Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) |
Alismatales (Trạch tả) |
Họ(familia) |
Alismataceae (Trạch tả) |
Chi(genus) |
Sagittaria |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Sagittaria sagittifolia L. |
Rau chóc thuộc dạng cây cỏ, sống ở nước, thân rễ dạng củ. Cuống lá dài, có bẹ, chia thành 2 dạng là lá chìm hình bản dài và lá khí sinh có dạng hình mũi mác chia thành 3 thùy. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Rau mác (Rau chốc) là cây gì?
Tên khoa học: Sagittaria sagittifolia L.
Tên gọi khác: Rau chóc, Rau chốc, Thủy từ cô, Hèo nèo.
Họ thực vật: Alismataceae (Trạch Tả).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau mác thường mọc trong nước, thuộc dạng cây cỏ, sống ở nước, thân rễ dạng củ.
Cuống lá dài, có bẹ, chia thành 2 dạng là lá chìm hình bản dài và lá khí sinh có dạng hình mũi mác chia thành 3 thùy trong đó 2 thùy bên dài hơn thùy ở giữa, hai mặt của lá đều nhẵn, gân hình chân vịt.
Cụm hoa mọc trên cán dài gần 1 mét, mọc ở giữa túm lá, nửa trên cán mang hoa, lá bắc hình tam giác, hoa xếp thành từng vòng 3 cái một, hoa đực xếp ở trên, hoa cái xếp ở dưới, đài 3 răng, tràng 3 cánh có màu trắng, nhị 15, ở những bông hoa cái, lá noãn tập hợp thành hình cầu.
Quả bế, dẹt, mỗi quả gồm 1 hạt.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 11.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau chóc (Rau mác):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Sagittaria L. trên thế giới gồm các loài cây sống ở nước, được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Tại nước ta, chi này có 2 loài được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau bao gồm vùng núi, trung du và đồng bằng. Rau chóc cũng được tìm thấy ở một số khu vực khác thuộc Đông Nam Á, vùng nhiệt đới của Nam Mỹ,..
Rau chóc có bản chất là loài ưa sáng, chỉ mọc ở những khu vực nước nông hoặc nước lặng, cây mọc tập trung thành từng đám hoặc mọc riêng lẻ ở những ruộng nước, kênh rạch.
Rau chóc sinh trưởng từ hạt, toàn bộ cây có thể mọc chìm trong nước, khi thụ phấn thì hoa phải mọc vươn dài khỏi mặt nước. Vào mùa thu – đầu đông, cây bắt đầu tàn lụi sau khi hết mùa hoa quả. Những hạt còn nằm trong bùn sẽ tiếp tục chu kỳ sinh trưởng và phát triển vào mùa xuân năm sau.
Rau chóc được coi là loài cỏ dại đối với những loại cây trồng khác, muốn diệt trừ cần phải loại bỏ được gốc cây. Lá cây có thể dùng để làm thức ăn cho gia súc.
2 Thành phần hóa học
Củ của cây Rau chóc có chứa protein chiếm 5,0%, nước chiếm 69,5%, carbohydrate chiếm 27,3%, chất béo chiếm 0,2%, chất sợi chiếm 0,8%, tro chiếm 1,6%, các chất vô cơ như photpho, Sắt, Canxi, Mangan. Ngoài ra, Rau chóc còn chứa đường, Vitamin C, asparagine.
Rễ cây Rau chóc có chứa men ức chế protein A và men ức chế protein B với 150 acid amin và 3 cầu nối sulfit.
Các nhà khoa học còn phát hiện trong cây Rau chóc có chứa acid sandaracopimaric là một chất có tác dụng tăng cường miễn dịch.
3 Cây Rau chóc (Rau mác) có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng chống viêm cấp
Khi tiến hành thí nghiệm ở chuột cống trắng, sau khi gây phù chân chuột bằng 0,1ml Dung dịch caragenin 1%, cho chuột uống cao chiết cồn 50% của toàn cây Rau chóc, tiến hành cô dưới áp lực giảm, cho chuột uống 1 giờ trước khi tiêm caragenin thì Rau chóc thể hiện tác dụng chống viêm tốt.
3.1.2 Tác dụng giảm đau
Thí nghiệm được nghiên cứu trên chuột nhắt trắng được gây đau bằng cách tiêm 0,25ml dung dịch phenylquimon 0,02% vào phúc mạc của chuột. Cao chiết cồn 50% của toàn cây Rau chóc sau khi cô dưới áp lực giảm cho chuột uống thì thấy dược liệu này có tác dụng giảm các cơn quặn đau gây ra bởi phenylquinon.
3.1.3 Độc tính cấp
Cao khô chiết từ cây Rau chóc khi thử trên chuột nhắt trắng đã tiêm phúc mạc thì xác định được liều chết trung bình LD50 là 1000mg/kg.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Rau chóc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có độc.
Tác dụng: Rau chóc quy vào 3 kinh Tâm, Phế, Can có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, giảm đau, trừ thấp.
3.2.2 Công dụng
Rau chóc được dùng làm thuốc bổ dưỡng, cầm máu, cường tráng, chữa hậu sản, động thai, sót rau, ho ra máu, đau nhói ở tim, chóng mặt, ho ra máu. Liều dùng thông thường là 100-200g đem sắc nước uống.
Có thể dùng lá non của cây đắp trong trường hợp mụn nhọt, lở ngứa, dính độc, hôi nách, ong đốt, bệnh ngoài da, rắn cắn.
Hoa của cây Rau chóc có tác dụng làm sáng mắt, trị trĩ, trừ thấp.
Nhân dân sử dụng của, lá non và cuống lá để làm rau ăn, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như luộc, nấu canh, xào,…
4 Cây Rau chóc (Rau mác) trị bệnh gì?
4.1 Chữa khí hư, ho ra máu
Sử dụng vài củ Rau chóc cạo sạch vỏ, giã nát sau đó trộn cùng với Mật Ong, đem hấp cách thủy đến khi chín sau đó ăn khi còn nóng.
4.2 Chữa ngộ độc thực phẩm
50-100g củ Rau chóc đem rửa sạch sau đó giã nát, chắt nước uống.
5 Phân biệt Rau mác và Lục bình
Rau mác và Lục bình đều là những loại thực vật quen thuộc đặc biệt là nhân dân vùng sông nước miền Tây. Nhiều người vẫn nhầm lẫn 2 loại cây này, dưới đây là một số điểm khác nhau để bạn đọc dễ dàng phân biệt:
|
Rau chóc |
Lục bình |
Tên khoa học |
Sagittaria sagittifolia L. |
Eichhornia crassipes (Mart.) Solms |
Đặc điểm thực vật |
Cây cỏ, sống ở nước, thân rễ dạng củ Lá có cuống dài, bẹ to, hai mặt nhẵn, gân là có dạng hình chân vịt Cụm hoa mọc ở giữa túm lá, trên cán dài, hoa của cây Rau chóc có màu lục Quả bế, dẹt, gồm 1 hạt |
Cây sống ở nước, rễ mọc thành chùm Lá mọc thẳng từ rễ, phiến lá có dạng hình tròn, cuống phồng tạo thành phao Cụm hoa mọc trên một cán dài, hoa có màu trắng hoặc tím Quả nang |
Tác dụng |
Rau chóc được dùng để làm rau ăn, có thể xào, nấu canh,.. Cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn nhọt,… |
Lục bình có thể dùng để làm rau ăn sống hoặc nấu canh, ăn lẩu,… Cây có tác dụng trị rôm sảy do phát nóng, cảm nắng |
6 Rau chóc (Rau mác) làm món gì?
Rau chóc là loại rau quen thuộc, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, phương pháp chế biến cũng rất đơn giản mà bạn có thể làm để đổi món cho gia đình, dưới đây là một số món ăn ngon từ cây Rau chóc mà bạn có thể tham khảo:
6.1 Rau chóc chấm mắm
Rau chóc có thể dùng để ăn sống, chấm cùng mắm chưng hoặc nước kho thịt đều rất ngon.
6.2 Nộm Rau chóc
Rau chóc chọn những ngọn non, rửa sạch, vắt kiệt cho bớt nước, sau đó cho vào bát, thêm mắm muối, hành phi, chanh, đường để trộn. Sau khi rau ngấm gia vị thì bày ra đĩa và thưởng thức.
6.3 Rau chóc (Rau chốc) xào tỏi
Rau chóc rửa sạch, để ráo.
Phi thơm tỏi với dầu ăn, cho Rau chóc vào xào, thêm gia vị cho vừa ăn.
Bày ra đĩa và thưởng thức.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau chóc, trang 594-595. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2024.