Rau Dệu (Alternanthera sessilis (L.) R. Br.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiosperms (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Caryophyllales (Cẩm chướng)

Họ(familia)

Amaranthaceae (Rau dền)

Chi(genus)

Alternanthera

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Alternanthera sessilis (L.) R. Br.

Danh pháp đồng nghĩa

Alternanthera nodiflora R. Br.

Rau Dệu (Alternanthera sessilis (L.) R. Br.)

Rau dệu thuộc dạng cây thảo, mọc bò, chiều dài mỗi cây khoảng từ 0,4 đến 0,5 mét, cây phân nhánh nhiều. Tại các đốt trên thân và cành cây bén rễ, có lông mềm, vỏ thân đôi khi có màu hồng tía. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Alternanthera sessilis (L.) R. Br.

Tên đồng nghĩa: Alternanthera nodiflora R. Br.

Họ thực vật: Amaranthaceae (Rau dền).

Cây rau dệu
Cây rau dệu

1.1 Đặc điểm thực vật

Rau dệu thuộc dạng cây thảo, mọc bò, chiều dài mỗi cây khoảng từ 0,4 đến 0,5 mét, cây phân nhánh nhiều. Tại các đốt trên thân và cành cây bén rễ, có lông mềm, vỏ thân đôi khi có màu hồng tía.

Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình mũi mác, chiều dài khoảng từ 2-5cm, chiều rộng từ 0,5 đến 1cm, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, mép lá nguyên, cuống lá ngắn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành từng bông có dạng hình tròn hay hình trứng, hoa nhỏ, số lượng nhiều, không có cuống, hoa màu trắng, đài 5 răng, nhị 3, bầu hình trứng dẹt.

Quả nang, chiều dài mỗi quả khoảng 2mm, mép dẹt.

Mùa hoa quả từ tháng 6 đến tháng 8.

Dưới đây là hình ảnh cây rau dệu

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật
Hình ảnh cây rau dệu
Hình ảnh cây rau dệu

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Hoa của cây rau dệu
Hoa của cây rau dệu

1.3 Rau dệu có mấy loại?

Nhiều người thường cho rằng, rau dệu có 2 loại là rau dệu đỏ cây rau dệu tía. Cả 2 loại này đều được gọi là rau dệu và đều có tác dụng như nhau.

Chi Alternanthera Forsk. trên thế giới có khoảng 70 loài, đều thuộc dạng cây thảo, thường được tìm thấy ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới ấm. Tại nước ta, chi này có 4 loài, trong đó Rau dệu là loài cây quen thuộc.

Rau dệu có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của Đông Nam Á. Cây được tìm thấy chủ yếu ở một số quốc gia gồm Ấn Độ, Srilanca, Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số quốc gia khác thuộc Đông Nam Á.

Tại nước ta, cây được phân bố khắp từ các tỉnh thuộc miền núi, đồng bằng, trung du, độ cao phân bố dưới 600 mét.

Rau dệu là loài ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu bóng nhẹ, thường mọc trong vườn, ruộng, ven rừng, nương rẫy. Cây sinh trưởng tự nhiên, môi trường sống cần đảm bảo đất ẩm, nhiều mùn, có độ pH từ 5, 5 đến 7,0. Rau dệu sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa mùa ẩm, phần trên mặt đất có xu hướng tàn lụi khi bước vào mùa đông hoặc mùa khô. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Rau dệu có khả năng mọc chồi nhanh, phân nhánh khỏe, thường mọc thành từng đám dày đặc, mọc lan trên mặt đất, khó có thể phân biệt thành từng cá thể riêng biệt.

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

2 Thành phần hóa học

Rau dệu chứa một số thành phần gồm:

  • Protid.
  • Glucid.
  • Celulose.
  • Các nguyên tố đa vi lượng như phospho, calci, Sắt, các hợp chất gồm caroten và vitamin C.
Cây rau dệu
Cây rau dệu

3 Cây rau dệu có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Thử độc tính cấp

Toàn cây sau khi phơi khô, đem chiết bằng cồn 50 độ, cô dưới áp suất giảm thu được cao khô. Xác định độc tính cấp bằng cách tiêm trong màng bụng chuột nhắt trắng, liều LD50 là 500mg/kg.

3.1.2 Tác dụng hạ thân nhiệt

Cao khô chiết theo phương pháp giống như trên khi cho chuột nhắt trắng dùng liều 125mg/kg, tiến hành đo nhiệt độ tại hậu môn cho chuột trước khi uống thuốc 30 phút, 1 giờ và 2 giờ sau khi dùng thuốc thì tác dụng hạ thân nhiệt được quan sát rõ so với lô chứng.

Hình ảnh cụm hoa
Hình ảnh cụm hoa

3.1.3 Tác dụng lợi tiểu

Dịch ép toàn cây Rau dệu cho thấy tác dụng lợi tiểu rõ khi nghiên cứu trên chuột cống trắng.

3.1.4 Tác dụng khác

Rau dệu cho thấy tác dụng chống oxy hóa mạnh nhờ thành phần chứa Vitamin C, polyphenol, terpene, alkaloid và Carotenoid, acid béo không bão hóa. Rau dệu cũng được nghiên cứu về các tác dụng khác như tác dụng kháng khuẩn và tẩy giun, chống tiểu đường, hạ lipid, hoạt động chống viêm và giảm đau, chống ung thư.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Rau dệu có vị ngọt, nhạt, tính mát có tác dụng tiêu viêm, tiêu sưng, lợi tiểu, chống ngứa, làm mát máu.

Cây rau dệu có tác dụng gì?
Cây rau dệu có tác dụng gì?

3.2.2 Công dụng

Rau dệu được dùng trong trường hợp bí đái, tắc tia sữa, bí đái, bệnh gan mật, bệnh do nhiệt sinh xuất huyết như ho máu, chảy máu cam, viêm họng, lỵ ra máu.

Ngoài ra, cây có thể được dùng ngoài trong trường hợp viêm da, eczema, lở chàm, nổi mất, nổi hạch, viêm vú, tràng nhạc, rắn cắn.

Liều dùng được khuyến cáo là 15-30g dưới dạng thuốc sắc hoặc 60-120g cây tươi, đem giã và ép nước uống.

Khi dùng ngoài thì không kể liều lượng, có thể giã nát để đắp hoặc nấu nước tắm.

Hình ảnh cây rau dệu
Hình ảnh cây rau dệu

4 Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu từ cây Rau dệu

Sử dụng 100g rau dệu, 50g Cam Thảo đất, 50g Rau Má, 20g Diếp Cá.

Các vị đem sắc nước để uống.

5 Một số câu hỏi thường gặp

5.1 Rau dệu có ăn được không?

Nhân dân ta thường dùng rau dệu để nấu canh ăn rất ngon nhưng thường phối hợp cùng với các loại rau khác như rau ngổ, rau dền,…

5.2 Món ăn từ cây rau dệu

Một số món ăn dễ chế biến, có hương vị thơm ngon từ cây rau dệu có thể kể đến như: Canh rau dệu nấu tép, rau dệu xào tỏi, rau dệu nấu thịt băm,… 

Cây rau dệu
Cây rau dệu

6 Tài liệu tham khảo

Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Dệu, trang 794-795. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau dệu, trang 571-572. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Chia Shing Hwong và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2022). Alternanthera sessilis: Uncovering the nutritional and medicinal values of an edible weed, PubMed. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận