Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
PROGESTERON
Tên chung quốc tế: Progesterone.
Mã ATC: G03DA04.
Loại thuốc: hormon sinh dục nữ progestin.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Hàm lượng thuốc được tính theo progesteron dạng tổng hợp.
Dung dịch dầu để tiêm bắp: 50 mg/ml (ống 2 ml, 10 ml).
Viên nang uống: 100 mg, 200 mg.
Gel dùng trong âm đạo: 4%, 8% (kèm dụng cụ chuyên dụng).
Viên đặt âm đạo: 100 mg, 200 mg, 400 mg (kèm dụng cụ chuyên dụng).
2 Dược lực học
Progesteron là một hormon steroid tự nhiên được tiết ra chủ yếu từ hoàng thể ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt. Progesteron được hình thành từ các tiền chất steroid trong buồng trứng, tinh hoàn, vỏ thượng thận và nhau thai. Hormon tạo hoàng thể (LH) kích thích tổng hợp và bài tiết progesteron từ hoàng thể. Progesteron giúp cho trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển trong tử cung. Hormon thường được tiết ra với nồng độ cao ở giai đoạn sau của thai kỳ. Ở phụ nữ, cùng với lượng estrogen nội sinh, progesteron sẽ làm nội mạc tử cung tăng sinh. Progesteron giảm tiết đột ngột vào cuối chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng chảy máu kinh nguyệt.
Ngoài ra progesteron còn làm thay đổi sự bài tiết trong nội mạc tử cung, kích thích tuyến vú phát triển, gây giãn cơ trơn tử cung, ngăn cản nang trứng trưởng thành và rụng trứng, duy trì quá trình thai nghén. Khi dùng trong chương trình kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) ở pha hoàng thể, progesteron hỗ trợ cho việc cấy phôi.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Khi dùng đường uống, progesteron có Sinh khả dụng rất thấp do bị chuyển hóa mạnh qua gan lần đầu. Progesteron được hấp thu khi đặt trực tràng hoặc âm đạo và hấp thu nhanh khi tiêm bắp, ở dạng dung dịch dầu.
3.2 Phân bố
Progesteron liên kết nhiều với protein huyết tương. Khoảng 96 – 99% progesteron gắn với các protein huyết tương, chủ yếu với Albumin (50 – 54%) và globulin gắn cortisoltranscortin (43 – 48%). Progesteron cũng được phân bố vào trong sữa mẹ.
3.3 Chuyển hóa
Progesteron được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành các chất chuyển hóa khác nhau, trong đó phần lớn thành các pregnanediol va pregnanolon.
3.4 Thải trừ
Progesteron được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng liên hợp glucuronid và sulfat. Một phần thải trừ qua mật và qua phân. Các chất chuyển hóa của progesteron thải trừ vào mật có thể có chu kỳ gan – ruột. Thuốc có nửa đời thải trừ ngắn khoảng vài phút.
4 Chỉ định
Vô kinh, vô kinh thứ phát.
Dự phòng tăng sản niêm mạc tử cung ở phụ nữ sau mãn kinh đang dùng liệu pháp thay thế hormon có estrogen.
Chảy máu tử cung bất thường do mất cân bằng hormon (ở người không có bệnh lý thực thể như u xơ tử cung hoặc ung thư tử cung). Hỗ trợ khi cấy phôi và trong giai đoạn sớm của thai kỳ trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở phụ nữ vô sinh bị thiếu hụt progesteron.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Progesteron 1365
Tiền sử hoặc đang có huyết khối thuyên tắc tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi).
Tiền sử hoặc đang có thuyên tắc huyết khối động mạch (như đột quỵ, nhồi máu cơ tim).
Xuất huyết âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân.
Xuất huyết não.
Bệnh gan hoặc rối loạn chức năng gan.
Đã biết hoặc nghi ngờ ung thư vú.
Thai chết lưu, sảy thai không hoàn toàn (dạng tiêm, gel đặt âm đạo, viên đặt âm đạo).
Chửa ngoài tử cung (dạng đặt âm đạo).
