Rau Bợ (Cỏ Bợ – Marsilea quadrifolia L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Pteridophyta (ngành Dương xỉ)

Pteridopsida (lớp Dương xỉ túi bào tử mỏng)

Bộ(ordo)

Salviniales (Bèo ong)

Họ(familia)

Marsileaceae (Rau bợ nước)

Chi(genus)

Marsilea

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Marsilea quadrifolia L.

Rau Bợ (Cỏ Bợ - Marsilea quadrifolia L.)

Rau bợ thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 15 đến 20cm. Thân cây mảnh, mọc bò, trên thân có nhiều mấu, mỗi mấu mang rễ và 2 lá một, cuống dài từ 5 đến 15cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây rau bợ

1 Cây rau bợ (cỏ bợ) thuộc nhóm thực vật nào?

Cây rau bợ thuộc nhóm thực vật không có hoa có tên khoa học: Marsilea quadrifolia L.

Tên gọi khác: Cỏ bợ, Tứ diệp thảo, Rau tần, Cỏ chữ điền, Tần thái.

Họ thực vật: Rau bợ nước Marsileaceae.

Cây rau bợ thuộc ngành Dương xỉ (Pteridophyta).

Lá cây rau bợ nước
Lá cây rau bợ nước

1.1 Đặc điểm thực vật

Rau bợ thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 15 đến 20cm.

Thân cây mảnh, mọc bò, trên thân có nhiều mấu, mỗi mấu mang rễ và 2 lá một, cuống dài từ 5 đến 15cm. Có 4 lá chét, xếp chéo tạo thành hình chữ thập, phiến lá chét có dạng tam giác ngược, gốc lá thuôn hẹp, đầu bằng rộng, mép lá nguyên và hai mặt của lá nhẵn.

Cây rau bợ có hoa không? Cây không có hoa, cơ quan sinh sản của cây cỏ bợ là bào tử, bào tử quả có lông dày, mọc ở cuống lá gồm 2-3 cái, đầu tròn, có răng nhỏ ở gần gốc.

Mùa sinh sản từ tháng 5 đến tháng 6.

Dưới đây là hình ảnh cây Rau bợ:

Toàn cây rau bợ nước
Toàn cây rau bợ nước

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Rau bợ phân bố chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại châu Á, cây được tìm thấy ở hầu hết các nước thuộc vùng Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc.

Tại nước ta, cây được tìm thấy từ vùng đồng bằng, trung du đến vùng núi, độ cao phân bố có thể lên đến 1000 mét.

Rau bợ là loài ưa sáng, sống ở những khu vực có mực nước nông, phần rễ và thân rễ của cây ngập trong bùn, lá cây mọc vươn ra khỏi mặt nước. Cây thường mọc ở các bờ kênh, ruộng lúa, vùng lầy.

Rau bợ là loài tái sinh tự nhiên bằng bào tử, thân rễ khỏe, đây được coi là loài cỏ dại trong ruộng lúa, đặc biệt sinh trưởng và phát triển nhanh trong vụ xuân hè.

Rau bợ có phải có 4 lá không? Rau bợ có 4 lá do đó nhiều người thường nghĩ đây là cỏ 4 lá, tuy nhiên, cỏ 4 lá thực chất là đột biến của cây cỏ 3 lá, loài cây này có hoa còn rau bợ là loài sinh sản bằng bào tử nên không có hoa.

Rau bợ
Rau bợ

2 Thành phần hóa học

Các thành phần chính của Rau bợ bao gồm:

  • Nước.
  • Protid.
  • Glucid.
  • Caroten.
  • Vitamin C.
  • Cyclolaudenol.
  • Protein.
  • Acid nucleic.
Hình ảnh chi tiết lá cây
Hình ảnh chi tiết lá cây

3 Cây Rau bợ (cỏ bợ) có tác dụng gì?

Rau bợ nước sau khi phơi khô, đem chiết bằng nước 1:2 (1kg dược liệu cô lấy 2ml dịch chiết), dịch chiết này đem cho chuột cống trắng uống với liều 4ml/100g. Ở lô chứng, cho chuột sử dụng nước với cùng thể tích. Dịch chiết rau bợ làm tăng 20% lương nước tiểu ở chuột cống trắng so với nhóm chứng. Khi tiến hành phân tích, người ta nhận thấy rằng, dịch chiết rau bợ có chứa Kali, natri, calci. Tác dụng lợi tiểu của cây có thể do chứa kali.

4 Công dụng – Liều dùng của cây Rau bợ

4.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Rau bợ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Tác dụng: Tiêu sưng, thanh nhiệt, nhuận gan, trấn tĩnh, lợi tiểu, sáng mắt.

4.2 Công dụng

Rau bợ thường được sử dụng để làm rau, có thể ăn sống, xào, nấu canh hoặc luộc.

Trong Y học cổ truyền, rau bợ được dùng để chữa phù, viêm thận, đái ra máu, sỏi tiết niệu, đái đường, bệnh lý liên quan đến thần kinh bao gồm suy nhược thần kinh, điên cuồng, động kinh, các chứng sưng đau như viêm kết mạc, viêm gan, đau răng, sưng vú, nhọt, tắc tia sữa. Ngoài ra, loài cây này còn được sử dụng trong các trường hợp bạch đới, khí hư, bị rắn độc cắn.

Liều dùng được khuyến cáo là 20-30g cây tươi, đem phơi khô, sao vàng sau đó sắc lấy nước uống.

Rau bợ
Rau bợ

5 Cây Rau bợ trị bệnh gì?

5.1 Chữa đái tháo đường, tiêu khát

15g rau bợ khô.

15g Thiên hoa phấn (rễ cây Qua lâu).

Các vị đem phơi khô, tán nhỏ, sau đó hòa cùng với sữa để uống.

5.2 Chữa sỏi tiết niệu

30g Rau bợ.

20g búp non của cây Dứa Dại.

10g Ngải Cứu.

10g lá phèn đen.

Các vị dùng tươi, đem rửa sạch, sau đó giã nát, thêm nước uống vào lúc sáng sớm. Mỗi lần uống 1 bát, dùng nhiều ngày.

5.3 Chữa sưng lở, nhiệt gây nổi mẩn

Sử dụng 1 nắm rau bợ nước sau đó giã nát hoặc vắt lấy nước để bôi lên vùng da bị bệnh.

Rau bợ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc
Rau bợ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc

6 Các món ăn từ rau bợ

6.1 Cách nấu canh rau bợ

Rau bợ nhặt bỏ lá già, lá úa, rửa sạch, để ráo nước.

Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm tỏi, cho rau bợ vào xào và đổ nước đủ ăn.

Thêm gia vị, đun sôi, tắt bếp.

Múc canh ra bát và thưởng thức.

6.2 Nấu canh rau bợ và cóc mẳn

Sử dụng 50g rau bợ, 20-30g cóc mẳn.

Nấu canh ăn trong 7-10 ngày có tác dụng khử độc, chống dị ứng, giảm ngứa rất tốt.

7 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau bợ nước, trang 563-564. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận