Sài hồ được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị cảm sốt, suy nhược. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Sài hồ.
1 Giới thiệu về cây Sài hồ
Sài Hồ chúng ta thường dùng là Sài hồ bắc, có tên khoa học là Bupleurum chinesnis DC., thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Ngoài ra, người ta còn sử dụng cây Lức (Sài hồ nam), có tên khoa học là Pluchea pteropoda Hemsl, họ Cúc (Asteraceae), với cùng công dụng chữa cảm sốt. Dưới đây là hình ảnh cây Sài hồ.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 40-80cm. Rễ nhỏ, mảnh, hình trụ, ít phân nhánh. Thân mọc thẳng, nhỏ, đôi khi phân nhánh, hình chữ chi, nhẵn và có màu lục vàng nhạt. Lá mọc so le, không cuống, hình mác thuôn, dài 3-9cm, rộng 0,6-1,2cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên có đường gân men, lá phía dưới có cuống ngắn, lá phía ngọn không cuống; cuống lá có bẹ.
Cụm hoa tán kép mọc ở nách lá và đầu cành, gồm 3-8 tán đơn không bằng nhau; lá bắc hình mác, hoa nhỏ nhiều màu vàng. Quả hình trứng dẹt, có vạch dọc. Mùa hoa quả tháng 7-10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thu hái quanh năm, làm sạch đất cát, phơi hay sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây đã được nhập trồng tại Sa Pa và Tam Đảo.
2 Thành phần hóa học
Trong vài thập kỷ qua, khoảng 74 hợp chất đã được phân lập từ Radix Bupleuri, bao gồm tinh dầu, Saponin triterpenoid, polyacetylen, flavonoid, lignan, axit béo và sterol. Triterpenoid saponin, Flavonoid và tinh dầu, có nhiều hoạt tính dược lý, được coi là thành phần hoạt chất chính của Sài hồ.
2.1 Tinh dầu
Các hợp chất dễ bay hơi chính trong tinh dầu Sài hồ là 3-metylbutanal (7,24%), pentanal (5,74%), hexanal (20,11%), furan-2-carbaldehyd (25,23%) và heptanal (12,07%). Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác, kết quả cho thấy E-2-heptanal, furan, 2-pentyl và E-2-nonenal là một số hợp chất chính của dầu.
2.2 Saponin triterpenoid
Triterpenoid saponin là thành phần hoạt động chính của Radix Bupleuri. Hiện nay, khoảng 35 saponin đã được phân lập từ Radix Bupleuri. Trong số đó, saikosaponin a, c và d là những thành phần hoạt tính sinh học chính; tuy nhiên, nhiều loại saikosaponin nhỏ cũng đã được phân lập.
2.3 Polyaxetylen
Bốn hợp chất polyacetylene từ Radix Bupleuri đã được xác định, bao gồm (2Z,8Z,10E)-pentadecatriene-4,6-diyne-1-ol, (2Z,8E,10E)-pentadecatriene-4,6-diyne-1-ol, (2Z,8Z,10E)-heptadecatriene-4,6-diyne-1-ol và bupleurynol.
2.4 Flavonoid
Cho đến nay, 12 flavonoid đã được phân lập và xác định từ Radix Bupleuri, bao gồm quercetin, isorhamnetin, isorhamnetin-3-O-glucoside, puerarin, Rutin, narcissin, eugenin, saikochrom A, axit saikochromic, 7,4′-dihydroxy-isoflavone-7-O-β-D-glucoside, saikochromoside A và saikoisoflavonoside A.
2.5 Lignan
Lignan tồn tại trong nhiều loài thực vật đã được phát hiện trong rễ Sài hồ. Những lignan này bao gồm nortrachelogenin, nemerosin, kaerophyllin, isochaihulactone, isokaerophyllin, (-)-yatein, chinensinaphthol và chaihunaphthone.