Ung thư các cơ quan sinh dục (dạng tiêm, gel đặt âm đạo).
Bệnh porphyrin cấp.
Mang thai hoặc nghi ngờ có thai (dạng uống).
6 Thận trọng
Trước khi bắt đầu điều trị bằng progesteron, phải khám vú và các cơ quan trong khung chậu, làm test Papanicolaou (test PAP, phết tế bào cổ tử cung).
Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử trầm cảm, đái tháo đường, tăng lipid huyết hoặc các bệnh nặng lên do giữ nước (ví dụ: động kinh, đau nửa đầu, hen phế quản, rối loạn chức năng tim hoặc thận) do thuốc gây giữ nước.
Thận trọng khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ các bệnh động mạch (như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng cholesterol huyết, béo phì), tiền sử hoặc tiền sử gia đình có huyết khối thuyên tắc mạch, Lupus ban đỏ hệ thống. Thuốc làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Cần cảnh báo về những dấu hiệu và các triệu chứng sớm nhất của nhồi máu cơ tim, rối loạn mạch não, tình trạng nghẽn mạch huyết khối (như huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi), viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc huyết khối võng mạc. Phải ngừng thuốc ngay lập tức khi nghi ngờ hoặc có bất kỳ rối loạn nào trong số các rối loạn trên xảy ra.
Dùng progestin phối hợp với estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, sa sút trí tuệ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nghẽn mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ sau mãn kinh. Ngừng dùng progestin phối hợp với estrogen ít nhất 4 – 6 tuần trước khi tiến hành các phẫu thuật có tăng nguy cơ nghẽn mạch huyết khối hoặc trong giai đoạn bất động kéo dài. Dùng progestin phối hợp với estrogen trong thời gian ngắn nhất có thể được, phù hợp với đích điều trị. Định kỳ tiến hành đánh giá nguy cơ/lợi ích khi dùng thuốc. Nếu có hiện tượng mất hoặc giảm thị lực xảy ra đột ngột hay từ từ, không thể giải thích được, lồi mắt, song thị, phù gai thị, tổn thương mạch máu võng mạc hoặc đau nửa đầu, phải ngừng progesteron và tiến hành ngay các phương pháp chẩn đoán và điều trị.
Nếu có chảy máu âm đạo bất thường khi đang điều trị bằng progesteron, phải thăm khám đầy đủ để tìm nguyên nhân.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp, test PAP, khám vú, chụp X-quang vú. Trong tất cả các trường hợp chảy máu âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân, để chẩn đoán được đầy đủ, nên lấy mẫu niêm mạc tử cung để loại trừ khả năng ác tính.
6.1 Thời kỳ mang thai
Progesteron là hormon tự nhiên, được dùng để hỗ trợ khi cấy phôi và duy trì thai nghén trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) ở phụ nữ vô sinh, làm tăng tỷ lệ mang thai.
Có tăng nguy cơ khuyết tật nhỏ khi sinh ở những trẻ mà mẹ dùng progesteron trong 4 tháng đầu thai kỳ. Đã có báo cáo về tật lỗ tiểu thấp ở trẻ nam, nam hóa nhẹ cơ quan sinh dục ngoài ở trẻ nữ khi bị phơi nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Sứt môi, hở vòm miệng, bệnh tim bẩm sinh, còn ống động mạch, khuyết tật vách tâm thất, chết trong tử cung và sảy thai tự nhiên đã được báo cáo trong một số trường hợp sau khi mẹ uống progesteron trong thời kỳ mang thai. Liều cao progesteron có thể làm giảm khả năng sinh sản. Cần có thêm các nghiên cứu đánh giá việc dùng progesteron để làm. giảm nguy cơ sinh non. Dạng nang uống progesteron không được dùng trong thời kỳ mang thai.
6.2 Thời kỳ cho con bú
Progesteron được bài tiết vào sữa mẹ. Tránh sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.
7 Tác dụng không mong muốn (ADR)
7.1 Tiêm bắp
Tim mạch: phù não, nghẽn mạch não, phù.
TKTW: trầm cảm, sốt, mất ngủ, ngủ gà.
