Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
SOTALOL
Tên chung quốc tế: Sotalol.
Mã ATC: C07AA07.
Loại thuốc: Thuốc ức chế thụ thể beta-adrenergic không chọn lọc.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 80 mg, 120 mg, 160 mg hoặc 240 mg sotalol hydroclorid .
2 Dược lực học
Sotalol là một thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic không chọn lọc, không có hoạt tính giao cảm nội tại hoặc hoạt tính ổn định màng tế bào.
Sotalol có cả đặc tính chống loạn nhịp thông qua chẹn thụ thể beta- adrenergic và kéo dài thời gian điện thế hoạt động của tim. Sotalol không có tác động tới pha khử cực mà sotalol làm kéo dài thời gian điện thế hoạt động đồng nhất trong mô tim thông qua trì hoãn pha tái cực. Tác dụng chính của sotalol là kéo dài thời kỳ trợ của nhĩ, thất và các đường phụ. Trên điện tâm đồ, đặc tính chống loạn nhịp nhóm II và nhóm III của sotalol là: kéo dài khoảng PR, QT và QTc mà không ảnh hưởng có ý nghĩa tới khoảng QRS. Hoạt tính chẹn beta-adrenergic của sotalol dẫn tới giảm nhịp tim và giảm lực co bóp cơ tim, từ đó dẫn tới giảm tiêu thụ oxy của cơ tim và giảm hoạt động của tim.
Tương tự như các thuốc chẹn beta-adrenergic khác, sotalol ức chế giải phóng renin, xảy ra đáng kể ở cả lúc nghỉ và hoạt động. Tuy sotalol thường dung nạp tốt về phương diện huyết động, vẫn cần phải thận trọng trong trường hợp chức năng thất bị suy giảm. Sotalol cũng làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương một cách từ từ nhưng đáng kể trên bệnh nhân tăng huyết áp.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Sinh khả dụng đường uống của sotalol trên người khỏe mạnh là 90 – 100%. Sinh khả dụng giảm khoảng 20% khi uống thuốc vào bữa ăn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 2,5 đến 4 giờ. Nồng độ trong huyết tương đạt trạng thái ổn định 2,5 đến 4 giờ. Nồng độ trong huyết tương đạt trạng thái ổn định trong vòng 2 – 3 ngày (nghĩa là sau 5 – 6 liều với chế độ liều dùng 2 lần/ngày). Nồng độ thuốc trong huyết tương có tương quan tốt với liều uống trong khoảng liều 160 – 640 mg/ngày.
3.2 Phân bố
Thể tích phân bố từ 1,2 – 2,4 lít/kg. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương không đáng kể, giúp sotalol dễ khuếch tán vào các mô. Sotalol qua rất ít hàng rào máu – não (nồng độ thuốc trong dịch não tủy < 10% nồng độ trong huyết tương). Sotalol qua hàng rào nhau thai và sữa mẹ. Tỷ lệ nồng độ sotalol trong sữa mẹ và huyết tương dao động từ 2,2 – 8,8 lần.
3.3 Chuyển hóa
Sotalol không bị chuyển hóa.
3.4 Thải trừ
Sotalol thải trừ qua thận, trong đó tỷ lệ thải trừ qua nước tiểu ở dạng không đổi là 80 – 90%, phần còn lại thải trừ qua phân. Nửa đời thải trừ của sotalol là 10 – 20 giờ ở người có chức năng thận bình thường và có thể kéo dài tới 69 giờ trên bệnh nhân vô niệu. Cần phải điều chỉnh liều hoặc khoảng đưa liều dựa trên Clcr khi có suy thận.
Tuổi không ảnh hưởng đáng kể tới được động học của sotalol, tuy nhiên nửa đời thải trừ có thể tăng trên bệnh nhân người cao tuổi có suy giảm chức năng thận, dẫn đến nguy cơ tích lũy thuốc.
Trên bệnh nhân có suy giảm chức năng gan, Độ thanh thải của sotalol không thay đổi.
4 Chỉ định
4.1 Loạn nhịp thất
Điều trị loạn nhịp nhanh thất đe dọa tính mạng, loạn nhịp nhanh thất có triệu chứng không bền bỉ.
4.2 Loạn nhịp trên thất
Dự phòng nhịp nhanh nhĩ kịch phát, rung nhĩ kịch phát, nhịp tim nhanh vào lại nút nhĩ thất kịch phát, nhịp tim nhanh vào lại nút nhĩ thất kịch phát có đường dẫn truyền phụ, nhịp tim nhanh trên thất kịch phát sau phẫu thuật tim; duy trì nhịp xoang sau chuyển nhịp trong rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ.
5 Chống chỉ định
Hội chứng suy nút xoang.
Blốc nhĩ – thất độ II và III (trừ khi có máy tạo nhịp).
Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh hoặc mắc phải.
Xoắn đỉnh.
Khoảng QT lúc khởi điểm điều trị > 450 miligiây (hoặc khoảng JT > 330 miligiây nếu khoảng QRS > 100 miligiây) trong điều trị rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ.
Nhịp chậm xoang dưới 50 nhịp/phút khi thức.
Suy tim sung huyết không kiểm soát.
Sốc tim.
Gây mê có ức chế cơ tim.
U tủy thượng thận chưa được phẫu thuật.
Hạ huyết áp.
Hội chứng Raynaud và rối loạn tuần hoàn ngoại biên nghiêm trọng.
Tiền sử COPD hoặc hen phế quản.
Toan chuyển hóa. C∝ < 40 ml/phút ở người bị loạn nhịp trên thất (rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ).
Giảm Kali huyết < 4 mmol/lit.
Phối hợp với thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia như disopyramid, quinidin, procainamid; nhóm III như amiodaron, dofetilid, ibutilid; thuốc chống loạn thần như trimipramin, Phenobarbital, Clorpromazin và kháng sinh như Erythromycin đường tĩnh mạchvà Moxifloxacin.
Mẫn cảm với thuốc.
6 Thận trọng
6.1 Ngừng đột ngột sotalol
Đã có ghi nhận tình trạng đau thắt ngực, loạn nhịp tim sau ngừng thuốc đột ngột. Đã có một số trường hợp có nhồi máu cơ tim sau ngừng thuốc đột ngột. Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân khi ngừng sotalol đang sử dụng dài hạn, đặc biệt trên bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nếu có thể, cần giảm liều từ từ sotalol trong một đến hai tuần; đồng thời khởi đầu liệu pháp thay thế nếu cần thiết. Ngừng đột ngột sotalol có thể che lấp tình trạng thiểu năng mạch vành tiềm ẩn. Tăng huyết áp cũng có thể xảy ra.
6.2 Loạn nhịp tim
ADR nguy hiểm nhất của thuốc chống loạn nhịp nhóm III (như sotalol) là làm trầm trọng hơn tình trạng loạn nhịp tim đã sẵn có hoặc thúc đẩy phát triển loạn nhịp tim. Bệnh nhân có nhịp nhanh thất bền bỉ và có tiền sử suy tim sung huyết có nguy cơ cao nhất gặp loạn nhịp tim nghiêm trọng. Nguy cơ loạn nhịp tim thường gặp ở khởi đầu điều trị và các bước hiệu chỉnh tăng liều. Bắt đầu với liều 80 mg, sau đó hiệu chỉnh tăng liều từ từ sẽ giúp giảm nguy cơ loạn nhịp tim. Trên bệnh nhân đang dùng sotalol, cần thận trọng khi khoảng QT kéo dài hơn 500 miligiây và cân nhắc giảm liều hoặc ngừng điều trị khi khoảng QT kéo dài hơn 550 mili giây. Các thuốc làm kéo dài khoảng QT có thể gây xoắn đỉnh. Nguy cơ xoắn đỉnh gia tăng trên các bệnh nhân có: khoảng QT kéo dài, nhịp tim chậm, nồng độ kali và magnesi huyết tương thấp, nồng độ sotalol cao trong huyết tương, sử dụng đồng thời sotalol với các thuốc có gia tăng nguy cơ xoắn đỉnh khác, bệnh tim to, suy tim sung huyết, nữ giới. Xoắn đỉnh cũng phụ thuộc liều, tim có thể xảy ra không những khi bắt đầu điều trị, mà cả mỗi khi tăng liều, vì vậy cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ ít nhất ba ngày sau dùng liều duy trì.
6.3 Loạn nhịp nhanh thất đe dọa tính mạng
Liều bắt đầu được khuyến cáo là 80 mg/lần, ngày 2 lần. Sử dụng liều khởi đầu 80 mg/ lần, 2 lần/ngày sau đó tăng liều dần và theo dõi hiệu quả lâm sàng (ví dụ: bằng kích thích điện theo chương trình PES, Holter) cũng như an toàn (ví dụ: khoảng QT, tần số tim, điện giải đồ) trước khi điều chỉnh liều sẽ giảm nguy cơ gây thêm loạn nhịp. Nếu cần thiết, có thể tăng dần liều tới 240 – 320 mg/ngày chia làm nhiều liều nhỏ (120 – 160 mg/lần, ngày 2 lần) sau khi đã đánh giá hiệu quả và an toàn. Cách 3 ngày mới tăng liều để sotalol đạt được nồng độ ổn định.
Liều duy trì thông thường ở người lớn: 160 – 320 mg/ngày chia làm nhiều lần, tuy nhiên do sotalol có nửa đời thải trừ dài nên thường chỉ cần chia 2 lần/ngày. Đối với bệnh nhân có loạn nhịp thất kháng trị đe dọa tính mạng, liều có thể tăng tới 480 – 640 mg/ngày chia làm 2 lần. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc lợi hại vì với liều dễ cao, có nguy cơ nhiễm độc nặng.
6.4 Loạn nhịp nhanh trên thất
Liều ban đầu và hiệu chỉnh liều: Phải điều chỉnh liều cẩn thận cho từng người bệnh tuỳ theo chức năng thận và khoảng QT] Điều trị cấp rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ kéo dài ở người lớn có chức năng thận bình thường (Clcr > 60 ml/phút) và QT gần bình thường (<450 miligiây): 80 mg/lần, ngày 2 lần và QT dưới 500 miligiây thì có thể cho bệnh nhân ra ngoại trú với điều trị hiện tại.
Nếu rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ tái phát trở lại trong thời gian bắt đầu điều trị, có thể tăng dần liều sau khi đánh giá thích hợp cho tới liều 120 mg/lần hoặc 160 mg/lần, ngày 2 lần (liều tối đa được khuyến cáo). Cách 3 ngày mới cho tăng liều. Không khuyến cáo liều trên 160 mg/lần, ngày 2 lần vì tăng nguy cơ xoắn đỉnh.
Liều duy trì: Khi ra viện, phải định kỳ đo độ thanh thải creatinin và khoảng QT. Nếu khoảng QT bằng 520 miligiây hoặc dài hơn hoặc nếu khoảng JT bằng 430 miligiây hoặc dài hơn ở người bệnh có khoảng QRS vượt quá 100 miligiây, phải giảm liều sotalol và phải giám sát người bệnh cho tới khi khoảng QT < 520 miligiây hoặc khoảng JT<430 miligiây. Nếu khoảng QT bằng 520 miligiây hoặc dài hơn khi đang dùng liều duy trì thấp nhất 80 mg ngày 2 lần, phải ngừng thuốc.
6.5 Người suy thận
Cần phải thay đổi khoảng cách thời gian dùng thuốc (thời gian giữa hai liều chia nhỏ) hoặc hiệu chỉnh liều khi Clcr < 60 ml/phút.
6.5.1 Trong điều trị loạn nhịp nhanh thất đe dọa tính mạng
Nếu CI∝ > 60 ml/phút: khoảng cách là 12giờ.
Nếu CI∝ là 30 – 59 ml/phút: Khoảng cách là 24 giờ hoặc dùng 1/2 liều khuyến cáo.
Nếu Cl∝ là 10 – 29 ml/phút: Khoảng cách là 36 – 48 giờ hoặc dùng 1/4 liều khuyến cáo.