2.6 Các hợp chất khác
Trong Radix Bupleuri còn có các thành phần khác, bao gồm 12 axit béo: axit fumaric, axit butanedioic, axit pentadecanoic, axit palmitoleic, axit palmitic, axit oleic, axit stearic, axit 11-hexadecenoic, axit 13-octadecenoic, axit linoleic, axit tetracosanoic và axit 9S,12S,13S-trihydroxy-10E-octadecenoic. Ba hợp chất sterol, cụ thể là, α-spinasterol, 24ξ-methylcholesta-7,22E-diene-3β,5α,6β-triol và 24ξ-ethylcholest-22E-end-3β,5α,6β-triol cũng được phân lập và xác định từ cây này.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Phòng phong – Vị thuốc trị cảm mạo, đau nhức và bệnh chàm
3 Tác dụng – Công dụng của Sài hồ
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống viêm
Các polysacarit thô (80 mg/kg) được phân lập từ rễ của Sài hồ làm giảm đáng kể tổn thương phổi bằng cách ức chế mức độ myeloperoxidase (MPO), yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) và oxit nitric huyết thanh (NO). Saikosaponin từ rễ thể hiện hoạt động chống viêm đối với các quá trình viêm bao gồm ức chế tiết dịch viêm, tính thấm của mao mạch, giải phóng các chất trung gian gây viêm, di chuyển các tế bào bạch cầu, tăng sản mô liên kết và nhiều loại viêm dị ứng.
3.1.2 Chống ung thư
Chiết xuất axeton của Sài hồ có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư phổi A549 ở người thông qua việc gây ra sự bắt giữ chu kỳ tế bào trong pha G2/M, tăng tính ổn định của vi ống, ngăn chặn hoạt động của telomerase, kích hoạt ERK 1/2 và caspase- 3/9 trong ô A549. Chiết xuất nước của rễ có thể tăng cường khả năng gây độc tế bào do 5-fluorouracil gây ra trong các tế bào ung thư gan HepG2 thông qua việc bắt giữ tế bào ở giai đoạn cuối G1/đầu giai đoạn S, đồng thời bảo vệ các tế bào lympho trong máu bình thường. SSd phát huy tác dụng chống ung thư của nó trong dòng tế bào ung thư biểu mô tế bào gan người SMMC-7721 thông qua con đường HIF-1 α /COX-2.
3.1.3 Hạ sốt và kháng khuẩn
Chiết xuất nước của rễ Sài hồ đã được báo cáo là có tác dụng hạ sốt đối với những con chuột bị sốt cao do nấm men khô. Cơ chế này liên quan đến việc điều chỉnh quá trình tổng hợp và bài tiết Adenosine monophosphate vòng (cAMP) và Arginine vasopressin (AVP).
Chiết xuất Ethanol của Sài hồ có tác dụng kìm khuẩn đáng chú ý đối với vi sinh vật gram âm Helicobacter pylori. Saikosaponin được phân lập từ rễ đã được báo cáo là có hoạt tính kháng khuẩn, đặc biệt là chống lại Pseudomonas aeruginosa và Listeria monocytogenes. Tác dụng bảo vệ được quy cho hành động điều hòa miễn dịch trên đại thực bào.
3.1.4 Điều hòa miễn dịch và bảo vệ gan
Rễ Sài hồ làm tăng đáng kể biên độ hoạt động tự phát của các mạch bạch huyết theo cách phụ thuộc vào nồng độ và các cơ chế của tác dụng này dường như độc lập với chức năng nội mô.
Rễ thô và chế biến đều có tác dụng bảo vệ gan chống lại tổn thương gan do CCl4 gây ra. Điều trị trước bằng saikosaponin, đặc biệt là SSa hoặc SSd, cho thấy sự ức chế đáng kể tổn thương gan do D-galactosamine gây ra thông qua việc giảm hoạt động của glucose-6-phosphatase và NADPH-cytochrom C reductase và tăng hoạt động của 5′-nucleotidase.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Độc hoạt – Vị thuốc trị đau lưng, nhức chân tay và đau đầu
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Sài hồ có tính mát, vị đắng, mùi thơm, quy vào kinh can, đởm, tâm bào và tam tiêu, có tác dụng hạ sốt, giải cảm, thông khí, nhuận gan, sáng mắt, trừ sốt rét.
Cây Sài hồ chữa bệnh gì? Trong đông y, Sài hồ được dùng trong chữa sốt cao, đau đầu, chóng mặt, sốt thương hàn, sốt rét, ngực bụng đầy trướng, rối loạn kinh nguyệt.
4 Các bài thuốc từ cây Sài hồ
4.1 Đại Sài hồ thang
Dược vị:
- 12g Sài hồ (quân).
- 8g Hoàng Cầm (quân).
- 8g Đại hoàng (thần).
- 6g Chỉ thực (thần).
- 8g Thược dược (tá).
- 12g Bán Hạ (tá).
- 12g Sinh khương (tá).
- 3g Đại táo (sứ).
Chủ trị: Thiếu dương, Dương minh hợp bệnh.
