Quả Nổ (Tanh Tách, Sâm Nam – Ruellia tuberosa)

Phân loại khoa học
Họ(familia)

Acanthaceae

Chi(genus)

Ruellia

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Ruellia tuberosa L.

Quả Nổ (Tanh Tách, Sâm Nam - Ruellia tuberosa)

Quả Nổ thuộc dạng cây thảo, chiều cao từ 0,2 đến 0,4 mét. Cây có rễ củ to, dạng hình thoi, tương đối mập, các rễ củ thường mọc thành chùm, thường dùng để chữa sỏi. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Quả Nổ

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Ruellia tuberosa L.

Tên gọi khác: Tanh Tách, Sâm Nam, Bải Huy Sâm.

Họ thực vật: Ô rô Acanthaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hoa của cây Quả Nổ
Hoa của cây Quả Nổ

Quả Nổ thuộc dạng cây thảo, chiều cao từ 0,2 đến 0,4 mét. Cây có rễ củ to, dạng hình thoi, tương đối mập, các rễ củ thường mọc thành chùm.

Thân cây có dạng hình vuông, ở các đốt có nhiều lông.

Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng hoặc hình bầu dục, chiều dài khoảng 5 đến 10cm, chiều rộng từ 2 đến 4cm. Gốc lá thuôn, đầu lá hơi tù hoặc nhọn. Lá có 2 mặt nhẵn, chỉ có một ít lông ở gân lá.

Hoa mọc thành xim ở kẽ lá hoặc ngọn thân. Kích thước của hoa to, màu tím, đài 5, bầu thuôn, nhẵn.

Quả nang, có dạng hình trụ dài, có tên gọi là Quả Nổ là do khi chín sẽ nổ mạnh nếu có ẩm.

Có khoảng 16-20 hạt, khi gặp nước sẽ hóa nhầy.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 7, mùa quả rơi vào tháng 8 đến tháng 10.

1.2 Thu hái và chế biến

Lá của cây Quả Nổ
Lá của cây Quả Nổ

Bộ phận dùng: Toàn cây, thường dùng rễ.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Quả Nổ phân bố gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ, sau đó phát tán ra những vùng nhiệt đới khác.

Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng và ven biển, đặc biệt là các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh trở ra Bắc. Một số hòn đảo cũng tìm thấy Quả Nổ như Hòn Mè, Cát Bà.

Quả Nổ là loài ưa ẩm, ưa sáng, thường mọc dọc theo đường đi, bờ mương, bờ đê, ven đồi.

Vào tháng 3 đến đầu tháng 4, nhiều cây con được tìm thấy mọc từ hạt.

Quả Nổ sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa hè. Vào mùa thu, sau khi quả già, phần trên mặt đất bắt đầu tàn lụi.

Quả khi già khi tiếp xúc với không khí ẩm sẽ tự nổ để phát tán hạt vào trong không khí, các hạt giống sẽ tồn tại qua mùa đông và nảy mầm vào mùa xuân.

2 Tác dụng – Công dụng của cây quả nổ

Hình ảnh hoa của cây Quả Nổ
Hình ảnh hoa của cây Quả Nổ

2.1 Tác dụng dược lý

Theo các tài liệu nước ngoài, Quả Nổ có tác dụng gây nôn do đó được sử dụng để thay thế Ipeca.

Lá cây có tác dụng làm ra mồ hôi, hạ nhiệt.

2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

2.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị đắng, tính lạnh.

Rễ cây có tác dụng bổ và làm mát.

2.2.2 Công dụng

Cây Quả Nổ
Cây Quả Nổ

Rễ cây được sử dụng để làm thuốc bổ, chữa các bệnh về thận, sỏi bàng quang.

Trong Y học cổ truyền, rễ cây Quả Nổ được sử dụng như một loại sâm do đó còn được gọi là Sâm Tanh Tách hay Sâm Nam.

Liều dùng được khuyến cáo là 20-30g/ngày khi sử dụng thân cây và 10-20g/ngày khi sử dụng rễ cây, đem sắc lấy nước.

Nhân dân Ấn Độ còn sử dụng nước sắc của lá cây để chữa viêm phế quản mạn.

Nhân dân Indonesia sử dụng rễ cây Quả Nổ để chữa sỏi bàng quang.

3 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Quả Nổ, trang 539-540. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận