cầu, không gai, khi chín màu vàng, chứa nhiều quả bế. Mùa hoa quả vào tháng 3 đến tháng 6.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, hoa, cũng dùng cả lá và quả.
Rễ thu hái vào mùa thu, hoa hái sau khi nở, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm, sau lan ra vùng cận nhiệt và nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây được trồng ở nhiều nơi.
2 Thành phần hóa học
Bộ phận | Thành phần |
Cây | ß-sitosterol, Glycoside-F, Rosamultin |
Rễ | 2,18-dihydroxyursolic-acid, Tormentic acid |
Lá | Ascorbic acid, D-catechin, Kaempferol-3-0-glucoside |
Hoa | Astragalin, Multiflorin |
Quả | 3-rhamnoglucosylkaempferol, 5-alpha-stigmastan-3,6-dione, 6,7-dimethylaesculetin, 6,7-dimethylesculetin, Afzelin, Campesterol, Carotene, Cholesterol, Gallic acid, Methyl gallate, Multiflorin A-B, Multinoside-B, Quercitrin, Rutin, Salicylic acid, Scoparone |
Hạt | Chất béo |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Hoàng đằng – Vị thuốc chống viêm, trị kiết lỵ hiệu quả
3 Tác dụng – Công dụng của Tầm xuân
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống khối u
Trong những năm gần đây, Tầm xuân đã được báo cáo là có đặc tính chống khối u, có thể ức chế hiệu quả sự phát triển và di căn của tế bào ung thư, thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào ung thư và đóng các vai trò khác nhau trong điều trị khối u. Chất Flavonoid, oleanane triterpenes và các thành phần khác trong Tầm xuân còn có tác dụng nhất định đối với bệnh ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
3.1.2 Chống viêm
Chiết xuất quả Tầm xuân ức chế đáng kể chứng phù chân chuột do carrageenin gây ra, và khả năng chống viêm tương tự như của Indomethacin. Các chế phẩm từ Tầm xuân thể hiện các hoạt động chống viêm mạnh trong điều trị viêm xương khớp. Các cơ chế bao gồm giảm các cytokine và chemokine tiền viêm, giảm tín hiệu NF-κB, ức chế các enzym tiền viêm, bao gồm COX1/2, 5-LOX và iNOS, giảm nồng độ protein phản ứng C, giảm phản ứng hóa ứng động và phát quang hóa học của PMNs, và ức chế các Protease tiền viêm.
3.1.3 Chống tiểu đường
Người ta phát hiện ra rằng chiết xuất Tầm xuân bằng nước nóng với liều 100 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày có thể phát huy tác dụng chống tiền tiểu đường ở mô hình chuột. Chiết xuất Tầm xuân làm suy yếu khả năng dung nạp Glucose, suy giảm bài tiết Insulin và bảo tồn chức năng tế bào β của tuyến tụy, do đó ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh tiểu đường.
3.1.4 Bảo vệ thần kinh
Ngoài ra, chiết xuất metanol của Tầm xuân ở liều 1g/kg có thể điều trị chức năng nhận thức ở chuột tiếp xúc với stress nhiệt bằng ống thông, làm giảm đáng kể nồng độ oxy phản ứng, tăng cường hệ thống phòng thủ chống oxy hóa bằng enzym và điều chỉnh giảm TNF-α, và điều chỉnh tăng của các protein trước và sau khớp thần kinh.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây hoa hồng – Loài hoa không chỉ đẹp mà còn có lợi cho sức khỏe
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Rễ có tính mát, vị đắng, chát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khư phong, hoạt lạc, giải độc. Quả có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi thủy, giải độc. Hoa có vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hóa trọc, thuận khí, hòa vị.
Trong đông y, rễ được dùng trong chữa tiêu khát, đái tháo, trẻ đái dầm, người già tiểu nhiều lần, phong thấp đau nhức; kiết lỵ cấp và mạn. Ở Trung Quốc, rễ còn dùng chữa chảy máu cam, kinh nguyệt nhiều.
Quả làm thuốc nhuận tràng, lợi tiểu mạnh, chữa phong thấp nhức mỏi, rối loạn kinh nguyệt, thống kinh. Ở Ấn Độ, quả dùng ngoài trị loét, vết thương, bong gân.
Hoa trị ho, nóng ngực, tâm phiền, miệng khát.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Tầm xuân
4.1 Cách dùng
Liều dùng của rễ là 10-20g mỗi ngày, dưới dạng thuốc sắc; sao vàng sắc uống chữa kiết lỵ cấp và mạn.
Lá giã đắp chữa sưng đau, mụn nhọt.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Chữa kiết lỵ kéo dài
Bài 1: Rễ Tầm xuân, vỏ quả lựu, rễ tầm xoong, vỏ quả chuối hột, mỗi vị 20g. Sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày, dùng trong 3-5 ngày.
Bài 2: Rễ Tầm xuân 20-30g, chặt nhỏ, sao vàng, sắc uống.
4.2.2 Chữa phong thấp, teo cơ, đau nhức lưng gối
Bài 1: Rễ Tầm xuân, cây vú bò, rễ Ngưu Tất, dây chiều, rễ thanh táo, Hà Thủ Ô, Cẩu Tích, mỗi vị 20g. Sắc uống trong ngày.
Bài 2: Rễ Tầm xuân 12g, khúc khắc, rễ gấc, rễ tầm xoong, mỗi vị 10g. Sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Bài 3: Rễ Tầm xuân, thổ Phục Linh, Huyết Giác, Lá Lốt, Bưởi bung, Dây Đau Xương, hoàng nàn chế, kê Huyết Đằng, ngưu tất, tầm xoong, xuyên tiêu. Chế dưới dạng cao dùng hàng ngày.
4.2.3 Chữa u bướu tuyến giáp
Nguyên liệu: Hoa Tầm xuân, hoa trùng bì, hoa thanh bì, hoa hồng mỗi vị 5g.
Cách dùng: Sắc với 500ml nước trên lửa nhỏ tới khi còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày khi còn ấm.
4.2.4 Trị cảm nắng (nôn ói, tức ngực, khát nước…) từ hoa Tầm xuân
Bài 1: Sắc 3 – 9g hoa Tầm xuân lấy nước đặc uống.
Bài 2: Hoa Tầm xuân 5g, rễ qua lâu 10g, sinh thạch cao 30g, dương cửu 15g. Sắc kỹ chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
Bài 3: Hoa Tầm xuân, hoa đậu ván trắng, mỗi loại 10g. Hãm với nước sôi trong 15 phút, chắt nước, thêm đường phèn, uống.
4.2.5 Chữa rong huyết ở phụ nữ
Nguyên liệu: Rễ Tầm xuân, cỏ nhọ nồi, tiên hạc thảo mỗi vị 30g, Ngải Cứu đốt tồn tính 10g.
Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.
4.2.6 Chữa áp xe phổi
Nguyên liệu: 15g rễ Tầm xuân, bo bo, hạt Bí Đao mỗi thứ 30g.
Cách dùng: Sắc đặc, uống.
4.2.7 Chữa tiểu khó, bí tiểu
Nguyên liệu: 10g quả Tầm xuân, Mã Đề, biển súc mỗi vị 30g.
Cách dùng: Sắc với 500ml nước tới khi còn 250ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
4.2.8 Chữa bệnh khác
Chữa đái tháo, tiểu nhiều, tiểu không tự chủ: Rễ Tầm xuân 20-30g, sắc đặc uống trong ngày.
Chữa chảy máu cam, ói ra máu: 6g hoa Tầm xuân, 15g tử tuệ căn và 30g bạch mao căn. Sắc trong 30 phút lấy nước uống.
Điều trị táo bón: 10g quả tầm xuân và 3g tướng quân. Sắc uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Tầm xuân trang 797-799, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Yansheng Wang và cộng sự (Đăng vào tháng 4 năm 2022). Chemical constituents and pharmacological activities of medicinal plants from Rosa genus, Science Direct. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.