1 Dược lý và cơ chế tác dụng
Quetiapine được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận cho bệnh tâm thần phân liệt, giai đoạn hưng cảm cấp tính và điều trị hỗ trợ cho chứng rối loạn trầm cảm nặng. Quetiapine cũng được sử dụng cho một số chỉ định không được FDA chấp thuận, chẳng hạn như rối loạn lo âu tổng quát.
Quetiapin có ái lực mạnh với thụ thể 5-HT2. Mặc dù quetiapine có nhiều cơ chế phức tạp, nhưng tác dụng dược lý trung gian của quetiapine chủ yếu thông qua tác dụng đối kháng 5HT2. Nó cũng hoạt động trên các thụ thể dopaminergic D1 và D2. Quetiapine là chất đối kháng thụ thể D2 và thụ thể 5-HT2. Cũng có ý kiến cho rằng đặc tính giải lo âu và chống trầm cảm của cả quetiapine và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó norquetiapine là do khả năng ức chế chất vận chuyển norepinephrine (NET) và hoạt tính chủ vận từng phần ở thụ thể 5 HT1A, tương ứng.
2 Đặc tính dược động học
Hấp thu: Quetiapin được hấp thu nhanh ngay sau khi uống. Thời gian thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 1,5 giờ. Sự hấp thu thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Phân bố: Quetiapine được phân bố ở hầu khắp các mô trong cơ thể. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương là 83%.
Chuyển hóa: Quetiapine được chuyển hóa chủ yếu ở gan.
Thải trừ: Thuốc được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, khoảng 20% liều dùng thuốc được thải trừ qua phân.
3 Chỉ định
Tâm thần phân liệt, giai đoạn hưng cảm cấp tính và điều trị hỗ trợ cho chứng rối loạn trầm cảm nặng.
Điều trị các cơn hưng cảm cấp tính liên quan đến rối loạn lưỡng cực I ở người lớn chiếm đa số với khoảng liều từ 400 mg/ngày đến 800 mg/ngày.
Quetiapine được sử dụng trong một số chỉ định không được FDA chấp thuận, chẳng hạn như rối loạn lo âu tổng quát.
4 Chống chỉ định
Mẫn cảm với quetiapine.
Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc kéo dài khoảng QT.
Sử dụng đồng thời với các chất ức chế CYP3A4.
Phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang cho con bú.
5 Liều dùng – Cách dùng
Quetiapine có sẵn ở cả hai dạng quetiapine giải phóng kéo dài (ER; liều một lần mỗi ngày) hoặc quetiapine giải phóng ngay lập tức (IR; liều hai lần đến ba lần mỗi ngày). Viên nén có sẵn ở dạng viên nén 25mg, 50mg, 100mg, 200mg, 300mg và 400mg, với công thức liều ER có sẵn ở dạng viên nén 50 mg, 150 mg, 200 mg, 300 mg và 400 mg.
Với dạng thuốc giải phóng kéo dài: Không nên nghiền, bẻ, nhai viên thuốc.
5.1 Bệnh nhân tâm thần phân liệt
Viên nén giải phóng ngay lập tức:
- 150 đến 750 mg mỗi ngày chia làm hai hoặc ba lần.
- Bắt đầu với liều 25mg/lần x 2 lần/ngày sau đó nâng mức liều lên 300-800mg/ngày, chia làm 2-3 lần.
- Bệnh nhân lớn tuổi: Mức liều tăng là 25-50mg/ngày.
Viên nén giải phóng kéo dài:
- 400 đến 800 mg mỗi tối.
- Liều khởi đầu là 300mg/ngày.
- Bệnh nhân lớn tuổi: Liều khởi đầu là 50mg sau đó tăng liều dần tùy theo đáp ứng của người bệnh.
5.2 Đối với rối loạn lưỡng cực (hưng cảm)
Viên nén giải phóng ngay lập tức:
- 200-400mg/lần x 2 lần/ngày
- Liều khởi đầu là 50mg/lần x 2 lần/ngày. Tăng liều lên 100mg/ngày đến 200mg/ngày chia làm 2 lần vào ngày thứ tư sau khi điều trị.
- Liều tối đa là 800 mg mỗi ngày.
5.3 Đối với rối loạn lưỡng cực I (hưng cảm/hỗn hợp)
Viên nén giải phóng ngay lập tức:
400 đến 800 mg mỗi buổi tối.
Liều khởi đầu là 300mg/ngày, sau đó tăng lên 600mg/ngày.
Ở người cao tuổi, bắt đầu với 50 mg vào buổi tối với mức tăng dần 50 mg mỗi ngày để đạt hiệu quả điều trị.
5.4 Đối với rối loạn lưỡng cực trầm cảm cấp tính
Viên nén giải phóng ngay lập tức:
- 300mg/ngày trước khi đi ngủ.
- Liều khởi đầu là 50mg/ngày sau đó tăng lên 100mg/ngày, 200mg/ngày.
- Liều tối đa là 600mg/ngày.
- Đối với người cao tuổi, bắt đầu với 25 mg trước khi đi ngủ, với liều tăng dần từ 25 đến 50 mg mỗi ngày.
Viên nén giải phóng kéo dài:
- 300mg/ngày trước khi đi ngủ.
- Liều khởi đầu là 50mg/lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau đó tăng dần liều cho người bệnh.
- Liều tối đa là 300mg/ngày.
- Ở người cao tuổi, bắt đầu với 50mg vào buổi tối, với liều tăng dần 50mg/ngày.
6 Tác dụng phụ
Như với bất kỳ loại thuốc chống loạn thần nào, quetiapine có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ ở bệnh nhân cao tuổi. Bên cạnh nguy cơ này, hội chứng ác tính do thuốc an thần nên được cân nhắc do sự tắc nghẽn thụ thể D2 của nó.
Các thuốc chống loạn thần không điển hình ít có khả năng gây ra các triệu chứng ngoại tháp. Có nguy cơ gia tăng ý nghĩ và hành vi tự tử liên quan đến điều trị bằng thuốc ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng.
Buồn ngủ, hạ huyết áp thế đứng và chóng mặt là những tác dụng phụ phổ biến nhất của quetiapine.
7 Tương tác
Thuốc kéo dài khoảng QT: Tăng nguy cơ xoắn đỉnh.
Chất ức chế CYP3A4: Tăng nồng độ quetiapine trng huyết tương.
Chất cảm ứng CYP3A4: Giảm nồng độ quetiapine trong huyết tương.
8 Thận trọng
Thông báo với người bệnh tất cả những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
Theo dõi người bệnh nếu có hành vi hoặc ý nghĩ tự tử.
Kiểm tra huyết áp, chỉ số lipid trong suốt quá trình điều trị.
Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của tăng đường huyết.
9 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: An thần, buồn ngủ, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, kéo dài khoảng QT, mê sảng, kích động, lú lẫn, hôn mê, ức chế hô hấp,..
Xử trí: Điều trị hỗ trợ cho người bệnh khi cần thiết. Tiến hành rửa dạ dày trong vòng 1 giờ sau khi uống.
10 Một số biệt dược chứa hoạt chất quetiapin trên thị trường
Seroquel , Seroquel XR,…là những biệt dược có chứa thành phần quetiapin trên thị trường được chỉ định để điều trị loạn thần, tâm thần phân liệt.
11 Tài liệu tham khảo
- Jasdave S. Maan và cộng sự (Ngày cập nhật 2023). Quetiapine, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2023.
- Quetiapin, MIMS. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2023.
- Quetiapin, PubChem. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2023.