Rocuronium bromid

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

ROCURONIUM BROMID

Tên chung quốc tế: Rocuronium bromide.

Mã ATC: M03AC09.

Loại thuốc: Thuốc giãn cơ loại phong bế thần kinh cơ không khử cực.

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm: 50 mg/5 ml; 100 mg/10 ml.

2 Dược lực học

Rocuronium bromid là một aminosteroid, có hoạt tính phong bế thần kinh – cơ không khử cực, gây giãn cơ, có tác dụng nhanh và thời gian tác dụng trung bình. Cơ chế tác dụng của rocuronium cũng tương tự các thuốc phong bế thần kinh cơ không khử cực khác là do thuốc gắn với thụ thể acetylcholin ở màng sau synap, do đó phong bế cạnh tranh tác dụng dẫn truyền của acetylcholin ở bản vận động cơ vân. Các thuốc ức chế acetylcholinesterase như neostigmin hoặc edrophonium làm mất tác dụng này của rocuronium bromid.

Rocuronium không tác động đến ý thức, ngưỡng đau và não nên được sử dụng để giãn cơ trong phẫu thuật sau khi người bệnh đã mê và để đặt nội khí quản do tác dụng nhanh. Thuốc được cho là ít gây ADR đối với tim mạch và ít gây giải phóng histamin.

3 Dược động học

3.1 Thời gian khởi phát tác dụng

Thời gian lý tưởng đặt nội khí quản trong vòng 1 – 2 phút (phụ thuộc liều dùng), tác dụng ức chế thần kinh cơ đạt tối đa trong 4 phút. Thời gian tác dụng xấp xỉ 30 phút (với liều thông thường, thời gian tăng lên khi sử dụng mức liều cao hơn và đi kèm các thuốc mê hô hấp, ngoài ra còn phụ thuộc tuổi bệnh nhân).

3.2 Phân bố

Vd xấp xỉ 0,25 lít/kg, tỷ lệ liên kết với protein huyết tương khoảng 30%.

3.3 Chuyển hóa

Thuốc ít chuyển hóa ở gan, chất chuyển hóa chính của rocuronium bromid là 17-desacetylrocuronium được cho là có hiệu quả phong bế thần kinh – cơ yếu (bằng khoảng 5-10% hoạt tỉnh của chất mẹ).

3.4 Thải trừ

Thuốc được thải trừ qua phân (31%), qua nước tiểu (26%). Nửa đời thải trừ của thuốc là 66 phút – 144 phút.

4 Chỉ định

Dùng để gây giãn cơ trong phẫu thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo trên các bệnh nhân hồi sức tích cực (ICU).

5 Chống chỉ định

Người có tiền sử phản ứng quá mẫn với thuốc.

6 Thận trọng

Do rocuronium gây liệt cơ hô hấp, cần kiểm soát chức năng hô hấp, hỗ trợ thông khí cho bệnh nhân đến khi hô hấp tự động được hồi phục.

Tương tự các thuốc ức chế thần kinh cơ khác, để ngăn chặn các biển chứng do những tác dụng còn lại của việc ức chế thần kinh cơ, chỉ rút ống nội khí quân sau khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân cao tuổi (trên 65 tuổi) có thể có nguy cơ cao với việc ức chế thần kinh cơ. Các yếu tố khác cho biến chứng sau ức chế thần kinh cơ cũng nên được cân nhắc. Cân nhắc sử dụng các thuốc đối kháng như sugammadex hoặc các thuốc ức chế acetylcholinesterase trong các trường hợp biến chứng sau ức chế thần kinh cơ thường xảy ra. Có sự mẫn cảm chéo giữa các thuốc ức chế thần kinh cơ với một tỷ lệ cao. Vì vậy cần loại trừ nguy cơ quá mẫn với các thuốc ức chế thần kinh cơ khác trước khi tiêm rocuronium.

Sử dụng kéo dài các thuốc ức chế thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức tích cực (ICU) gây liệt hoặc yếu cơ kéo dài. Để loại trừ việc kéo dài tác dụng ức chế thần kinh cơ và/hoặc quá liều, cần kiểm soát quá trình dẫn truyền thần kinh cơ trong suốt quá trình dùng thuốc. Với các bệnh nhân đang dùng cả các thuốc ức chế thần kinh cơ và corticosteroid, cần hạn chế thời gian sử dụng các thuốc ức chế thần kinh cơ ít nhất có thể.

Rocuronium không có tác dụng giảm đau hoặc an thần nên khi dùng thuốc phải kèm theo thuốc giảm đau hoặc an thần.