Triệu chứng chính: Vãng lai hàn nhiệt, hung hiếp khổ mãn, tâm hạ mãn thống, ẩu thổ tiện bí, thiệt đại hoàng, mạch Huyền Sác hữu lực (Lúc nóng lúc lạnh, ngực sườn chướng đau, vùng dưới tim đầy trướng, nôn mửa, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác có lực).
Nguyên nhân gây bệnh: Thiếu dương bệnh vị giải, kiêm Dương minh nhiệt kết (Bệnh ở Thiếu dương chưa giải, lại kèm nhiệt kết ở Dương minh).
Công dụng: Hoà giải Thiếu dương, nội tả nhiệt kết.
Tác dụng: Ngoài giải Thiếu dương, trong tả nhiệt kết. Trị lúc nóng lúc lạnh, ngực sườn đầy đau, nôn mửa không cầm, phiền nhiệt, dưới tim đầy tức, hoặc dưới tim chướng đau, đại tiện không đi lại được hoặc đại tiện do nhiệt, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hữu lực.
Giải thích: Bài này là bải thuốc phối hợp “Tiểu sài hồ thang” với “Tiểu thừa khí thang” gia giảm, trị chứng của thiếu dương và Dương minh. Tà ở Thiếu dương có triệu chứng lúc nóng lúc lạnh, ngực sườn đầy đau, cho nên dùng Sài hồ, Hoàng cầm để hoà giải Thiếu dương. Bên trong có thực nhiệt, hiện ra chứng trạng dưới tim đầy tức hoặc dưới tim đầy đau, uất hơi phiền nhiệt, đại tiện bí kết vì vậy dùng Đại hoàng, chỉ thực để tả nhiệt kết, bỏ Nhân Sâm, Cam Thảo vì khí ở lý chưa hư. Dùng Bán hạ, tăng thêm lượng Sinh khương vì nôn mửa không cầm. Không dùng Hậu phác vì vị trí bệnh ở dưới tim, đồng thời Đại hoàng phối hợp với Bạch Thược có thể trị khí huyết không hoà, đau bụng, phiền đầy, không nằm được. Vì thế bài này có tác dụng ngoài giải Thiếu dương, vốn không được dùng phép hạ, nhưng trường hợp nhiệt tà kết ở trong vị đã thực, tuy có chứng nôn mửa không cầm, cũng là chứng tà thực, lúc đó cần phải chú ý cả biểu lẫn lý. Uông Ngang nói: “Thiếu dương vốn không hạ được, nhưng kiêm có chứng của Dương minh phủ thì nên hạ”. Cho nên trong bài “Tiểu thanh long thang” bỏ Nhân sâm, Cam thảo, thêm Đại hoàng, Chỉ thực, Bạch thược, trừ bớt sự kết thực, như thế không trái nguyên tắc là Thiếu dương cấm hạ, đồng thời có thể chỉ dùng một thang mà biểu lý đều giải, thực là phép giải một được hai.
4.2 Chữa sốt, sốt do hư lao, cảm mạo
Bài 1: Sài hồ 15g, bán hạ 7g, nhân sâm, sinh khương, cam thảo, đại táo mỗi vị 4g, hoàng cầm 2,5g; sắc uống.
Bài 2: Sài hồ 100g, cam thảo 25g; tán thành bột, ngày dùng 8g với một bát nước.
4.3 Bồi bổ, phục hồi sức khỏe
Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh phổi hoặc bệnh tiêu hóa mạn tính: Sài hồ, phục linh, địa hoàng, bạch thược, đương quy, thần khúc, Bạch Chỉ, Mạch Môn mỗi vị 10g, Đẳng Sâm 16g, hoài sơn, bạch truật, đại táo mỗi vị 12g, Phòng Phong 9g, bạch biển đậu, Cát Cánh mỗi vị 8g, cam thảo 6g, can khương, Quế chi mỗi vị 4g. Tán nhỏ, mỗi ngày uống 20g.
Giai đoạn hồi phục sau áp xe phổi: Sài hồ, đương quy, thăng ma, bạch thược mỗi vị 8g, đẳng sâm 16g, Hoàng Kỳ, Bạch Truật mỗi vị 12g, trần bì, cam thảo, Ngũ Vị Tử mỗi vị 6g. Sắc uống.
4.4 Chữa tăng huyết áp
Tăng huyết áp ở người trẻ, hoặc trong rối loạn tiền mãn kinh: Sài hồ, long đởm thảo, đương quy, mộc thông mỗi vị 8g, xa tiền tử 16g, Sinh Địa 14g, hoàng cầm, chi tử, Trạch Tả mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Tăng huyết áp do các bệnh khác gây ra: Sài hồ, Câu Đằng, hoàng cầm, xa tiền, mộc thông mỗi vị 12g, Thiên Ma, chi tử, xuyên khung, bạch thược, Đương Quy mỗi vị 8g. Sắc uống.