Nếu Cl∝ < 10 ml/phút: Tùy thuộc từng người bệnh.
Ở người bệnh suy thận, trong giai đoạn tăng liều do nửa đời thải trừ của sotalol kéo dài, nên chỉ thực hiện mỗi lần tăng liều mới sau khi đã dùng nhắc lại liều cũ ít nhất 5 hoặc 6 lần (với khoảng cách đưa liều thích hợp cho mức độ suy thận tương ứng).
Nửa đời thải trừ ở người vô niệu có thể kéo dài (tới 69 giờ). Tuy nhiên, vì thuốc một phần được loại bỏ do lọc máu vì vậy cần thận trọng khi dùng sotalol trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo và giám sát chặt về hiệu quả điều trị loạn nhịp (thay đổi về tần số tim, và/hoặc khoảng QT).
6.5.2 Trong điều trị loạn nhịp nhanh trên thất
Nếu Cl∝ > 60 ml/phút: Khoảng cách là 12 giờ.
Nếu Cl∝ là 40 – 59 ml/phút: Khoảng cách là 24 giờ hoặc dùng 1/2 liều khuyến cáo.
Nếu Cl∝ < 40 ml/phút: Chống chỉ định.
6.5.3 Thay thuốc đã dùng bằng sotalol
Trước khi bắt đầu dùng sotalol (thuốc mới), thường phải ngừng liệu pháp chống loạn nhịp trước đó (với sự theo dõi cẩn thận) trong thời gian dài ít nhất bằng 2 – 3 lần nửa đời của thuốc cũ trong huyết tương, nếu điều kiện lâm sàng của người bệnh cho phép. Nếu người bệnh trước đó dùng amiodaron, chỉ bắt đầu sotalol khi khoảng QT bình thường.
7 Tương tác thuốc
7.1 Tương tác thuốc chống chỉ định
Không khuyến cáo dùng đồng thời thuốc chống loạn nhịp nhóm la như disopyramid, quinidin và procainamid và những thuốc chống loạn nhịp nhóm III khác (ví dụ, amiodaron), vì những thuốc này có khả năng kéo dài thời kỳ trơ. Cần ngừng các thuốc chống loạn nhịp nhóm I hoặc nhóm III ít nhất 3 lần nửa đời thải trừ của các thuốc này trước khi dùng sotalol.
7.2 Tương tác thuốc không khuyến cáo phối hợp
Thuốc kéo dài khoảng QT: Cần hết sức thận trọng khi phối hợp sotalol với các thuốc làm kéo dài khoảng QT như: phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, terfenadin, astemizol. Các thuốc khác cũng liên quan đến tăng nguy cơ xoắn đỉnh bao gồm: erythromycin đường tĩnh mạch, halofantrin, pentamidin và kháng sinh quinolon.
Thuốc chẹn kênh calci: Sử dụng đồng thời thuốc chẹn beta- adrenergic và thuốc chẹn kênh calci dẫn tới hạ huyết áp, chậm nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, suy tim. Nên tránh dùng thuốc chẹn beta-adrenergic phối hợp với các thuốc chẹn kênh calci có ức chế cơ tim như Verapamil và Diltiazem vì tác dụng hiệp đồng cộng trên dẫn truyền nhĩ thất và ảnh hưởng đến chức năng thất.
7.3 Tương tác thuốc cần thận trọng khi phối hợp
Lợi tiểu thải kali: Vì có thể xảy ra hạ kali và hạ magnesi huyết, dẫn tới gia tăng nguy cơ xoắn đỉnh.
Thuốc thải kali khác: amphotericin B (đường tĩnh mạch), corticosteroid (đường toàn thân) và một số thuốc nhuận tràng cũng có thể liên quan đến giảm kali huyết; vì vậy cần theo dõi nồng độ kali huyết và điều chỉnh phù hợp khi phối hợp sotalol với các thuốc này.
Digitalis: Liều đơn hoặc liều lặp lại sotalol đều không ảnh hưởng đáng kể tới nồng độ digoxin huyết thanh. Loạn nhịp tim gặp nhiều hơn ở những người bệnh dùng đồng thời sotalol và digoxin. Tuy nhiên, điều này có thể liên quan đến tình trạng suy tim mạn tính trên bệnh nhân sử dụng digoxin, trong đó suy tim mạn tính là một yếu tố nguy cơ gây loạn nhịp tim đã được biết đến. Digoxin và thuốc chẹn beta-adrenergic có thể làm tăng thời gian dẫn truyền nhĩ thất.
Clonidin: Thuốc chẹn beta-adrenergic có thể làm tăng khả năng gặp tình trạng tăng huyết áp bật ngược (đôi khi thấy sau khi đã ngừng clonidin); vì vậy cần ngừng thuốc chẹn beta-adrenergic trước Clonidin, cả hai thuốc cần ngừng từ từ.
Thuốc làm mất catecholamin: Sử dụng đồng thời những thuốc làm mất catecholamin, như reserpin, guanethidin, alpha Methyldopa với một thuốc chẹn beta-adrenergic có thể gây giảm quá mức trương lực thần kinh giao cảm lúc nghỉ. Do đó phải theo dõi chặt chẽ người bệnh được điều trị bằng sotalol đồng thời với một thuốc làm mất catecholamin về biểu hiện hạ huyết áp và/hoặc về nhịp tim chậm mạnh có thể gây ngất.
Insulin và những thuốc điều trị đái tháo đường đường uống: Có thể xảy ra tăng Glucose huyết và cần phải điều chỉnh liều lượng insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường đường uống. Các thuốc chẹn beta-adrenergic có thể làm che lấp triệu chứng hạ glucose huyết.
Thuốc từ chế thần kinh cơ như tubocurarin: Thuốc chẹn beta- adrenergic có thể làm kéo dài tác dụng ức chế thần kinh cơ.
Thuốc kích thích thụ thể beta2-adrenergic: Có thể phải tăng liều thuốc kích thích beta-adrenergic như: Salbutamol, terbutalin và isoprenalin khi dùng đồng thời với sotalol.
Antacid: Tránh dùng sotalol đường uống trong vòng 2 giờ kể từ khi dùng antacid có nhóm oxyd và magnesi hydroxyd.
8 Quá liều và xử trí
Quá liều cố ý hoặc ngẫu nhiên với sotalol hiếm dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu thường gặp nhất của quá liều là: nhịp tim chậm, suy tim sung huyết, hạ huyết áp, co thắt phế quản và hạ glucose huyết. Trong những trường hợp quá liều cố ý, với liều rất lớn (2 – 16 g) sotalol, đã thấy những dấu hiệu lâm sàng sau: hạ huyết áp, nhịp tim chậm, suy tâm thu, kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất và ngoại tâm thu thất. Nếu xảy ra quá liều, phải ngừng điều trị bằng sotalol và theo dõi người bệnh chặt chẽ. Vì sotalol không liên kết với protein, có thể áp dụng thẩm tách máu để làm giảm nồng độ sotalol trong huyết tương. Phải theo dõi cẩn thận người bệnh cho đến khi khoảng QT trở về bình thường và tần số tim trở lại mức trên 50 nhịp đập trong một phút. Ngoài ra, nếu cần, có thể áp dụng những biện pháp điều trị sau đây:
Nhịp tim chậm: Atropin (0,5 – 2 mg đường tĩnh mạch), một thuốc kháng cholinergic khác. một thuốc kích thích heta-adrenergic hoặc đặt máy tạo nhịp tim qua tĩnh mạch.
Blốc tim (độ II và độ III): Đặt máy tạo nhịp tim qua tĩnh mạch.
Hạ huyết áp (phụ thuộc vào những yếu tố kết hợp): adrenalin ưu tiên hơn isoprenalin hoặc noradrenalin, tùy yếu tố liên quan.
Co thắt phế quản: Aminophylin hoặc khi dung thuốc kích thích thụ thể beta.
Xoắn đinh: Chuyển nhịp, đặt máy tạo nhịp qua đường tĩnh mạch, adrenalin và/hoặc magnesi sulfat.
Cập nhật lần cuối: 2018