Quán Chúng (Lưỡi Hái – Cyrtomium fortunei J.Sm.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Pteridophyta (ngành Dương xỉ)

Bộ(ordo)

Polypodiales (Dương xỉ)

Họ(familia)

Dryopteridaceae (Mộc xỉ)

Chi(genus)

Cyrtomium

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Cyrtomium fortunei J.Sm.

Quán Chúng (Lưỡi Hái - Cyrtomium fortunei J.Sm.)

Quán chúng thuộc loại quyết thực vật, cây sống lâu năm, mọc thẳng đứng, thân rễ ngắn, vỏ thân có phủ đầy lông dạng vảy. Lá cây mọc kép lông chim, chiều dài từ 15 đến 35cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Cyrtomium fortunei J.Sm.

Tên gọi khác: Ráng núi, Thần tiễn căn, Lưỡi hái.

Họ thực vật: Dryopteridaceae (Mộc xỉ).

Hình ảnh cây Quán chúng
Hình ảnh cây Quán chúng

1.1 Đặc điểm thực vật

Quán chúng thuộc loại quyết thực vật, cây sống lâu năm, mọc thẳng đứng, thân rễ ngắn, vỏ thân có phủ đầy lông dạng vảy.

Lá cây mọc kép lông chim, chiều dài từ 15 đến 35cm, mọc trực tiếp từ thân rễ và tập trung thành từng túm, cuống dài, xù xì do lớp vảy nâu tạp thành. Lá chét có dạng hình tam giác hoặc hình ngọn giáo nhìn giống như lưỡi hái, gốc có tai, đầu thuôn nhọn, mép lá hơi khía răng cưa. Hai bên sống lá ở mặt dưới có xếp nhiều túi bào tử nhỏ, bào tử có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, có màu nâu đen.

Một số loài khác cũng cho vi Quán chúng như Woodwardia cochinchinensis Ching, họ Ráng dừa (Blechnaceae), Acrostichum aureum L., thuộc họ Ráng (Acrotichaceae).

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Thân rễ.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Có thể dùng tươi hoặc phơi khô.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.3 Đặc điểm phân bố

Trên thế giới, Quán chúng được tìm thấy chủ yếu Nhật Bản, Trung Quốc và một số tỉnh thành thuộc phía Bắc Việt Nam. Cây có độ cao phân bố từ vài trăm mét đến trên 1500 mét.

Quán chúng là loài ưa ẩm, thường mọc thành từng đám hoặc từng khóm ở ven rừng ẩm, trên các con đường hoặc mọc bám trên đá ở chân núi. Quán chúng sinh sản bằng bào tử vào mùa mưa ẩm, khả năng phát tán của cây tương đối có hiệu quả.

2 Thành phần hóa học

Phần trên mặt đất của cây có chứa cyrtomin, cyrtopterin.

Thân rễ của cây có chứa tinh dầu, acid flavaspidic, acid amin, tanin,..

Hình ảnh lá cây Quán chúng
Hình ảnh lá cây Quán chúng

3 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.1 Tác dụng dược lý

Chiết xuất methanol của rễ cây Quán chúng dường như ức chế hoạt động của tyrosinase và sản xuất melanin trong tế bào melan-a. Ngoài ra, chiết xuất này còn thể hiện khả năng khử sắc tố trên tình trạng tăng sắc tố do tia cực tím gây ra ở da lợn guinea nâu. Sau khi tiến hành nghiên cứu, các kết quả cho thấy rễ cây Quán chúng có thể đem lại những tác dụng nhất định trong quá trình điều trị tình trạng tăng sắc tố da liên quan đến việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.

3.2 Tính vị, tác dụng

Quán chúng có vị đắng, có độc, tính lạnh, quy vào kinh Can, Tâm, Đại tràng, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, sát khuẩn, cầm máu, trục giun sán.

3.3 Công dụng

Quán chúng được dùng trong trường hợp chảy máu cam, tiêu chảy, đái ra máu, kiết lỵ ra máu, tiêu chảy, dùng được cả trong trường hợp thổ huyết, khí hư, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều, sản hậu xuất huyết, băng huyết sau khi nạo thai, bạch đới, tẩy giun bao gồm giun đũa, giun kim, giun chỉ, sán xơ mít. Quán chúng còn được dùng trong trường hợp đau đầu, cảm mạo, sốt, chóng mặt, huyết áp cao. Liều dùng thông thường là 9 đến 15g, có thể tăng liều lên đến 24g.

Nhân dân thường sử dụng rễ cây Quán chúng cho vào vại nước với mục đích khử động hoặc dùng làm thuốc dự phòng trong trường hợp xuất hiện bệnh truyền nhiễm.

Công dụng của cây Quán chúng
Công dụng của cây Quán chúng

4 Cây Quán chúng trị bệnh gì?

4.1 Chữa loét ruột sinh lỵ, đại tiện ra máu

Sử dụng 8g Quán chúng đem tán bột uống cùng nước cơm lúc đói. Có thể sử dụng 20g Quán chúng và 20g Kim Ngân Hoa đem sao vàng tán bột, 10g Cam Thảo, các vị đem trộn đều, mỗi lần dùng 1-2g, ngày dùng 3-4 lần.

4.2 Chữa chảy máu cam

Quán chúng đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, uống với nước nguội.

4.3 Chữa băng huyết

20g Quán chúng đem thái lát nhỏ, sắc đặc, thêm rượu, mỗi ngày làm 1 lần để uống.

4.4 Chữa khí hư, bạch đới

Quán chúng bỏ lớp vỏ ngoài sau đó tẩm với giấm, đem nướng chín, tán thành bột.

Mỗi lần uống 8g cùng với nước cơm hoặc uống cùng rượu.

4.5 Chữa tiểu tiện ra máu

12g Quán chúng.

12g lá Huyết dụ.

10g lá Tiết dê.

4g Ngũ bội tử.

Các vị dùng tươi, rửa sạch, sau đó giã nát, thêm nước, gạn để uống, mỗi ngày một lần.

Cây Quán chúng trị bệnh gì?
Cây Quán chúng trị bệnh gì?

4.6 Chữa ho lao, thổ huyết

12g Quán chúng.

12g gỗ Vang chẻ nhỏ.

Các vị đem sắc nước uống trong ngày.

4.7 Chữa giun đũa

25g Quán chúng đem sắc lấy nước uống.

4.8 Phòng dịch sốt xuất huyết

12g Quán chúng, 12g hạt Muồng hoặc Hoa Hòe đem sắc nước uống.

4.9 Phòng bệnh sởi

Cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi dùng Quán chúng phơi khô tán thành bột mịn, cho uống mỗi ngày 0,5g, chia làm 2 lần. Dùng 3 ngày liên tục.

Chú ý: Không sử dụng Quán chúng cho phụ nữ có thai, cho người tì vị hư hàn không phải thực nhiệt.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Quán chúng, trang 540-541. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Quán Chúng trang 175-177. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Sang Yoon Choi (Ngày đăng tháng 6 năm 2013). Inhibitory effects of Cyrtomium fortunei J. Smith root extract on melanogenesis, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.

Để lại một bình luận