4.5 Trị bệnh thần kinh
Suy nhược thần kinh, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ: Sài hồ 12-16g, chi tử, mạn kinh, Cúc Hoa, táo nhân, bá tử nhân mỗi vị 8-12g. Hoặc: Sài hồ 12g, đương quy, bạch thược, bạch truật, phục linh, Bạc Hà mỗi vị 8g, cam thảo 6g, sinh khương 4g. Hoặc: Sài hồ, hoàng cầm, bạch truật, phục linh, bạch thược, đại táo mỗi vị 12g, thanh bì, bạc hà, uất kim, hương phụ, chỉ xác, táo nhân mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Đều sắc uống.
Rối loạn thần kinh chức năng do sang chấn tinh thần: Sài hồ, bạch linh, bạch thược, bạch truật, hoàng cầm mỗi vị 12g, bạc hà, uất kim, Chỉ Xác mỗi vị 8g, trần bì, cam thảo mỗi vị 6g, Gừng 4g. Sắc uống.
4.6 Trị bệnh tiêu hóa
Viêm loét dạ dày: Sài hồ, bạch thược mỗi vị 12g, chỉ xác, xuyên khung, hương phụ, thanh bì mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Hoặc: Sài hồ, sinh địa, hoài sơn, bạch thược, đại táo mỗi vị 12g, sơn thù, phục linh, trạch tả, đan bì, đương quy, Chi Tử mỗi vị 8g. Đều sắc uống.
Tiêu chảy mạn: Sài hồ 12g, phòng phong, bạch thược, bạch truật mỗi vị 8g, cam thảo, trần bì, chỉ xác mỗi vị 6g. Sắc uống.
Viêm gan virus mạn: Sài hồ, bạch truật, đẳng sâm, bạch thược mỗi vị 12g, phục linh, bán hạ chế mỗi vị 8g, cam thảo, Trần Bì mỗi vị 6g. Hoặc: Sài hồ 12g, bạch thược, xuyên khung, đương quy, đại táo mỗi vị 8g, chỉ thực, hậu phác, cam thảo mỗi vị 6g. Đều sắc uống. Hoặc: Sài hồ, bạch thược, đương quy, bạch truật, Bạch Linh mỗi vị 12g, uất kim 8g, cam thảo 4g, gừng sống 2g. Sắc uống hoặc tán bột uống 20g mỗi ngày.
Viêm túi mật, viêm đường dẫn mật: Sài hồ 16g, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử mỗi vị 12g, cam thảo, đại hoàng mỗi vị 4g. Sắc uống.
Rò hậu môn: Sài hồ, hoàng cầm, Mã Đề mỗi vị 16g, long đởm thảo, trạch tả, mộc thông, đương quy, sinh địa mỗi vị 12g, chi tử 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
4.7 Trị bệnh tiết niệu – sinh dục
Chữa di tinh: Sài hồ, đẳng sâm, khiếm thực, Liên Nhục mỗi vị 12g, long cốt, hạt muồng mỗi vị 16g, phục linh, Viễn Chí mỗi vị 8g. Sắc uống.
Chữa đái dầm: Sài hồ, Thăng Ma mỗi vị 10g, đẳng sâm, bạch truật, hoàng kỳ, đương quy mỗi vị 12g, trần bì, cam thảo mỗi vị 6g. Hoặc: Sài hồ, chi tử, tri mẫu, mộc thông, sinh địa mỗi vị 8g, long đởm thảo, hoàng bá, cam thảo mỗi vị 6g. Đều sắc uống.
4.8 Trị bệnh phụ nữ
Chữa kinh nguyệt nhiều, trước kỳ: Sài hồ, bạch thược, bạch truật, đan bì mỗi vị 12g, đương quy, bạc hà, bạch linh, chi tử mỗi vị 8g, gừng sống 2g. Sắc uống.
Chữa kinh ít, bụng dưới chướng đau: Sài hồ, bạch truật mỗi vị 12g, phục linh, bạch thược mỗi vị 8g, trần bì, đương quy mỗi vị 6g, cam thảo, bạc hà, gừng mỗi vị 4g. Sắc uống.