Da: trứng cá, ban dị ứng (hiếm), rụng tóc, chứng rậm lông ở phụ nữ, ngứa, mày đay.
Nội tiết và chuyển hóa: mất kinh, chảy máu giữa các kỳ kinh, nhạy cảm đau ở vú, tăng tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt, đốm da.
Tiêu hóa: buồn nôn.
Tiết niệu – sinh dục: trợt xước cổ tử cung, thay đổi bài tiết ở cổ tử cung.
Gan: vàng da ứ mật.
Tại vị trí tiêm: kích ứng, sưng, đau, đỏ.
Mắt: viêm dây thần kinh mắt, huyết khối võng mạc.
Hô hấp: nghẽn mạch phổi.
Khác: phản ứng phản vệ, tăng hoặc giảm thể trọng.
Liều cao (50 – 100 mg/ngày) có thể gây tác dụng dị hóa vừa phải và tăng bài tiết tạm thời natri và clorid.
7.2 Dạng uống
Phần trăm báo cáo khi dùng phối hợp với estrogen:
ADR > 10%
TKTW: đau đầu (10 – 31%), hoa mắt chóng mặt (15 – 24%), trầm cảm (19%).
Nội tiết và chuyển hóa: nhạy cảm đau ở vú (27%), đau vú (6 – 16%).
Tiêu hóa: đau bụng (6 – 12%), trướng bụng (10 – 20%).
Tiết niệu – sinh dục: các vấn đề ở đường tiết niệu (11%).
Thần kinh cơ và xương: đau khớp (20%), đau cơ xương (6 – 12%). Khác: nhiễm virus (7 – 12%).
ADR từ 5 – 10%
Tim mạch: đau ngực (7%).
TKTW: mệt mỏi (8 – 9%), dễ xúc động (6%), dễ bị kích thích
(5 – 8%), lo lắng (8%).
Tiêu hóa: buồn nôn/nôn (8%), tiêu chảy (8%).
Hô hấp: nhiễm trùng đường hô hấp trên (5%), ho (8%).
Khác: ra mồ hôi đêm (7%).
ADR < 5% (giới hạn những ADR quan trọng hoặc đe dọa tính mạng)
Tim mạch: tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, suy tuần hoàn, ngất, phù mặt, phù, thiếu máu thoáng qua (TIA).
TKTW: mất ngủ, hồi hộp, lo âu, giảm/mất ý thức, rối loạn nhân cách, mất định hướng, lú lẫn, an thần, ngủ gà, rối loạn lời nói, trạng thái đờ đẫn, ý nghĩ tự tử, co giật.
Da: trứng cá, rụng tóc, ngứa, mày đay, dị cảm, mụn cóc.
Nội tiết và chuyển hóa: tăng Glucose huyết, thay đổi nồng độ lipid trong huyết thanh, chứng vú to ở nam, các triệu chứng giống hội chứng trước kỳ kinh nguyệt, thay đổi chu kỳ kinh, chảy máu kinh nguyệt không đều.
Tiết niệu – sinh dục: khô âm đạo, viêm âm đạo, nhiều khí hư, viêm âm đạo do nấm, ung thư vú, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư nội mạc tử cung.
Tiêu hóa: khô miệng, sưng lưỡi, khó tiêu, khó nuốt, táo bón, viêm dạ dày – ruột, xuất huyết trực tràng.
Gan: tăng ALT, tăng AST, tăng GGT, ứ mật, vàng da, viêm gan v mật, suy gan, hoại tử gan.
Tụy: viêm tụy cấp.
Mắt: nhìn mờ, song thị, rối loạn thị giác.
Tai: ù tai
Cơ – xương – khớp: đau khớp, viêm khớp, chuột rút.
Toàn thân: phản ứng quá mẫn, phản ứng phản vệ, bệnh hạch bạch huyết, mệt mỏi, đi lại khó khăn.
7.3 Gel dùng trong âm đạo
Phần trăm báo cáo khi dùng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:
ADR > 10%
TKTW: ngủ gà (27%), đau đầu (13 – 17%), kích động (16%), trầm cảm (11%).
Nội tiết và chuyển hóa: nở vú (40%), đau vú (13%), giảm tinh dục (11%).
Tiêu hóa: táo bón (27%), buồn nôn (7 – 22%), co cứng cơ (15%), đau bụng (12%).
Tiết niệu – sinh dục: đau đáy chậu (17%), tiểu tiện đêm (13%).
ADR từ 5 – 10%
TKTW: đau (8%), hoa mắt chóng mặt (5%).
Tiêu hóa: tiêu chảy (8%), trướng bụng (7%), nôn (5%).
Tiết niệu – sinh dục: tăng dịch âm đạo (7%), giao hợp đau (6%), bệnh do Monilia đường sinh dục (5%), ngứa sinh dục (5%).
Thần kinh cơ và xương: đau khớp (8%).
7.4 Viên đặt âm đạo
Phần trăm báo cáo khi dùng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:
ADR > 10%
Tiêu hóa: đau bụng (12%).
Khác: đau sau khi lấy trứng (25 – 28%).
ADR từ 1 – 10%
TKTW: đau đầu (3 – 4%), mệt mỏi (2 – 3%).
Nội tiết và chuyển hóa: hội chứng quá kích buồng trứng (7%).
Tiêu hóa: buồn nôn (7 – 8%), nôn (2 – 3%), trướng bụng (4%), táo bón (2 – 3%).
Tiết niệu – sinh dục: co thắt tử cung (3 – 4%), chảy máu âm đạo (3%), nhiễm trùng đường tiết niệu (1 – 2%).
ADR < 1%
Nóng, khó chịu, ngứa, mày đay, phù ngoại biên, kích ứng âm đạo.
8 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Trước và trong quá trình điều trị phải định kỳ kiểm tra huyết áp, test PAP, khám vú, chụp X-quang vú. Nếu xuất hiện chảy máu âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân, cần ngừng thuốc, tiến hành ngay các phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Phải ngừng thuốc ngay khi nghi ngờ hoặc có bất kỳ rối loạn nào về nhồi máu cơ tim, rối loạn mạch não, tình trạng nghẽn mạch huyết khối (như nghẽn mạch huyết khối tĩnh mạch, nghẽn mạch phổi), viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc huyết khối võng mạc.
Phải ngừng progesteron và tiến hành ngay các phương pháp chẩn đoán và điều trị thích hợp nếu có bất thường về thị giác hoặc đau nửa đầu hoặc trầm cảm tái phát ở mức độ nặng.
9 Liều lượng và cách dùng
9.1 Cách dùng
Progesteron dùng đường uống, dùng trong âm đạo và tiêm bắp sâu. Các chế phẩm chứa progesteron dạng vi hạt cũng được dùng để uống và dùng trong âm đạo.
Nang progesteron uống mỗi ngày một lần lúc đi ngủ (để có thể giảm nhẹ một số ADR của thuốc như hoa mắt chóng mặt, rối loạn thị giác). Dạng gel progesteron dùng trong âm đạo không được dùng đồng thời với các chế phẩm dùng trong âm đạo khác. Nếu cần thiết phải điều trị cùng với các thuốc khác cũng dùng đường âm đạo, phải dùng các thuốc này cách nhau 6 giờ.
Không nên dùng đồng thời viên đặt âm đạo progesteron với các chế phẩm dùng trong âm đạo khác, vì có thể làm thay đổi sự giải phóng và hấp thu progesteron từ viên đặt âm đạo.
9.2 Liều lượng (ở người lớn)
9.2.1 Vô kinh
Tiêm bắp 5 – 10 mg/ngày, trong 6 – 8 ngày liên tiếp. Khi hoạt động của buồng trứng đủ làm tăng sinh nội mạc tử cung, chảy máu kinh nguyệt thường sẽ xảy ra sau 48 – 72 giờ ngừng thuốc. Chỉ sau một đợt điều trị, một số phụ nữ đã có chu kỳ kinh nguyệt tự phát bình thường.