Trên các bệnh nhân dùng Suxamethonium để đặt nội khí quản, việc dùng rocuronium nên được trì hoãn đến tận khi bệnh nhân hồi phục tác dụng ức chế thần kinh cơ do suxamethonium.

Do rocuronium được thải trừ vào mặt và nước tiểu, nên sử dụng thận trọng thuốc trên bệnh nhân suy gan và/hoặc bệnh đường mặt và/hoặc suy thận. Nguy cơ kéo dài tác dụng trên các bệnh nhân này khi dùng liều 0,6 mg/kg đã được ghi nhận. Các bệnh lý đi kèm với việc ứ trệ tuần hoàn như bệnh tim mạch, tuổi cao, phù nề làm tăng Thể tích phân bố, làm tăng thời gian khởi phát tác dụng ức chế thần kinh cơ. Thời gian tác dụng cũng có thể kéo dài do giảm Độ thanh thải của thuốc trong huyết tương. Rocuronium nên sử dụng thận trọng với các bệnh nhân có các bệnh thần kinh cơ hoặc sau bại liệt do đáp ứng với các thuốc ức chế thần kinh cơ thay đổi đáng kể trong các trường hợp này. Ở người bệnh nhược cơ nặng hoặc có hội chứng nhược cơ (Eaton-Lambert), chi cần dùng liều nhỏ có thể gây tác dụng rất mạnh, rocuronium nên được điều chỉnh theo đáp ứng. Trong điều kiện hạ thân nhiệt, tác dụng ức chế thần kinh cơ của rocuronium tăng lên và thời gian tác dụng kéo dài. Trên bệnh nhân béo phì, thời gian tác dụng của rocuronium thường kéo dài và chậm hồi phục khi sử dụng liều tỉnh theo cân nặng thực sự.

Bệnh nhân bỏng thường có nguy cơ kháng với các thuốc không khử cực. Cần hiệu chỉnh liều theo đáp ứng.

Tình trạng hạ natri, hạ kali, hạ calci huyết, tăng magnesi huyết, giảm protein máu, mất nước, toan huyết, hội chứng nhược cơ, tăng carbon dioxyd huyết, rối loạn điện giải, thay đổi pH máu đều làm tăng tác dụng gây giãn cơ của rocuronium bromid.

Khả năng phục hồi thần kinh cơ của thuốc bị ảnh hưởng bởi các muối magnesi do muối magnesi tăng tác dụng ức chế thần kinh cơ. Cần giảm liều hoặc hiệu chỉnh liều rocuronium trên các bệnh nhân đang dùng các muối magnesi.

7 Thời kỳ mang thai

Chưa có dữ liệu lâm sàng về việc sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến phụ nữ mang thai, đến sự phát triển của thai nhi, đến quá trình sinh nở hoặc sự phát triển của trẻ sau sinh. Tuy nhiên cần thận trọng khi kê đơn cho phụ nữ mang thai.

Giai đoạn sinh mổ: Trên các bệnh nhân sinh mổ, rocuronium có thể được sử dụng để gây cảm ứng mê nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt nội khí quản và phối hợp với thuốc mê hoặc sau khi đặt nội khí quản với suxamethonium. Mức liều 0,6 mg/kg được coi là an toàn cho phụ nữ sinh mổ, mặc dù với mức liều này tác dụng xuất hiện chậm, thời điểm thích hợp để đặt nội khí quản là 90 giây sau khi đưa thuốc. Rocuronium không ảnh hưởng đến chỉ số Apgar, hoạt động của cơ hoặc nhịp tim và hô hấp của trẻ sơ sinh.

8 Thời kỳ cho con bú

Chưa rõ liệu rocuronium có được bài tiết vào sữa hay không. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, thuốc được bài tiết vào sữa với một lượng nhỏ không có ý nghĩa lâm sàng. Chỉ sử dụng thuốc trên phụ nữ cho con bú khi chắc chắn lợi ích lớn hơn nguy cơ.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR)

ADR thường gặp nhất là phản ứng đau tại vị trí tiêm, thay đổi tầm nhìn và kéo dài tác dụng ức chế thần kinh cơ.

9.1 Ít gặp, hiếm gặp 

Tim mạch: loạn nhịp nhanh, tụt huyết áp.

Toàn thân và tại vị trí tiêm: giảm hoặc tăng tác dụng hiệu quả điều trị, đau tại nơi tiêm, phản ứng tại nơi tiêm, thuốc không hiệu quả. Tổn thương, ngộ độc và biến chứng: kéo dài tác dụng ức chế thần kinh cơ, chậm hồi phục sau mê. 