Chữa thống kinh: Sài hồ, Xuyên Khung mỗi vị 12g, thương truật, hương phụ, hậu phác, chỉ xác, chi tử mỗi vị 8g, thần khúc 6g. Sắc uống.
Chữa rong huyết: Sài hồ, khương hoạt, thương truật, hoàng kỳ, phòng phong mỗi vị 8g, thăng ma, Cảo Bản, mạn kinh, độc hoạt, đương quy mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa rong huyết sau sinh: Sài hồ, bạch thược, bạch linh, bạch truật, bạc hà, chi tử sao, sinh địa mỗi vị 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g, sinh khương 2g. Sắc uống.
Chữa khí hư: Sài hồ, trạch tả, mộc thông, sinh địa, đương quy, hoàng cầm, chi tử mỗi vị 8g, long đởm thảo, mã đề mỗi vị 12g, cảm thảo 4g. Sắc uống.
Chữa vú căng đau, không xuống sữa sau sinh: Sài hồ 12g, bạch thược, đương quy, bạc hà, bạch linh, bạch truật, mộc thông, mỗi vị 8g, trần bì, thông thảo mỗi vị 6g, cam thảo 4g, sinh khương 2g. Sắc uống.
Chữa tiểu són, tiểu không tự chủ sau sinh: Sài hồ bắc, bạch truật, kim anh, khiếm thực, liên nhục mỗi vị 12g, đẳng sâm, ý dĩ, Hoài Sơn mỗi vị 16g, Tang Phiêu Tiêu 8g. Hoặc: Sài hồ, hoàng kỳ, bạch truật, thăng ma, sơn thù, khiếm thực, hoài sơn mỗi vị 12g, đăng sâm 16g, đương quy, tang phiêu tiêu mỗi vị 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Đều sắc uống.
Chữa u xơ tuyến vú: Sài hồ, toàn quy, Xích Thược, lá Quất, Hồng Hoa, huyền hồ, đào nhân, Hương Phụ chế, xuyên liên tử mỗi vị 12g, Đan sâm 16g. Sắc uống. Khi khối u mềm đi thì dùng bài sau: Sài hồ, toàn xuyên quy, xích thược, hồng hoa, đào nhân, tam lang, nga truật mỗi vị 12g, Mẫu Lệ 20g, đan sâm, xuyên sơn giáp mỗi vị 16g. Sắc uống.
4.9 Trị bệnh khác
Lao hạch: Sài hồ 8g, thạch quyết minh (hoặc mẫu lệ) 40g, Hạ Khô Thảo, bạch cương tàm, hải tảo, bạch thược, hương phụ mỗi vị 12g, trần bì 6g. Sắc uống.
Chàm: Sài hồ, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, mộc thông, mã đề mỗi vị 8g, trạch tả, sinh địa mỗi vị 12g, thuyền thoái 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa viêm tai giữa mạn: Sài hồ, đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, Phục Linh mỗi vị 12g, đương quy, thăng ma, hoàng bá, Hoàng Liên mỗi vị 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Tán bột, ngày dùng 20g, chia 3 lần uống.
Chữa chóng mặt, ù tai, hoa mắt: Sài hồ, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, mộc thông, Địa Long mỗi vị 12g, sinh địa, mã đề, mẫu lệ sống mỗi vị 16g, đương quy, trạch tả mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa thấp khớp, đau đầu, cứng gáy, tay chân buồn mỏi: Sài hồ, bạch linh mỗi vị 120g, Kinh Giới, phòng phong mỗi vị 100g, khương hoạt, độc hoạt, tiền hồ, cam thảo, cát cánh, chỉ xác, xuyên khung mỗi vị 80g. Tán bột, ngày uống 20g chia 2 lần trước khi ăn.
Chữa hắc võng mạc trung tâm: Sài hồ, hoài sơn, đan bì, trạch tả, phục linh, đương quy mỗi vị 12g, Thục Địa 16g, Sơn Thù 8g, ngũ vị 4g. Sắc uống hoặc làm viên, ngày uống 25-40g.
Tiểu sài hồ thang trị chứng thiếu dương: Sài hồ 12 – 16g, hoàng cầm, bán hạ, đẳng sâm, sinh khương mỗi vị 8 – 12g, chích cam thảo 4-8g, đại táo 4-6 quả. Sắc uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Fude Yang và cộng sự (Ngày đăng 16 tháng 5 năm 2017). Radix Bupleuri: A Review of Traditional Uses, Botany, Phytochemistry, Pharmacology, and Toxicology, NCBI. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Sài hồ nam trang 645, Từ điển cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2023.