9.2.2 Vô kinh thứ phát
Viên nang uống: Uống mỗi ngày một lần 400 mg vào buổi tối 10 ngày.
Gel dùng trong âm đạo: Mỗi lần dùng 45 mg progesteron (gel 4%) đưa vào trong âm đạo, cách một ngày dùng một lần, tổng cộng 6 liều. Những phụ nữ không đáp ứng với gel 4% có thể dùng gel 8%, mỗi lần 90 mg progesteron, đưa vào trong âm đạo, cách một ngày dùng một lần, tổng cộng 6 liều.
9.2.3 Chảy máu tử cung bất thường do mất cân bằng hormon
Tiêm bắp 5 – 10 mg/ngày, trong 6 ngày. Nếu phối hợp với estrogen thì sau 2 tuần dùng estrogen mới bắt đầu dùng progesteron. Trong khi điều trị với progesteron, nếu kinh nguyệt xảy ra thì ngừng thuốc.
9.2.4 Dự phòng tăng sản niêm mạc tử cung ở phụ nữ sau mãn kinh đang dùng liệu pháp thay thế hormon có estrogen
Uống mỗi ngày một lần 200 mg vào buổi tối trong 12 ngày liên tiếp của chu kỳ 28 ngày (ví dụ uống từ ngày 17 đến ngày 28).
Trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) ở phụ nữ vô sinh bị thiếu hụt progesteron:
Gel dùng trong âm đạo: Mỗi lần dùng 90 mg progesteron (gel 8%) đưa vào trong âm đạo, mỗi ngày một lần. Nếu có thai, có thể tiếp tục điều trị tới 10 – 12 tuần. Hoặc mỗi lần 100 mg (dạng viên đặt âm đạo), ngày 2 – 3 lần, bắt đầu lúc lấy noãn và tiếp tục tới 10 tuần.
Trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) ở phụ nữ bị suy buồng trứng hoàn toàn hoặc một phần, mỗi lần dùng 90 mg progesteron (gel 8%), ngày 2 lần. Nếu có thai, có thể tiếp tục điều trị tới 12 tuần.
Bệnh nhân suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân suy thận.
Bệnh nhân suy gan: Chống chỉ định dùng thuốc trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan.
10 Tương tác thuốc
Tránh dùng đồng thời: Dabigatran etexilat, Rivaroxaban, silodosin, topotecan.
Tăng tác dụng/độc tính: Ketoconazol ức chế mạnh CYP3A4, giảm chuyển hóa và tăng tác dụng của progesteron.
Các progesteron có thể ức chế chuyển hóa của cyclosporin dẫn đến tăng nồng độ của cyclosporin trong huyết tương và có nguy cơ nhiễm độc cyclosporin.
Các progesteron ảnh hưởng đến tác dụng của Bromocriptin.
Giảm tác dụng: Các chất gây cảm ứng mạnh CYP3A4 (carbamazepin, Griseofulvin, Phenobarbital, Phenytoin, Rifampicin) có thể làm tăng Độ thanh thải của progesteron và giảm tác dụng của progesteron. Phối hợp progestin với estrogen có thể gây sai lệch kết quả các test đánh giá chức năng tuyến giáp, chức năng gan, đông máu, chức năng nội tiết và test metyrapon. Sự phối hợp này cũng làm giảm bài tiết pregnanediol.
Cập nhật lần cuối: 2018
Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3
11 Progesterone có thể tăng cơ hội có con cho các cặp vợ chồng vô sinh không rõ nguyên nhân
Theo dữ liệu từ thử nghiệm PiNC (Progesterone trong Chu kỳ Tự nhiên) ở các cặp vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân đang mong muốn được làm cha mẹ có thể được hưởng lợi từ việc điều trị bằng progesterone, điều này có thể làm tăng tỷ lệ sinh sống và giảm tỷ lệ sảy thai xuống gấp đôi.