9.2 Rất hiếm gặp

Hệ miễn dịch: phản ứng quá mẫn, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, sốc quá mẫn.

Thần kinh: liệt mềm.

Mạch: trụy tuần hoàn và sốc, đỏ bừng da.

Hô hấp: co thắt phế quản.

Da và mô dưới da: phù mạch, mày đay, phát ban, ban đỏ.

Cơ xương và mô liên kết: yếu cơ, bệnh viêm cơ do steroid.

Toàn thân: phù mặt, sốt cao ác tính.

Tổn thương, ngộ độc và biến chứng: biến chứng hô hấp sau gây mê.

9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR

Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện và nhân lực cần thiết cho việc đặt ống nội khí quản, sử dụng oxygen và hô hấp hỗ trợ hoặc hô hấp điều khiển. Mặc dù rất hiểm sốc phản vệ nhưng phải chú ý phát hiện sớm để cấp cứu kịp thời.

Trong khi dùng thuốc nên có mây theo dõi giãn cơ để điều chỉnh liều sử dụng cho thích hợp.

Phải theo dõi và điều chỉnh ngay các rối loạn nặng về điện giải, pH máu, thể tích tuần hoàn trong quá trình sử dụng thuốc để tránh sự gia tăng tác dụng phong bế thần kinh – cơ.

10 Liều lượng và cách dùng

10.1 Cách dùng

Rocuronium bromid được tiêm tĩnh mạch nhanh hoặc truyền tĩnh mạch.

10.2 Liều lượng

Liều lượng phải được điều chỉnh cẩn thận, tuỳ theo nhu cầu và đáp ứng của từng người bệnh. Nên dùng một máy kích thích dây thần kinh ngoại biên để giám sát chính xác mức độ giãn thần kinh – cơ, để giảm thiểu khả năng quá liều và để đánh giá hồi phục sau chẹn thần kinh – cơ.

10.2.1 Giãn cơ trong phẫu thuật

10.2.1.1 Người lớn

Liều khởi đầu (để đặt nội khí quản) thông thường là 0,6 mg/kg. tiêm tĩnh mạch nhanh. Sau khi tiêm, giân cơ cần thiết để đặt nội khí quân đạt được trong vòng 1 phút với hầu hết bệnh nhân.

Liều duy trì: Liều duy trì khuyến cáo là 0,15 mg/kg, tiêm tĩnh mạch nhanh, trong trường hợp gây mê hô hấp kéo dài liều này nên giảm xuống 0,075 -0,1 mg/kg. Liều duy trì tốt nhất khi mức độ giật cơ hồi phục 25% so với mức kiểm soát.

Tiêm truyền liên tục: Nên sử dụng liều tài 0,6 mg/kg, khi thần kinh cơ bắt đầu hồi phục nên bắt đầu tiêm truyền. Ở người lớn trong điều kiện gây mê tĩnh mạch, tốc độ tiêm truyền cần để duy trì tác dụng ức chế thần kinh cơ ở mức 0,3 – 0,6 mg/kg/giờ và trong điều kiện gây mê hô hấp là 0,3 – 0,4 mg/kg/giờ. Cần kiểm soát liên tục tác dụng ức chế thần kinh cơ do tốc độ tiêm truyền có thể thay đổi giữa các bệnh nhân và theo các phương pháp gây mê sử dụng.

10.2.1.2 Trẻ em

Liều ở trẻ em tương tự người lớn. Tuy nhiên thời gian tác dụng khi sử dụng liều đơn trong đặt nội khí quản thường dài hơn ở trẻ sơ sinh (0 – 27 ngày) và trẻ nhỏ (28 ngày – 2 tháng). Tốc độ tiêm truyền ở trẻ em là tương tự người lớn trừ trẻ 2 – 11 tuổi. Với trẻ từ 2 – 11 tuổi cần tốc độ tiêm truyền cao hơn.

Người cao tuổi, bệnh nhân suy gan thận: Liều khởi đầu (để đặt nội khí quản) thông thường là 0,6 mg/kg. Bất kể kĩ thuật gây mê nào được sử dụng, liều duy trì khuyến cáo là 0,075 -0,1 mg/kg, tốc độ tiêm truyền khuyến cáo 0,3 – 0,4 mg/kg/giờ.

