Tâm sen còn được biết đến với tên gọi tim sen, là 1 vị thuốc quen thuộc với cuộc sống thường ngày, là thứ trà có tác dụng an thần, tĩnh tâm trị mất ngủ, cao huyết áp. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về Tâm sen.
1 Tổng quan
1.1 Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Tâm sen.
Tên gọi khác: Liên tâm; liên tử tâm; nhụy sen; phôi sen, tim sen.
Tên khoa học: Embryo Nelumbinis (Nelumbo nucifera Gaertn Nelumbonaceae).
1.2 Đặc điểm tự nhiên
Sen là 1 cây thuộc cây thân thảo, rễ cây sống trong nước. Sen thường được trồng ở các hồ nước gần khu vực bùn lầy. Thân rễ của cây có hình trụ, to và chắc, thường mọc bò dài từ trong bùn, rễ Sen mọc ra từ các mấu trên thân rễ, sau đó sẽ phát triển để tạo thành thân và lá.
Lá sen mọc vươn dài so với mặt nước, hình tròn tỏa, đường kính rộng từ 30cm đến 40cm, phiến lá có hình chiếc khiên, nhiều lông tơ mọc ở cả hai mặt trên và dưới, do đó lá sen có đặc điểm thấm nước, vân lá dạng tỏa tròn đều. Phần cuống có nhiều gai nhỏ, nhọn và cứng.
Hoa sen to, có màu trắng hoặc hồng, hoa lưỡng tính. Tràng hoa gồm nhiều cánh, cánh ngoài cùng có màu xanh nhạt giống với đài hoa. Cuống hoa có đặc điểm tương tự như cuống lá.
Nhị hoa nhiều và ở dạng chuyển tiếp, màu vàng, chỉ nhị mảnh, phần phụ (gạo sen) có màu trắng, mùi thơm, bộ nhụy của hoa là nhiều lá noãn rời nằm trên cùng một đế hoa hình cái nón úp ngược (còn gọi là gương sen).
Quả bế có núm nhọn, được gọi là Hạt Sen, phần mỏng bên ngoài có màu lục tía, ở giữa mềm, có chứa nhiều tinh bột nên có màu trắng ngà, phần bên trong là các lá mầm dày, màu lục sẫm hoặc xanh vàng (còn gọi là tâm sen hay tim sen).
Hoa sen thường có màu trắng hoặc hồng và sống ở trong nước
1.3 Phân bố, thu hái, chế biến
Sen là biểu tượng của Việt Nam do đó có thể tìm thấy sen ở mọi nơi trên khắp đất nước, nhưng trồng nhiều nhất là khu vực miền Tây như Đồng Tháp, An Giang. Trên thế giới, Sen phân bố nhiều ở các vùng có khí hậu nhiệt đới của Châu Á, Châu Mỹ.
Người ta thường trồng Sen vào mùa xuân và thu hoạch khi vào hè.
Tâm Sen thường được thu bằng cách tách đôi hạt sen, lấy mầm sen ở giữa rồi đem phơi khô, bảo quản và pha uống như trà.
1.4 Bộ phận sử dụng
Bộ phận dùng là tâm sen (mầm trong hạt sen).
2 Thành phần hoá học
Trong Tâm sen có chứa 5 hoạt chất alkaloid, với tỷ lệ toàn phần khoảng 0,89% – 1,06%, đó là:
-
Methylcorypalin.
-
Amepavin.
-
4’-O-methyl-N-methylcoclaurin.
-
N-methylisococlaurin.
-
Demethylcoclaurin.
Ngoài ra người ta còn tim thấy sự có mặt của lotusine, liensinine, isoliensinine, neferine; roemerin, nuciferin, anonain và pronuciferin.
3 Công dụng
3.1 Theo y học cổ truyền
Tính vị: Đây là vị thuốc có vị đắng, tính hàn.
Quy kinh: quy vào 2 kinh Tâm và Thận.
Công dụng: Thanh tâm, giải nhiệt, an thần, tiêu phiền.
Chủ trị: các chứng tâm phiền, nhiệt gây ra khát nước, thổ huyết, tâm tình hồi hộp, lo lắng, hay đau đầu mất ngủ.
3.2 Tác dụng dược lý
3.2.1 Chống co thắt cơ trơn
Hoạt chất demethylcoclaurin có trong tâm sen được chứng minh có tác dụng làm giãn cơ, ức chế sự co thắt của cơ trơn.