Trong một nghiên cứu thuần tập gồm 143 cặp vợ chồng, 15 trong số 72 phụ nữ (15,3%) được hỗ trợ Progesterone trong giai đoạn hoàng thể (nhóm điều trị) đã sinh con so với chỉ 10 trong số 71 phụ nữ (7,0%) không nhận được hỗ trợ trong giai đoạn hoàng thể. (nhóm kiểm soát). Điều trị bằng progesterone tăng gấp đôi khả năng sinh nở thành công (tỷ lệ chênh lệch [OR], 2,38, khoảng tin cậy 95 phần trăm [CI], 0,78–7,24). [ESHRE 2023, tóm tắt O-023]
Các nhà điều tra cho biết mặc dù tỷ lệ sinh sống tăng hơn gấp đôi và tỷ lệ sảy thai giảm một nửa khi điều trị, nhưng những con số nhỏ có nghĩa là điều này có thể xảy ra một cách tình cờ.
Tiến sĩ Claudia Raperport, nhà nghiên cứu tại Đại học Queen Mary ở London, London, Vương quốc Anh cho biết : “Chúng tôi cần nghiên cứu thêm để chứng minh những kết quả này ở một nhóm người lớn hơn, nhưng thử nghiệm PiNC cho thấy một phương pháp điều trị tiềm năng cho các cặp vợ chồng có khả năng sinh sản không rõ nguyên nhân”.
Nồng độ progesterone tăng cao xảy ra vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị cho tử cung mang thai. Tuy nhiên, mức progesterone cao không phải lúc nào cũng đảm bảo niêm mạc tử cung khỏe mạnh. Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai.
Cô ấy nói thêm: “Có thể việc điều trị cho phụ nữ bằng progesterone âm đạo đang giúp tử cung trở nên dễ tiếp nhận trứng đã thụ tinh hơn.
Giá rẻ, thay thế không xâm lấn
Các phương pháp điều trị hiện có được khuyến cáo để điều trị vô sinh không rõ nguyên nhân là thụ tinh trong tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm/tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (IVF/ICSI). Cả hai phương pháp đều tốn kém và yêu cầu thủ tục xâm lấn.
Ngược lại, điều trị bằng progesterone không tốn kém, với chi phí ước tính cho 3 tháng điều trị là khoảng 200 EUR hoặc ít hơn, theo Raperport. “progesterone … cũng mang lại ít rủi ro lâm sàng hơn, cũng như gánh nặng về thể chất và tinh thần cho các cặp vợ chồng liên quan.
Bà tiếp tục: “Phương pháp điều trị được nghiên cứu ở đây là một lựa chọn đơn giản, không xâm lấn và không tốn kém, được chấp nhận đối với các cặp vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân và có thể làm tăng cơ hội mang thai và sinh con của họ”. “Với tính an toàn và giá thấp của progesterone, việc cung cấp phương pháp điều trị này trong thời gian chờ đợi sẽ không có hại gì.”
Raperport tin rằng nếu progesterone âm đạo được chứng minh là mang lại tỷ lệ sinh nở thành công tương tự như thụ tinh trong tử cung được kích thích, thì việc điều trị bằng hormone có thể sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều cặp vợ chồng trên toàn thế giới.
Đối tượng nghiên cứu bao gồm các cặp vợ chồng có phân tích tinh dịch bình thường (WHO 2020), rụng trứng đều đặn, ống dẫn tinh hai bên, bạn tình là nữ ít nhất 42 tuổi và có chỉ số khối cơ thể không quá 30 kg/m 2 . Tất cả các cặp vợ chồng đều sử dụng bộ dụng cụ thử rụng trứng để lên kế hoạch giao hợp trong ba chu kỳ kinh nguyệt.
Những phụ nữ trong nhóm điều trị nhận được progesterone 400 mg qua thuốc đặt âm đạo hai lần mỗi ngày trong 14 ngày. Mỗi cặp vợ chồng tham gia trong ba chu kỳ kinh nguyệt, và họ được theo dõi cho đến khi kết thúc chu kỳ không quan niệm thứ ba hoặc cho đến khi sinh.
12 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Jairia Dela Cruz (Đăng ngày: Ngày 13 tháng 8 năm 2023). Progesterone may raise chances of having a baby for couples with unexplained infertility, Mins. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2023.