Bệnh nhân béo phì (có cân nặng vượt quá 30% trọng lượng cơ thể lý tưởng của họ): Nên giảm liều theo cân nặng lý tưởng tính toán. 

10.2.1.3 Bệnh nhân hồi sức tích cực

Đặt nội khí quản: Liều tương tự như đã mô tả trong phần đặt nội khí quản trong phẫu thuật. Liều duy trì: Nên sử dụng liều tải 0,6 mg/kg, khi thần kinh cơ bắt đầu hồi phục nên bắt đầu tiêm truyền. Cần hiệu chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân. Tốc độ tiêm truyền khởi đầu khuyến cáo ở người lớn là 0,3 – 0,6 mg/kg/giờ trong suốt giờ đầu đưa thuốc, cần giảm trong 6 – 12 giờ tiếp theo theo đáp ứng người bệnh. Đối tượng đặc biệt: Thuốc không được khuyến cáo cho việc thông khí nhân tạo trong khoa hồi sức tích cực trên trẻ em và người già do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.

11 Tương tác thuốc

Các thuốc làm tăng tác dụng của rocuronium:

Các thuốc gây mê nhóm halothan làm tăng tác dụng ức chế thần kinh cơ của rocuronium. 

Suxamethonium: Làm tăng tác dụng của rocuronium.

Các corticosteroid: Sử dụng kéo dài corticoid phối hợp với rocuronium gây giãn cơ kéo dài hoặc các bệnh lý trên cơ. 

Một số thuốc khác: Các kháng sinh như aminoglycosid, lincosamid, các kháng sinh nhóm polypeptid, kháng sinh acylamino – penicilin, các thuốc lợi tiểu, quinidin, muối magnesi, các thuốc chẹn kênh calci, muối lithi, các thuốc gây tê tại chỗ (lidocain, bupivacain), phenyltoin, thuốc chẹn beta. Tình trạng giãn cơ lại đã được ghi nhận trên các bệnh nhân sử dụng các thuốc trên sau phẫu thuật.

Các thuốc làm giảm tác dụng của rocuronium: Phenyltoin, carbamazepin, Calci clorid, Kali clorid, các thuốc ức chế Protease (gabexat, ulinastatin).

Các thuốc làm thay đổi tác dụng giãn cơ của rocuronium: Phối hợp các thuốc ức chế thần kinh cơ không khử cực khác với rocuronium có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng ức chế thần kinh cơ, phụ thuộc vào thứ tự đưa thuốc và tác nhân sử dụng.

Ảnh hưởng của rocuronium lên thuốc khác: Phối hợp rocuronium với lidocain làm tăng thời gian khởi phát tác dụng của lidocain.

12 Tương kỵ

Rocuronium tương kỵ với các Dung dịch có chứa các chất sau: Amoxicilin, amphotericin, azathioprin, Cefazolin, cloxacilin, Dexamethason, Diazepam, enoximon, Erythromycin, famotidin, furosemid, hydrocortison (succinat natri), Insulin, intralipid, methohexital, methylprednisolon, prednisolon (succinat natri), thiopental, Trimethoprim và Vancomycin.

13 Tương hợp

Rocuronium bromid có thể pha vào các dung dịch Natri clorid 0,9%, Glucose 5%, Ringer lactat. Dùng trong vòng 24 giờ sau khi pha.

14 Quá liều và xử trí

14.1 Triệu chứng

Có thể xuất hiện yếu cơ, suy hô hấp, ngừng thở trong quá trình phẫu thuật và gây mê.

14.2 Xử trí

Khi dùng thuốc quá liều, cần xử trí bằng điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, bệnh nhân nên tiếp tục được trợ hô hấp và an thần. Có hai phương pháp có thể lựa chọn để hồi phục tác dụng ức chế thần kinh cơ: (1) Có thể sử dụng sugammadex cho các trường hợp ức chế mạnh và sâu. Liều sugammadex phụ thuộc vào mức độ ức chế thần kinh cơ và chỉ nên dùng ở người lớn. (2) Có thể dùng các thuốc ức chế cholinesterase (như neostigmin, pyridostigmin hoặc edrophonium) khi quá trình hồi phục tự phát bắt đầu với liều phù hợp để làm đảo ngược tác dụng giãn cơ của rocuronium bromid.

Nếu các thuốc ức chế cholinesterase không hiệu quả, thông khí nhân tạo nên tiếp tục đến tận khi bệnh nhân có thể tự thở. Việc lặp lại liều các thuốc ức chế cholinesterase có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Cập nhật lần cuối: 2017

Để lại một bình luận