Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Apiales (Hoa tán) |
Họ(familia) |
Apiaceae (Hoa tán) |
Chi(genus) |
Hydrocotyle |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Hydrocotyle sibthorpioides Lam. |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Hydrocotyle rotundifolia Roxb. |
Rau má mỡ thuộc dạng cây thảo có kích thước nhỏ, cây sống dai. Thân cây mảnh, mọc bò, rễ cây mọc ở các mấu, rồi mọc thẳng, bề mặt vỏ thân nhẵn hoặc hơi có lông, chiều dài có thể lên đến 50cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Rau má mỡ là cây gì?
Tên khoa học: Hydrocotyle sibthorpioides Lam.
Tên đồng nghĩa: Hydrocotyle rotundifolia Roxb.
Tên gọi khác: Rau má chuột, Rau má họ, Thạch hồ thái, Rau má mơ.
Họ thực vật: Apiaceae (Hoa tán).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau Má mỡ thuộc dạng cây thảo có kích thước nhỏ, cây sống dai. Thân cây mảnh, mọc bò, rễ cây mọc ở các mấu, rồi mọc thẳng, bề mặt vỏ thân nhẵn hoặc hơi có lông, chiều dài có thể lên đến 50cm.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình tim hoặc hình thận, xẻ nhiều thùy nôn, chiều rộng mỗi lá khoảng từ 1 đến 1,5cm, mép có răng cưa, chiều dài cuống lá khoảng 1 đến 4cm, lá kèm dễ rụng.
Cụm hoa mọc thành tán đơn ở kẽ, cuống hoa dài, có lông, tổng bao hoa có 4-10 lá bắc, hoa nhỏ, màu trắng, tràng 5 cánh nhọn, nhị 5, xếp xen kẽ với cánh hoa.
Quả dẹt, canh lồi, bề mặt nhẵn hoặc phủ lông có kích thước rất nhỏ, quả khi chín có màu vàng hoặc màu nâu.
Mùa hoa quả từ tháng 4 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau má mỡ:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại nước ta, chi Hydrocotyle L. có 9 loài đều là cây thảo, đặc biệt là Rau má mỡ có khu vực phân bố tương đối rộng, được tìm thấy ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng, vùng núi, trung du, độ cao phân bố của cây khoảng 1000 mét, tuy nhiên, ở phía Nam, cây có độ cao phân bố từ 500 mét trở lên. Rau má mỡ còn được tìm thấy ở Trung Quốc và một số quốc gia khác thuộc Đông Nam Á.
Rau má mỡ thuộc loài ưa ẩm, ưa sáng, hơi chịu bóng, thường mọc thành từng đám hoặc mọc xen kẽ với các đám cỏ thấp, cây có thể mọc ở nhiều khu vực, địa hình khác nhau như bờ ruộng, đường đi, ven rừng, những nơi đất trũng, vườn nhà, bờ ao. Rau má mỡ ra hoa quả nhiều hàng năm, khả năng đẻ nhánh tốt, những mấu thân khi tiếp xúc với đất đều mọc rễ.
Rau má mỡ ăn được không? Rau má mỡ được dùng để làm rau ăn nhưng cũng là loài cỏ gây ảnh hưởng đến những loại cây trồng khác.
2 Thành phần hóa học
Rau má mỡ có chứa tinh dầu với thành phần chính là trans – β – farnesene, ngoài ra, Rau má mỡ còn chứa L-sesamin, các nhóm chất phenol, một caffeoyl galactosid, coumarin, acid amin.
3 Tác dụng của cây Rau má mỡ
3.1 Tác dụng dược lý
Chiết xuất của cây Rau má mỡ được sử dụng theo đường uống với liều 1,5 hoặc 3,0 g/kg trọng lượng cơ thể/ngày trong 10 ngày, tỷ lệ ức chế đối với dòng tế bào ung thư biểu mô gan ở chuột (Hep), dòng tế bào sarcoma 180 crocker (S(180)) và dòng tế bào ung thư biểu mô cổ tử cung (U(14)) được tăng cường đáng kể. Hoạt động chống khối u của Rau má mỡ được chứng minh tương đương với hoạt động của tác nhân chống khối u thông thường là 5-fluorouracil. Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chiết xuất của cây Rau má mỡ thúc đẩy chỉ số tuyến ức và lá lách, và khả năng miễn dịch dịch thể của chuột. Nghiên cứu này chứng minh rằng, Rau má mỡ có tác dụng ức chế mạnh đối với sự phát triển của khối u, ngoài việc làm trung gian cho các tác dụng điều hòa miễn dịch ở chuột.
3.2 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Rau má mỡ có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính mát.
Tác dụng: Lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu đờm, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm.
3.3 Công dụng
Rau má mỡ được dùng trong trường hợp vàng da, viêm gan, viêm gan truyền nhiễm, xơ gan, liều dùng được khuyến cáo là 20-40g Rau má mỡ đem sắc nước uống. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp cùng với các loại dược liệu khác. Bên cạnh đó, dược liệu này còn được sử dụng khi bị cảm cúm, viêm họng, sốt, ho với liều từ 40 đến 80g Rau má mỡ đem sắc nước uống.
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng Rau má mỡ trong trường hợp vàng da, viêm, bí tiểu tiện, vết thâm tím.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng Rau má mỡ khi bị thấp khớp, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng hô hấp, giun sán, bệnh giang mai. Để dùng khi bị tiêu chảy và lỵ thì có thể uống dịch ép của Rau má mỡ với Thìa là tươi (pha thêm đường cho dễ uống), mỗi lần uống 3-5ml, cách 3 giờ uống 1 lần. Dịch ép Rau má mỡ còn được dùng ngoài trong trường hợp ban da. Lá cây đắp ngoài khi bị mụn nhọt để tránh mưng mủ.
Cần lưu ý rằng, dịch ép của cây Rau má mỡ khi dùng liều cao có thể gây nôn.
4 Rau má mỡ trị bệnh gì?
4.1 Viêm gan vàng da
Sử dụng Rau má mỡ tươi sắc lấy nước uống, có thể dùng cây tươi sau đó nấu cùng với cá diếc để ăn.
4.2 Sỏi mật
30g Rau má mỡ.
30g Liên tiền thảo.
30g Bòng bong.
30g Mã Đề.
Các vị dùng tươi, đem sắc nước uống, chia làm 2-3 lần mỗi ngày.
4.3 Sỏi đường tiết niệu
30g Rau má mỡ.
30g Thạch vi.
30g Bán biên liên.
30g Bòng bong.
Các vị đem sắc nước uống.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau má mơ, trang 591-592. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Rau má mỡ, trang 521. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Farong Yu và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2007). Effects of Hydrocotyle sibthorpioides extract on transplanted tumors and immune function in mice, NCBI. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2024.