3.2.2 Hạ huyết áp, ổn định nhịp tim
Liensinin và alkaloid không kết tinh (có tác dụng hạ áp mạnh hơn liensinin) là 2 alkaloid được lấy từ tâm sen. Khi liensinin chuyển hóa thành amoniac bậc 4 sẽ cho hiệu quả hạ áp trong thời gian kéo dài hơn. Ngoài ra, isoquinoline là chất làm giãn nở mạch máu, do đó có tác dụng giảm tình trạng bồn chồn và nhịp tim nhanh.
3.2.3 Trị mất ngủ, an thần
Hiệu quả trị mất ngủ, an thần của tim sen yếu hơn so với Lá Sen khi thử nghiệm trên cùng đối tượng. Tâm sen phơi khô thường được hãm trà dùng uống mỗi ngày.
3.2.4 Chống thao cuồng kích động, ức chế loạn thần kinh gây hung hăng tăng vận động
Tim sen chống thao cuồng kích động, ức chế các rối loạn thần kinh như hung hăng, kích động, cuồng vận động. Hiệu quả tăng lên khi dùng phối hợp cùng aminazin, đặc biệt có ích trong điều trị các chứng tâm thần phân liệt với mục địch giảm liều aminazin và giảm độc tính của thuốc.
3.2.5 Chống oxy hóa
Trong Tâm sen có nhiều thành phần alkaloid có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và ức chế hoạt động của các gốc tự do đồng thời tăng cường miễn dịch và sức khỏe. Sử dụng trà tâm sen đều đặn trong thời gian cho phép giúp giảm mụn trứng cá, hạn chế tiết dầu và làm sáng da.
3.2.6 Hỗ trợ tiêu hóa
Tâm sen giúp cải thiện tiêu hóa nhờ sự có mặt của chất xơ trong thành phần.
3.2.7 Hỗ trợ giảm cân
Không chỉ tâm sen mà lá sen, hoa sen đều có giúp giảm sự hấp thu chất béo và carbohydrate vào cơ thể. Đặc biệt tâm sen có L-Carotene thúc đẩy quá trình trao đổi chất nên có khả năng giúp giảm cân.
3.2.8 Chống xuất huyết
Trong sen chứa quercetin và các Flavonoid có cơ chế hoạt động bằng cách cải thiện sức bền thành mao mạch, giúp kiểm soát chảy máu, đặc biệt hiệu quả trong việc chống xuất huyết.
3.2.9 Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường
Thức uống này giúp kiểm soát lượng đường trong máu khá tốt và giúp ích cho những người đang mắc bệnh tiểu đường. Với hoạt chất alkaloid trong tim sen, loại trà này có hiệu quả trong việc giảm thiểu sự gia tăng nồng độ Glucose sau bữa ăn.
3.2.10 Chống trầm cảm
Với thành phần isoliensinine và liensinine trà tim sen có đặc tính an thần, giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng. Loại trà này có tác dụng làm dịu và hỗ trợ chống trầm cảm.
4 Liều dùng & cách dùng
Liều dùng
Liều lượng dùng ngày 2 đến 4 g, có thể dùng tâm sen ở dạng thuốc sắc, hãm trà, viên hoàn hay bột tán. Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
4.1 Các bài thuốc có chứa tâm sen
4.1.1 Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh hô hấp, viêm phế quản mạn tính, lao
Tâm sen 10 g, Đan bì, Ý dĩ, Sinh Địa, Bạch Thược, Đảng Sâm mỗi vị 12g, Quy Bản, Mạch Môn, Ngũ Vị Tử 10 g, Trần Bì 6 g, Chích Cam Thảo 6 g, Đại táo 4 quả.
Sắc nước uống ngày 1 thang.
4.1.2 Khó ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao
Tâm sen 1,5 – 3 g. Hãm uống như uống trà hàng ngày.
4.1.3 Chữa đái tháo đường
Tâm sen 8 g; Thạch cao 20 g; Sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Hoài Sơn, Bạch biển đậu, Ý dĩ lấy lượng như nhau 12g.
Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
4.2 Lưu ý
Tâm sen nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc ẩm mốc.
Không nên uống trà nếu đói bụng.
Sử dụng trà tâm sen liên tục nhiều tháng có thể gây hiện tượng mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa.
Không dùng cho các đối tượng: Trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng sinh lý…
5 Tài liệu tham khảo
1. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Sen trang 721 – 726, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
2. Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam (Xuất bản 2006). Sen trang 783 – 786, Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
3. Sixuan Chen và cộng sự (Đăng ngày 10 tháng 2 năm 2021). Plumula Nelumbinis: A review of traditional uses, phytochemistry, pharmacology, pharmacokinetics and safety, Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.